Bà la môn nọ muốn mở đại hội nên bảo học trò "Ta cần nhiều đồ sành, chú ra chợ tìm mướn về cho ta một người thợ gốm". Người học trò đến nhà thợ gốm, vừa lúc thợ gốm dùng lừa chở đồ gốm ra chợ bán, chẳng may lừa kia trật chân làm bể cả, thợ gốm về nhà khóc kể. Người học trò hỏi "vì sao lại than khóc áo não như vậy". Thợ gốm đáp "tôi cần khổ bao lâu làm các thứ này, chẳng may bị con lừa ác này trong phút chốc làm bể cả, nên hết sức sầu buồn". Người học trò nghe xong hoan hỷ suy nghĩ, con lừa này thực là đặc biệt, những thứ lâu ngày mới làm thành, nó chỉ trong phút giây hủy sạch, ta phải mua về cho thầy. Thợ gốm hoan hỷ bán ngay con lừa. Người học trò cưỡi lừa về, vị thầy hỏi "thợ gốm đâu không mang về đây, mà cưỡi lừa về làm gì?". Người học trò thưa "con lừa này thắng thợ gốm xa, thợ gốm làm mọi món đồ lâu ngày mới xong, lừa này phá hủy trong giây lát". Vị thầy mắng "chú ngu si vô trí, lừa này có thể phá hỏng mọi thứ trong giây lát nhưng đến trăm năm nó cũng chẳng làm nên một thứ gì".
Thế nhân cũng vậy tuy trăm ngàn năm được người cúng dường, đã không chút báo đền, lại gây tổn hại, không hề tạo chút ích lợi nào cho tha nhân, người bội ân cũng giống như con lừa trong câu chuyện vậy.
Lời Bình:
Thợ gốm dụ cho người tu học, con lừa dụ cho phương tiện. Người tu học khi đã có phương tiện tốt trong tay, không nên chủ quan cho là phương tiện chắc chắn sẽ đưa mình đến đích, phải biết rằng phương tiện sẽ tốt đẹp để đưa ta đến đích cũng nhờ vào sự bảo trì và hướng dẫn « phương tiện » của trí huệ. Nếu vô trí để « phương tiện » hư hoại, thì hậu quả sẽ ngược lại biến thành tai họa như con lừa vậy, chỉ cần xẩy chân là bao nhiêu công sức của chủ tiêu tan trong giây lát. Người tu chỉ một miệm tư duy sai lầm hay lơ là, « phương tiện » sẽ đi lạc hướng, khiến bao nhiêu công phu đều hư hoại.
Bà la môn dụ cho Phật, đệ tử dụ cho chúng ta, thợ gốm dụ cho trí huệ, con lừa dụ cho ma ngũ dục. Gã đệ tử có hai vấn đề, thứ nhất do phan duyên nên quên mục đích chính, như người ngu khát nước. Sở dĩ bị phan duyên do nơi thiếu định tâm, thiếu định nên tâm bị cảnh mê hoặc diệt mất trí huệ, thành tà tư, khiến nẩy sinh ý tưởng con lừa có khả năng chỉ dùng một sát na, phá tan một năm công phu của thợ gốm, như vậy thợ gốm làm một năm, mới bằng một sát na của con lừa, như thế thay vì mời thợ gốm, chẳng bằng đem lừa về. Thứ hai do tà tư nên hành theo tà tư, đó là hành động sai lầm, đổi thợ gốm lấy con lừa, gọi là tà tu. Người tu mà sinh tà tư hành tà tu, là chỉ vì do nơi đối với bậc sư trưởng không y giáo phụng hành, tự tác thông minh làm theo ngu kiến của mình. Tư duy hướng dẫn hành động, nên trước tư sau hành, tư đúng thì hành trúng (trì giới), tư sai thì hành bậy (phạm giới). Vị thầy bảo đệ tử đi tìm thợ gốm, như Phật bảo ta đi tìm trí huệ, nhưng người đệ tử không nghe lời thầy tìm thợ gốm mà vác lừa về, chỉ vì u mê nghĩ lừa hơn thợ gốm, khác nào Phật dậy đồ chúng cầu tìm trí huệ, mà chung cục vác toàn danh văn lợi dưỡng về.
Gã đệ tử không hiểu ý thầy, tìm thợ gốm để làm bình bát, chỉ nhìn theo cái biết phan duyên của mình, phân biệt hơn thua, thấy lừa phá giỏi, cho là hữu dụng hơn thợ gốm, mà không thấy mặt vô dụng của lừa, nên hí hửng đem lừa về thay vì thợ gốm. Gã không nhận ra về phương diện làm đồ sứ, lừa vô dụng, mặt hữu dụng phá bể của lừa không cần đến trong trường hợp này. Hữu dụng hay vô dụng còn tùy thuộc hoàn cảnh hay trường hợp. Dụ như nông dân lên phố mua xe cầy, nhưng thấy xe hơi chạy nhanh hơn và sang đẹp hơn xe cầy, nên mua xe hơi đem về cầy thì thất bại lớn, trong phố xe hơi thật nhanh và tiện lợi, nhưng trong ruộng thì thật là của nợ. Bản chất của sự vật vốn bất động, chẳng thật sự là lợi hay hại, chỉ tùy theo hoàn cảnh, hễ khế duyên thì hữu dụng, và nghịch duyên thì vô dụng. Do vậy nếu chính tư duy quán sát nhân duyên đúng thật, tất dùng phương tiện trí sử dụng các pháp đúng theo nhân duyên tất pháp nào cũng thành hữu dụng, thành Phật pháp, tự lợi tha, ngược lại nếu do vô trí sử dụng không đúng nhân duyên tất sẽ chịu hậu quả thất bại thảm hại.
Người tu thiếu tư duy cũng giống như gã đệ tử này, dễ bị phan duyên làm vong thất sơ tâm. Ban đầu xuất gia cầu đạo giải thoát, chưa thấy giải thoát, nhưng đã thấy ngũ dục, và thấy biết bao người trước ta tu bao năm tháng rồi cũng chạy theo ngũ dục, nên thấy ngũ dục mạnh và hay hơn pháp giải thoát, vì vậy đổi giải thoát lấy ngũ dục, mà không hiểu rằng ngũ dục có khả năng phá hỏng đạo nghiệp tu hành bao năm trong một niệm, nhưng ngũ dục đến ngàn năm vẫn không thể tạo nên chút công đức giải thoát vô lậu nào. Ngũ dục như con lừa, đối với sự nghiệp giải thoát, ngũ dục hoàn toàn vô dụng, và chỉ có tác dụng phá hoại và gây chướng ngại. Người tu ngưỡng mộ ngũ dục khác gì gã đệ tử cảm phục con lừa hơn là thợ gốm.
Người tu dùng chính tư duy quán sát đúng thật mọi nhân duyên, nhờ vậy thành phương tiện thiện xảo, sử dụng được hết mọi nhân duyên, khiến duyên nào cũng thành duyên Phật pháp, nên kinh Kim cương nói « nhất thiết pháp giai thị Phật pháp ».
Lại nữa thợ gốm như vị thầy, con lừa như học trò, người học trò giỏi giúp vị thầy thành tựu sự nghiệp độ sinh, trái lại học trò ngu dốt có thể làm tiêu tan sự nghiệp của vị thầy. Chả vì thế mà Như lai không khỏi ân cần dặn bảo chúng đệ tử trong ba đời đừng "xẩy chân" làm hư hoại giáo pháp của ngài, như con lừa làm bể sạch công trình của thợ gốm. Các bậc minh sư cũng chỉ dặn dò đồ chúng nối tiếp sự nghiệp hoằng pháp không để thất truyền giáo pháp của chư Phật tổ sư.
Ngày nay người tu thường nghĩ rằng chỉ cần trau giồi hình tướng bên ngoài, là đủ để thiên hạ kính trọng và cúng dường (đản chỉnh oai nghi, dĩ chiêu lợi dưỡng), đó là lợi ích cho ta, mà không hề nghĩ rằng mọi tư duy, nói năng hay hành động của ta là vì lợi ích cho chúng sinh. Thế nên suốt đời làm gánh nặng cho chúng sinh, mà chưa từng trả được ân bằng sự giáo hóa khai mở trí huệ cho tha nhân. Người tu như thế khác nào con lừa vô dụng trong câu chuyện này.