Home > Khai Thị Phật Học > Don-Cay-Tim-Qua
Đốn Cây Tìm Quả
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Vua có một cây cổ thụ cao lớn, thường trổ quả thơm ngon, bấy giờ có vị khách quí đến thăm. Vua nói « cây này sắp ra quả, rất thơm ngon, ta sẽ cho ông nếm thử ». Khách đáp « cây này to lớn, có muốn ăn quả cũng không sao hái được ». Vua liền cho đốn cây để hái quả, nhưng tìm không ra quả, chỉ nhọc công phí sức, chung cục muốn trồng lại cây như cũ thì cây đã chết khô vì đứt rễ.

Thế gian cũng vậy, Như lai pháp vương có cây trì giới năng sinh thắng quả, nếu sinh tâm ưa thích, muốn được hưởng quả, phải trì giới tu công đức, do không hiểu phương tiện nên hủy phạm giới cấm, như người chặt cây, muốn trồng trở lại, tất nhiên không được, người phạm giới cũng y như vậy.

Lời Bình:

Thế gian có nhiều thứ giới, Ma cũng có giới của ma, đảng cướp cũng có giới luật của chúng. Tùy theo sức tư duy mà chọn lựa giới, người thiện thích giới thiện, kẻ ác thích giới ác, do tư duy chọn giới để thọ, còn giới không tự chọn được. Tất cả những giới này đều không được gọi là chính giới. Vậy chính giới là gì, nền tảng của giới là nhân quả, muốn được quả nào thì gieo nhân đó, và tránh gieo sai nhân, cũng như cầu sai quả. Để cầu quả chân chính có thật đức năng, phải tu hành gieo nhân tương ưng, muốn như vậy ắt cần đến ba điều kiện sau.

1/  Trí huệ quán chiếu đúng thật quả chân chính là thế nào, như đức Phật quán quả diệt đế, biết đúng thật diệt đế rồi, quán nhân đúng thật, tức đủ thật đức năng để thành quả diệt đế, đó là nhân đạo đế. Đây là nhân quả giác ngộ.

Chính tư duy gồm hai nghĩa, thứ nhất lấy nhân quả thiện pháp làm nền tảng tư duy để trạch pháp (chọn lựa), thứ hai tư duy quán chiếu đúng thật nhân quả, tức nhận chân được quả này đúng thật là gì, và nhân nào đưa đến quả này, như đức Phật quán 12 nhân duyên và tứ diệu đế. Phàm do quán không đúng quả, cho quả khổ thế gian là vui, nên tạo sai nhân, như nhà vua đốn cây, gọi là tà tư duy.

Quả chân chính tức quả có ba đức tính thật đức và năng. Thật tức chân thật không hư ngụy điên đảo, đức tức chân chính, năng tức thanh tịnh. Không hư ngụy điên đảo nên còn gọi là giác tức Phật, chân chính không hư dối tức chính nhân chính quả, còn gọi là pháp, thanh tịnh không tà hành, tức không tạo tác sai nhân quả và không hành các phi chính nhân, còn gọi là tăng.

2/  Sau khi nhận chân được chính nhân chính quả rồi, tất ra sức thực hiện chính nhân. Như người trồng cây, từ khi ươm hạt cho đến khi ra quả phải ra sức vun bồi, chăm sóc cho đến khi ra quả, không được lơ là vứt bỏ. Người tu học cũng vậy từ khi ươm hạt tức sơ phát tâm, cho đến thành bồ đề quả phải nỗ lực tăng trưởng công đức thiện pháp, không được lơ là cho đến tạm bỏ, tức không thối thất hay vong thất, cho đến khi thành quả bồ đề. Từ sơ phát tâm gieo nhân cho đến thành quả không được phép thối thất sơ phát tâm (bỏ dở hay gián đoạn) như chạy theo ngũ dục hoặc sinh biếng nhác rong chơi, cũng không được vong thất (quên mất) sơ phát tâm, như người ngu khát nước. Kinh Hoa Nghiêm dậy « vong thất bồ đề tâm tu chư thiện nghiệp thị danh ma nghiệp » (quên mất bồ đề tâm, tu mọi thiện nghiệp đều thành nghiệp của ma). Tổ 11 của Liên tông là Tỉnh Am nói « vong thất còn thành nghiệp ma, hà huống không phát ». Không phát bồ đề tâm tất cử chỉ động niệm đều là nghiệp tội như kinh Địa tạng dậy « Chúng sinh Nam diêm phù đề, cử chỉ động niệm, vô phi thị nghiệp, vô bất thị tội ». Để không vong thất hay thối thất phải cần tu định lực. Để gieo trồng chăm sóc, vun bồi chính nhân tức nhân thanh tịnh, không cho đoạn diệt phải cần tu giới lực. Hành chính nhân thành chính quả tức tu nhiếp thiện pháp giới (hành nhất thiết thiện).

3/  Để nguyện tu nhất thiết thiện viên mãn, hành giả phải cần tới chính tư duy quán sát chính xác mọi pháp trước khi hành, để tránh không nhầm lẫn tà với chính, hoặc ngoại đạo tà giáo với chính giáo, và ác pháp với thiện pháp, như vậy để giúp hành mọi thiện pháp một cách đúng thật, cần phải đoạn nhất thiết ác, nếu ác không đoạn sạch tất sẽ trà trộn trong ba nghiệp, cản trở việc hành nhất thiết thiện.

Nhất thiết ác không gì khác hơn là quả khổ do nhân vô minh gây nên. Cần phải vận dụng chính tư duy để quán chiếu đúng thật quả khổ, và nhân gây nên quả khổ, để đoạn trừ nhân của các pháp khổ. Như đức Phật quán 12 nhân duyên, phát nguyên từ vô minh và quả khổ hiện tiền của nhất thiết chúng sinh, đó là quả sinh tử khổ của 12 nhân duyên và quả khổ của tứ diệu đế. Tư duy đúng thật nhận ra quả khổ và nhân gây khổ gọi là tập. Nhận ra khổ tập, nhờ chính tư duy, nên đoạn khổ tập bằng đạo đế (bát chính đạo), đó là đoạn diệt các nhân quả ác, gọi là nhiếp luật nghi giới.

Như vậy có thể nói trì giới đúng thật là khởi tư duy từ thiện pháp (giới), quán sát đúng thật nhân quả của thiện, để hành nhất thiết thiện, và quán sát đúng thật nhân quả của ác để đoạn nhất thiết ác. Do hành thiện đoạn ác chứng được cảnh giới thanh tịnh an lạc, thành tựu hạnh tự lợi lợi tha.

Trong câu chuyện này, vua dụ cho người tu, khách dụ cho bổn đạo, cây dụ cho giới pháp, quả dụ cho thắng quả. Vua chỉ biết thích và tham quả, muốn hưởng quả, lại đi chặt cây, cây chết thì quả diệt, tham quả diệt nhân là bệnh của chúng sinh.

Như người tu hành trì thiện giới được chút công đức hơn người, nên được tín đồ cung kính lại thêm cung dường, do đó sinh tâm tham thích quả « phúc báo » này, chỉ lo mải mê tìm quả, lơ là củng cố nhân, thay vì do chính tư duy nhận chân quả đó chỉ là quả tất yếu do nhân thiện giới sinh, nên nếu thích quả thì phải lo gìn giữ tăng trưởng nhân tất quả sẽ theo nhân như bóng theo hình, chỉ cần trưởng dưỡng nhân, chẳng cần bận tâm quả, mà quả vẫn thành, nên nói người trí ái nhân bất ái quả. Đây là điều ngài Văn Yển nói « Tận đại địa thị dược » (không gì chẳng là thuốc). Phàm phu trái lại đang hành thiện được chút quả phúc, liền bỏ nhân lấy quả, khác nào người đốn cây tìm quả, chỉ được quả một lần, mất hết công phu vun trồng, cũng như quả tốt trong tương lai, đó là diệt tận nhân quả, người tu vô trí hễ sinh tâm tham quả, cũng giống như vậy, tự mình chặt đứt nhân quả tốt lành của mình. Gọi đây là « tận đại địa thị bệnh » (không gì chẳng là bệnh).

Ngay đến Nho gia ngày xưa, một số người gieo nhân học đạo thánh hiền, được quả làm quan, đạt quả rồi quên nhân, làm toàn điều gian ác trục lợi, khác gì chặt cây thánh hiền, chung cục bị tội tham ô, mất hết nhân quả tốt, lãnh thọ nhân quả ác. Khác gì người tu Phật, mê quả diệt nhân, như nhà vua vô trí trong câu chuyện này.