Có hai con quỷ Tỳ xá xa tranh nhau một cây gậy, một chiếc rương và một đôi dép, khi ấy có người đi ngang qua lấy làm lạ hỏi "rương gậy và dép này có gì đặc biệt mà hai vị phải tranh cãi dữ vậy". Hai quỷ đáp "rương này năng sinh mọi đồ ăn y phục, giường chiếu, đầy đủ các món vật dụng. Nếu có gậy này trong tay thì mọi oán địch đều chịu khuất phục không dám tranh chấp; dép này có thể phi hành đến mọi nơi không hề chướng ngại". Người này nghe xong liền bảo "Hai vị tránh ra để tôi chia đều cho cả hai". Hai quỷ liền lui ra xa, người kia liền vác gậy, ôm rương xỏ dép vừa đi vừa nói "bọn ngươi tranh cãi nay ta đem đi cả, thì khỏi phải tranh nữa" trước sự ngỡ ngàng của hai quỷ.
Tỳ xá xa dụ cho chúng ma và ngoại đạo. Rương dụ cho bố thí, mọi tư dụng trong lục đạo đều do từ đây mà ra. Gậy dụ thiền định, hàng phục nhất thiết phiền não ma oán. Dép dụ trì giới, thăng lên nhân thiên. Chư ma ngoại đạo tranh rương dụ cưỡng cầu quả báo trong hữu lậu, chung cục không đạt được gì. Nếu khéo tu hành thiện hành cùng bố thí trì giới thiền định ắt được thoát khổ, thành tựu đạo quả.
Lời Bình:
Câu chuyện nêu lên hai vấn đề chủ yếu, công đức của Phật pháp, và không thể dùng tà tâm tà hành đạt được công đức. Chư Phật có vô lượng pháp, mỗi pháp đều là nhân sinh ra quả công đức, do đó chư Phật có vô lượng công đức. Vì vậy không thể diễn bầy hết công đức của Phật pháp được, nên câu chuyện chỉ nêu tượng trưng công đức của ba pháp bố thí, thiền định và trì giới.
Bố thí là pháp đứng đầu trong sáu pháp qua bờ kia (lục độ). Cảnh giới của chúng ta thuộc bờ bên này, tính chất của bờ này là khổ và họa, vì vậy chúng sinh cần đến nhiều sự cầu nguyện, tu phúc để tránh họa trốn khổ. Xét trong lục đạo thì nhân loại là ít khổ hơn so với bốn đường dưới, vậy mà chúng ta còn phải cần đến tâm từ bi cứu khổ của Quan âm bồ tát, nên địa vị của ngài trở thành tối tôn trong tâm chúng ta, nhìn lên ta thấy cõi thiên là hạnh phúc, cũng như tam ác đạo nhìn cõi nhân quá an lạc, một kẻ ở địa ngục, một ngạ quỷ hay một con vật bị đem mổ thịt đều thấy rằng thà làm một kẻ ăn mày bịnh hoạn còn hơn thân phận nơi tam ác đạo, song con người vẫn cảm nhận khổ nhiều vui ít. Như vậy cõi thiên cũng sẽ chỉ sung sướng với cái nhìn của 5 cõi thấp hơn, còn ngay bản thân của chư thiên vẫn khổ với vô thường (ngũ suy tướng hiện) và không hoàn toàn như ý. Nhưng làm thế nào phân định được 6 cõi?. Dùng phúc lực để phân, vô phúc thì ở ba tầng thấp, hạ phẩm thì địa ngục, trung phẩm thì ngạ quỷ, thượng phẩm thì súc sinh, còn nếu hữu phúc thì thượng phẩm sinh thiên, trung phẩm sinh nhân, hạ phẩm sinh A tu la. Nhưng từ đâu sinh phúc? Hẳn nhiên do nơi Từ tâm vị tha bất vị kỷ. Vị tha đồng với tinh thần trọng nhân khinh ngã, vị tha dẫn đến thiện nghiệp, thường hay cứu giúp tha nhân, nên hay xả thí mọi thứ nơi ta để lợi lạc tha nhân. Vị tha ngăn chận ác nghiệp, do tâm cứu tế, nên không khởi tâm tranh đoạt của người, và không mưu cầu lợi dưỡng. Do vậy tâm vị tha thường tăng trưởng thiện nghiệp, ngăn chặn ác nghiệp, nhờ vậy ác nhẹ thiện nặng gọi đây là phúc. Tùy theo phúc nhiều ít mà sinh lên các cõi cao. Bồ tát thiện thần cũng như những người hữu phúc ở thế gian thường hành tâm vị tha, tức bố thí mọi thứ để trừ khổ cho tha nhân, vì thế cảnh giới của những vị này tối thắng tức an lạc thanh tịnh, hay gọi là bờ kia.
Do đâu thành vô phúc? Tất nhiên do tâm vị kỷ bất vị tha. Vị kỷ đồng với tinh thần trọng ngã khinh nhân, vị kỷ dẫn đến ác nghiệp, mưu lợi cho ta, nên sinh tâm cướp đoạt của người. Vị kỷ chướng ngại thiện pháp, do chỉ biết ta mà không màng đến tha nhân, không sẵn lòng cứu giúp. Vì vậy tâm vị kỷ thường tăng trưởng ác nghiệp, ngăn chặn thiện nghiệp, do vậy ác nặng thiện nhẹ, gọi đấy là vô phúc. Tùy theo sức nặng của ác nghiệp mà chìm sâu hay nông trong tam ác đạo. Chúng sinh trong tam ác đạo bần cùng từ tinh thần đến thể xác, chỉ biết cầu xin tha nhân cứu giúp, cho đỡ phần cơ cực, muốn hành bố thí cũng rất gay go, hạnh phúc của họ hoàn toàn dựa vào tâm bố thí của tha nhân. Tâm bố thí trở thành thiện pháp cứu độ cho tam ác đạo. Những chúng sinh chỉ biết van xin trông cậy vào tinh thần bố thí để vơi khổ, đều sống trong tam ác đạo. Nhân là cảnh giới phúc họa đồng cư, là nơi tuyển chọn của năm cõi kia, nhân loại có cơ hội để chọn lựa cảnh giới sẽ thác sinh trong tương lai, nếu gieo thiện nghiệp bố thí, tất sẽ sinh thiên hay vãng sinh về các Phật quốc, bằng ngược lại gieo ác duyên tranh đoạt lợi dưỡng, thích xin và nhận hơn là cho và xả, nếu tâm đó nặng thì sinh tam ác đạo, nhẹ thì sinh a tu la hay nhân.
Bố thí là pháp cứu khổ chúng sinh, mà đức bổn sư đã hành trong vô lượng kiếp, nhờ vậy thành tựu vô lượng công đức cùng bồ đề đạo quả, nên gọi bố thí là pháp qua bờ kia, bố thí ba la mật đa.
Nhờ gieo nhân bố thì thành tựu sở cầu cho chúng sinh nên tự được quả thành tựu mọi sở nguyện, trong câu chuyện này ví như rương bảo năng sinh ra mọi vật dụng khiến chủ nhân băng qua được cảnh giới bần cùng túng thiếu.
Hai quỷ Tỳ xá na dùng tâm vị kỷ tranh giành làm nhân để mong được quả công đức của bố thí, nên càng giành càng gây chướng ngại cho việc đắc quả bố thí. Sở dĩ gọi là quỷ cũng vì sống mãi trong tâm vị kỷ, tranh danh đoạt lợi hằng bao kiếp, kết quả của những sự đấu tránh không đắc được gì ngoài đắc "quỷ thân". Song chúng vẫn không chút giác ngộ sự thật này, vẫn tiếp tục mưu cầu những thứ chúng thèm thuồng mà không bao giờ có được, vì sao? Vì bằng tâm quỷ, tức tâm bất chấp thủ đoạn tranh đoạt của nhau để rồi chung cục do gieo nhân này quỷ vẫn hoàn quỷ, thèm muốn vẫn hoàn thèm muốn, chưa từng được no đủ cơn khát dục.
Người tu hành nếu sinh tâm quỷ, tức chỉ thích được quả mà không muốn gieo nhân, hay cầu quả bằng cách gieo nhân theo tâm quỷ, mưu mô tính toán để đoạt lợi, như trộm Phật hình nghi, ngoại tướng nghiêm chỉnh dối gạt tha nhân, dù có đạt được lợi dưỡng, nhưng cũng chỉ là ngũ dục nhất thời mà không phải rương bảo của thiện pháp bố thí, thọ dụng vĩnh hằng. Dụng tâm quỷ dối gạt người, được chút ngũ dục, đổi lại ác nghiệp tăng trưởng, phải trả món nghiệp nợ này trong tương lai, như năm vị tu sĩ trong kinh Vị tằng hữu. Dùng tâm quỷ mưu đoạt quả đức tu hành tất thành ma quỷ, chư Phật bồ tát dùng thiện pháp vun trồng quả đức, ma quỷ dùng tâm tranh đoạt mưu được quả đức, do hai hành này nơi tâm mà thành Phật hay thành ma, như bài kệ của thiền sư Trư Đầu đời Tống "Tạc nhật dạ xoa tâm, kim triêu bồ tát diện, bồ tát dữ dạ xoa, bất cách nhất điều tuyến (hôm qua tâm dạ xoa, hôm nay mặt bồ tát, bồ tát và dạ xoa, không cách nhau mảy may).
Thiền định được ví như gậy bảo trong câu chuyện, gậy thiền định năng hàng phục mọi ma oán. Thiền định sử tâm bất động, tâm bất động là tâm Phật, tâm loạn động là tâm ma quỷ. Do sức định mà tính loạn động của ma quỷ không quấy nhiễu hay xâm phạm được, như trong phẩm Tọa thiền, kinh Bảo đàn, Lục tổ Huệ năng dậy "ngoại ly tướng vi thiền, nội bất loạn vi định", nên ma quỷ bị hàng phục. Đạt được sức thiền định này tức tự thắng mình, đó là chiến thắng tối thượng như đức Phật dậy "Dầu tại bãi chiến trường, thắng cả ngàn kẻ địch, không bằng chiến thắng mình, thật chiến thằng tồi thượng. Dầu thiên thần thát bà, hay ma vương phạn thiên, không ai chiến thắng nổ, người tự thắng như vậy".
Để được công đức thiền định bất bại này, thay vì tu định khiến tâm bất động, hai quỷ động niệm tham tâm khởi loạn hành pháp đấu tránh, phá tan định lực, cho dù dùng tà định tập trung để mưu đoạt, thì cũng chỉ đoạt được lực tà định, một lực định yếu kém tạm thời, tà định này có công năng cao thấp, nên có hơn thua, nhưng không phải định tự thắng bất động và vô nhiễm, mà là một thứ định dẫn đến vọng nghiệp tăng trưởng, tâm thường động loạn vì tham luyến sự vật, trở thành nô lệ của ái dục, thay vì hàng phục dục ma, do đó càng xa lìa quả định. Khác nào giết định cầu định như chuyện ngu giết con cầu con.
Giới được ví như đôi dép đi đến tự tại khắp mọi nơi, nhờ giới mới đến được cảnh giới thanh tịnh tức bờ bên kia, mà đôi chân không thể đến được, nếu không nương đôi dép giới. Phật dậy, giới là chỗ trú an ổn nhất cho chúng sinh, giặc phóng túng giết hại chúng sinh trong bao đời, chỉ nhờ giới mới bình an trước giặc này. Nhờ giới đưa đến thân tâm thanh tịnh, thân tâm là chính báo, chính báo tịnh tất y báo tịnh, nên đến được cảnh giới thanh tịnh, như kinh Duy ma dậy, Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh. Y báo chỉ tùy thuận chính báo như bóng theo hình, vì vậy muốn được y báo thanh tịnh an lạc tất phải tu tập thiện giới để được chính báo trang nghiêm. Chúng sinh mong cầu y báo an lạc bằng phóng túng phi thiện giới, nên dù cầu an lạc, cũng vẫn chiêu quả khổ, giống như hai quỷ muốn được quả đức tự tại đến đi, bằng cách khởi tâm đấu tranh, càng dành càng xa quả đức này, quỷ không biết do vô tranh thì được quả đó. Vô tranh như không thủ, quả đức như bả sừ đầu. (bất động như bộ hành, biến khắp như kị thủy ngưu).
Kẻ chiếm đoạt bảo vật của hai quỷ dụ cho tâm bất thiện, chính tâm này đoạt mọi bảo vật khỏi tầm tay của chúng sinh, (nếu đừng khởi tâm bất thiện tất giữ được bảo vật.).