Giết Hết Đàn Bò
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Một người chăn đàn bò 250 con, mỗi ngày đưa ra bãi cỏ, nuôi dưỡng đàn bò rất chu đáo, một hôm bị cọp bắt mất một con. Người này suy nghĩ, mất hết một con, đàn bò không còn toàn vẹn nữa, chăn làm gì nữa, nên lùa bò đến bờ vực, giết sạch đàn bò.

Phàm phu ngu nhân cũng giống vậy, giữ gìn cấm giới của Như lai, lỡ phạm một giới, không sinh tàm quý, phát tâm sám hối, lại nghĩ rằng, ta đã phạm một giới, giới đã không còn đầy đủ, giữ làm gì nữa. Nên phá toàn bộ giới như ngu nhân giết sạch đàn bò.

Lời Bình:

Tâm chúng sinh có hai xu hướng, phát sinh thiện pháp, và phát sinh ác pháp. Phát sinh thiện pháp gọi là lương tâm, lương tâm là nền tảng của thiện hay giới pháp. Có lương tâm tất có thiện pháp, còn lương tâm tất còn thiện pháp. Phát sinh ác pháp gọi là vô lương tâm, tâm này là nền tảng của mọi ác pháp, nên sám hối kệ nói "tội tùng tâm khởi", hay "tâm nhược diệt thời tội diệc vong" có nghĩa tội phát sinh từ tâm bất lương, nếu tâm này bị diệt ắt tội cũng tiêu trừ. Tâm tức tội, tội tức tâm. Phạm hay trì giới đều do nơi tâm chủ động, nếu lưong tâm làm chủ ắt trì giới không mất, nếu tâm bất lương làm chủ ắt phạm giới, nếu phạm mà lương tâm vực dậy tất sinh tàm quý và sám hối, nếu lương tâm chết hẳn tất vô tàm vô quý, và tiếp tục thao túng giới pháp thành công cụ của tham dục. Như câu chuyện thứ 14 giết người hướng đạo. Lương tâm là người hướng dẫn cho thiện pháp, nếu bị giết để tế thần ngũ dục thì chắc chắn ba nghiệp sẽ rơi vào sáu nẻo không tìm ra lối thoát. Vì vậy phạm giới có thể phân làm hai hạng.

1. Hạng thứ nhất cố ý phạm giới vì không cưỡng được tham dục, hạng này do "minh tri cố phạm" nên thường che dấu, không dám sám hội, vì vậy sẽ không ngại phạm thêm giới, như câu chuyện để xác trong nhà thứ 6, càng phạm càng dối trá để che đậy nên lương tâm bị diệt, dấn sâu vào ác nghiệp, phá toàn bộ giới thể. Hạng này không sao hồi đầu, coi như không thể phục giới, vì lương tâm đã chết.

2. Hạng thứ hai vô ý phạm giới, hoặc nhất thời vì vô minh phạm giới, lương tâm cắn rứt, phát sinh thành hai thái độ, một là phát lồ sám hối, cải quá tự tân, hai là buông xuôi vì mặc cảm phạm lỗi, tự thất vọng với chính mình, nên tự dầy vò bằng cách buông bỏ, hạng người này hay lý tưởng, mà nay lý tưởng bị tổn hại, nên thất vọng bỏ hết. Tuy nhiên hạng này vẫn có lương tâm.

Lương tâm là gốc rễ của thiện và giới pháp, nên có phạm giới mà lương tâm còn thì vẫn có khả năng phục hồi giới, như cây hoa bị sâu ăn hư hoại, nhưng rễ còn tất có thể cứu vãn. Câu chuyện này khuyên những người phạm giới nhưng còn lương tâm, nếu cố ý diệt trừ lương tâm để theo nhiễm pháp tất không còn cơ hội sám hối phục hồi giới thể được nữa, như cây đứt rễ, như người mất đầu.

Người tu nếu thiếu tư duy bằng lương tâm ắt phạm giới mà chẳng hay, dụ như, do trì giới tu thiện, không tham dục, nên được tín chúng ngưỡng mộ đem đủ mọi ngũ dục dâng cúng, bấy giờ người đó suy nghĩ, do công đức tu hành ta mới được phúc báo ngũ dục này, vì vậy hoan hỷ thụ hưởng ngũ dục (vì thế mà tiên nhân mới bị khoét mắt), khác nào con sói suy nghĩ do phát tâm không sát hại sinh linh nên được quả báo bằng miếng mồi ngon là dê con, quên đi nhân tu hành trừ dục, để rồi hưởng quả dục, nhân quả mâu thuẫn, do tinh thần tiếp thu ngũ dục ngược với giới pháp thành phạm giới, nhưng vô trí không biết đã phạm, và từ phạm một giới lan ra nhiều giới, cho đến hủy diệt toàn thể.

Do đây mới biết lương tâm là nền tảng của giới. Phải hiểu người không lương tâm vẫn có giới, họ ưa thích lãnh thọ tà giới, ác giới, thậm chí cho dù có lãnh thọ giới của Phật đi nữa, vẫn dùng giới thanh tịnh này làm công cụ tăng trưởng ngũ dục để hưởng thụ, rồi lại dùng hình thức giới bề ngoài làm vỏ bọc cho cái vô lương tham dục bên trong, do các nhân duyên này mà sư tử trùng thành hình. Những điều này chứng minh lương tâm còn quan trọng hơn giới trong sự nghiệp trì hay học giới. Có giới mà không lương tâm tất sẽ tự hại và hại người, không giới mà có lương tâm vẫn là những người tốt và tư cách.

Thật chất của giới là để giúp cho con người có lương tâm nếu chưa có, và nếu đã có thì phát triển đến tột cùng, tức một lương tâm không thối chuyển dù phải mất thân mạng, điều này đồng nghĩa với thiện pháp chân chính, tức hành và giữ thiện pháp cho dù mất mạng chứ nhất quyết không mất thiện pháp, đó mới là giới hạnh. Đức Thế Tôn trong bao đời quá khứ tu Bồ tát đạo vì hành thiện pháp hy sinh biết bao thân mạng, đó chẳng là sức trì giới bất thối đấy ư? Phàm nhân y cú nên thấy giới và thiện là hai, họ không hiểu rằng khi đứng trên lập trường thọ giới và giữ giới cố ý để không hành ác, không lợi dụng giới, cũng như để khuyến khích tích cực xây dựng thiện pháp, nên nói rằng "Giới còn là Phật pháp còn" hay "không thọ giới tất đạo quả nan thành", điều này rất chính xác không sai mảy may, thế nhưng do nơi y cú nên ngỡ là chỉ cần thọ giới là xong, và giới là hơn tất cả, nên giữa giữ giới và giữ thiện ta có thể bỏ thiện giữ giới, bởi thiện không bằng giới. Song trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, tiền thân đức Phật đã chọn giữ thiện pháp mà phạm giới sát để cứu 500 thương nhân, thái tử Kì Đà đã chịu phạm bát giới để cứu hai vọng tộc sắp giết chém nhau….

Vì sao đức Phật hay các vị hành Bồ tát đạo chọn thiện hơn chọn giới? Do thiện hơn giới? Không phải vậy, mà thiện chính là giới, giới chính là thiện. Giới và thiện không hai, bất dị mà tức thị. Cũng bởi phàm phu cho giới và thiện là nhị pháp nên tách thiện ra khỏi giới, giới phi thiện tất là tà giới, vì vậy thành lợi dụng giới. Tách giới ra khỏi thiện nên hành thiện có âm mưu tính toán. Do đây mới biết Như Lai bỏ giới hành thiện mà vẫn chưa hề lìa giới, phàm phu khư khư ôm giới mà chưa từng giữ giới.

Luận về 2 chữ "thọ giới". Về mặt sự là hành các nghi quy đối trước tam bảo thọ lãnh các giới điều, nguyện trì giữ thà chết không để mất. Về mặt lý là mở bầy lương tâm, đối trước tâm này nguyện hành trì nhất thiết thiện pháp cho dù tang thân thất mạng hay vào địa ngục đi nữa (với sự và lý chính là xây dựng 2 thiện pháp tàm và quý). Sự lý viên dung, nên Như Lai nhiều kiếp tu hành trong quá khứ vì chúng sinh đã chịu hy sinh mọi sự từ quốc thành thê tử cho đến thân mạng đó chính là hành giới pháp, nếu không giữ và hoàn thành viên mãn thiện giới này thì Phật quả không thành. Trong các kiếp quá khứ ít nói đến sự trì giới điều của Như lai. Phàm nhân không thấy như vậy, nên tách biệt thiện và giới, khiến giới sai thiện hỏng.

Lương tâm có nhiều trình độ, nhưng thù thắng vô thượng chính là Bồ đề tâm. Các bậc lương tâm khác chỉ có khả năng duy trì phát triển giới pháp, riêng Bồ đề tâm đích thực là chính giới, là giới thể, là nhất thiết giới, là nhất thiện thiện pháp. Xét khắp trong các kinh bổn sinh bổn sự chúng ta thấy Thích Tôn trong vô lượng kiếp tu hành từ khi "khai thị" tức bắt đầu phát Bồ đề tâm cho đến "ngộ nhập" thành Vô thượng chính đẳng chính giác, đều trì giữ giới này (Bồ đề tâm), bao nhiêu tiền thân như vậy chả lẽ chưa đủ minh chứng sao? Há lại chỉ "thọ giới điều" mà đủ thành Phật sao? đừng quên chỉ cần những người "thọ giới điều" "vong thất thiện pháp" lập tức thành "sư tử trùng", nói gì đến "vong thất Bồ đề tâm".

Người học hay trì giới mà không nhận chân tất sẽ là oan gia cho giới pháp, làm mọi người phản cảm, khiến Phật pháp suy đồi, khi đó chính là lùa bò đến bờ vực thẳm. Người chấp giới cho rằng chỉ có giới mới thành Phật nên khi hỏng một giới tất thấy mộng thành Phật tiêu tan, thành thử thất vọng sầu khổ buông bỏ hết giới. Nếu họ hiểu giới với thiện là một, "thiện giới bất nhị" mới đưa đến quả Phật, tất hãy còn hy vọng đó là duy trì và giữ vững các giới còn lại, đây là thiện pháp tinh tiến, pháp thứ hai trong tứ chính cần, "ác đã sinh thì phải dừng ngay lại" dừng ác là thiện pháp, nhờ vậy các giới khác vẫn còn nên là trì giới. Với tâm thiện (thanh tịnh) trì giới tất phục hồi các giới đã mất bằng sự phát lồ sám hối thanh tịnh.  
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Tưới Bằng Nước Mía
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Thay Mũi Cho Vợ
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Nấu Hắc Thạch Mật
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Chữa Trị Vết Roi
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ