Home > Khai Thị Phật Học > Tuoi-Bang-Nuoc-Mia
Tưới Bằng Nước Mía
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Hai người bạn cùng trồng mía, ước định với nhau, người nào trồng có kết quả hơn thì được thưởng, người trồng không bằng sẽ bị phạt nặng. Một người nghĩ rằng, nước mía vốn ngọt, nếu ép lấy nước đem tưới, tất nhiên mía càng ngọt như vậy ta sẽ thắng người kia. Lập tức bắt tay vào việc ép mía, lấy nước tưới cây, mong rằng mía sẽ càng ngọt, nào dè làm chết gốc, khiến toàn bộ vườn mía đều khô héo.

Thế nhân muốn được phúc thiện, ỷ vào sự hào phú, bóc lột người dưới, chiếm đoạt của người để làm chuyện phúc, ngỡ là tương lai được phúc, ai ngờ gặt quả tai ương, như gã trồng mía này vậy.

Lời Bình:

Trước hết ta phân tách nước và nước mía. Nước có nghĩa nước thuần khiết, còn nước mía là nước pha lẫn chất ngọt, nên tuy đều là nước song công dụng khác nhau, như lấy nước pha với chanh và đường, thì nuớc đó sẽ thành nước đá chanh. Hoặc giả lấy nước pha với thuốc, thành thuốc nước, thể thì bất biến nhưng duyên thì đã đổi. Duyên đã đổi tất nhiên những thứ cần đến nước làm trợ duyên sẽ không còn thích nghi, mà chỉ những người bệnh cần thuốc trợ duyên mới thích nghi với nước thuốc, còn người vô bệnh tất nhiên không thích nghi.

Nay người ngu nọ không biết nhân duyên của mía, chủng tử của mía vốn sẵn tính ngọt, chỉ cần các trợ duyên như đất nước, thì tính ngọt này sẽ phát triển và thành tựu, tính ngọt này không từ bên ngoài vào, mà tự nơi bản tính đã sẵn có, chỉ cần đầy đủ các hợp duyên là đất và nước sẽ giúp cho nhân thành quả ngọt, nếu nghịch hay không hợp duyên tất không thành sự trợ nhân mà ngược lại sẽ làm tổn hại nhân. Nước giúp cho cây cỏ tốt tươi, phải là nước không nhiễm, nếu nước nhiễm các vị nào khác, tất nhiên nước đó chẳng còn là nước mà cây mía cần đến, người ngu chỉ thấy mọi thứ nước đều giống nhau, mà không biết đồng là nước song nước mía hay nước muối không phải là nước nguyên chất. Cây mía cần đến nước thuần khiết này để tự sinh vị ngọt, ngoài nước này ra, các chất lỏng khác đều không thể giúp cây mía sinh tồn nói gì đến cho vị ngọt. Tương tợ như người tu học hành mọi thiện pháp (như trồng mía) để trưởng dưỡng công đức (như vị ngọt của mía). Thiện pháp đó là những pháp thuần thiện (như nước), không pha lẫn các tính toán hơn thiệt, mưu lợi cá nhân (như các loại nước khác).

Nay ngu nhân muốn cho mía thêm ngọt nên tưới bằng nước mía, nào dè kết quả tương phản. Chẳng khác thế nhân muốn tăng thêm phúc nên lo làm phúc, song tạo ác để làm phúc, mà chẳng hay phúc này nhiễm chất ác, như nước nhiễm vị ngọt làm chết cây mía, cũng vậy phúc nhiễm ác nghiệp làm chết gốc thiện, nên kết quả trái ngược muốn tăng phúc lại thành thêm họa.

Một số người tu thiền bắt chước hành động của tổ sư mà chẳng hiểu lý, nên cũng học đòi Đan hà chẻ tượng Phật, Đạo Nhất nhổ đàm, Triệu châu súc miệng, Đạo tế ăn thịt. Những người này ngỡ làm như vậy là đắc đạo, nên theo sự mà quên lý, nên cùng hành giống nhau, nhưng phàm nhân là hành pha lẫn ngu (như nước pha vị ngọt), không phải hành để hiển lý như tổ sư (như nước thuần khiết), vì vậy mà đọa lạc, còn tổ sư thì đắc đạo.

Chân lý tự là chân lý, mà không cần phải làm thứ gì để biến nó thành chân lý. Như cây mía tự nó có chất ngọt mà không cần phải tìm cách làm nó ngọt. Chỉ cần hội đủ nhân duyên thời tiết tất sẽ tự thành.

Thế nhân muốn được phúc nhưng lại dùng quyền thế bóc lột của người để làm bố thí, chỉ thấy việc bố thí mà không thấy điều ác, nên cho là ta sẽ gặt hái được phúc, nhưng ngược lại chỉ nhận được quả khổ, bởi nhân thiện vốn đã nhiễm ác, không thuần thiện, nhân thì bóc lột thành quả của người, lấy làm nhân tu phúc cho mình. Một số cư sỹ muốn tạo phúc báo cho mình nên tìm cách buôn bán mọi thứ rượu thịt ngay trong các ngày đại lễ để kiếm tiền cho chùa hầu được công đức, lại buôn bán cắt cổ nhân danh cho chùa, họ cứ nghĩ chỉ có một việc duy nhất tạo phúc báo là bất trạch thủ đoạn kiếm tiền cho chùa, và rất yên tâm cho rằng hễ kiếm lợi cho chùa thì làm bất cứ việc sai trái nào cũng vô tội và có phúc, những người này coi chùa như một tổ chức chỉ trọng tiền bạc mà không quản gì đến công đức, thực là hủy báng. Họ dùng tiền mua công đức, với tinh thần ô nhiễm này sẽ làm cây công đức khô kiệt,   y như kẻ ngu ép mía lấy nước, làm nước tưới cho quả tương lai, nên kết quả là mất tất cả, kẻ ngu này chẳng kể sự tổn thất gây khổ đau cho người, chỉ cần ta có phúc lợi, với cách hành phúc thiện như vậy kẻ ngu tự chiêu khổ báo.

Người tu cũng vậy, dùng của lợi dưỡng tạo phúc ngũ dục cho ta, rốt cục tự chiêu quả báo.

Bài học này cho ta hiểu rõ muốn hành có kết quả cần phải thông lý. Có hiểu biết nhân quả và tính chất của công đức mới biết đâu là thiện pháp để hành. Và hành là hành mọi pháp tương ưng với nhân quả và tính chất của thiện, do vậy sự lý tương ưng, thành quả viên mãn.