Có một người nọ gây tội, bị vua phạt roi, sau khi bị đánh người này lấy phân ngựa bôi trên vết thương, cho mau lành. Có người ngu thấy vậy liền suy nghĩ, « ta có cách trị thương rồi ». Người này về nhà nói với con rằng « Con hãy dùng roi quất lưng cha, cha muốn thử phương pháp hay này ». Người con liền đánh, sau đó người này lấy phân ngựa thoa lên, rồi tự vui cho là thiện xảo.
Thế nhân cũng vậy, nghe tu bất tịnh quán trừ được vết thương ngũ ấm, liền tự suy nghĩ, ta nay quán nữ sắc và ngũ dục. Do chưa nhận được bất tịnh nên trở lại bị nữ sắc mê loạn, lưu chuyển sinh tử, đọa vào địa ngục.
Lời Bình:
Đức Phật dậy trong kinh Đại bát niết bàn « Có hai hạng người hy hữu nơi đời, hạng thứ nhất không hề phạm lỗi, hạng thứ hai phạm lỗi mà biết sám hối sửa đổi ». Người ngu trong chuyện này không biết ta là người không phạm lỗi, nên không bị thương bởi hình phạt roi vọt, và không cần chữa trị, thực là hy hữu, lại chỉ biết làm cho bị thương, để được phân bò chữa lành vết roi là hy hữu.
Điều ngu thứ nhất là không biết thế nào là hy hữu đệ nhất. Điều ngu thứ hai là vọng tưởng cho sự chữa lành vết thương là hy hữu hơn điều không bao giờ bị thương. Điều ngu thứ ba là đang yên lại tìm nguy, đó là tự gây thương tích để rồi chữa lành, và cho đó là hy hữu, mà không thấy cái lành không thương tích để chữa mới thật hy hữu. Điều ngu thứ tư là không nhận ra ta vốn đang có điều hy hữu nhất, đó là sự bình yên, không sợ roi vọt và cần thuốc chữa. Và cứ thế kể không biết bao điều ngu.
Nếu nhận chân một cách đúng thật một điều ngu, thì sẽ dứt sạch được mọi điều ngu ngay cùng một lúc, đó là công năng của trí huệ. Trí huệ có năng lực chiếu phá vô minh, tức nhận chân ra cái ngu (vô minh) không thấy sự thật trước mắt của ta, như người ngu trên. Phàm phu cũng vậy chỉ thấy sự được cứu khổ là quý, mà không hề nhận ra sự không khổ quý hơn.
Bồ tát Quan thế âm tùy thuận nỗi khổ và nhân duyên của mỗi chúng sinh mà thi thiết các phương tiện pháp tương ưng với hoàn cảnh để cứu khổ. Ngài cứu khổ qua hai giai đoạn, thứ nhất phương tiện cứu khổ tức cứu khổ hiện tiền, thuộc về quả khổ, khiến quả khổ tạm thời tiêu trừ, vì nhân khổ chưa diệt. Thứ hai cứu cánh cứu khổ, tức cứu các khổ chưa sinh, thuộc về nhân khổ, khiến nhân khổ tận diệt, không còn cơ hội phát sinh cho đến tận vị lai kiếp. Chúng sinh chỉ thấy được mặt cứu quả khổ, tức cứu khổ nhất thời, mà không nhận ra được mặt cứu nhân khổ, tức diệt khổ vĩnh viễn. Vì vậy phàm phu không theo lời Phật dậy đoạn ác hành thiện, tu tập định huệ, khiến nhân khổ không sinh, quả khổ tận diệt, mà thường ỷ vào tinh thần cứu khổ của chư Phật, Bồ tát mặc sức tham dục, si mê, đợi khi quả khổ phát sinh, bấy giờ mới ra sức cầu « cứu khổ cứu nạn ». Thế nên người có trí huệ tất được Phật pháp cứu thoát vĩnh viễn, thành tựu thanh tịnh an lạc, còn mê nhân thì chỉ được cứu nhất thời. Cứu được toàn bộ khổ, đó mới chính là bản hoài cứu khổ của Quan thế âm bồ tát cũng như tất cả chư Phật và chư bồ tát.
Song phải biết ta có được cứu khổ hay không? Đều do phần lớn nơi ta, mà không hẳn chỉ ở nơi Bồ tát. Nếu được cứu thì Bồ tát chỉ cứu bằng một pháp bình đẳng với tất cả chúng sinh, nhưng tùy căn tính người được cứu mà sự cứu đó thành có từng bậc như sau:
Được cứu nhất thời để rồi sau đó khổ lại sinh, lại phải cầu, sự cứu và cầu này có tính cách luân hồi nên không phải pháp Diệt đế, nên không phải là pháp cứu rốt ráo mà chư Phật Bồ tát nhắm đến. Đây là hàng phàm phu ỷ có phân ngựa nên chẳng sợ roi, cứ gây nhân xấu để chiêu quả khổ rồi cầu Bồ tát cứu độ, hàng này chỉ biết mỗi pháp « cầu » duy nhất. Tự mình gây nhân, đến khi thành quả thì kêu cứu khác nào câu chuyện cứu hỏa của Huyền sa thiền sư.
Được cứu rốt ráo, có nghĩa sau khi được cứu là không bao giờ cần tới cầu nữa, như Thanh văn đắc diệt đế được cứu vĩnh viễn khổ nạn, nhưng không thể cứu hết chúng sinh. Đây là hàng La hán trí huệ biết nhân gây khổ, nên thay vì dựa vào phân ngựa thì dựa vào sinh hoạt thanh tịnh, nên vĩnh diệt quả khổ.
Được cứu rốt ráo như hàng Thanh văn, biết khổ là điều khó chịu đựng của chúng sinh, biết nhân khổ của chúng sinh, rõ hậu quả khôn lường của nó, nên từ trí huệ đó, khởi từ bi quyết diệt khổ cho chúng sinh, như ta đã từng được tinh thần cứu khổ cứu. Để báo ân cứu khổ đó, người trí huệ này phát tâm hành pháp cứu khổ cho nhất thiết chúng sinh được an lạc. Đây là hàng đã có trí huệ lại thêm từ bi, lợi mình lợi người gọi là hàng đại đạo tâm, tức Bồ tát.
Ba pháp cứu trên vốn chỉ là một pháp, song do nơi căn tính trí huệ phát tâm sai biệt nên thành ba pháp. Thế nên chỉ biết cầu là phàm phu thích hảo sự. Biết hành pháp diệt khổ là người ưa vô tức Thanh văn. Biết phàm phu thích hảo sự, nên dùng hảo sự để cứu chúng sinh, như trưởng giả dùng xe dê xe bò dụ đám trẻ ra khỏi nhà lửa. Tuy phương tiện làm hảo sự nhưng vẫn biết hảo sự bất như vô (trí huệ). Tuy vô mà vì cứu mê nhân nên không ngại dùng hảo sự (từ bi). Hảo sự nơi vô, vô trong hảo sự, hảo sự và vô bất nhị, Bi Trí song vận đó là Bồ tát. Chúng ta tu học nên cứu xét coi ta học và hành đạo theo lối nào?
Đa phần người tu học thời mạt pháp chỉ vui thích với hạnh nguyện cứu khổ của Bồ tát Quan Âm, nên chỉ lo cầu cứu nhiều hơn là tự cứu theo lời giáo hóa của chư Phật và chư Bồ tát, bao quát Bồ tát Quan Âm. Họ không thấy được hai pháp cứu khiến người được cứu thành La hán hay Bồ tát, của nhất thiết chư Phật Bồ tát, họ chỉ tiếp nhận và biết đến pháp cứu mà kẻ được cứu vẫn là phàm phu, mà đã là phàm phu tất phải cầu cứu, song vẫn cho đó là hảo sự là mục đích tối thượng để họ quy y Phật pháp và thờ cúng Bồ tát Quan Âm, như thế khác gì gã trị vết roi.
Đức bổn sư trải qua bao nhiêu kiếp tu hành, dùng bấy nhiêu thân mạng bố thí cứu tế giúp chúng sinh được thoát khổ và mãn nguyện, nhờ vậy thành bồ đề quả, thành đạo rồi lại vì cứu khổ mà ứng hiện nơi đời dùng vô lưọng trí thiết pháp hóa độ vô lượng chúng sinh, khiến họ từ bờ khổ qua được bến an lạc, đó không phải là đại từ bi tâm cứu khổ đó sao. Trong các kinh điển đại thừa, biết bao vị đại Bồ tát vì chúng sinh đang tu tập và chúng sinh trong đời mạt thế, mà thưa hỏi đức Phật các phương pháp tu hành diệt tận khổ vô minh sinh tử, đó không phải là vì muốn cứu chúng ta thoát khổ đó sao. Như Văn thù sư lợi bồ tát vì hàng tu tập bồ tát đạo và vì mạt thế chúng sinh, mà thưa hỏi đức Phật nhân địa tu hành thanh tịnh, để cho chúng sinh tu tập không rơi vào tà kiến và được xa lìa các bệnh (kinh Viên giác), đó cũng chính là hành động quán sát căn cơ thế gian, thấy rõ khổ nhân nên biết khổ quả sẽ sinh, vì vậy muốn ngăn chặn không cho khổ quả thành tựu, nên thỉnh Phật thuyết pháp diệt trừ khổ nhân. Như vậy trong tất cả Bồ tát đều có từ bi của Quan thế âm, ngược lại trong Quan thế âm bồ tát có tất cả các pháp của chư bồ tát, như Văn thù, Phổ hiền, Địa tạng…
Hết mọi hành động, tư duy của chư Phật và chư bồ tát bao gồm Quan thế âm bồ tát đều không ngoài sự bi nguyện quan sát cứu khổ, cho nhất thiết chúng sinh, song do vô trí không nhận ra, nên không biết tri ân, các bi nguyện của chư Bồ tát nói trên, chỉ biết tri ân khi được cứu cái khổ đã sinh, mà không hề biết tri ân cứu cái khổ chưa phát sinh.
Chúng sinh phải chịu khổ mới thấy được cứu, dĩ nhiên sự cứu đó không viên mãn và vi diệu bằng sự cứu độ cho họ không có bất cứ nỗi khổ nào để cần phải cầu cứu nữa. Người được cứu giúp vĩnh diệt mọi khổ thì thành bậc bất động trước mọi khổ hay các pháp, gọi đó là bậc Bồ tát giác ngộ, còn những người chỉ được diệt khổ nhất thời, và sẽ lại khổ trong tương lai, vì nhân khổ vẫn tồn tại, thì gọi là phàm phu được cứu khổ. Phàm phu thiếu chính tư duy không nhận ra chân lý này nên không đón nhận sự cứu khổ cứu cánh của chư Phật chư Bồ tát, bằng cách không y giáo phụng hành, như thuyết tu hành, vẫn lăn xả vào vòng nghiệp lực, tìm cách tăng trưởng vọng nghiệp, chấp thủ vọng duyên, khi nào vọng tưởng không được như ý, thì cầu Phật và Quan âm bồ tát cứu khổ.
Do chỉ thấy khổ quả, không hề nhận thức được khổ nhân, nên nhu cầu cứu khổ chỉ đòi hỏi ở quả mà không màng đến sửa nhân. Lại vì vô trí nên cho ngũ dục là phúc, dục mất là khổ, dục giảm là suy, nên mọi sự cứu khổ dưới mắt chúng sinh đều là giúp họ không mất không giảm ngũ dục, còn ban vui là khiến họ được tăng trưởng ngũ dục, dưới quan niệm cứu khổ như vậy, làm sao biết được khổ đúng thật và pháp cứu khổ đúng thật. Do đó làm thế nào biết cứu khổ hay từ bi đúng thật để mà phân biệt đâu là từ bi, đâu là pháp cứu. Lại cũng không biết cầu cứu đúng lúc đúng chỗ, như người lỡ uống nhầm độc dược, biết đó là độc dược nên tuy độc tính chưa phát cũng vội chạy đến y viện cầu cứu, còn người vô tri do không biết độc, nên phải chờ đến khi độc tính phát tác mới biết, thì đã quá trễ. Hơn nữa có chữa được cũng tái phát vì không biết độc là nguyên nhân, nên không lìa xa nguyên nhân để trị bệnh độc tận căn nguyên. Bồ tát cứu khổ chân chính bằng cách diệt sạch nhân khổ.
Sức tư duy của tín chúng chỉ đủ thấy được sự khổ đã sinh, cũng như cái cứu chữa khổ này, cho đó là linh ứng. Họ không đủ sức tư duy để nhận ra những khổ sẽ sinh và sắp sinh, cũng như nhân gây ra khổ, và pháp cứu khổ tận căn, nên sự linh ứng đúng thật họ không hề hay biết. Để quả khổ phát sinh, người tu học phải âu lo khẩn cầu sự cứu tế. Diệt tận gốc khổ, người học đạo chỉ cần y giáo phụng hành, thoát được mọi nỗi lo sợ và cầu nguyện, như câu chuyện lão nhân cứu hỏa.
Khi dốc tâm tu học, được mọi sự tịch tĩnh của thân tâm, miễn trừ được nhiều vọng duyên gây khổ, người tu không biết ta đang được an trụ trong cảnh giới không có khổ, nhờ vào giáo pháp diệt khổ của chư Phật, mà do còn bị ảnh hưởng của vọng nghiệp nên ngược lại cho hoàn cảnh như vậy là trống vắng, tẻ nhạt, vì vậy lìa bỏ cảnh giới tịch tĩnh này, lao vào cảnh giới động loạn, tìm cơn giải trí bằng cách phan duyên thủ xả, tạo tác khổ nhân, dẫn đến khổ quả, bấy giờ lại ra sức tu hành cần cầu sám hối để được cứu vớt, được cứu trở về với cảnh tịch tĩnh, và cứ thế mọi sự lại tuần hoàn phát sinh, tu hành như vậy tất không sao thoát được cảnh giới luân hồi. Như người ngu kia, đang bình yên vô sự không biết quý, lại đi gây thương tích để trị liệu rồi hả hê với sự hồi phục trạng thái an lành ban đầu, cho đó là kì tích, mà chẳng hay kì tích này vốn sẵn có, song do tự mình vô tri không biết nên phá hỏng kì tích để rồi khi hồi phục được mới thấy kì tích.
Như người tu hành nghe pháp bất tịnh diệt được vết thương ngũ ấm do ngũ dục gây nên, liền thí nghiệm bằng cách hưởng dục, rồi tu quán bất tịnh, nào dè một khi bị vết thương ngũ ấm từ ngũ dục, thì sẽ không muốn chữa trị, mà chỉ muốn gìn giữ và phát triển vết thương đến tận vị lai, nếu vết thương giảm thiểu thì cho là đại nạn, nếu suy diệt thì lấy làm đau khổ và sui xẻo, nên tìm mọi cách tranh đoạt và thậm chí cầu khẩn Quan thế âm cứu khổ, đừng để ta mất vết thương; cứu nạn, đừng để vết thương bị suy giảm. Vết thương này thực khó trị vì khác với mọi vết thương, chúng sinh không những không có niệm chữa trị, mà còn khởi niệm chấp thủ vết thương này, chính vì vậy đức Phật nói chúng sinh cương cường khó độ.
Kết luận cho dù chúng ta có tìm ra phương cách cứu thoát mọi khổ vi diệu đến đâu đi nữa, chung quy cũng chẳng bằng phương pháp vô khổ vô pháp dược. Hảo sự bất như vô như Thiền sư Tùng thẩm chỉ điểm.