Phú ông tới chơi nhà người nấu hắc thạch mật, người này muốn đãi phú ông dùng mật, nên cho chút nước vào mật, để trên lò lửa hâm, nhưng muốn mau nguội nên vừa hâm vừa quạt. Người bên cạnh thấy vậy nhắc, không dừng lửa bên dưới mà quạt thì không thể nguội được.
Ngoại đạo không giảm trừ lửa phiền não, chỉ hành chút khổ hạnh, nằm trên gai, để lửa đốt thân, hy vọng đạt được đạo thanh lương tịch tĩnh, chung cục không có việc này, chỉ làm cho người trí chê cười, thọ khổ hiện tại, tai ương đến đời sau.
Lời Bình:
Người nấu mật có hai việc ngu. Thứ nhất, muốn nguội thì phải tắt lửa, lửa tắt thì không cần quạt cũng sẽ nguội. Việc này phát xuất từ lý do không biết rõ căn nguyên sự vật, chỉ lo trị ngọn mà không trị gốc. Thứ hai, muốn làm một lần hai việc trái ngược nhau vừa hâm cho nóng vừa quạt cho nguội, cũng chỉ do nơi không hiểu đặc tính của mỗi sự vật, nên không biết thứ nào nghịch hay thuận được với nhau. Ngoại đạo không trừ lửa phiền não, chỉ tu khổ hạnh để chống lại tham dục, hầu mong đắc đạo thanh tịnh, khác nào người ngu nấu mật. Phiền não khiến tâm người bất an, oi ả nóng nảy, khó chịu như ở trong lửa, nên ví như lửa, vì lửa phiền não sẵn có nơi ta từ vô thủy, nên mới tu hành để trừ nhiệt não, ngoại đạo không thấy phiền não vô thủy này, chỉ thấy ngũ dục gây phiền não đọa lạc, nên hành khổ hạnh để ngăn chống dục lạc không cho thành phiền não thiêu đốt thân tâm, khổ hành giống như quạt cho nguội tâm phiền não, mà chẳng biết dập tắt cái căn bản phiền não đi thì chẳng cần phải khổ hành. Tâm như bát mật, phiền não như lò lửa, khổ hành như quạt.
Người xuất gia cũng vậy, chỉ thấy nữ sắc gây loạn tâm, mà không biết gốc ái dục sẵn có nơi ta từ bao đời, nên hễ gặp duyên tức hiện, lúc đó đổ thừa cho nhiễm pháp là duyên, tức nữ sắc, mà không biết tại nhân là ái dục bổn lai cụ túc nơi tâm, nên chỉ tránh né nữ nhân mà không tận diệt ái tâm, để lửa lòng này vẫn nung đốt chỉ e rằng, né chẳng được bao lâu, ngượi lại nếu diệt được nhiễm tâm, tất chẳng cần né tránh, tự tại vô ngại mà vẫn vô nhiễm, nếu diệt được nhân thì duyên tự tận, vì duyên chỉ trợ nhân, nếu không nhân thì không duyên. Chỉ thấy hiện tượng là duyên mà không thấy được nhân tiềm ẩn, nên chỉ trị ngọn mà không trị gốc giống như người ngu nấu mật. Vì vậy kinh Pháp cú phẩm tâm Thế tôn dậy, tâm tinh vi khó thấy, ái dục thường chi phối, kẻ trí hộ trì tâm, tâm hộ thường an lạc. Diệt trừ nhiễm tâm, chân tâm tự hiện, như hoa đốm trừ rồi thì tính thanh tịnh của hư không tự hiện. Tu hành không cứu xét tâm tính để trưởng dưỡng thiện căn, mà chỉ cứu xét hình nghi bề ngoài để tăng trưởng lợi dưỡng, tất nhiên vĩnh viễn không thành quả.
Người tại gia cầu được vãng sinh, một mặt niệm Phật tụng kinh, cầu nguyện hồi hướng tịnh độ, mặt khác đồng thời chỉ lo xây dựng bảo trì đời sống ngũ dục, cả ngày khổ tư với đắc thất, thủ xả, đã không muốn xả đi mảy may nào những thứ đang thủ, mà chỉ muốn tăng trưởng những thứ đang có. Vợ chồng con cái, ăn ngủ hưởng thụ, tiền tài danh vọng vẫn được coi là phúc báo của ta, chẳng biết những thứ này chỉ có giá trị nơi cảnh giới ngũ trược, và sẽ là vật vô dụng nơi tịnh độ, thí như mục đồng từ gĩa vùng quê, qua định cư ở New york, mang theo tài sản quý báu của mình là con trâu, thì của báu ngày xưa giờ chỉ là của nợ. Phúc báo của tịnh độ không phải là các thứ thuộc về duyên, như tiền tài quyền lực, mà thuộc về nhân, tức đắc được vô sinh nhẫn, thành tựu tâm thanh tịnh, thanh tịnh tức vô cấu nhiễm, đồng nghĩa với tắt lửa phiền não, nên được tự tại an lạc. Lòng đam mê ngũ dục không xả được hay còn gọi ái thủ là nguồn gốc của tái sinh luân hồi, ngược lại với vãng sinh tịnh độ. Tu vãng sinh như vậy khác nào người ngu nấu mật, làm một lần hai việc mâu thuẫn nên không kết quả.
Người xuất gia một mặt muốn đắc đạo niết bàn tịch tĩnh, mặt khác lại vui sướng tự hào với ngũ dục thâu lượm được trong quá trình tu hành, nên càng gia công tạo dựng và duy trì những pháp dục này bằng cả ba nghiệp, mà không hề biết rằng làm như vậy sẽ lìa xa niết bàn tịch tĩnh. Vẫn chấp thủ, hành các dục không xả, mà vẫn mong được tịch tĩnh khác nào người ngu quạt mật trên lửa.