Thuốc Làm Mau Trưởng Thành
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Xưa có vị vua, khi công chúa mới chào đời, vua liền vời ngự y đến bảo cho công chúa uống thuốc để trưởng thành lập tức. Ngự y thưa, thuốc của thần sẽ làm công chúa trưởng thành ngay, nhưng hiện không có ở đây, cần phải đi tìm, trong thời gian đó xin bệ hạ không được gặp công chúa cho đến khi thần cho công chúa uống thuốc. Rồi ngự y lên đường đi tìm thuốc, 12 năm sau trở về cho công chúa uống thuốc và đem trình vua, vua rất hoan hỷ khen tặng ngự y là bậc thần y, vừa cho công chúa uống thuốc lập tức trưởng thành, nên ban thưởng trân bảo cho ngự y. Mọi người cười vua vô trí, không biết tính do thời gian mà khi thấy trưởng thành, lại cho là nhờ thuốc.
 

Thế nhân cũng vậy, đến cầu bậc đạo sư, tôi muốn học đạo, xin ngài chỉ bầy cho tôi lập tức liễu đạo. Đạo sư phương tiện trước chỉ tĩnh tọa, quán 12 nhân duyên, tích tập công đức, sau chứng A la hán. Người này hoan hỷ nói, nhanh thực, đại sư chỉ bầy tôi mau lẹ chứng tối diệu pháp.
 
Lời Bình:

Câu chuyện này nêu lên các vấn đề sau.
 
1. Thời gian

Thời gian trôi chẩy êm ả bất động, bình đẳng đưa mọi sự đến với quả tương ưng của nó. Đời người theo giòng thời gian lưu chuyển không ngừng, trong quá trình trôi chẩy đó, biết bao biến động không ngớt xẩy ra, lúc thăng lúc trầm, khi động khi tĩnh, khi vui lúc buồn, cho đến khi đụng bờ sinh tử, thời gian không chỉ chuyên chở đời của một người mà chuyên chở đời của nhất thiết thế gian, nhất thiết chúng sinh, chuyên chở bình đẳng cả thiện lẫn ác, đưa mỗi thứ đến mỗi bến bờ của nó, mặc cho thế gian biến đổi vũng nên đồi, mặc cho chiến tranh bùng nổ, mặc cho thâm sơn yên tĩnh, thời gian vẫn bất động, không chút lay động ảnh hưởng những thứ này, bất động vận hành nhất thiết sự vật, thời gian không chỉ là liều thuốc chữa muôn bệnh mà cũng là phương tiện tăng trưởng bệnh, thời gian không chỉ dừng bờ hạnh phúc mà cũng ghé bến đau thương, thời gian cũng không chỉ đưa người qua khúc trưởng thành, mà cũng bỏ người lại bên bờ chết non, thời gian vô ngạn nên đâu cũng là ngạn, thời gian bỏ khách xuống bến bờ do chính khách điều hướng. Nơi thời gian có vô lượng bờ, muốn tới bờ nào cũng tuyệt đối phải dùng đến phương tiện thời gian, tùy theo bờ xa bờ gần mà tốn thời gian dài hay ngắn. Không thể dùng thời gian ngắn để đến được bờ xa, càng không thể loại bỏ yếu tố thời gian mà đến được bờ kia.
 
Cùng một bờ nhưng xa hay gần là do vị trí của những người khách trên con thuyền thời gian có khác nhau. Thí dụ như, cùng muốn học thành bác sĩ, người học tiểu học phải tốn nhiều thời gian hơn người học trung học. Hay như cùng muốn đến bờ giải thoát, nhưng tùy theo vị trí, tức căn tính lợi độn mà thời gian đến bờ giác ngắn hay dài, thông hay ngại.
 
Song thời gian có thể rút ngắn hay kéo dài ra bằng tâm. Ví như hai người cùng đi học, một người quyết tâm học thành, nên miệt mài đèn sách, một người nản lòng vì khó nên uể oải trau dồi, do tác động của tâm niệm mà thời gian sẽ rút ngắn cho người miệt mài, và dài ra hơn cho người nản lòng. Vì vậy với quyết tâm cầu chân lý, nên đức Phật nỗ lực vượt qua mọi nan hành đạo để rút ngắn con đường thành Phật, trước ngài Di lặc.
 
Người khéo dùng thời gian, sẽ nhờ thời gian đưa ta bình yên đến bến an lạc, bằng cách hành thiện để an lạc hóa giòng thời gian đang chuyên chở ta, kẻ nào luôn tạo sóng gío cho giòng thời gian của họ, tất thời gian sẽ đưa họ đến vùng bão tố, người thiện hóa giòng thời gian sẽ đến bờ giải thoát, kẻ ái thủ hóa thời gian sẽ lênh đêng trôi dạt trên giòng luân hồi, tạt qua khắp các bến bờ sinh tử của ngũ thú.
 
Nhà vua vô trí không thấy thời gian cuốn trôi tuổi ấu thơ ghé bến trưởng thành trên giòng đến bến lão tử, mà chẳng phải do thuốc. Thế nhân cũng vậy do trải qua giòng thời gian ăn hiền ở lành, đến được bờ thiện báo, lại ảo tưởng cho rẳng Phật trời thương tưởng ban bố, nếu không qua thời gian không gieo ác nhân, thì chẳng có Phật trời nào thương tưởng hay ban bố hạnh phúc cho ta được. Đức Phật nói trong kinh Pháp cú. Tâm dẫn đầu mọi pháp, tâm chủ tâm tạo tác, nếu nói hay hành động, với tâm tư thanh tịnh, hạnh phúc sẽ theo ta, như bóng không rời hình. Hạnh phúc hay đau khổ chỉ là quả của ba nghiệp. Không phải do sự ban thưởng từ ngoài tới, người vô trí chỉ lo cầu được hạnh phúc bằng cách dựa vào các pháp bên ngoài, như cúng thần tài, cầu thuốc tiên, học chú thuật, mà không hề thiện hóa ba nghiệp, tất không sao có hạnh phúc.
 
2. Muốn nhanh.

Nhà vua tiêu biểu cho hết thẩy mọi người, ai cũng có tâm lý, muốn bỏ ít công mà được quả nhiều, muốn bỏ thời gian ngắn mà thành tựu được sự lâu dài. Người đời muốn bố thí ít nhưng mong quả báo giầu có, tu hành mới được vài ngày đã phàn nàn sao không thấy thành quả gì hết, nên sinh tâm thối thất. Trọn ngày bận buộc với gia duyên, chỉ dành một tiếng cho sự tu tập, mà thắc mắc vì sao niệm Phật tụng kinh hay sinh hôn trầm và tán loạn. Mọi gia duyên đều bận buộc, bận buộc tất tán loạn, mỗi ngày chỉ tối đa một giờ tập định, còn 23 giờ kia chia cho tán loạn và hôn trầm, một ngày như vậy, một đời còn chênh lệch vô cùng như trời với đất giữa hai lực định và tán, bình thường định còn khó hà huống định trong khối tán loạn hôn trầm chồng chất tích lũy qua bao thời gian, làm thế nào định nổi trong nỗi loạn như vậy.
 
Người vô trí việc tự thân mà còn chẳng hiểu vì sao, thì làm thế nào tự sửa trị khỏi căn bệnh trên, nói chi đến sự hiểu biết được chân trí, mánh lới thì mau hiểu, chân trí thì hoàn toàn mơ hồ, như nhà vua không có chân trí để nhận ra sự mau lớn chân thật của công chúa, lấy giả làm thật, tức cho thuốc là nguyên nhân giúp công chúa trưởng thành, còn sự thật là giòng thời gian thì mê thất không biết đến, đó là căn bệnh chung của thế gian. Nên nhiều người vì mê muội không thấy sự thật nên cho tà giáo là lương dược. (Xem câu chuyện gã ngốc khen cha). Như người ăn cơm đến bát cuối cảm thấy no, tưởng là nhờ bát cuối mà no còn mấy bát kia vô giá trị, nên hôm sau muốn ăn bát cuối cho no ngay, đỡ mất công ăn mấy bát đầu vô dụng.
 
3. Lương y và dược tính.

Lương y phải là người biết rõ tính bệnh, tính bệnh nhân, tính dược, và phương pháp trị liệu. Như đức Phật hóa độ chúng sinh, biết bệnh vô minh, biết tùy căn tính người bệnh, biết thuốc trị, và biết phải làm cách nào cho bệnh nhân dùng thuốc. Cũng vậy ngự y biết tính vua và bệnh vua, biết dùng vị thuốc không thuốc, trị liệu bằng phương pháp không trị liệu, để thành tựu như ý của vua. Đó là phương tiện thiện xảo mà Phật pháp thường sử dụng.
 
Chúng sinh như nhà vua, thích mau và dễ, nên chư Phật bồ tát như ngự y phương tiện bầy các pháp môn 'dễ' cho chúng sinh, như quán 12 nhân duyên, tứ đế, nhất tâm hay niệm Phật, nhưng thứ nào cũng trải qua thời gian hạ thủ công phu khắc phục thân tâm mới thành tựu được. Như chỉ cần 10 niệm niệm Phật là vãng sinh, song ngay tổ sư cũng phải dụng công niệm Phật không gián đoạn cho đến khi thật sự vãng sinh, hà huống phàm phu chúng ta.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Giết Hướng Đạo Tế Trời
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Tưới Bằng Nước Mía
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Khắc Dấu Tìm Bát
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Lấy Thịt Đền Thịt
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ