Đoàn thương gia muốn đi bằng đường biển, nên cần có người hướng đạo, bèn cùng nhau tìm cầu, chung cục tìm được hướng đạo. Có người hướng dẫn rồi, bèn cùng nhau lên đường, đến một cánh đồng có miếu thờ thần, cần phải tế thần mới qua được, đoàn thương nhân bàn với nhau, chúng ta đều là thân thuộc, làm sao giết ai đây, chỉ người hướng đạo có thể dùng cúng tế, nên giết hướng đạo tế thần. Tế xong, lạc đường không biết nẻo đi lối về, chung cục chết sạch.
Thế nhân cũng vậy, vào trong biển pháp, lấy được trân bảo, hủy diệt thiện pháp đang tu là vị đạo sư, lạc trong chỗ mêng mông không có ngày ra, sa vào tam đồ thọ khổ triền miên, như đoàn thương nhân giết người hướng đạo, mê thất đường đi, phải chịu tử vong.
Lời Bình:
Chúng sinh có nhiều tham ái, nên đoàn chỉ cho tham ái, lại hay cầu ngũ dục nên gọi là thương nhân. Gặp thần linh là mê tín tất diệt chính tín là người hướng đạo. Chính tín hay chính pháp chỉ có 1, nên dùng hướng đạo để chỉ chính tín hay trí huệ. Thế gian pháp thì phan duyên biến hóa rất nhiều nên nói đoàn thương nhân. Tìm trân bảo chỉ cho pháp bảo hay ngũ dục.
Những vấn đề tạo nên câu chuyện bao gồm chuyện chọn ai là người bị tế thần, lý do gì cúng tế, hướng đạo là gì, giết hướng đạo là tự giết mình.
1. Phương pháp chọn người tế thần.
Khi phải chọn giết ai để tế thần, thì phương pháp chọn được dựa trên tiêu chuẩn tắng ái, nghĩa là chọn kẻ không thân thích làm vật hy sinh, nên hướng đạo phải chịu hy sinh, đó là phương cách chọn lựa rất tiêu chuẩn của chúng sinh. Người trí ngược lại không chọn vì tình cảm mà chọn theo trí huệ, có nghĩa cân nhắc khinh trọng, theo trí huệ tất biết rằng giết người hướng đạo tức tự giết mình.
Hướng đạo dụ cho thiện pháp, đoàn thương gia dụ cho ngã và ngã sở pháp, tế thần dụ cho tham cầu. Thiện pháp dùng để hướng dẫn các pháp thuộc tam nghiệp không lạc nẻo tà, nay vì tham cầu, ngã và ngã sở pháp phải giết thiện pháp đi để thực thi tính tham cầu, thiện pháp chết rồi, tam nghiệp hành vô lượng tà nghiệp chịu quả báo lạc lối lang thang trong cõi lục đạo mêng mông bao la, chịu vô lượng khổ bức thân.
2. Vì sao tế thần.
Người ngu không tin nhân quả, do vô trí nên tin rằng chỉ cần một nhân dối trá lọc lừa là được mọi quả như ý, hạng thứ hai không dám làm ác, nhưng tin là chỉ cần gieo nhân cầu cúng quỷ thần là thành tựu mọi quả như ý, cả hai hạng này đều vô trí không tin nhân quả. Vì vậy mà quả gặt được không phải quả như ý mà đều là quả báo, chung cục thọ khổ hiện đời bằng nhân ác đã thành thục, lại do nghiệp này đời sau tiếp tục bị báo ứng bằng quả bị người lường gạt, hãm hại đoạt lợi. Quỷ thần cũng chẳng làm thay đổi nhân quả được, Thượng đế cũng chẳng mang một kẻ ác lên thiên đường nổi, cũng như không thể đầy đọa một người thiện vào địa ngục. Đối với Phật pháp thiên đường địa ngục đều ngay nơi tâm, người trí huệ thấy sự thật tức thật tướng của mọi pháp nên mọi hành động đều tương ưng với thật, đưa đến kết quả chân thật, thành tựu ba yếu tố thật đức và năng. Trí thấy thật tướng này gọi là như thật trí, trí này thấy nhất thiết pháp một cách đúng thật, do vậy không bị mê lầm trói buộc nên được giải thoát, trí này là pháp thân, đủ cả ba đức pháp thân, bát nhã, và giải thoát, ba đức này tịnh hóa nhất thiết pháp thì làm gì có địa ngục để xuống hay thiên đường để lên, mà đâu cũng là cõi tịnh.
Tôn giáo cho Thượng đế quyết định hết mọi thứ, nên là thần quyền, và như thế tất nhiên con người vĩnh viễn lệ thuộc quyền này và đã lệ thuộc tất là trói buộc nên vô phương giải thoát, và hẳn nhiên là khổ lụy.
Trái lại đạo Phật có tính nhân bản hơn mọi tín ngưỡng, vì luôn chủ trương con người tự làm chủ lấy mình, sướng hay khổ do ta tự tạo mà không do lỗi của người khác, từ thiên thần đến ma quỷ đều chẳng thưởng thiện hay phạt ác gì được nếu ta không nhúng tay vào.
Do vậy con người có cơ hội giải thoát, nên mọi sự đều do con người tự tác và tự thọ như bài kệ trong kinh Nhân quả "Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị" Có nghĩa muốn biết nhân đời trước, hãy nhìn quả đời nay đang thọ, muốn biết quả đời sau, cứ xem nhân ta đang làm.
3. Hướng đạo.
Hướng đạo là người hướng dẫn đi trúng đường không bị lầm lạc, Phật pháp hướng dẫn chúng sinh thấy được thật tướng tức tướng căn bản hay căn nguyên của mọi pháp nên không bị lạc vào tà pháp. Quán sát thật tướng tức quay về bản thể xưa nay bổn lai cụ túc nơi mọi chúng sinh, quay về bản chất thật (bản giác) tức quy y tam bảo. Tự quy y là đem ngã quay về với giác chính tịnh, có nghĩa giác chính tịnh hóa ngã. Xưa nay chúng ta từng quy y, nhưng lấy ngã làm năng, tam bảo làm sở, năng sở không tịch diệt, nên ngã vẫn là ngã, tam bảo vẫn là tam bảo, không hề nhận chân được tam bảo vốn sẵn nơi tâm, ngã cũng nơi tâm, nên ngã và tam bảo vốn một, do vậy vẫn mê mờ, chỉ khi nào ngã được tam bảo tức giác chính tịnh hóa, khi đó ngã và tam bảo không có ranh giới nữa, như nước sôi đổ vào băng đá, nước nguội đá tan, chẳng còn dấu vết, như khôi phi yên diệt, đó là năng sở tịch diệt. Còn dấu vết là còn năng sở, nên tuyệt chẳng còn chút tàn dư nào của năng sở nhị biên.
4. Giết hướng đạo là tự giết
Hướng đạo là người dẫn dắt chúng ta ra khỏi cảnh mù mịt của chúng ta, đưa chúng ta thoát khỏi bóng tối của vô tri đến với ánh sáng của hiểu biết, nay giết hướng đạo đồng với giết mất cơ hội ra khỏi cảnh mù mịt, vĩnh cửu chìm trong sự vô tri, nên giết hướng đạo đồng với tự giết mình.
Đám thương nhân khi tính toán phải giết ai để tế thần, đã không nghĩ đến lợi ích của hướng đạo đưa họ ra khỏi con đường nguy hiểm, mà chỉ mải cân nhắc về tình cảm, nên theo tình cảm mà bỏ lý trí. Vì vậy thay vì chết một thành chết tất cả. Tính lợi hóa hại. Thế nhân thường coi tình cảm hơn trí huệ, đồng với coi lợi của tình cảm cao hơn lợi của trí huệ. Tình cảm lấy ngã làm nền tảng, trí huệ dùng chân lý làm căn bản, theo tình cảm bỏ trí huệ, tức giữ ngã bỏ chân lý.
Khi đám người này phát giác ra mối nguy thì quá trễ, hay nói khác hơn nhân sinh thường chỉ phát giác ra sai lầm khi đã quá trễ nên không sao cứu vớt được.
Phần trên nói về cách giải quyết vấn đề của thế nhân. Người trí tất không hành động như vậy, vì hiểu rõ thần linh không sửa đổi được nhân quả, sống hay chết không quan trọng bằng thực hiện lẽ phải thuận với nhân quả. Vì thiện pháp thì sống hay chết đều là niềm an lạc, do làm ác thì sống hay chết đều chỉ là để hứng chịu muôn vàn đau khổ. Vì vậy thà chết trong ánh quang minh của đức Phật, hơn là sống trong bóng tối âm u làm yêu ma quỉ mỵ gieo rắc tai họa và sợ sệt cho chúng sinh.
Chết chỉ là sự chuyển đổi thân tứ đại này, nếu chết tức chuyển đổi tứ đại trong ánh quang minh của đức Phật đồng nghĩa vãng sinh hay được báo thân trang nghiêm, còn hơn sống không chuyển đổi với thân tứ đại đầy lão bệnh mãi trong bóng tối vô minh hắc ám đầy khổ não. Như Tống Cảnh công nhận hết họa khổ vào thân để thiên hạ được bình yên, lại là con đường thoát khổ, ngược lại trút hết khổ vào kẻ khác để tránh họa, lại là nguyên nhân chính để khổ nhận diện ra ta và lãnh thọ mọi khổ báo.
Từ chuyện Bà la môn vì danh lợi giết con đến câu chuyện này, đều là tác phẩm của tâm vì ngã. Bản chất của ngã là ái dục, nên khi lấy ngã làm động lực cho mọi tư duy, tất dùng ái dục làm hướng đạo, giết đi trí huệ thuận lẽ phải. Nhân loại ngày nay đang hướng về một tương lai do tham ái hướng đạo, và chúng ta hãy chuẩn bị đón nhận hậu quả của gã hướng đạo này, đó là khủng bố và thiên tai đang lan tràn và phát triển rộng lớn.
Chỉ có một phương cách cứu nguy là giết gã hướng đạo này đi, dùng trí huệ làm hướng đạo, lấy chân lý làm chỗ đến. Ngã mất thì tham ái tận, ái tận thì sinh tử dứt.
Chúng sinh như đoàn thương nhân đi tìm trân bảo. Nếu coi trân bảo là pháp giải thoát tất dùng thiện tri thức hay trí huệ làm hướng đạo, nếu coi trân bảo là ngũ dục tất dùng tâm tham ái làm hướng đạo, trong trường hợp này trí huệ bị diệt.