Home > Khai Thị Phật Học
Tận Dụng Thân Tứ Đại
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Trong các phương pháp tu tập, có bốn phếp quán được gọi là “tứ niệm xứ”, gồm: quán thể là nhơ bẩn, quán cảm thụ là khổ, quán tâm lí là vô thường, quán các pháp vốn không có chủ thể cố định”. Trong những phếp quán căn bản đó đều có thể giúp chúng ta phá chấp, vượt qua giới hạn nhỏ bé của bản thân. Vì thế, đây là một trong những phếp tu căn bản theo Phật giáo.

Quán sát thân thể là thứ nhơ bẩn, nếu không đi sâu tìm hiểu sẽ thấy đây là điều vô cùng mầu nhiệm; nếu xét từ quan điểm thông thường thì quán thân bất tịnh nghĩa là quán tưởng thân thể của mình là thứ vật chất không sạch.

Ai cũng cho rằng thân thể mình là thứ đáng yêu nhất, sạch sẽ nhất, là vật quan trọng nhất của mình. Thế nhưng đức Phật dạy rằng tấm thân này là cái túi đựng những vật nhơ bần (xú bì nang), cho rằng thân thể là tổ hợp của những thứ nhơ bẳn tạo nên.

Thân thể nhơ bẩn xét theo các phương diện sau: Thứ nhất, xét từ cội nguồn, thân này sinh ra do sự kết hợp hai thứ bất tịnh của tinh cha huyết mẹ mà thụ thai. Theo quan điểm đạo Phật, tâm dâm dục là thứ không sạch nên thân thể được tạo ra từ dâm dục nhất định cũng sẽ không sạch. Thứ hai, khi mang thai, thai nhi trong bụng mẹ đã ở chung với những thứ bất tịnh. Thứ ba, sau khi sinh, thân thể của thai nhi không sạch nên cần phải tắm rửa. Thứ tư, trong quá trình trưởng thành, dù ăn những thứ đã được đun sôi nấu chín nhưng qua tiêu hóa rồi bài tiết ra ngoài toàn những thứ không sạch. Ngoài đại tiện, tiểu tiện ra, nếu vài hôm không tắm rửa không súc miệng, thì thân thể hôi thối, các chất thải sẽ chảy ra theo bảy lỗ như tai, mũi, mắt, miệng... Quả thực thân là thứ bất tịnh.

Sau khi quán sát kĩ tấm thân này như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng nó vốn không đáng yêu, không sạch sẽ như chúng ta nghĩ về nó. Từ đó, chúng ta thấy rằng mọi sự chấp chặt vào tấm thân, lấy mình làm trung tâm đều sai lầm và không cần thiết.

Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ dùng phương pháp quán thân bất tịnh mãi trong thời gian dài sẽ dẫn đến những tác dụng không như ý. Vì nếu cứ quán sát thân là vật bất tịnh, đáng sợ, đáng bỏ trong một thời gian dài thì dần dần hành giả sẽ tự chán ghét bản thân, thậm chí không còn muốn sống và cuối cùng dẫn đến tự sát. Đây là điều đã xảy ra khi đức Phật còn tại thế.

Phếp quán thân bất tịnh với mục đích giúp chúng ta không quá tham luyến tấm thân này, không nên quá sức vun vén cho nó. Chỉ cần hiểu rằng thân này do tứ đại giả hợp mà có, không sạch sẽ, nhưng chúng ta cần tận dụng nó để tu tập, tận dụng nó để hành thiện, nuôi dưỡng tâm từ bi và vun bồi tuệ nghiệp. Nếu không có thân này thì không có phương tiện nào tốt hơn để tu tập nữa.

Vì thế, thân thể tuy không sạch như chỉ cần chúng ta không quá tham đắm nó, không nên mất quá nhiều thời gian để chăm sóc nó là được. Ngoài ra, chúng ta cần bảo vệ, duy trì sự sống và sống khổe mạnh, như thế mới là người biết tận dụng thân này, giúp nó phát huy tốt nhất mầm từ bi trí tuệ.

Quán thân bất tịnh không phải là gieo vào lòng mình thái độ coi thường mạng sống của bản thân, ngược lại còn phải cảm ơn chúng đã cho mình điều kiện tốt nhất để tu tập, phát huy tối đa mặt tốt của nó.