Có người phê bình vua là người bạo ngược, không có đạo lý trị nước. Vua nghe lời này nổi giận, không cần tìm hiểu ai nói, nịnh thần bắt oan một trung thần, vua hạ lệnh, lóc 100 lạng thịt lưng người này. Sau đó có người chứng minh vị trung thần này vô tội, vua lấy làm hối hận, ra lệnh đem một ngàn lạng thịt đền lại cho vị quan nọ. Nửa đêm người này đau đớn rên la, vua nghe rên hỏi "rên la gì nữa, ta lấy của ông có 100 lạng mà đền lại gấp mười lần, như vậy chưa đủ sao mà còn rên rỉ". Người hầu liền thưa "Đại vương, giả như ngài cắt đầu thần, rồi đền lại ngàn đầu cũng không làm thần sống lại được, tuy đền thịt gấp mười lần cũng không sao hết được khổ thống".
Người ngu cũng vậy, không sợ quả khổ báo ứng, chỉ tham cái lợi trước mắt, khống chế người dưới chiếm đoạt của cải, muốn được diệt tội đắc phúc, đem chút của cải bất chính này bố thí làm phúc, khác nào quân vương, lóc thịt người rồi đền bù lại thịt, mong họ hết khổ thống là chuyện không tưởng.
Lời Bình:
Câu chuyện trên cho thấy hai điểm chính.
1. Giống như câu chuyện Người không dễ sân thứ 13, vị vua này không nhìn nhận mình là bạo ngược và không biết trị lý, nên đã trừng phạt oan uổng người vô tội, chứng minh rằng quả thật mình là vị vua tàn bạo không biết trị lý. Lý do thì đã được trình bầy qua câu chuyện Người không dễ sân.
Qua hai câu chuyện ta thấy rằng địa vị, quyền lực, danh thanh càng cao, ngã chấp càng lớn, ngã càng lớn thì càng dễ sân hận, dễ sân hận tất càng hồ đồ lỗ mãng, và hậu quả càng nghiêm trọng hơn. Như gã hay sân kia, mới nghe người phê bình, liền ẩu đả họ, và hậu quả của cơn sân này chỉ có mấy quả đấm. Còn như vị vua này thì tàn nhẫn hơn nhiều, sẵn sàng lóc thịt người phê bình, . Mức độ sân và hồ đồ của vua cao hơn của gã sân, và dĩ nhiên nhân đã ác hơn thì quả thọ cũng sẽ khổ hơn.
Ngã nào cũng thích được tán đức, song càng thích được tán đức càng phiền não và sân hận khi bị phê bình vô đức. giả sử thấp cổ bé miệng thì đành phải nhẫn, còn như có quyền tất sẽ dễ dàng hành khổ kẻ xúc phạm đến ta. Thế mới biết vô quyền lại có phúc vì nhẫn được, mà hữu quyền lại vô phúc vì khó nhẫn và dễ tạo ác nghiệp. Song người đời lại cho phúc là cái ta được tôn vinh và có đầy đủ ngũ dục, nào hay phúc này lại là môi trường dễ tác ác nhân, dễ thành ác quả. Chính vậy Huệ Viễn tổ sư mới khuyên, nếu đời này chỉ lo tu phúc, thì đời thứ ba sẽ chịu hậu quả vô cùng. Do đó phúc báo ngũ dục luôn được cảnh cáo coi như một thứ chướng ngại cho bồ đề quả. Nếu biết sử dụng ngũ dục thành công cụ trợ duyên tu thiện, thì phúc báo ngũ dục này sẽ trở thành công đức. Nếu coi nó là thành quả của sự tu hành tất lạc tà kiến, thành chướng bồ đề.
2. Tác nhân thế nào lãnh quả thế ấy, nhà vua vô trí nên nghĩ rằng ta lấy thịt của người thì trả lại thịt, mà không biết tác nhân là hành động lóc thịt, không thể gây nhân lóc rồi lấy thịt đền được. Kẻ nào lóc thịt người kẻ ấy phải trả quả bị lóc thịt. Nhà vua chỉ có thể đền trả bằng chính thịt mình, không thể lấy thịt khác ra thế được, và khi trả bằng chính da thịt mình tức cũng phải chịu quả đớn đau khi bị lóc thịt. Đó là luật nhân quả. Người vô trí hiểu sai nhân quả như vị vua này, nên không biết sợ nhân quả, và chỉ biết tham quả hưởng lạc trước mắt mà không thấy cái quả nằm sẵn trong nhân, như nhà vua chỉ muốn được như ý là thỏa mãn cơn sân hận, nên bất chấp nhân quả, cứ bạo ngược lóc thịt người, chẳng khác gì thế nhân chỉ thấy cái ngon miệng hiện tại được thỏa thích, mà không thấy cái nợ lóc thịt, lột da, luộc nấu chờ mình ở tương lai, nên cứ mặc sức hưởng thụ máu thịt chúng sinh.
Lại có người khi được chỉ bầy cũng khiếp sợ, song lại nghĩ như vị vua, nên dùng ít tiền của đi phóng sinh, cúng chùa, làm từ thiện để mong đền bù các món nợ sinh tử do mình tạo thành, và như vậy mình yên chí sát sinh hại mạng để thỏa mãn cơn thèm hiện tại, cứ giết và ăn, rồi bỏ chút tiền cầu phúc cho mình, tin là phúc đó sẽ che chở cho ta yên ổn hưởng thụ ác nghiệp. Thế gian làm gì có phúc dị đoan như vậy, nhất là đệ tử Phật càng biết rõ phúc là do bỏ ác làm lành mà thành. Thiện không hề là hành động làm thiện tu phúc để cầu được bao che tội ác, hay bình yên làm ác. Thiện đúng thật là ngừng mọi ác, ném con dao đồ tể nơi tâm xuống, hành mọi thiện pháp, phụng sự chúng sinh, cứu tế muôn loài đem sự an vui, diệt khổ đến với nhất thiết chúng sinh, đó mới là phúc. Không thể như gã nấu mật, vừa nấu vừa quạt cho mau nguội, tức vừa hành ác lại vừa mua phúc để khỏi bị quả. Phải biết nếu không hành nhân ác thì quả ác không sinh, nào phải phúc kia sẽ làm quả ác không trổ, khi vẫn tiếp tục gieo ác nhân, tất phúc không thể thành được. Làm phúc bằng tính toán lợi kỉ như vậy thì phúc nào cũng nhuốm bẩn. Người ngu không rõ nhân quả chỉ tin phúc sẽ khiến mình an toàn là mê tín. Phải tin rằng phúc chỉ phát sinh nếu đoạn ác hành thiện, đó là chính tín.
Lắm người dựa quyền thế chiếm đoạt của người, rồi đem chút của cướp được đi bố thí, phóng sinh, cúng dường để mưu tính yểm tội. Một thứ thiện bất thiện như vậy không thể che chở cho họ thoát khỏi quả khổ mà trái lại còn tăng thêm khổ báo.
Người xuất gia cũng vậy, nếu lợi dụng sự tạo dựng chùa chiền, dùng của thường trụ do bá tính cúng dường làm của riêng tư, rồi cho rằng mình cúng quẩy cho họ, là tha hồ hưởng dụng sự cúng dường, mà quên mất món nợ vạn người này trả khá lâu và mệt mỏi với nhiều đời, cũng chỉ vì không rõ nhân quả như vị vua vậy.
Tóm lại ông vua thô bạo này, lại thêm ngu muội những tưởng lấy thịt đền thịt là thỏa đáng, mà không biết thành tâm ăn năn cải quá chuộc lại lỗi lầm không để tái phạm, ngoài việc chữa trị đền bù cho nạn nhân. Còn như người một mặt ăn chúng sinh, một mặt phóng sinh để bù trừ, thì cũng ngây ngô và tàn ác như vị vua, thế nhưng phóng sinh vẫn có công đức của phóng sinh, sát sinh có ác báo của sát sinh, một khi nhân duyên hội ngộ thì quả báo tự hiện.
Tuy nhiên nếu thành tâm sám hối, phóng hạ đồ đao, từ nay tu tập hạnh phóng sinh, từ tâm bất sát, bảo vệ muôn loài, tất năng đái nghiệp tu hành (vãng sinh), khiến nghiệp ác kia không có cơ hội hiện thành. Nên nói sám pháp năng diệt tội tiêu khiên. Nếu như sám hối không thể diệt tội như vậy không cần phải lập hay tu sám pháp.
Ngoài 2 việc trên ra, ta cũng nhận ra phàm phu thường có loại tư duy lấy thịt đổi thịt. Thế nào là lấy thịt đổi thịt? Viên quan bị lóc thịt đau đớn vô cùng, dù vua có đến gấp trăm lần thịt cũng không đền bù được. Song phàm nhân đa số thường cố đấm ăn xôi, chịu bị lóc thịt để được đền bù gấp mười hay trăm lần hơn. Và vì vậy cắn răng ngậm đau để sung sướng với cái lời lớn nọ. Thí dụ như một người hành theo tà trí, hại người đoạt của, vì nghĩ rằng được của là lợi, mà không biết để được của này, họ đã chịu trả bằng giá lãnh thọ ác quả, sự bình an của họ đã bị lóc hết một phần để được một thứ bất khả đắc, mà bậc cổ đức miêu tả bằng câu:
Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân (muôn thứ đem chẳng được, chỉ có nghiệp theo thân).
Sẵn sàng đổi thịt mình lấy thịt khác, nếu có lãi. Khác nào bỏ trí huệ cầu tham dục, trí huệ như thịt trên thân ta, tham dục như thịt bên ngoài. Để rồi rốt cuộc ôm vết thương mất trí huệ qua bao đời, và bỏ lại một đống thịt thối hư rữa ngổn ngang. Có nỗi đau nào nằm ngoài sự thiếu vắng trí huệ? Ngu nhân rên siết khổ thống từ đời này qua đời nọ cũng chỉ vì đem thịt đổi thịt, mà không học được bài học thịt không đền được thịt.