Thuở đức Phật tại thế, có một câu chuyện như thế này: Thuở đức Phật trụ thế, có một phụ nữ rất nghèo túng, nghèo tới mức độ nào? Ăn mày, đi xin ăn, thứ gì cũng đều chẳng có. Bỗng một hôm, trên đường bà ta nhặt được một đồng vàng. Khi bà ta nhặt được đồng tiền ấy, liền suy nghĩ: “Vì sao ta bần cùng thế này? Hôm nay, ta nhặt được một đồng vàng, dùng nó để trang trải cuộc sống của chính mình thì có thể cầm cự mấy tháng”. Bà ta chẳng làm vậy, tự hỏi: “Vì sao ta bần cùng dường ấy? Chính là vì ta chưa từng bố thí, chẳng tu phước, cho nên ta mới bần cùng”.
Do vậy, bà ta tính đem đồng tiền vàng ấy mua dầu [thắp đèn] cúng Phật để vun bồi phước. Đến tiệm dầu mua dầu, quý vị phải cầm theo một cái bình hay một cái lọ để đựng. Chủ tiệm hỏi bà: “Bà muốn mua dầu, lấy thứ gì để đựng?” Người phụ nữ nghèo nói: “Tôi không có gì để đựng”. Chủ tiệm nói: “Không có gì để đựng! Tôi đổ dầu vào đâu cho bà đây?” Chủ tiệm bèn hỏi bà ta: “Bà mua dầu để làm gì?” Bà ta nói: “Tôi nghèo quá, nhặt được một đồng. Từ quá khứ cho tới hiện thời, tôi chưa từng vun bồi phước đức, nay tôi tính mua dầu cúng Phật”. Chủ tiệm bị bà ta cảm động, nói: “Tôi đưa cho bà một đồ đựng dầu, nhưng một đồng này không đủ mua dầu đổ đầy được”. Ông ta vẫn đổ đầy, nói: “Phần dầu thêm vào cái bình này là do tôi cúng dường. Bà cúng dường Phật coi như là tôi cũng có một phần”. Do vậy, người phụ nữ nghèo ấy mang dầu đến tinh xá Kỳ Viên của đức Phật, muốn đổ thêm vào tất cả các đèn dầu cúng Phật, nhưng không được, chỉ đủ để thêm vào một ngọn đèn. Bà ta bèn đổ dầu vào ngọn đèn cúng Phật. Đồng thời, trong ngày hôm đó, quốc vương đương thời là Ba Tư Nặc chở rất nhiều xe dầu đến cúng dường đức Phật, mọi ngọn đèn đều được thêm dầu. Sáng sớm ngày hôm sau, trời đã sáng, phải nên tắt đèn. Ngày hôm đó, vị trực nhật là tôn giả Mục Kiền Liên. Tôn giả dập tắt từng ngọn đèn, chỉ có ngọn đèn nhỏ do người phụ nữ nghèo cúng dường thì ngài Mục Kiền Liên không thể dập tắt được. Ngài Mục Kiền Liên nghĩ “ta không dập tắt ngọn đèn này được”, bèn dùng sức thần thông để dập tắt ngọn đèn. Kết quả là không thể dập tắt, mà quang minh càng thù thắng hơn. Khi đó, đức Phật đi ra, bảo tôn giả Mục Kiền Liên: “Thần thông của A La Hán không thể dập tắt ngọn đèn này được! Vì sao? Bà ta đã dốc cạn sức bố thí”. “Dốc cạn sức bố thí” là như thế nào? Dốc sạch tất cả. Toàn bộ tài sản của bà ta là do nhặt được một đồng tiền, ngoài ra thứ gì cũng đều chẳng có, đó gọi là ‘kiệt tận thí’. Kiệt tận thí là thanh tịnh. Bà ta có thể đem tất cả hết thảy những gì chính mình có đều Lược Giảng Kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo cúng dường cho Phật. Đó là kiệt tận thí. Trong tâm của bà ta chỉ có một niệm, niệm gì vậy? Cúng dường Phật: “Vì sao phước báo của ta trong quá khứ nghèo túng đến thế? Do chưa từng cúng dường Tam Bảo, nay ta nên cúng dường Phật”.
Đó chỉ là một câu chuyện xưa. Chúng ta phải hiểu rõ: Khi mọi người cúng dường, chẳng phải là vật chất nhiều hay ít, mà là gì? Cái tâm của quý vị. Như chư vị đạo hữu cúng dường hồng bao, quý vị dùng cái tâm gì để cúng dường? Dùng lòng chí thành, khẩn thiết để cung kính cúng dường Tam Bảo, chẳng phân biệt là phàm phu, hay là thánh nhân, hoàn toàn chẳng phân biệt. Đó gọi là tâm thanh tịnh. Cúng Tăng như cúng Phật, chẳng có chút tạp niệm nào, dùng cái tâm thanh tịnh để cúng dường Tam Bảo, phước đức ấy liền to lớn. Hễ có số lượng, có so đo, tính toán, công đức ấy bèn nhỏ nhoi. Cúng dường thì nhất định phải phát nguyện, phát nguyện xong còn phải hồi hướng. Hãy đặc biệt ghi nhớ: Phát nguyện, hồi hướng, bất luận vật chất của quý vị nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, trong khi quý vị làm một chuyện tốt, dẫu bản thân sức mạnh ấy nhỏ nhoi, nhưng tâm lực của quý vị to lớn, vật chất bèn biến hóa. Vật chất thuận theo tâm lượng của quý vị. Tâm to lớn, số lượng vật chất sẽ to lớn. Tâm nhỏ, số lượng vật chất sẽ nhỏ. Vua Ba Tư Nặc cúng dường mười vạn ngọn đèn, chẳng bằng một ngọn đèn của người phụ nữ nghèo. Quốc vương không coi trọng, đến cũng chẳng đến, sai đầy tớ đến cúng dường là được rồi. Vì thế, dùng tâm để định lượng!
Trích từ: Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo Giảng Ký