Đại sư người xứ Nhạn Môn, thuở nhỏ dạo chơi non Ngũ Đài, cảm điềm linh dị mà xuất gia. Ngài ưa thuật trường sanh, từng theo Đào Ẩn Cư thọ mười quyển Tiên Kinh. Sau gặp ngài Bồ Đề Lưu Chi, đại sư hỏi: “Đạo Phật có thuật trường sanh chăng?” Ngài Lưu Chi trao cho kinh Thập Lục Quán và bảo: “Đây là phép trường sanh của Phật Giáo”. Đại sư cả mừng, liền đốt Tiên Kinh, chuyên tu tịnh nghiệp, dù đau yếu cũng không tạm nghỉ. Ngụy chúa nghe danh phong cho hiệu là Thần Loan. Khi lâm chung, đại sư kêu chúng lại dạy rằng: “Biển trần lao khổ nhọc, không biết đâu là bến nghỉ ngơi, cảnh địa ngục rất đáng kinh sợ, môn Tịnh độ cần phải tu hành” Nói xong, bảo chúng cao tiếng niệm Phật hướng về Tây cúi đầu mà tịch. Khi ấy mọi người đều nghe tiếng thiên nhạc từ phía Tây trổi lên, giây lâu mới dứt.
* Đại sư dạy: “Ngoài bổn nguyện cầu sanh, lại cần phải phát lòng bồ đề, được vãng sanh cùng không, lấy đây làm chỗ y cứ”.
* Thế nào là “Thập niệm tương tục”. - Đáp: Ví như có người ở nơi đồng vắng bị giặc cướp rút gươm rượt theo muốn giết, sợ hãi quá chạy thẳng miết đến một con sông. Đến đây người ấy thoáng nghĩ: “Nếu qua được sông này ta mới mong bảo toàn thân mạng, nhưng bây giờ để y phục lội sang hay là cởi bỏ? Nếu để y phục sợ e sông rộng vướng mắc lội không thoát còn cởi bỏ thì không kịp vì giặc đuổi gần tới! Bấy giờ người ấy chỉ có một niệm tìm phương tiện làm sao cho qua được sông thôi, tuyệt không có ý nghĩ chi khác. Hành giả niệm Phật lại cũng như thế, chỉ chuyên thiết niệm, không có tạp tưởng, tâm tâm nối nhau cho đến mười niệm, gọi là “Thập niệm tương tục”.
* Người niệm Phật khi bình thời nên ước hẹn với năm ba bạn đồng tu, đến lúc lâm chung nhắc nhở trợ niệm lẫn nhau. Như thế sự vãng sanh mới có phần vững chắc.