Xây Lầu Trong Không
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Có người ngu giầu có, đến thăm nhà bạn, thấy ba từng lầu, tráng lệ đồ sộ, lầu ba bằng gỗ rộng rãi mát mẻ, ngắm được cảnh vật ở xa, sinh lòng hâm mộ, nghĩ rằng ta cũng có tiền nhiều như người này, sao không xây nhà ba từng. Liền gọi thợ mộc đến hỏi, anh biết cách xây nhà ba từng không? người thợ đáp, nhà đó do chính tôi xây. Người ngu liền nói, anh xây giống vậy cho tôi. Người thợ liền đo đất, rồi chất gạch ngói để bắt đầu xây, người ngu thấy gạch ngói, nghi hoặc hỏi, anh định làm gì vậy. Người thợ đáp, xây nhà ba từng. Người ngu nói tôi không cần hai từng dưới, chỉ muốn từng cao nhất mà thôi. Người thợ nói, làm sao có thể được, không có từng dưới tất không thể xây từng hai, không từng hai tất không thể xây từng ba. Người ngu vẫn cố chấp, tôi chỉ muốn từng cao nhất, anh cứ xây từng đó cho tôi thôi. Mọi người nghe thấy đều cười cho là quái, làm thế nào không có từng dưới mà có được từng trên.

Như hàng tứ chúng đệ tử của Như lai, lười biếng không tinh cần tu kính tam bảo, mà cầu đạo quả, cho là, tôi không cần ba quả đầu chỉ cần A la hán quả thôi, khác nào người ngu xây lầu trong không.

Lời Bình: Câu chuyện này đề cấp đến hai sự kiện, là sự hiểu biết đúng thật của người chuyên xây cất và sự hiểu biết sai sự thật của phú ông. Người thợ như một vị đạo sư am tường phương pháp thiết lập một cảnh giới tráng lệ và an lạc, phú ông như một người khao khát cảnh giới đó, việc này giống như người đời thích được cảnh giới an lạc và hạnh phúc, tìm đến đạo sư cầu học pháp phúc lạc này, đạo sư trước nhất đúng theo sự thật chỉ bầy pháp nhân hành, tu bố thí hành thiện, xả thân vì người, tinh tiến không tán loạn, không tham dục si mê, sẽ được quả đức vô cùng phúc lạc, nhưng người này không muốn tu các nhân hành trên, mà chỉ muốn được quả đức. Khác nào người ngu kia chỉ muốn từng ba mà không muốn xây hai từng dưới.

Biết thật đưa đến hành đúng và được quả thật, ngược lại khi cái biết đã không thật, hành động tất nhiên sẽ sai lầm, sai lầm có nghĩa quả mong được sẽ không tương ưng với nhân hành, vì nhân sai cho quả sai. Biết thật là biết căn nguyên của sự vật, biết không thật là cái biết trên hiện tượng của sự vật, hiện tượng nào cũng chỉ là bóng dáng nhất thời của nhân duyên, chúng sinh nhìn hiện tượng mà sinh tâm thủ xả, ái tắng, thuận nghịch, mà không biết duyên sinh thì hiện tượng sinh, duyên diệt, ắt hiện tượng diệt và duyên đổi thì hiện tượng đổi theo, thí dụ như thấy một người xinh đẹp, liền sinh tâm ái thủ, được thì hạnh phúc, không được thì đau khổ, mà không biết hiện tượng đẹp kia sẽ bị nhân duyên chi phối khiến biến đổi và diệt vong. Do vậy tâm ái thủ cái đẹp kia chung cục không sao thành công trong việc mưu cầu sở hữu cái đẹp kia. Mọi đắc thất chỉ là đắc thất các nhân duyên, mà nhân duyên pháp thì luôn biến hóa vô thường, cả đời truy cầu các nhân duyên biến hóa như vậy khác nào mò trăng đáy nước, xây lầu trong hư không. Mới biết nhất thiết chúng sinh đều là môn đồ của phú ông vô trí này.

Biết thật không bị hiện tượng dao động, nhờ thấy được bản chất thật của sự vật, nên cư trần nhi bất nhiễm trần, không dao động là định, biết thật là huệ, bất nhiễm là giới. Do giới định huệ thành tựu căn nhà ba từng trang nghiêm, thanh tịnh và an lạc. Mống và từng một là giới, sườn nhà là định, lầu để quán sát mọi cảnh là huệ. Người trí khác người ngu ở chỗ, trí giả biết thật, gọi là như thật trí, bất động với nhân duyên pháp tuy thường hành các pháp này, như kinh Hoa nghiêm nói, cư trần nhi bất nhiễm trần, kẻ ngu lấy nhân duyên pháp làm thật, mà sinh tâm thủ xả. Nhìn căn nhà, phú hộ ngu kia chỉ thấy cái mình muốn mà đui mù với mọi cái liên quan khác, như kẻ ngu ăn muối, người trí nhìn căn nhà thấy được chỗ phàm nhân không thấy nhưng lại là nền tảng của ngôi nhà đó là mống, nhìn cây hoa tươi đẹp ngu nhân chỉ thấy hoa đẹp, để sinh tâm ái thủ, người trí thấy gốc của cây hoa, người có gốc tất có hoa quanh năm, người chỉ hái hoa ắt chỉ có hoa một lúc. Đó là cái nhìn của thế nhân và Phật pháp.

Ai cũng biết giới định huệ là ba pháp cần phải học, và mọi người cho rằng giới là nền tảng của định huệ, điều này chỉ đúng nơi một phương diện, vì thật chất giới định huệ chỉ là một. Đối với người tham, đức Phật chỉ bầy giới, người sân thì nhấn về định và người ngu thì dậy về huệ. Chúng sinh nam diêm phù đề, do tham ái làm gốc nên Như lai phải dùng giới để trị dục, vì vậy nên nhiều người cho giới là nền tảng. Nhưng trên các cõi Phật thì không cần tới giới nũa, mà chỉ tu định và huệ, vì phải thanh tịnh mới vãng sinh được. Giới là nền tảng chống tham hơn là nền tảng của định huệ. Ba pháp này vốn tương sinh, tương diệt, không thể tách rời. Nhưng đối với chúng sinh ở Ta bà thì quả nhiên giới là căn bản tu hành, vì vậy thọ giới chỉ cho sự tu, không giới thì không tu, có giới thì có tu, người thọ cụ túc giới gọi là người xuất gia, người giữ giới là người tu hành.

Nhưng khi tu giới pháp căn bản này, chúng ta cũng có thể làm pháp căn bản này mất căn bản. Giới pháp nhằm vào ba mục đích là đoạn nhất thiết ác (nhiếp luật nghi giới), hành nhất thiết thiện (nhiếp thiện pháp giới) và độ nhất thiết chúng sinh (nhiêu ích hữu tình giới), gọi đó là tam tụ tịnh giới. Ba pháp này coi như ba từng lầu của tòa nhà giới pháp, từng thứ nhất là đoạn ác, vì nếu ác không trừ thì thiện không sinh, khởi đầu của hành thiện chính là đoạn ác, nên nếu ác không trừ tức thiện không hành, không hành thiện, không trừ ác tất phi giới.

Nhưng ác là gì? Là ba độc tham sân si, vậy trừ ác tức trừ tham sân si, muốn trừ tham sân si phải dùng đến giới định huệ, như vậy khi trì giới đoạn ác, đương nhiên phải vận dụng định huệ, do vậy nên nói trong giới có định và huệ, giới không thể độc lập với định huệ được. Người tu chỉ trọng giới mà bỏ định huệ, nên giới đó chỉ là loại luân lý thế tục, hoặc ngụy đạo đức, mà không phải giới pháp có sức mạnh trừ nhất thiết ác, hành nhất thiết thiện và độ nhất thiết chúng sinh được. Giới pháp có công đức lớn như vậy vào tay phàm phu trở thành một thứ giới trang điểm cho cá nhân một vẻ đạo mạo uy nghi, được phàm nhân cúng dường, mà chẳng có chút thật lợi cho người này, hà huống tha nhân hay nhất thiết chúng sinh, vì người này không có định huệ, nên ác vẫn còn, thiện không sinh, vì vậy không đủ năng lực cứu độ chúng sinh.

Chúng ta cứ xem xét tự thân và mọi người, ai cũng ít nhiều đều thọ giới, nhưng chưa hề nghĩ đến chuyện đoạn ác hành thiện, mà chỉ thỉnh thoảng vì gặp hoàn cảnh khổ của ta và những người thân của ta, mới chạy đi làm chút thiện pháp, để đổi chác với khổ, mà chẳng phải thực tâm hành thiện. Tham sân si vẫn thao túng thân tâm, chế ngự và sai sử ba nghiệp, khinh thường và đàn áp những giới mà thân tâm đã lãnh thọ, những giới này không được phép ý kiến, và đôi khi còn bị lợi dụng làm công cụ cho tham dục nữa. Giới lực yếu kém như vậy làm sao có định huệ được, nên mới biết giới này là phi giới vì vô lực, vô định và vô huệ. Thế nhưng chúng ta ôm giữ giới này hằng bao lâu, mà vẫn ngỡ là tôi đã thọ giới và đang giữ giới, điều này cho thấy giới pháp căn bản ở thân tâm ta rất mất căn bản, nên trước là tòa nhà giới pháp ba từng bị hư hoại, sau đến tòa nhà ba tầng giới định huệ sụp đổ hoàn toàn, và như vậy công phu xây nhà chỉ lãng phí và vô ích, như dã tràng xe cát.

Bạch hạc Thiên đến hỏi đạo nơi Ô sào thiền sư, đại ý của Phật pháp là gì? Ô sào đáp, Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kì tâm, thị chư Phật giáo (đừng làm điều ác, nên làm việc thiện, tự tịnh tâm mình, là lời Phật dậy). Bạch hạc thiên thất vọng nói, tưởng gì, chứ những thứ này trẻ lên năm cũng biết. Ô sào đáp, đúng vậy biết từ thuở lên năm mà đến 80 vẫn chưa làm được . Quả thực đoạn ác hành thiện ai cũng biết nhưng chẳng ai biết làm, làm được thì thành tổ sư. Chúng ta khác gì người mù biết trắng đen, nhưng không sao nhặt được đậu đen ra khỏi đậu trắng. Vì vậy chúng ta cần xét lại cái biết, cũng như sự thọ giới và trì giới bao năm qua của chúng ta.

Không đoạn ác tất không trừ tham sân si, đã còn tham sân si tất không thể hành thiện, tu giới định huệ được. Thọ giới như vậy làm sao đắc giới thể, nên thọ rồi mất ngay, chỉ còn hình tướng, thân thì làm vẻ đạo mạo, tâm thì tính toán tham sân, như vậy không thể gọi là người tu được. Người thọ giới cụ túc gọi là Sa môn, sa môn dịch là cần tức, có nghĩa cần tu giới định huệ, tức diệt tham sân si (chuyên cần tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si), như vậy sa môn cũng có nghĩa đoạn ác hành thiện, nên là bậc thanh tịnh. Như vậy muốn giữ giới tất phải chăm đoạn ác và nỗ lực hành thiện, mà muốn được như thế cần phải thường tư duy, thường tức định, tư duy tức huệ, thì giới thể thành tựu, phát sinh công năng phòng phi chỉ ác, thành tựu thiện pháp, lợi ích cho nhất thiết chúng sinh. Tu định cũng vậy trước trừ động sau tu tĩnh, tu huệ thì trước trừ ngu tức nhận ra cái ngu của mình, sau mới khởi huệ. Vậy mới biết giới định huệ không thể lìa nhau riêng tu được. Nếu chỉ chọn một tức như kẻ ngu ăn muối, sẽ bị hậu quả tương phản, đồng thời còn là kẻ xây lầu trong không.

Nhờ sức tư duy mới nhận chân được thế nào là căn bản, và như vậy ta có thể nói tư duy là nền tảng của sự nghiệp tu tập, chính vì vậy đức Phật dậy, duy tuệ thị nghiệp. Tu tập tư duy là đào nền móng cho toà nhà chọc trời của Phật pháp.

Tóm lại đã không biết đúng thật, thì sống đời hay đạo cũng chỉ là sống trong mộng mị, mọi nỗ lực đều chỉ là xây lầu trong hư không.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Ngốc Tử Khen Cha
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Ba Điều Quan Trọng Cho Việc Vãng Sanh
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Niệm Phật Với Tứ Niệm Xứ
Thượng Tọa Thích Phổ Huân