Home > Khai Thị Phật Học > Sau-Khi-Phat-Diet-Do-Phap-Tru-The-Gian-Co-Ba-Giai-Doan
Sau Khi Phật Diệt Độ Pháp Trụ Thế Gian Có Ba Giai Đoạn
Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân | Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Sau khi Phật diệt độ, pháp trụ thế gian có ba giai đoạn: Chánh pháp một ngàn năm. Tượng pháp một ngàn năm. Mạt pháp mười ngàn năm. Luận Thiện Kiến nói: "Vì cho người nữ xuất gia, chánh pháp chỉ còn năm trăm năm. Do Thế Tôn chế tỳ kheo ny hành tám pháp cung kính, nên chánh pháp lại trụ được ngàn năm".

Hỏi: Ngàn năm đã qua. Vậy chánh pháp đã bị diệt hết chưa?

Đáp: Chưa diệt hết. Trong một ngàn năm, tu đắc được quả Tam Đạt Trí. Ngàn năm sau, đắc được quả A La Hán, tức Vô Tam Đạt Trí, tận trừ ái dục. Ngàn năm kế, đắc được A Na Hàm. Ngàn năm nữa, đắc được Tư Đà Hàm. Ngàn năm cuối, đắc được Tu Đà Hoàn. Năm ngàn năm đầu, đắc được đạo. Năm ngàn năm sau, tuy học mà không thể đắc được đạo. Sau mười ngàn năm, tất cả kinh thư văn tự đều bị diệt hết, nhưng vẫn còn người cạo tóc đắp y ca sa.

Ngài Quy Sơn nói:

- Hận cho mình sanh nhằm thời tượng pháp, cách thánh giáo quá xa.

Ngài Quy Sơn sanh vào đời Đường, cách Phật hơn một ngàn năm, tức thuộc thời tượng pháp. Tất cả sự việc đều biến chuyển. Nước để lâu ngày khiến có trùng. Pháp giữ lâu ngày khiến sanh tệ hại.

Kinh Phó Pháp Tạng ghi: "Những chúng sanh có duyên lành, tỳ kheo A Nan đều giáo hóa cho họ được giải thoát. Cuối cùng, Ngài đến giữa rừng trúc, nghe tiếng một tỳ kheo tụng kinh Pháp Cú đến đoạn "Người sống trăm năm, nếu không thấy hạc thủy lạo, thì không bằng sống một ngày, mà đắc được đạo".

Ngài A Nan nghe thế, bèn than thở thảm thương, và đến bảo tỳ kheo kia:

- Mắt sáng thế gian, sao diệt quá sớm! Các việc ác và phiền não, sao mau khởi vậy? Từ đây, bội phản thánh giáo, tự sanh vọng tưởng. Đây chẳng phải là lời Phật dạy, nên chớ hành theo... Ông hãy lắng nghe cho kỹ, Ta sẽ đọc lại bài kệ của Phật dạy: "Người sống trăm tuổi, nếu không hiểu pháp sanh diệt, chẳng bằng sống một ngày, mà đắc được đạo".

Sau này, tỳ kheo kia thuật lại lời của ngài A Nan cho thầy của ông ta nghe. Thầy ông liền bảo:

- Lão già A Nan trí huệ cạn cợt, nhiều lời sai lầm, không thể tin được. Cứ tụng theo câu kệ vừa rồi của Ta.

Khi trở lại nơi đó, ngài A Nan vẫn nghe tỳ kheo kia tụng câu kệ lúc trước... Do không thấy ai có thể lãnh hội ý mình, Ngài liền nhập tam muội, bảo:

- Lạ thay! Vô thường quá gấp, kiếp hoại nổi hừng hực. Vô lượng chúng sanh nơi thế gian thường lang thang, trú trong đêm dài tăm tối, đi trong đường hãi hùng; tà kiến hừng thịnh, pháp bất thiện tăng trưởng; phỉ báng Như Lai, đoạn tuyệt thánh giáo; mãi nhập bùn lầy sông lớn sanh tử, khai mở cửa ác thú, đóng bít đường trời người; nơi vô lượng kiếp, thọ muôn ngàn khổ não. Hôm nay, Ta muốn nhập Niết Bàn !

Kinh Lăng Nghiêm thuyết: "Trong thời đại mạt pháp, tà sư thuyết pháp nhiều như số cát sông Hằng. A Nan ông nên biết, đây là mười loại ma. Nơi đời mạt thế, chúng xuất gia tu đạo, nhập vào giáo pháp Ta. Hoặc tự phụ khiến người lễ bái, hoặc tự hiện hình quái lạ, hoặc tự bảo rằng đã chứng chánh biến tri, rồi tán thán dâm dục, phá hoại luật nghi. Đầu tiên, các ác ma sư cùng ma đệ tử, dâm dâm tương truyền. Tà tinh như thế, mê mị lòng người, gần chín lần sanh, hơn trăm thế hệ, khiến người tu hành chân thật, bị mê hoặc, làm quyến thuộc của chúng. Sau khi mạng chung, tất làm dân ma, mất chánh biến tri, đọa địa ngục vô gián".

Trong kinh nói đến chín lần sanh, và một trăm đời. Một lần sanh là một trăm năm. Mỗi thế hệ là ba mươi năm. Hiện nay, Phật lịch là 2982, cũng là lúc ma vương trăm đời xuất hiện.

Phật diệt độ chẳng lâu, tỳ kheo kia tụng lầm kệ Hạc Thủy Lạo, mà cho đó là kinh Pháp Cú. Ngày nay, người học Phật lại lầm lạc càng nhiều. Hạc thủy lạo tức con hạc trắng. Người xem thấy chúng, có biết ý nghĩa gì! Hiểu rõ pháp sanh diệt, khiến rời xa biển khổ. Sống một trăm năm mà chẳng liễu giải, không bằng sống chỉ một ngày mà được liễu giải. Thế nên, người có trí huệ, không luận bàn tuổi tác cao thấp. Người không trí huệ, sống lâu trăm năm cũng vô ích.

Tà sư đời mạt thế, mỗi mỗi tự bảo mình là thiện tri thức. Người đang tham thiền, nếu không nhận ra vàng hay đá, liền bị sóng tà nhận chìm. Thấy cảnh mênh mông, liền tàn hoại rừng công đức. Lửa tâm cháy phừng phực, đốt rụi hạt giống Bồ Đề. Người cầu đạo chân thật trong đời mạt thế rất hiếm có. Ngài Quy Sơn nói:

- Đi xa phải chọn bạn hiền. Mắt tai phải thường thanh tịnh. Lúc dừng phải chọn lựa bạn lành, thời thời tuy nghe nhưng vẫn như không nghe... Sanh ta ra là cha mẹ. Ta thành công là nhờ bạn hữu. Gần gũi bạn lành, như đi trong sương, tuy không ướt y nhưng dần dần sẽ thấm.

Khổng Tử cũng nói:

- Ba người đồng hành, chắc sẽ có người làm thầy Ta. Bạn lành nên theo. Bạn xấu nên lánh xa.

Bạn tốt thì theo họ học. Kẻ có nhiều tật xấu, thường không đoái hoài lo gì đến ai; nếu gần gũi họ, lâu ngày sẽ bị thúi lây. Gần màu đỏ thì lấm màu đỏ. Gần màu đen thì lấm màu đen. Gần hương thơm thì nhiễm hương thơm. Gần mùi thúi thì nhiễm mùi thúi. Lời thô tế ngữ của bạn lành, nếu quy về đệ nhất nghĩa, thì phải nên thân cận. Người tu hành trong đời mạt pháp, như bản lãnh của chúng ta đây, không thể sánh bằng thiên ma ngoại đạo.

Kinh Lăng Nghiêm thuyết: "Sắc ấm diệt tận rồi, thì từ trong thân người kia, xuất hiện côn trùng, thân thể nhỏ nhít, nhưng không tổn hại đến thân. Lúc đó, đột nhiên mười phương hư không biến ra màu sắc bảy báu, hoặc màu sắc trăm báu, và đồng thời hiện ra khắp nơi, mà không ngăn ngại nhau. Đột nhiên vào giữa đêm, ngay trong am thất u ám, thấy muôn loại vật. Thọ ấm diệt hết rồi, thì quán đến cảnh giới của mười loại thiền na, gọi là năm mươi loại ấm ma. Mê mà không nhận thức, tự xưng là chứng quả thánh, tức tạo tội đại vọng ngữ, sẽ bị đọa địa ngục vô gián".

Lão Tử nói:

- Trong đó có tinh.

Khổng Tử cũng nói:

- Không không như thế.

Tức là họ đã thấy rõ thức ấm. Đối với chư A La Hán, năm ấm đã trừ tận, nên vượt ra khỏi ba cõi. Đối với chúng ta, sắc ấm chưa tận, nên rất cách xa đạo.

Tôi rất xấu hổ vì nhiều năm ngu si hơn quý vị, và chỉ có hư danh. Quý vị cho rằng tôi có rất nhiều sở trường, nên xem tôi như bậc tổ sư. Thật rất khổ sở! Tôi chẳng giống như yêu ma quỶ quái trong kinh Lăng Nghiêm hay chư đại Tổ Sư.

Mỗi lần giảng dạy tham thiền học đạo, tôi thường nhắc nhở quý vị là phải tham tầm bậc minh nhãn thiện tri thức, lại cũng phải có đôi tai thính, để khi nghe pháp, phân biệt được chánh tà. Kế đến, dùng cái thấy cái nghe mà bỏ vào bao tử, để lúc tu đạo không đi lạc đường, và không hành như những kẻ đang sống trong thị phi được mất, hầu mong không phản bội bổn hoài của các vị thiện tri thức.

Hiện tại vốn là đời mạt pháp. Làm sao tìm cầu thiện tri thức? Chỉ cần học thuộc lòng kinh Lăng Nghiêm, thì tu hành mới có phần tương ưng, tiêu diệt tà duyên, khiến thân tâm nhập Phật tri kiến. Từ sự thành tựu này, khiến không đi lạc đường. Toàn bộ kinh, từ đầu đến cuối đều thuyết quan trọng nhất tại một chữ "Dâm". Kinh nói: "Nơi các thế giới, nếu chúng sanh trong sáu đường, tâm chẳng khởi dâm dục, thì sẽ không bị sanh tử tương tục lôi cuốn. Ông tu tam muội, đó là cội gốc xuất khỏi trần lao. Tâm dâm dục nếu chưa trừ diệt, thì không thể thoát khỏi trần lao. Nếu kẻ nhiều trí huệ, lại có thiền định hiện tiền, mà không đoạn tâm dâm dục, tất sẽ đọa lạc ma đạo".

Xem kinh Lăng Nghiêm, nếu không quay về tông thiền, thì chỉ như cỡi ngựa ngắm hoa, thật không lợi ích. Phải nên đọc tụng thuộc làu, rồi có thể dùng lời văn sau để giải lời văn trước, và dùng lời văn trước mà quán thông lời văn sau. Lời văn trước và sau, tương hỗ ứng chiếu, thì nghĩa lý của toàn bộ kinh, sẽ hiện rõ ràng trước mắt. Y theo lời kinh mà quán tưởng, thì sẽ đắc được thọ dụng.

Các vị tu hành xưa nay ngộ đạo do từ kinh này rất nhiều. Thiền sư Tiên Nham An ở Ôn Châu nhân xem qua đoạn "trong tri kiến mà còn lập thêm tri kiến, tức là gốc của vô minh. Trong cái tri kiến mà không có tri kiến, tức đây là niết bàn" tức nghĩa là tri kiến vừa lập, bèn là gốc vô minh. Nếu không lập tri kiến thì cảnh giới đó là Niết Bàn. Ngay nơi đó, Tiên Nham An liền ngộ đạo. Người sau bảo thiền sư:

- Ngài đã phá câu kệ tụng rồi.

Ngài đáp:

- Đây chính là chỗ ngộ đạo của tôi!

Người đời gọi Ngài là "An Lăng Nghiêm".

Hy vọng quý vị đồng tham học, vô luận là già hay trẻ, phải thường đọc tụng kinh Lăng Nghiêm. Bộ kinh này là vị thiện tri thức tùy thân của quý vị. Đọc tụng thuộc lòng bộ kinh này, tức là quý vị thường được nghe đức Thế Tôn thuyết pháp, và làm bạn đồng học với ngài A Nan.

Trích từ: Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân