Home > Khai Thị Phật Học > Tien-Den-Qua-Vi-Thap-Hoi-Huong
Tiến Đến Quả Vị Thập Hồi Hướng
Hòa Thượng Thích Huyền Vi


Từ khi vào Hạ đến giờ thầy đã khai thị cho quý vị nghe cả thảy là được ba thời pháp đó là: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, bây giờ tới bài Thập Hồi Hướng.

Khi mỗi chúng ta có chánh tín tu hành đi sâu vào, thành tâm phát nguyện thì sẽ đạt được quả vị Thập Tín, rồi mới bước lên một tầng nữa tức là Thập Trụ, nghĩa là mười điểm trụ vào cái chơn tâm của chúng ta, và làm sao phải sống đúng với những cái trụ đó thì mới có thể bước lên một bậc nữa tức là chứng về Thập Hạnh. Đây là mười cái hạnh tu hành làm lợi tha cho muôn loài chúng sanh.

Nói đến Thập Hồi Hướng thì chúng ta cũng cần nên tìm hiểu yếu tố nào đưa đến những quả nầy. Đây là tiệm tu còn được gọi là tiệm giáo, nghĩa là cách tu từ từ. Còn đốn tu tức là nhất văn thiên ngộ, vì có người mới tu là đốn ngộ liền, không phải trải qua các đường lối tu chứng của tiệm giáo, đưa thẳng đến Đẳng Giác, Diệu Giác, Viên Giác. Viên giác là giác ngộ một cách tròn đầy đó là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, cũng như Đẳng Giác là thấp, Diệu Giác là trung bình, Viên giác mới là quả vị Phật. Đó là đường lối tu chứng và quí vị cần nương theo đó mà tu. Vị nào có thượng căn thượng trí thì nhất văn thiên ngộ gọi là đốn giáo, trái lại thì mình cũng phải đi từ từ mà thôi, gọi là tiệm  giáo.

Hai chữ Hồi Hướng, quí vị đã từng nghe qua rất nhiều khi mới bước vào cửa chùa. Làm cái gì cũng hồi hướng, có khi hồi hướng cho tứ thân phụ mẫu, cùng thân bằng quyến thuộc, cho đàn na tín thí và hồi hướng cho pháp giới chúng sanh đồng thành Phật đạo, đó mới là đúng nghĩa quả vị hồi hướng. Phải tu làm sao để đạt cho được quả vị thập hồi hướng.

Chữ hồi là thu hồi công đức mà mình đã tạo trong lúc tu hành; còn hướng là trải công đức đã thu hồi, hướng về mọi người và cho mọi người, hay nói rộng ra là cho pháp giới chúng sanh. Nếu giải rộng ra là hồi tự hướng tha, hồi nhơn hướng quả, hồi sự hướng lý, hồi tướng hướng tánh.

Nghĩa chữ hồi hướng rất là sâu rộng.  Nói một cách nôm na để cho quý vị dễ hiểu cũng như mình để dành tiền rồi đem ra bố thí cho chúng hữu tình vì mình muốn cho tất cả chúng sanh sớm thành Chánh Đẳng, Chánh Giác. Đó mới là tâm Bồ Tát. Cũng như trong lúc tụng kinh tuy chưa đạt được đúng mức siêu thoát nhưng chắc chắn trong thời tụng kinh đó ta cũng có chút công đức, rồi cuối cùng trước khi chấm dứt thời khóa tụng là ta hồi hướng công đức đó cho chúng sanh; còn nếu chỉ hồi hướng cho cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc thì công đức đó rất là hạn hẹp. Giống như chúng ta làm việc bố thí mà còn phân chia kẻ thân người sơ, kẻ thương người ghét, còn biên giới tức là hữu biên. Việc làm còn hạn hẹp thì không thể nào đi đến thù thắng vì sự hồi hướng đó chưa đến chỗ "vô biên thắng phước đều hồi hướng" được.

Vị nào muốn hồi hướng một cách thù thắng vô biên như vậy thì phải hồi hướng hết lòng, đừng giữ trong tâm và phân chia gì cả, xong rồi mới "Khắp nguyện chúng sanh trong pháp giới, đều được vãng sanh về Cực Lạc". Nguyện cầu cho hết thảy chúng sanh đều trở về cảnh giới của Phật A Di Đà, hay là có những câu khác mà quý vị thường tụng mỗi ngày gọi là "hồi hướng lương duyên Tam Thế Phật, Văn Thù Phổ Hiền Quán Tự Tại, Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật". Có nghĩa là gần tụng kinh xong mình hồi hướng cái duyên lành, duyên thù thắng, duyên tốt, duyên siêu xuất thế gian, hay còn gọi là duyên an vui giải thoát lên cho mười phương chư Phật để đền đáp ơn sâu đến ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Tự Tại tức là Quán Âm và còn hồi hướng cho các vị Bồ Tát lớn, tôn quý như Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát. Mỗi vị phải mang trí tuệ rốt ráo, trí tuệ ba la mật của mình giống như trí tuệ Ba La Mật của chư Phật, chư Bồ Tát vậy. Đạt được đến chỗ Ba La Mật gọi là đáo bỉ ngạn.

Đức Phật đã vạch rõ cho quý vị con đường thoát khổ để ra khỏi luân hồi sanh tử ở quả vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, còn chuyện kết quả tốt, xấu là do nơi mình thực hành hằng ngày, cũng như hôm nay Thầy giảng cho quý vị bài Thập Hồi Hướng, trong đó chia ra làm mười quả vị khác nhau. Thầy mong sao trong ba tháng hạ này quý vị nhận rõ được "Tâm như thái hư, lượng châu sa giới", nghĩa là độ lượng viên dung của mình được trải rộng ra khắp pháp giớiẠ. Những gì là mười quả vị hồi hướng?

1. Cứu hộ chúng sanh, ly chúng sanh tướng hồi hướng

Danh từ này rất là đặc biệt cần phải lưu ý tối đa để nhận ra và làm cho nó thấm nhuần, tươi nhuận, lợi lạc cho tâm hồn, còn nếu mình không thấm nhuần thì tâm mình sẽ khô khan, cằn cỗi rồi sanh ra đủ thứ khổ, đủ thứ bệnh.

Người ta thường ưa nói câu dễ hiểu là: "Giáo pháp của Phật mà mình nhận được thì giống như uống được vị nước cam lồ" ; nó thấm nhuần,  mát mẻ, và trong tâm chúng ta được an vui tự tại, giải thoát. Ở địa vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, thì còn trong quả Thanh Văn, Duyên Giác. Lên đến quả Thập Hồi Hướng, Thập Địa mới vào được quả vị Bồ Tát, mà hễ nói đến Bồ Tát là cái tâm phải hành giống như ngài Quán Thế Âm, Đại thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền v.v...

Tâm Bồ Tát ở sẵn trong mỗi chúng ta. Nó thường hiện ra tâm từ bi, thương người, thương vật, nhưng đôi khi cũng biểu lộ ra những cái ích kỷ nào đó thì khi đó tâm Bồ Tát bị bệnh nặng lắm, vì sao? Vì lòng thương ích kỷ đó nó biểu lộ một cách rõ rệt, không có lợi tha, không có hồi hướng cho ai cả cho nên cứu hộ chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng nghĩa là chúng sanh với mình vốn đồng một bản thể, vì vậy bất cứ làm cái gì cũng nghĩ đến chúng sanh trước nhất, mà hễ nói đến chúng sanh là có mình trong đó. Mình là một trong những chúng sanh, thân nhân của mình cũng là một trong những chúng sanh đó, cho nên hồi hướng này gọi là cứu hộ chúng sanh.

Cứu về hình thức và cứu về tinh thần. Nên nhớ một điều là, mình phải lìa tướng thì mới không thấy mình làm việc đó, nhờ thế mà mình mới làm được mãi mãi; còn nếu trong tâm nghĩ rằng mình đã có giúp cho chúng sanh nhiều quá rồi bây giờ tới lúc phải nghĩ xả hơi, tâm như vậy gọi là tâm giải đãi thì không thể nào gọi là cứu hộ chúng sanh mà ly chúng sanh tướng được. Lý do là còn thấy có tướng nên còn thấy có mình làm. Thí dụ như người xuất gia có bổn phận học đạo để hoằng truyền chánh pháp của Phật là giảng giải cho chúng sanh nghe những câu kinh, những bài kệ, nhưng đừng nên nghĩ rằng vì có mình  giảng bài đó nên người ta mới hiểu. Vị nào nghĩ như vậy là còn có danh có tướng, còn chúng sanh tâm, mà còn gọi là chúng sanh tâm thì làm sao thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi cho được. Không chừng còn làm cho mình tăng thêm cái ngã mạn của mình nữa là khác, do vậy mà trở thành thế gian pháp, chứ không phải là Phật pháp.

Cho nên cứu hộ chúng sanh phải ly chúng sanh tướng hồi hướng là lìa hết các tướng chúng sanh, hay là chúng ta bố thí cái vô úy cho chúng sanh, vì chúng sanh thường khi sợ đau, sợ bệnh, sợ già, sợ chết người thố lộ tâm tư đó cho mình nghe, sau khi nghe xong liền giảng cho họ một bài pháp để cho họ an tâm không còn sợ sệt nữa, chứ đừng có nghĩ nhờ có mình nói pháp vô úy mà họ mới được an tâm vui vẻ trở lại. Nhớ nghĩ như vậy gọi là tâm phàm phu chớ không phải tâm siêu xuất thế gian.

Bây giờ thầy chỉ cho quý vị thấy tại sao nó có ý nghĩ như vậy? Vì họ chưa giác ngộ được sự tu chứng của mình, chưa có tâm lượng Bồ Tát thật sự thành ra làm bất cứ việc gì cũng nghĩ là có mình trong đó thì công việc đó mới thành công viên mãn. Người như vậy gọi là người mê, nhưng khi giác ngộ rồi thì không còn nghĩ tưởng nữa, đó là Phật, tâm mê làm chúng sanh, tâm giác ngộ làm Phật.

Vì thế mà chí nguyện của người xuất gia là phải thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sanh có nghĩa là trên cầu cho được cái chơn lý giác ngộ, dưới giúp cho chúng sanh thoát cơn mê lầm,  chúng sanh còn mê lầm đau khổ là người xuất gia chúng ta phải cố gắng giúp đưa chúng sanh ra khỏi sông mê mới thôi, như thế mới gọi là cứu hộ chúng sanh .

2. Bất Hoại Hồi Hướng

Tâm hồi hướng của chúng ta đừng bao giờ cho nó hư hoại, lúc nào cũng nghĩ tưởng cứu giúp chúng sanh, vì vậy mà sau giờ ăn sáng là chúng ta phải đọc những câu thánh nguyện như là "Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ" v.v... Chữ độ ở đây có nghĩa là chuyên chở bằng đò. Dùng con đò bát nhã, hay dùng trí huệ sáng suốt chở chúng sanh qua biển luân hồi. 

"Tự tánh phiền não thệ nguyên đoạn" mỗi ngày mình phải độ cái tánh của mình một chút, có nghĩa là mình phải sửa tánh nết cho trang nghiêm,  mỗi ngày mình phải đoạn cái phiền não của mình một chút, dần dần cũng phải hết. Nếu mình không đủ khả năng khai triển trí sáng suốt cao thượng để đoạn, thì ít nhất cũng tự chuyển cho mình qua biển sanh tử. Đừng để cho tánh mình tăng trưởng về phần thế gian pháp. Phải tự soi xét, sửa chữa được cho mình rồi kế tiếp mới 

"Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ" vì chúng sanh cang cường có nhiều cá tánh bệnh tật khác nhau khó giáo hóa, khó độ, mình phải cố gắng gần gũi chỉ bảo cho được mới gọi là người tu, nhưng phải cẩn thận nếu không, coi chừng chúng sanh độ ngược lại mình.

Trong kinh Phật có dạy: "Tùy thuận chúng sanh là cúng dường mười phương chư Phật", nhưng tùy thuận theo phương thức nào đây?

Tùy thuận theo chiều sáng suốt để đưa chúng sanh đến chổ giác ngộ như Phật, chứ không phải tùy thuận theo chúng sanh đi xuống.  Chúng sanh đòi chi ta cũng làm nấy, rồi làm một đổi là đi sai với chánh pháp, đi sai chơn lý, không đúng sự thật, thế là chúng sanh có dịp độ ngược lại mình. Họ nói gì mình cũng phải chiều theo, nghe theo, bảo làm gì cũng làm mà không biết việc làm đó đúng hay sai. Đức Phật có 84 pháp môn vô lượng diệu nghĩa, người tu phải phát nguyện để học mới có sáng suốt cứu giúp chúng sanh, mới đúng nghĩa "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ".

Thật ra thì người tu chúng ta cũng cần biết sơ qua  những pháp môn khác. Thí dụ: Ai nói tới Mật Tông mình cũng biết, ai nói tới Nam Tông mình cũng biết, Bắc Tông, Thiền Định, Trì Chú,  Niệm Phật, Quán Tưởng, chúng ta cần phải biết để mà tìm cách hướng dẫn họ đi cho đúng phương hướng để dễ dàng trong sự tu chứng. Trong tất cả các pháp môn tu chúng ta cần phải chọn cho mình một pháp môn nào thích hợp với trình độ tu hành, từ đó mình mới cảm thấy thích nghi tu học, thích nghi hành sự, thì sự tu mới đạt đến kết quả viên mãn.

Theo như Thầy nhận thấy trong thời buổi này chỉ có pháp môn "Niệm Phật" là dễ dàng đáp ứng cho tất cả mọi trình độ tu hành, chỉ cần chúng ta nhất tâm niệm Phật cho đến chỗ nhất như thì khi bỏ báo thân này sẽ được vãng sanh về cõi Phật A Di Đà (trong kinh A Di Đà có dạy). Tâm nguyện của những vị xuất gia là luôn luôn lúc nào cũng tự lợi, lợi tha để cứu độ chúng sanh "Bá nhơn bá bụng bá bao tử" không ai giống ai, cho nên Đức Phật mới nói ra nhiều pháp môn. Đức Phật biết tâm chúng sanh đòi hỏi đủ kiểu, cho nên điểm thứ hai này kêu là bất hoại hồi hướng là đừng làm cho tâm mình hư hoại cái công đức hồi hướng. Bất cứ làm việc gì rồi cũng đem ra hồi hướng cho tất cả chúng sanh, vì thế cho nên cái hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát có dạy: "Tùy hỷ sám hối chư thiện căn, hồi hướng chúng sanh cập Phật đạo".

Luôn luôn mình lấy cái đức tính tùy hỷ sám hối (nếu tội phạm thật sự ăn năn, hối cãi) để độ chúng sanh, kể cả huynh đệ sống chung trong chùa mình cũng tùy hỷ, kẻ làm được việc này, người làm được việc nọ, mỗi người có một năng khiếu riêng biệt, chúng ta phải lấy lòng tùy hỷ trong công việc làm đó, chứ đừng dùng tâm ganh ghét khi thấy ai hơn mình, còn như ai thua mình thì mình khinh khi ra mặt, tâm những vị như vậy là tâm chúng sanh, tâm đời.

Còn tâm đạo không phải như thế, vị nào có tâm đố kỵ như vậy thì còn lâu lắm mới lên được quả thánh. Bất cứ làm gì xong rồi cũng đem hồi hướng cho chúng sanh và còn cầu nguyện cho chúng sanh sớm thành Phật đạo, nếu nói cho dễ hiểu hơn là chúng ta hồi hướng cho chúng sanh với đạo Phật, chớ thật ra Phật đạo nằm trong con người của mình, là Phật tánh của mình. Vì Phật là sáng suốt hoàn toàn, còn đạo là chơn lý, là lý tánh tuyệt đối, là bản thể, tức là mình hồi hướng lại cho chúng sanh, hồi hướng lại cho cái chơn tâm của mình.

Phải làm sao cho sự hồi hướng không hoại, vì một là sau khi làm xong thì mình quên hồi hướng, hai là mình chỉ hồi hướng cho thân bằng quyến thuộc của mình mà thôi, còn người quen sơ thì mình không bao giờ nghĩ tới ; cũng như chỉ hồi hướng cho những người thân, thuận, chớ đối với người nghịch thì không bao giờ hồi hướng cho họ. Thầy chắc chắn rằng những việc hồi hướng như vậy là sẽ bị hoại căn tánh liền. Những việc hồi hướng nầy chúng ta cố gắng làm  sao cho nó trở lại nằm ở trong bản tâm thanh tịnh của mình nên được gọi là bất hoại hồi hướng, đó mới là công lao tu chứng. Được như vậy mới tiến lên thêm một bậc nữa là Đẳng Nhất Thiết chư Phật Hồi Hướng.

3. Đẳng Nhất Thiết Chư Phật Hồi Hướng.

Đẳng là bình đẳng, nhất  thiết chư Phật hồi hướng, nghĩa là trước kia chư Phật tu nhất nhất mỗi việc làm xong là Ngài hồi hướng cho chúng sanh, bây giờ chúng ta cũng noi gương của Ngài, có nghĩa là chúng ta phải bình đẳng đối với các đấng giác ngộ và còn được gọi là Như Lai xuất triền, chúng sanh là Như Lai tại triền, chúng sanh cũng mang cái Phật tánh ở trong đó. Vì thế mà Thầy mới nói tới "Đẳng nhất thiết Chư Phật hối hướng". 

Bình đẳng, vì tất cả Chư Phật và chúng sanh cũng nằm trong đó ; chớ đừng có nghĩ tới tán thán, khen ngợi hồi hướng lên Chư Phật mà chúng sanh thì mình không có nghĩ tới. Làm như vậy là không được, vì chúng sanh với Phật là một (Phật từ chúng sanh mà thành) cho nên có câu "Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng" có nghĩa là tánh giác ngộ như nhau, (mê là chúng sanh, ngộ là thành Phật) mà tại vì chúng sanh mê muội cho nên cứ mang nhãn hiệu chúng sanh mãi mãi, ngày giờ nào mà có chúng sanh giác ngộ thì chúng sanh đó thành Phật, nhưng trước hết phải làm sao cho có một cái tâm bình đẳng để tu tập. Môn nào cũng vậy, khi tu tập xong là phải hồi hướng đến nhất thiết chư Phật đối thượng, đối hạ và nhất thiết chúng sanh cũng đều thành Phật, vì vậy mới gọi là bình đẳng mới đạt được quả vị hồi hướng này. Nếu như chúng ta chưa có tâm bình đẳng thì không thể nào đạt được quả gì hết.

Đừng nói đâu xa, nội trong chùa đây, sống chung với huynh đệ học cùng một Thầy, ăn cùng một mâm, làm việc cùng một lúc vậy mà còn chưa nhất thiết bình đẳng đại chúng được chứ đừng nói chi xa xôi, vì còn có tâm phân biệt thương, ghét, thân, sơ, đôi khi chỉ nhìn nhau bằng nửa con mắt, thử hỏi có những vị làm như thế đó thì làm thế nào đi đến bình đẳng nhất thiết chư Phật hồi hướng, vậy mà mỗi ngày lên chánh điện nhìn Phật đọc bài kinh nọ câu kệ kia rồi không cảm thấy mắc cở xấu hổ, đối với mười phương chư Phật cũng như đối với chúng sanh lương tâm hay sao? 

Vậy, chúng ta phải hết lòng coi nhau như một chứ đừng chia ra hai, ba gì cả. Đừng sanh tâm nhơn, ngã, bỉ, thử. Giả sử như có vấn đề đó thì chúng ta nên quán là nghiệp này ta đã gieo từ tiền kiếp, nay quả chín mùi ta phải trả nếu không trả vốn thì phải trả lời còn khổ hơn thế này nữa. Tốt hơn là nên vui vẻ mà trả kiếp này cho xong. Nếu tất cả ai cũng quán xét được như vậy để đi đến sự giải thoát cho mình và cho người thì thầy bảo đảm rằng trong sự tu hành hằng ngày, hoặc ra làm đạo không bị vấp ngã việc gì cả. Còn như trong đại gia đình mà biết cách cư xử như vậy thì không bao giờ đưa đến sự anh, chị, em chia rẽ, chẳng những thế mà còn gây oán thù.

Nói chung lại thì làm việc gì xong rồi là phải xả bỏ liền, và đều hồi hướng cho khắp nhất thiết Chư Phật, và đồng hồi hướng cho tất cả chúng sanh trọn thành Phật đạo.

4. Trí nhất thiết xứ hồi hướng

Câu nầy để chỉ cái trí nhất thiết của chúng ta dù đi đến một chỗnào, nơi nào mình hành đạo hoặc tu học xong rồi là phải hồi hướng liền cho tất cả nhất thiết xứ. Phải dùng tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả của mình để hồi hướng đừng có giữ cái tâm từ bi đó trong con người mình. Nếu mình nắm giữ thì nó không còn có công đức bao la rộng lớn nữa, cho nên trí hồi hướng là vậy đó. Nghĩa là đến tất cả chỗ lòng thành làm tất cả rồi hồi hướng.

Dĩ nhiên chúng ta ai cũng làm việc đạo hết do đó có câu gọi là "Nguyện tương dĩ thử thắng công đức, hồi hướng vô thượng chơn pháp giới", nghĩa là làm cái gì rồi mỗi chỗ mỗi chỗ nhất thiết xứ đem công đức thù thắng đó để mình hồi hướng lên vô thượng chơn pháp giới. Chơn pháp giới đây là Phật tánh của từng người. Phải đem cái lý hồi hướng đó thể nhập vào chơn tâm của mình, hồi hướng vô thượng. Vô thượng nghĩa là không có gì trên cái chơn tâm của mình được, để đạt quả vị giác ngộ quả vị Phật, có nghĩa là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì không có sự giác ngộ nào hơn nữa hết.

Những ai được như vậy đó là được hoàn toàn sáng suốt giác ngộ. Hồi hướng vô thượng chơn pháp giới tức nhiên là pháp giới ở trong cái nguồn chơn mà nguồn chơn là chỉ cho tâm thật của chúng ta, còn hiện bây giờ ta đang sống đây là vọng tâm, nhưng mọi người đều lầm đó là chơn tâm.

Chơn tâm của chúng ta thật bao la, rộng lớn. Trong lý Bát Nhã là bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thinh hương vị xúc pháp nó không có cái gì tất cả mới gọi là chơn pháp giới. Hồi hướng vô thượng chơn pháp giới và được như vậy thì mình làm việc gì là trí nhất thiết xứ hồi hướng hết việc ấy. Cần phải tiến tu đạo nghiệp cho nhiều thì mới đạt được quả thập hồi hướng nầy. Điểm cần thiết là phải giữ cho tâm mình tịch nhiên giờ nào cũng như giờ nào đừng bao giờ nghĩ đến phước cho mình hay nghĩ đến nhân quả tốt để mình hưởng, làm sao giải tỏa được nó thì mới chuyển được những cái triền phược bị ràng buộc.

Bây giờ thầy nhắc trong đại chúng từ lớn đến nhỏ, nếu mình chưa quên cái ý nghĩ đó được thì mình cũng cố gắng giữ cho tâm thanh tịnh nhưng đừng chấp chặt vào nó quá, rồi hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh liền, có nghĩa là mình đã giác ngộ thì tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. 

Mới nghe qua thì thấy nó rất tầm thường, nhưng thật sự nó rất cao siêu mầu nhiệm vô cùng tận chớ không phải ít đâu. Tức là mình đã sáng suốt và đem cái yến sáng giác ngộ đó giúp lại cho người khác để cho họ cũng sáng suốt giống như mình, đó gọi là giác tha. Đó là trí nhất thiết xứ hồi hướng.

5. Vô Tận Công Đức Tạng Hồi Hướng

Bao nhiêu công đức mà mình làm, đương nhiên nó đã nhập vào Như Lai Tạng rồi. Tạng đây là Như Lai Tạng tánh, vô tận, vô tận, vì nó không bao giờ cùng tận đâu. Nhưng phải làm sao cho nó thể nhập được cái công đức của những việc mình tu và hành, những công đức bố thí vô tướng, hạnh nguyện lợi tha là điều cốt yếu.

Thí dụ: Chúng ta phát lời nguyện để tụng một bộ kinh Pháp Hoa hay một bộ kinh Lương Hoàng Sám hoặc Từ Bi Thủy Sám phải nhất tâm nhất đức thọ trì tụng niệm cho đúng mức thì đó gọi là công đức, rồi từ đó triển khai công đức đó cho thể nhập với Như Lai Tạng tánh là cái tánh thật của mình xuất triền, gọi là ra khỏi ràng buộc. Hiện bây giờ mỗi người trong chúng ta, ai cũng có Như Lai Tạng tánh nhưng bị ràng buộc, tại triền bởi phiền não, vô minh, nghiệp lực, ác chướng, báo chướng che lấp v.v..., cho nên không giải tỏa được.

Do đó chúng ta mang cái như lai tạng tánh tại triền, luôn luôn bị ràng buộc cột chặt. Từ những sự việc bên ngoài cho đến cái công đức bất cứ làm việc gì, như dâng cúng Phật một bình hoa, thắp một cây nhang cúng Phật mà gọi là xứng với cái tánh Phật của mình mà làm thì đó gọi là công đức. Tiếp đó mình phải hồi hướng cho pháp giới tánh tức là cái Như Lai Tạng tánh. Như Lai Tạng tánh chung và Như Lai Tạng tánh riêng cho từng cá nhân của mỗi chúng ta nó vô tận vô tận mãi mãi cho đến khi nào đắc quả vị chánh đẳng chánh giác mới thôi, tức là không cùng tận. Như vậy mới gọi là vô tận công đức tạng hồi hướng.

Làm được như vậy rồi, tâm vẫn  an nhiên, bao la như bình thường. Đừng nghĩ đến cái sự hạn hẹp, có nghĩa là tháng này mình phát nguyện tụng một bộ Kinh Pháp Hoa nhưng đừng bao giờ nghĩ tới mình đã tụng rồi, thì tháng tới mình sẽ tiếp tục tụng như vậy; còn bằng ngược lại ghi nhớ trong đầu mình đã phát nguyện rồi thì hay thoái bồ đề tâm và bị hạn cuộc trong sự tu hành, mà bị hạn cuộc như vậy thì làm sao nó vô công đức tạng được.

Công đức này là công đức của như lai tạng tánh của mỗi người trong chúng ta, nói tên khác đó là Phật tánh của mình chứ không đâu xa, chỉ khác ở danh từ mà thôi. Vì chúng ta không làm chủ được cho chính bản thân mình nên hết nghiệp lực nọ đến nghiệp lực kia vây quanh mãi mãi cứ xoay trong vòng sanh tử luân hồi triền miên mà không hay biết gì cả, vừa mới thoát ra khỏi triền phược thế gian, để vào xuất thế gian nhưng nào ngờ đâu triền phược của thế gian quá mạnh sự tu hành của chúng ta quá kém cho nên lại bị lôi trở xuống, vì thế khó thể nhập được quả vị thập hồi hướng. Không thể nhập thì đâu có gọi là vô tận công đức tạng hồi hướng, Thầy khuyên quý vị làm gì cũng nhất tâm, nhất đức một lòng, một dạ thì việc làm đó mới có thể đi kết quả là trực nhập với cái Như Lai Tạng tánh của mình được.

Cứ như vậy thì thế nào cũng đạt đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đó mới gọi là vô tận công đức tạng hồi hướng.

6. Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng

Điểm thứ sáu này nhắc Thầy nhớ đến câu  "tùy thuận chúng sanh vô quái ngại, niết bàn sanh tử đẳng không hoa". Nghĩa tất cả chúng sanh nào có cái tâm niệm thiện thì mình phải tùy thuận, tùy hỷ đừng chống báng lại. Vẫn biết rằng trong cái thuận có cái nghịch, hoặc trong cái nghịch có cái thuận, mình phải hiểu rằng tâm chúng sanh lúc nào cũng có sự ganh ghét, đố kỵ luôn luôn là sợ người khác hơn mình.

Thí dụ như thấy huynh đệ mình tu hành dạo nầy có vẻ tiến lên một chút thì sanh tâm không bằng lòng đó gọi là tùy nghịch. Thấy kẻ làm thiện thì tán thán đưa họ lên khuyên họ cố gắng tinh tấn hơn nữa, đó là mình tùy thuận trong cái Phật tánh bình đẳng của mỗi chúng sanh. Tùy thuận ở nơi tất cả cái căn lành dù cho mình thấy họ tạo được một chút ít căn lành mình cũng phải tùy thuận, cũng như mình khuyến khích để cho mình cũng như những vị khác có thể noi theo hầu có thể cùng nhau đồng đăng bỉ ngạn, đồng thành chánh giác; chớ đừng bao giờ khởi lên cái ý xấu nào cả.

Thầy nói rõ nghĩa tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng là như vậy đó. Phải tùy thuận chúng sanh vô quái ngại, chớ còn thấy người ta làm sai là mình chỉ trích, hoặc rầy la.  Như thế là không được! Phải chỉ dẫn một cách ôn hòa, từ tốn, dù họ biết rằng họ làm sai nhưng không thể nào buồn mình được, kẻo không họ sanh tâm oán hận thì coi như là thù nghịch, mà mang trong lòng mối oán thù rồi thì khó mà gần gũi độ họ được. Kể cả huynh đệ đây cũng phải tùy thuận như tùy thuận chúng sanh vậy. Được như thế mới thể nhập được pháp lục hòa, vì Đức Phật đã dạy là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh bình đẳng.

Cho nên chúng ta cố gắng làm sao cho thuận thảo, giúp nhau khai triển cái Phật tánh cho nhau, chớ trái nghịch Phật tánh là chỉ gây thêm phiền não, rồi trở thành vô minh. Tánh sáng suốt không còn lưu lộ nữa thì cuộc đời tu hành của mình trở thành màu tối ảm đạm u buồn, vậy chúng ta luôn luôn nương đúng theo chánh pháp, sáng suốt, tùy thuận bình đẳng thiện căn để cho mỗi việc từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ chuyện thế gian đến chuyện xuất thế gian cho được dung hòa, xuôi thuận.

Điểm này trong sách có nói "Như thị vô lượng công đức hải, ngã kim giai tất tận hồi hướng" có nghĩa là: Công đức này vô lượng vô biên như biển, con nguyện đem hồi hướng khắp pháp giới chúng sanh. Quý vị phải cố gắng làm sao cho dung hòa giữa Phật tử với người xuất gia cũng giống như cái biển công đức bao la không có chỗ nào ngăn ngại che lấp. Được như thế chúng ta mới chuyển hóa hết tất cả tâm tánh thù nghịch từ tiền kiếp, vô lượng kiếp cho đến đời hiện tại và vị lai đều được tiêu trừ.

Thầy nói cho quý vị biết tất cả công việc gì trước khi quyết định làm mình đều có ý nghĩ phát nguyện là làm công việc này tôi sẽ hồi hướng cho chúng sanh, vì trong khi làm đôi lúc có sự bị lệch lạc, hay lầm lẫn gì đó thì mình cũng đã có hồi hướng cho chúng sanh rồi, hồi hướng đây là hồi hướng với cái tâm thành của mình, và nhờ vào cái thành tâm đó mà chúng ta cố gắng thêm lên dù cho công việc thế gian hay xuất thế gian đều được kết quả viên mãn. Được như thế thầy tin chắc rằng quý vị sẽ tiến lên thêm một quả nữa đó là: Tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh hồi hướng.

7. Tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh hồi hướng

Tức là thuận theo cái bình đẳng thuận theo phép quán cho nó tới nơi tới chốn. Thí dụ quý vị đang nghe Ngũ Đình Tâm Quán, nghĩa là trong lúc nghe mình phải nhận chân, thuận theo bài học cho nó đúng lý của nó để hồi hướng cho khắp tất cả chúng sanh vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh bình đẳng như nhau. Khi tu mình cần quán như vậy để đạt được quả vị thập hồi hướng, vì tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh là lúc nào quan sát đến tất cả muôn loài, đều bình đẳng.

Chúng sanh với mình là một, cho nên ở trong những bài kệ Tỳ Ni, hay những câu kinh, câu kệ bên đại thừa giáo đều có cầu cho chúng sanh, thí dụ như sáng sớm mới ngủ dậy chúng ta phải đọc "Ngủ nghĩ mới thức, cầu cho chúng sanh..."  đến lúc mặc áo cũng vậy "Khi mặc áo trên, cầu cho chúng sanh....", trong khi rửa mặt cũng thế "Dùng nước rửa mặt, cầu cho chúng sanh, được pháp thanh tịnh, thường không nhơ bẩn".  Trước khi chấm dứt thời tụng kinh chúng ta đọc bài tam quy y "Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh...Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sanh... Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sanh...." mình với chúng sanh là một cho nên chuyện gì cũng phải nghĩ đến chúng sanh trước nhất, đó mới gọi là tâm Bồ Tát, bởi vì Bồ Tát không bao giờ nghĩ lo cho mình trước.

Người đời mới vào tu lúc nào cũng lo cho mình trước vì tâm của họ còn sơ cơ, nên cứ lo sợ mất phần công đức tu tập. Phải nhận rõ rằng: hồi hướng cho chúng sanh, mà trong chúng sanh có mình. Những chuyện gần sát mình nhiều nhất là huynh đệ hằng ngày tu chung và cũng là thiện hữu tri thức với nhau mình phải làm sao cho có được một tâm niệm tùy hỷ, tùy thuận, thanh tịnh, nhu nhuyến luôn luôn để mà đi tới quả vị tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh hồi hướng, tùy thuận bình đẳng Phật tánh, tùy thuận những phép quán tu. Mình phải đạt cho được cái đó trước, rồi sau để mà hồi hướng cho pháp giới chúng sanh.

8. Chơn như tướng hồi hướng

Chơn như tướng đây là tướng chơn như. Làm sao cho mỗi việc, mỗi việc, trong cuộc sống hằng ngày đây, nhất cử, nhất động đều được uy nghi khi đi đứng nằm ngồi, hành, trụ, tọa, ngọa. Bốn oai nghi, chúng ta phải trở về cái chơn thật, chơn như tướng. Cái tướng chân như tức là mình trở về chơn tâm, Phật tánh đó mới gọi là Như Lai Tạng tánh, hoặc tùy theo mỗi nơi mà người ta giải thích mỗi danh từ khác nhau. Thật ra các danh từ đó đều nằm trên văn tự mà thôi, tất cả cũng chỉ vào chơn tâm của mình, đó mới là điểm then chốt tu hành.

Làm một việc gì từ thân, từ miệng, từ ý, đều phải trở về với cái tướng chân thật, chơn như, bản tánh của mỗi người. Đừng cho lệch lạc, đừng cho sai, đừng cho vọng động, đừng cho điên đảo, đừng cho phiền não!  Có như vậy là mới đúng nghĩa trọn vẹn vào chơn như tướng, xứng tánh tác Phật sự, xứng với tánh tu niệm hành sự hằng ngày, đó là cái đặc biệt.

Thí dụ quý vị đi, đứng, nằm, ngồi, cũng phải giữ làm sao sống với cái tướng chơn như đúng với hành, trụ, tọa, ngọa, tứ oai nghi trong bất cứ lúc nào, khi làm một việc gì cần phải cẩn thận để cho nó trực nhập với chơn như tướng, tức là cái sự việc của mình làm đó thích ứng, thể nhập với cái chơn như, có nghĩa là chơn thật, không hư vọng. Còn nếu mà các việc làm đó mà từ thân, miệng, ý không thể nhập được cái chơn như thì lấy cái gì đâu gọi là công đức để hồi hướng cho chúng sanh? Làm việc gì cũng phải đúng chân lý hợp sự thật, lời nói hợp việc làm,  là thể nhập được tướng chân như rồi hồi hướng ở trong cái không cũng hồi hướng. Cái chơn không cũng không nên giữ lại trong tâm linh mình để làm gì, nghĩa là đem cái đó hồi hướng cho pháp giới chúng sanh. Việc làm đó tuy khó hiểu khó làm nhưng một khi mình hiểu được và làm được mới là chơn như. 

Thí dụ bây giờ quý vị thọ trì đọc tụng một thời kinh đúng phương pháp, đúng chơn lý hợp sự thật, đó là quý vị đã nhập vào thật tướng chân như, cũng như quý vị tọa thiền ngồi kiết già thì chân trái để lên bắp vế chân phải, rồi chân phải để lên bắp vế chân trái sau, hoặc giả ngồi bán già thì chân phải để lên trên chân trái, tay phải luôn luôn để lên tay trái, hai đầu ngón tay cái đụng vào nhau, mắt nhìn hơi xuống không cách xa lắm, sửa mình, đầu, lưng cho ngay thẳng, thở ra hít vào trong sự điều hòa không để cho vọng tưởng xen vô làm náo loạn tâm mình đó mới gọi là đúng cách đúng phương pháp tọa thiền mới gọi là chơn như tướng.

Cái tướng hành thiền đó đúng mức thì thể hiện chơn như. Lấy chơn như này đem hồi hướng cho chúng sanh thì trở thành tâm chơn như (thái hư) lượng châu sa giới. Đừng nhớ nghĩ lăng xăng, đừng để cho bất cứ cái gì xen vô làm chủ. Trong kinh Lăng Nghiêm có nói vì do một niệm vọng động bất giác nổi lên mới sanh ra sơn hà đại địa, thế giới chúng sanh.

Chơn như tướng hồi hướng khi mà trực nhập được là sao? Thí dụ quý vị thực hành từ phút hô chuông. Hô cho đúng ba thời, đánh cho sung mãn là đánh cho nó hiện chơn như tướng; chứ đừng đánh kiểu đầu voi đuôi chuột. Lúc mới khởi đánh vài ba tiếng thì còn coi đở đở một lát thành ra trật bậy trật bạ cho nên không còn nhìn thấy chơn như tướng ở đâu nữa cả.

Bài kệ hô chuông cũng thế cố gắng phải làm cho nó đúng phương pháp, vì vậy mà thầy kêu gọi quý vị phải học tập hoài đừng để nó đi vào quên lãng, thì uổng phí cuộc đời. Tuy nó giống như chuyện giả dối, giống như chuyện hình tướng, nhưng không thể khinh thường nó được "Hữu vi tuy ngụy, xả chi tắc Phật đạo nan thành".

Những việc hữu vi mình làm coi ra vẻ có hình tướng, giống như ngụy chớ không phải chơn, nhưng mà bỏ nó đi thì chuyện sáng suốt, con đường giác ngộ Phật đạo, ở vị giác ngộ giải thoát không thành. Vì vậy cho nên người ta học tập phải tới nơi tới chốn là vậy đó.

Bất cứ là chuyện gì cũng phải học cho đúng mức, phải làm cho đúng mức thì mới đi đến chơn như tướng. Chẳng hạn như trước bàn Phật quý vị quì gối tụng kinh chắp tay ngay ngắn đàng hoàng nhất cử nhất động tâm hướng về Phật không một vọng niệm xen vào thì đó gọi là tướng chơn như. Đừng nên làm theo kiểu thế gian thì nó sẽ trở thành cái pháp thế gian, đồng thời cũng sự việc đó nếu mà đúng pháp thì được gọi là Phật pháp bất ly thế gian pháp, thể nhập thành chơn như (nếu làm đúng) gọi đó là siêu xuất thế gian "Phật sự môn trung, bất xả nhứt pháp". Tóm lại  trong tất cả mọi Phật sự thì mình phải làm cho nó rốt ráo, đi tới cái chỗ gọi là chơn như tướng hồi hướng, làm xong rồi thì hồi hướng cho pháp giới chúng sanh đồng thành Phật đạo.

9. Vô phược giải thoát hồi hướng

Vô phược tức là không ràng buộc, mà không ràng buộc tức là giải thoát thành hai danh từ đó để chúng ta thấy hình như là dư mà không phải là dư.  Vô phược là không ràng buộc, giải thoát cũng là không ràng buộc. Nghĩa chung của bốn chữ Vô Phược Giải Thoát là: Không cái vô phược là đừng có ràng buộc ở nơi  việc làm tức là đừng làm theo kiểu hình tướng nầy nọ, phải cố gắng làm sao cho nó đừng bị ràng buộc, và tức nhiên là giải thoát tâm hồn đừng cho vướng bận.

Giải thoát thuộc về tâm hồn, vô phược đứng về hình thức để chấp trược bên ngoài. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi khắc, mỗi giây, chúng ta luôn luôn giữ cho tâm hồn tịch mặc tự tại. Thí dụ như chúng ta có đào ao thả sen đi nữa, thì công việc nặng nhọc đó cũng đừng để cho nó ràng buộc trong tâm. Đừng cho nó ràng buộc trong cái khó, cái khổ. Được như vậy tâm hồn mới giải thoát mới là vô phược (không ràng buộc). Về điểm này ở trong kinh Phật có dạy: "Như thị tứ pháp quảng vô biên, nguyện kim hồi hướng diệc như thị" Có nghĩa là nó luôn luôn không ràng buộc, được giải thoát, trong bốn phápẠ.   Nó rộng vô biên mà từ xưa có câu "như thị tứ pháp quảng vô biên",  từ xưa đến giờ bốn thứ này đứng vào hàng đầu về phương diện mê lầm. Tối tăm nguy hiểm cho con đường luân hồi của chúng sanh.

Nguyện kim hồi hướng diệc như thị, nghĩa là hiện nay mình biết là làm xong rồi coi như là hồi hướng, đừng để cho nó ràng buộc một cái gì hết. Hư không là như vậy đó mình cũng đừng có nghĩ quanh quẫn từ hư không cho đến chúng sanh, đến nghiệp lực, và phiền não. Những pháp đó coi như là hồi hướng hết, dẹp hết cho cõi lòng thường thanh tịnh thì chúng ta mới thấy hai chữ "Tịch mặc". Cũng như diệt phiền não, để cõi lòng thường thanh tịnh hay cõi lòng thường tịch mặc cũng vậy. Đó là thanh tịnh rồi, (Dẹp bỏ buồn rầu, để lòng thường an vui), do đó cho nên không có ràng buộc giải thoát coi như giải tỏa tất cả các nghiệp chúng sanh phiền não.

Còn những vi tế phiền não sót lại cũng dẹp luôn, cũng như mình bỏ được cái buồn giận thô, nhưng trong lòng vẫn còn nghĩ chút chút, buồn chút chút đó gọi là vi tế cũng phải dẹp ngay. Đó mới gọi là không ràng buộc, để tâm hồn cho giải thoát, rồi đem cái không ràng buộc giải thoát đó cũng hồi hướng cho tất cả chúng sanh. Khi đã hồi hướng rồi thì cũng đừng có nghĩ đến bây giờ mình không còn ràng buộc nữa, mình bây giờ là giải thoát rồi, không nên nghĩ đến cái đó nữa mới gọi là giải thoát thật sự, chứ còn nghĩ đến ta đã giải thoát rồi, thì đó là chưa được giải thoát ; cũng như người tu chứng thì không bao giờ dám nói là mình tu chứng, vì còn thấy có tu có chứng tức nhiên là không tu chứng gì cả.  

Ví như một quốc gia nào đó đang bị đô hộ bởi một quốc gia khác, họ cố vùng vẫy tranh đấu để được độc lập, nhưng sự độc lập chưa đến mà cứ tuyên bố quốc gia chúng tôi đã được độc lập rồi, sự thật thì không có gì cả, còn khi nào độc lập thật sự thì tự nhiên những quốc gia khác liền biết và công nhận nơi đó só sự độc lập thật sự. Có như vậy thì mới thiệt là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, lúc đó mới có thể tiến lên quả vị thứ mười là pháp giới vô lượng hồi hướng.

10.  Pháp Giới Vô Lượng Hồi Hướng

Tất cả những gì mình tu tập trong giới pháp là:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,

Phiền não vô lượng thệ nguyện đoạn,

Pháp môn tu vô lượng thệ nguyện học,

Phật đạo vô thượng thệ nguyện hành..

Bây giờ coi như là mình giải tỏa hết tức là hồi hướng hết, mình làm tất cả những chuyện đó nhưng không bao giờ nghĩ tới.

Chẳng hạn như Đức Bổn Sư Thích Ca của chúng ta đã trải qua nhiều kiếp số tu hành khổ hạnh, bao nhiêu kiếp đã từng làm Bồ Tát đi cứu độ tất cả chúng sanh không ngại gian lao khó nhọc. Đây là kiếp cuối cùng của Ngài, khi mà ngồi dưới cội cây Bồ Đề là Ngài phải giải tỏa hết không còn nghĩ gì đến những chuyện tiền kiếp. Ta tu khổ như thế nào, ta hành Bồ Tát đạo như thế nào  v.v...,

Tất cả đều giải tỏa hết, cuối cùng Ngài hoát nhiên đại ngộ mới chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác tức là Viên Giác, là người giác ngộ hoàn toàn. Pháp giới vô lượng, hồi hướng vô lượng khi mà ta đạt được tâm cảnh nhất như rồi thì "Nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức". (Một vọng tâm đừng cho phát sanh, thì không còn một pháp gì hết), vì còn cái nọ cái kia hơn thua phải trái, rộng hẹp là vì cái vọng tâm mình còn, muôn vật muôn sự đều dứt hết thì tâm không còn vọng động nữa.

Tóm lại trên con đường tu mà quý vị nghĩ cái nầy, nghĩ cái kia có đôi khi nghĩ càng nhiều thì càng vô ích. Càng suy nghĩ thì nó bắt mình phải suy nghĩ hoài, những khi trong đầu đang muốn suy nghĩ như vậy, thì ta liền đổi sang câu niệm Phật ngay. Được như vậy thì sự tu tập mỗi ngày thêm dễ dàng cho chúng ta, đó mới là tự độ mình, rồi sau mới có thể độ tha được. Để giải tỏa những cái vô ích đó, Thầy chỉ cho quý vị một phương pháp là đừng nên để cái lăng xăng nó xen vào tâm mình.

Hồi xưa những bậc thượng căn, thượng trí, bất luận khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, nói giao thiệp, qua lại đều giữ tâm thiền hết ;  còn bây giờ quý vị tu theo pháp môn Tịnh Độ không phải chuyên tâm thiền quán, mình không biết cách thức làm sao thiền quán cho nó giải tỏa thì phải thay thế bằng câu niệm Phật tam muội (niệm Phật thiền định). Có như thế thì lúc nào tâm của mình và Phật tánh của mình cũng giống như tâm Phật thì đó mới gọi là nhất như.

Hãy ngồi lại yên lặng, rồi tự hỏi rằng: Tại sao hôm nay tâm ta vọng động lăng xăng quá vậy? Cứ nghĩ hết chuyện nọ, thế kia mãi mãi! Mình phải đặt câu hỏi đó cho chính mình! Theo Thầy thấy con người mình mà thiếu chánh niệm thì luôn luôn bị chuyện nọ chuyện kia xen vào như dòng suối chảy khó mà ngừng nghĩ được lắm, vì thế mà lúc nào Thầy cũng khuyên tất cả quý vị khi làm bất cứ một chuyện gì, dù Phật sự khó hay Phật sự dễ quý vị cũng cần phải giữ chánh niệm luôn luôn thì việc làm của quý vị mới cao quý tốt đẹp và còn đi đến viên mãn.

Làm lợi ích cho mình và cho chúng sanh được hàm triêm lợi lạc. Đó là nhiệm vụ của người xuất gia đi hoằng truyền chánh pháp để báo đền ơn Phật, ơn Thầy Tổ, cũng như một người mới vào tu thọ Sadi giới, phải làm sao cho hai chữ Sadi sự lý tánh tướng dung thông.

Chữ Sadi nghĩa là tức từ (tức ác hành từ, tức thế nhiễm nhi, từ tế chúng sanh) dứt các việc xấu làm các việc tốt đó là cứu giúp chúng sanh, đưa chúng sanh đến bờ giác ngộ giải thoát cũng như mình vậy dù cho vật đổi sao dời chúng ta lúc nào cũng giữ vững lời phát nguyện cứu giúp chúng sanh không lay chuyển.

Còn như các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni cũng đã làm giống như vậy, vì chữ Tỳ Kheo có ba nghĩa: Khất sĩ, phá ác, và bố ma. Mình phải làm sao cho đúng với câu "Thượng khất chư Phật chư pháp, Hạ khất đàn việt chi thực",  có nghĩa là trên thì cầu xin cho mình học, mình hiểu, mình thâu nhận giáo pháp của Phật, dưới là xin những vật thực của đàn việt để mà sống. Bởi vì nếu là Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni lăng xăng quá cả ngày chỉ lo chuyện sanh nhai ăn uống không còn thì giờ để thượng khất chư Phật chư pháp, vì thế phải đi khất thực của đàn na tín thí, ai cho gì mình ăn nấy không khen cũng không chê, nhờ đó mà có thời gian tu tập, tọa thiền học Kinh, Luật, Luận.

Kế đến là phá ác, phá những cái xấu, cái ác, cái dở của chính mình, phải dẹp liền tức khắc.

Còn bố ma là phải làm sao cho mấy con ma ngũ ấm của mình, ma phiền não, ma tử, ma quân nó phải sợ hãi trốn đi mất như vậy mới gọi là chánh niệm, còn như ngược lại gọi là vọng niệm. Chẳng hạn như quý vị làm hương đăng thì làm sao cho phần nghi lễ từ trên xuống tới dưới tất cả những gì nằm trong đại điện thờ phượng đều được thanh tịnh trang nghiêm, sạch sẽ, tinh khiết, đừng cho khuyết một chỗ nào hết  đó gọi là giữ chánh niệm. Mỗi nơi, mỗi người, mỗi sự việc phải lo chu đáo, đúng bổn phận mình.

Nói tóm lại Thầy giảng quả vị Thập Hồi Hướng này là lúc nào cũng tự lợi và lợi tha, tất cả những chuyện gì dù khó khăn nặng nhọc đến đâu nếu chúng ta nhất tâm nhất đức thì đều vượt qua được tất cả, và từ đó chúng ta sẽ tiến lên được quả vị Thập Địa, đó là hành Bồ Tát Đạo.  

Từ Ngữ Phật Học Trong: Tiến Đến Quả Vị Thập Hồi Hướng