Muốn chứng quả vị Thập Tín, thì mỗi người phải thật hành nhơn địa Thập Tín. Mùa nhập Hạ năm nay, đây là lần đầu tiên Thầy khai thị cho đại chúng, một pháp môn rất là vi diệu. Đó là Nhơn Địa Thập Tín. Trong bài này có tất cả là mười (10) cái tâm. Nói là mười mà là một, một lại phải chia thành mười như sau:
1. Tín Tâm: Từ lâu chúng ta đã hiểu tín tâm là tin giáo pháp của Phật, tin nhân quả, tin luân hồi, tin Phật, Pháp, Tăng, nói chung là như vậy. Tin lời Chư Phật dạy không sai. Tin giáo Pháp là thuốc hay để trị lành tâm bệnh, tin Tăng là những vị chân chánh tu hành, nương theo các vị này để tu không sai đường hướng. Hiểu như vậy chỉ là mới hiểu được sự tướng ở bên ngoài. Còn muốn hiểu cho đúng thì phải tin chắc chắn không còn một chút nghi ngờ nào hết là: Mình có ông Phật hay là có Phật tánh ở trong người mình. Đã từ lâu chúng ta có nghe "Nhất thiết chúng sanh, giai hữu Phật tánh", (Tất cả chúng sanh, đều có tánh Phật). Ai cũng có thể biết điều ấy, nhưng trong hành động thì lại không thể nhập được Phật tri kiến, bởi vì từ lâu chúng ta bị vô minh che khuất nên Phật tánh hay phật tri kiến của mỗi người không thể hiển lộ được. Vậy nếu muốn hiển lộ được Phật tri kiến cần phải nhận định rõ:
a) Tin Phật là mình có tánh sáng suốt giác ngộ và giải thoát sẵn bên trong của mỗi chúng ta. Đó là tin Phật của mình.
b) Tin Pháp là mình có pháp tánh lợi tha bình đẳng, bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định ba la mật ở trong con người mình. Tại vì mình không chịu thực hiện, thực hành cho đúng mức nên pháp tánh khó mà hiển lộ .
c) Tin Tăng là tin chắc chắn mình có đức tính hòa hợp, đức tánh thanh tịnh, đức tánh nhu nhuyến (Nhu nhuyến là tánh có thể vuông hay tròn) có thể sống một cách dễ chịu, tương ưng để mà độ đời, phải hùng lực để thấy cái tự tánh của mình. Chư tăng, ni sống chung phải hòa hợp như nước hòa với sữa, như ánh sáng hòa với hư không, mình phải lấy đức tánh Tăng Bảo để mà sống, được như vậy đó mới gọi là hoàn toàn tín tâm, mới đạt vào tự tánh ở nơi Tăng Bảo.
2. Niệm Tâm : Tâm của mình luôn luôn ở vào chánh niệm đó là, niệm thí, niệm giới, niệm thiên. Thế nào là niệm thí?
a) Niệm thí là đem cái tâm chân thật của mình ra làm việc bố thí, thì mới thấy bố thí ba la mật, còn đem vọng tâm ra làm việc bố thí thì không phải bố thí ba la mật. Thí dụ bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy, nhưng mà không còn thấy mình làm việc bố thí thì mới gọi đó là ba la mật, rốt ráo. Kế tiếp, thế nào là niệm giới?
b) Niệm giới là lúc nào cũng nghĩ tới nhiêu ích hữu tình giới, nghĩa là giúp cho chúng sanh được lợi lạc và làm sao cho chúng sanh hiểu được họ có cái Phật tánh hay là linh quang, linh tánh, và đó cũng chính là Phật tâm. Khi mê thì còn đặt cho nhiều tên khi ngộ thì đó là phật tánh hay giác tánh. Phải làm sao cho chúng sanh hiểu rằng ai ai cũng đều có viên ngọc ma ni trong người, kể cả những vị đồng ấu xuất gia, hay bán thế xuất gia cũng vậy. Có hiểu được như thế mình mới đi hoằng truyền chánh pháp cho chúng hữu tình được. Sau đến thế nào là niệm thiên?
c) Niệm thiên đây là luôn luôn sống trong tứ thiềnẠ bát định ở các cõi trời Sắc giới và Vô Sắc giới, nhưng ở cõi Dục nầy thì có Lục Dục thiênẠ Trên Lục Dục Thiên là 18 cõi trời Sắc giới do đắc thiền định mà thành tựu. Những gì là Lục Dục Thiên:
1/ Ly sanh hỷ lạc: Khởi đầu bằng tâm lý nhàm chán cái ô trược của cõi Dục, và mong cầu được xa lìa (ly) được cái ô trược của Dục giới thì ‘sanh vui mừng’ (sanh hỷ lạc). Đó là kết quả của giai đoạn tham thiền đầu tiên (sơ thiền).
2/ Định sanh hỷ lạc: Nhưng cái vui mừng nói trên, lại làm cho tâm giao động, cần phải dứt trừ, vì thế hành giả phải vào định. Khi định có kết quả cái vui mừng thô phù của Sơ thiền chấm dứt, và cái vui mừng vi tế ở trong định lại nẩy sanh. Vì thế cho nên gọi là Định Sanh Hỷ Lạc (nhị thiền).
3/ Ly hỷ diệu lạc : Cái vui mừng ở cõi Nhị thiền mặc dù vi tế nhưng vẫn còn làm cho tâm rung động, vì thế lại cần bỏ cái vui mừng ở cõi Nhị thiền. Khi bỏ được cái vui mừng nầy, thì một nỗi vui mầu nhiệm khác lại phát sanh, vì thế cho nên gọi ly hỷ diệu lạc (tam thiền).
Trong các kinh thường chép: Cõi Tam thiền là vui hơn hết (diệu lạc), vì ở các cõi dưới chỉ có cái vui thô động, còn ở các cõi trên thì chỉ là tịch tịnh, không còn vui nữa.
4/ Xả niệm thanh tịnh: Ở cõi Tam thiền, tuy đã hết cái vui thô động của Sơ thiền và Nhị thiền, nhưng vẫn còn cái vui mầu nhiệm. Nhưng hễ còn niệm vui, thì tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh. Hành giả lại phải còn tiến lên một bậc nữa, đi vào tâm thiền thứ tư, là xả luôn cả cái niệm vui, để tâm được hoàn toàn thanh tịnh, vì thế nên gọi là Xả niệm thanh tịnh. Và trên đây là mới chỉ là phần niệm thiên. Nếu tiến một tầng nữa thì sẽ lên Tứ Không Thiên (Vô Sắc Giới), đó là:
a) Không vô biên xứ thiên: Tâm đã được hoàn toàn thanh tịnh, nhưng vẫn còn thấy có sắc giới, có thân có cảnh và bị hình sắc trói buộc, nên sanh tâm nhàm chán để rời bỏ hình sắc, thân, cảnh, và rồi thể nhập vào (hư không vô biên) tức là rỗng không tự tại.
b) Thức vô biên xứ: Rời bỏ được sắc, thân và cảnh thì thấy được cái vô biên của hư không, nhưng vẫn còn giữ cái bản ngã hẹp hòi, vẫn còn thấy biên giới của tâm thức, để xóa bỏ cái biên giới của thức, cho nên khi thành tựu không có thần lực, nên gọi là thức vô biên.
c) Vô sở hữu xứ Định: Mặc dù không còn thấy biên giới, ngăn cách của thức, nhưng vẫn còn thấy có ngã, có tâm thức, có năng sở, mà hễ còn thấy có năng sở, tức còn thấy mình và người, còn thấy có sở hữu. Vì thế phải vượt lên một mức nữa, xa lìa sự chao động năng sở (ta và người) tức nhập định, chẳng dùng gì được cả nên mới gọi là vô sở hữu xứ.
d) Phi tưởng, phi phi tưởng xứ: Khi đã nhập định "vô sở hữu", không còn thấy nhân ngã, năng sở, nhưng vẫn còn vọng tưởng, mà còn tưởng thì còn vọng động. Làm sao phải tiến thêm một mức nữa để vào cõi Định không tưởng. Nghe nói không tưởng đừng nghĩ đây là vật vô tri vô giác, không phải cái không tưởng của đất đá, không tưởng mà vẫn sáng suốt như tấm gương, đó là ý nghĩa của cõi "Phi tưởng, phi phi tưởng xứ". Muốn như vậy tâm mình phải luôn luôn sống trong chánh niệm, ai được như vậy mới có cơ nhập ngộ được Thập Tín.
3. Tinh tấn tâm: Tâm mình luôn luôn tinh tấn dõng mãnh không giải đãi giờ phút nào cả, có 3 loại tâm tinh tấn là.
a) Bị giáp tinh tấn: Ví như người ra trận lúc nào cũng mặc áo giáp. Mặc áo giáp để bảo vệ thân mạng, coi như ngày nào cũng đánh giặc đó là giặc phiền não. Làm sao phải chiến thắng nó hàng ngày, hàng giờ, hàng phút mới ca khúc khải hoàn!
b) Gia hạnh tinh tấn: Gia công tấn hạnh là luôn luôn đừng cho bị cũ và còn gọi là "Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân". Có nghĩa là "Ngày mới, ngày mới, việc lại mới" không bao giờ bị thoái chuyển. Lúc nào trong thâm tâm cũng nghĩ làm lợi ích cho chúng sanh thì những ma chướng bên trong dần dần tiêu tan hết, làm Phật sự với tâm phàm phu, tâm tham lam, tâm đố kỵ, tâm cầu danh cầu lợi, những người như vậy không thể gọi là gia công tấn hạnh tinh tấn.
c) Vô hỷ túc tinh tấn: Nghĩa là tinh tấn không bao giờ vui mừng cho là đã đầy đủ. Dù cho xả bỏ thân này để chúng sanh được lợi lạc mình vẫn không bao giờ vui mừng cho là đầy đủ.
4. Huệ Tâm: Tâm của mình lúc nào cũng sống với cái trí tuệ chứ đừng sống với cái mê mờ mộng phiền não vô minh, huệ tâm này chia làm ba phần:
a) Vô phân biệt gia hạnh huệ: Mình luôn luôn làm với tâm không phân biệt và hành cho đúng với trí huệ sẵn có trong mỗi người chúng ta.
b) Vô phân biệt huệ: Những trí huệ mà mình tu mình tiến thì không còn phân biệt nữa, lúc nào cũng thấy thanh tịnh nhẹ nhàng, tinh tấn rốt ráo.
c) Vô phân biệt hậu đắc huệ: Tu cho đến khi nào không còn phân biệt huệ thì hiển lộ vô phân biệt hậu đắc huệ, chừng đó chúng ta mới ngừng nghỉ. Hiện tại nếu vị nào có sẵn căn bản trí của mình nhưng bị mê mờ vô minh che lấp, phải làm sao cố gắng chuyển hết những cái mê mờ đó thì hậu đắc trí huệ sẽ hiển lộ, giống như là giác ngộ sau khi tu tiến vậy.
5 Định tâm: Là tâm vô vi của mình. Có ba loại định tâm là:
a) An Trụ Định: Lúc nào cũng như lúc nào tâm trụ trong khinh an thiền duyệt, nghĩa là phải giữ cho tâm an định đừng cho nó xao xuyến náo loạn. Nếu chuyện phiền não gì đáng bỏ qua thì nên bỏ tức khắc. Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ trở thành không, như vậy là ta có chơn tâm an trụ định.
b) Dẫn phát định: Nương theo trạng thái an trụ định nầy, hành giả phát sanh bát nhã thánh trí, cho nên được gọi là Dẫn Phát Định. Phải biết đây không phải là cái định như cây như đá, cái định khô khan. Chúng ta phải làm sao phát triển thánh trí bát nhã nầy, hay là cái tánh sáng suốt tròn đầy, mỗi ngày thêm rộng lớn.
c) Thành sở tác sự định: Trong mỗi việc mình làm, dù việc nhỏ hay việc lớn, phải đúng chân lý hợp sự thật, và tâm phải chú trọng vào việc mình làm, ngay cả trong lãnh vực văn hóa, kỷ thuật, mỹ thuật của nếp sống hiện tại. Tuy đó là chuyện thế gian nhưng mình phải phát triển tánh sáng suốt tròn đầy để chuyển nó thành xuất thế gian, ấy là hoàn thành sức định.
6. Bất thoái tâm: Tâm mình cần cố gắng đừng bao giờ cho thoái chuyển. Do đó có câu "Tâm bồ đề bất thoái, chí tu học vững bền". Nếu tâm chưa giác ngộ, thì nên nuôi hạt giống bồ đề cho mỗi ngày càng thêm cao lớn.
7. Hộ pháp tâm: Chúng ta luôn luôn gìn giữ chánh pháp tức là gìn giữ chánh tâm, chơn tâm. Khi chơn tâm nó khởi diệu dụng lưu lộ ra mình phải sử dụng cho đúng mức để bảo trì ngôi Tam Bảo tự tánh. Hộ Pháp Già Lam là những vị thần gìn giữ bảo hộ chùa, bảo hộ Tự Viện ; còn Hộ Pháp Tâm là vị nầy lúc nào cũng theo ủng hộ người xuất gia. Một khi chúng ta chuyên tâm lo bảo trì đạo pháp cho Tam Bảo tự tánh, tất cả những pháp này gọi là tâm pháp, tâm hộ chánh pháp.
8. Hồi hướng tâm: Bất cứ mình làm việc gì cho đạo pháp xong rồi coi như "Tâm như hư không, lượng châu sa giới": (Tâm như hư không, sự độ lượng trong người mình nó trải rộng ra khắp pháp giới); không nên nhắc tới nhắc lui, hoặc kể lể công lao cho người này nghe, cho người kia biết, phải đem công lao đó hồi hướng cho pháp giới chúng sanh đều trọn thành phật đạo. Hồi là gom góp lại, hướng là chia ra cho tất cả, tâm được bình đẳng, cho nên bên Đại Thừa giáo chia ra hồi hướng làm bốn (4) phần.
a) Hồi tự hướng tha: Đem những gì mình tu tập hàng ngày ra hồi hướng cho chúng sanh, đừng để cho riêng mình lãnh thọ.
b) Hồi nhân hướng quả: Nếu mình gieo những nhân duyên thiện, duyên tốt vô lậu của xuất thế gian cũng đừng bao giờ nghĩ đến là có, đem nhân này hồi hướng cho pháp giới hữu tình, đồng lên quả giác ngộ...
c) Hồi sự hướng lý: Mình làm tất cả những sự tướng cuối cùng đều qui về lý tánh đừng có kể sự tướng, nếu còn kể có sự tướng thì đó là thế gian bên ngoài. Nên cuộc đời tu của mình mà dù có xây được cả trăm ngôi chùa cũng đừng kể công lao cực nhọc, cứ xem như mình chưa làm gì cho chúng sanh cả, nếu ai làm phật sự mà vẫn còn nhắc nhở hoài thì công đức cũng tiêu mà phước đức cũng không còn, như vậy thì không bao giờ chứng ngộ quả vị Thập Tín được.
d) Hồi tướng hướng tánh: Tất cả những hình tướng hành sự gì xong rồi đều qui về bản tánh thanh tịnh của mình. Phật tánh chơn không, đừng nghĩ mình làm như thế là có phước đức thù thắng...
9. Giới tâm: Tâm luôn luôn thực hành Tam Tụ Tịnh Giới. Đó là:
a) Nguyện đoạn nhất thiết ác: Không nên làm việc ác, dù việc ác ấy rất nhỏ.
b) Nguyện tu nhất thiết thiện: Nên làm việc thiện, việc tốt dù cho việc thiện ấy nhỏ bằng hạt bụi cũng không nên bỏ.
c) Nguyện độ nhất thiết chúng sanh: Nguyện độ tất cả chúng sanh, còn một chúng sanh đau khổ mình cũng không bỏ, cố gắng tế độ vì chúng sanh đồng một Phật tánh với mình. Chẳng lẽ mình thành Phật thành Bồ Tát, rồi lên ngồi trên tòa sen một mình, trong khi đó còn không biết bao nhiêu chúng sanh đang lặn hụp nơi biển khổ sanh tử luân hồi này, như vậy là đâu có phải hạnh Bồ Tát, hạnh giác hữu tình.
10. Nguyện tâm: Tâm luôn luôn phát nguyện tu trì bốn loại nguyện tâm như là.
a) Nguyện tiêu ba chướngẠ: Phải phát nguyện dẹp những phiền não dần dần, những chuyện không đáng nói không đáng giận thì chúng ta nên thông qua. Đừng chấp chặt từ lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ từng hành động.
b) Nghiệp chướng: Muốn tiêu trừ các nghiệp chướng cho dễ dàng, thì nhờ đến huynh đệ đồng tu phụ giúp chỉ cho mình thấy những chứng hư tật xấu nghiệp chướng của mình. Thí dụ: Tới giờ tụng kinh mà con ma làm biếng nổi lên khiến cho ta không chịu đi hành trì, lúc đó cần nhờ thiện hữu tri thức nhắc nhở phải đánh đuổi những nghiệp chướng đó đi để vươn lên con đường tinh tấn vì thế mới có câu "Ăn cơm có canh, tu hành có bạn".
c) Báo chướng: Những nghiệp quả đời trước bây giờ quả chín muồi nó đến với chúng ta ở đời này. Thí dụ như ở đâu đó chúng ta có nghe tên một người nhưng chưa gặp mặt thì đã muốn liên lạc và muốn làm quen, còn có những người mình mới gặp có một lần chưa biết tánh tình họ ra sao nhưng đã sanh vọng tánh ganh ghét, không ưa lộ ra vẻ mặt. Nếu là một tu sĩ mình phải biết đó là báo chướng ở tiền kiếp mà ra, vậy đừng nên để báo chướng đó sanh sôi nảy nở mà hãy tìm cách giải tỏa liền. Đừng để ta và đối phương gây thêm nghiệp báo nữa. Đó mới đúng là hạnh xuất gia, là người con Phật.
d) Nguyện được trí tuệ hiểu rõ sự việc: Chúng ta phải phát nguyện như thế nào để trí tuệ càng ngày càng phát triển, từ giới sanh định, nhơn định phát huệ.
e) Khắp nguyện tội chướng đều tiêu trừ: Lúc nào mình cũng phải khấn nguyện trong lòng cho tội chướng được tiêu trừ. Nếu nhất tâm tụng niệm là sau một thời kinh, một thời niệm Phật tội chướng sẽ giảm bớt.
f) Mỗi thời thường làm theo con đường Bồ Tát: Luôn luôn thực hành con đường của Bồ Tát, Bồ Tát là giác ngộ cho chúng sanh. Đó là giác hữu tình, hữu tình giác, giác nhi hữu tình.