Home > Khai Thị Phật Học
Hành Thập Độ Đến Quả Vị Bồ Tát
Hòa Thượng Thích Huyền Vi


Hôm nay Thầy đăng đàn khai thị cho đại chúng rõ pháp môn tu tiến ngõ hầu trở thành một vị Bồ Tát Bất Thoái Chuyển, đó là thật hành pháp môn Thập Độ.

Pháp môn Thập Độ là một phương pháp độ sanh mà hàng đệ tử xuất gia cũng như hàng cư sĩ tại gia cần phải biết để hành trì, đi đúng với câu  "Nguyện tiêu ba chướng trừ phiền não" mà hằng ngày chúng ta thường đọc sau mỗi thời kinh. Những gì là ba chướng? 

Đó là: Phiền não chướng, Nghiệp chướng và báo chướng. Và làm sao dẹp được ba cái chướng ấy trong chính mỗi chúng ta?

a. Phiền não chướng là những gì không an không vui trong chính mình thì mình cần phải dẹp liền, dù cho đối nội đối ngoại, đối thượng, đối hạ. Mỗi niệm, mỗi niệm, bất cứ trong giờ, phút, giây nào chúng ta cũng phải giải tỏa cho được chứng bệnh trầm kha này. Đừng để bị vướng mắc mê lầm.

b. Nghiệp chướng là tất cả những tâm bệnh nào làm ngăn ngại con đường tu tiến của mình thì phải mau mau đánh tan ngay, đừng chần chờ đừng cho quên.

c. Báo chướng là những hoa trái, kết quả mà chính ta đã gieo từ nhiều đời nhiều kiếp nay còn lưu lại, và ta phải gánh chịu trong cuộc đời nầy ; cho nên mới có câu "nguyện tiêu ba chướng trừ phiền não, nguyện đặng trí tuệ thường sáng tỏ". Chúng ta phải làm sao cho trí tuệ được hiển lộ ra và luôn luôn sống với trí Bát Nhã tức là trí sáng suốt sẵn có của mình. Khi ấy phiền não chướng, báo chướng, nghiệp chướng sẽ ra đi một cách tự nhiên.

Nguyện bao tội chướng được tiêu trừ, là khắp nguyện cho tất cả chúng sanh được tiêu trừ nghiệp chướng, tội chướng, báo chướng, phiền não chướng. Kiếp kiếp thường hành theo con đường Bồ Tát  là cố gắng làm sao mỗi ngày mỗi giờ phải thực hành cho đúng con đường của Bồ Tát vạch ra, dù cho người xuất gia hay cư sĩ tại gia cũng có thể làm được. Vì thế mà hôm nay Thầy khai thị cho đại chúng bài Thập Độ. Ấy là mười (10) phương pháp độ thoát cho chúng sanh, trong đó có chúng ta, và đây là con đường của Bồ Tát đã đi, nhất là người xuất gia tu theo phương pháp Đại Thừa thì cần thật hành hạnh bồ tát. Vì sao? Vì theo Đại Thừa Giáo khi thọ Cụ Túc Giới là phải thọ Bồ Tát giới xuất gia. Nếu không thọ Bồ Tát giới coi như vị đó tu theo hạnh Thanh Văn Thừa. Nếu ai muốn có quả vị Bồ Tát thì trước hết phải gieo nhân Bồ Tát, cũng giống như chúng ta gieo hột giống cây nào thì sẽ hái quả cây đó.

1. Bố thí cúng thí:  Người mà có tâm niệm cúng thí, bố thí thì độ, trừ được xan tham, bỏn sẻn nhưng việc làm này làm sao cho được rốt ráo chứ đừng bố thí để gọi là có tên, như vậy việc làm của mình chỉ cầu chút ít phước báo hữu lậu thì không làm sao đưa đến chỗ Ba La Mật cho được. Bố thí có ba cách:

1. Tài thí: Là chúng ta đem tịnh tài bố thí cho chúng sanh được an cư lạc nghiệp.  Tài thí có hai  loại: Đó là nội tài và ngoại tài.

a. Nội tài là đem những gì trong thân thể mình như: Mắt, tim, gan, phổi, máu ra bố thí cho người khác đó gọi là nội tài. Điều này khó thực hiện được khi chúng ta còn sống, nhưng chúng ta làm được khi vừa mới tắt thở, có nghĩa là khi còn sống đã ký giấy cam kết cho những bộ phận trong thân thể khi mình vừa chết, giúp cho người khác được sống như trường hợp ghép tim, ghép thận . v.v ...

b Ngoại tài là đem tiền bạc vật dụng ra bố thí cho người nghèo khó thì đó là ngoại tài, thí cho đến nổi không thấy mình là người bố thí, không thấy của bố thí có nhiều hay ít mà cũng không biết người thọ thí đó là ai, được như vậy mới gọi là rốt ráo đến chỗ ba la mật.

2) Pháp thí: Là đem giáo pháp ban bố cho các tầng lớp người, vì sau khi nghe một thời pháp chúng ta có thể chuyển tâm phiền não thành tâm bồ đề, được sống an lạc, sống hạnh phúc ngay hiện đời này. Cao hơn nữa là chuyển con đường mê lầm đi sang con đường sáng suốt giác ngộ, giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử khổ đau vĩnh viễn muôn kiếp, chuyển phàm thành Thánh.

3) Vô úy thí: Ở trên đời này có nhiều cái khổ, nghèo cũng khổ, giàu cũng khổ, đau cũng khổ và chết cũng khổ, cho nên con người chúng ta luôn luôn lo sợ đủ mọi mặt. Người học Phật cần nên làm sao giúp cho chúng sanh không còn cái lo sợ như vậy, mình phải chinh phục sanh tử. Nói đến tử  tức là chết, thì ai ai cũng đều lo âu buồn chán, vì thế người xuất gia cần phải học Phật pháp cho đến nơi đến chốn, để đem những giáo pháp đặc biệt của Đức Phật mà giảng lại cho người đời đừng có tâm sợ sệt, lo âu nữa. Do đó có câu:

  "Tài, pháp nhị thí, đẳng vô sai biệt,

  Đàn ba la mật, cụ túc viên mãn".

Chúng ta đừng phân biệt tài thí với pháp thí.  Phải xem hai loại bố thí này bình đẳng ngang nhau. Nếu bố thí mà đi đến chỗ ba la mật là được cụ túc viên mãn, tức là đầy đủ. Như trong kinh có dạy: "Tất cả những phẩm vật cúng dường lên chư Phật Hiền Thánh Tăng và Hiện Tiền Tăng, chỉ có cúng dường giáo pháp là hơn hết" vì gíáo pháp của chư Phật có khả năng giáo hóa, hoán chuyển cho tất cả chúng sanh. Vì vậy người xuất gia phải cố gắng học hỏi cho thông suốt kinh, luật, luận. Kinh, Luật và Luận là ba kho tàng quý báu của Đạo Phật. Được như thế mới là pháp cúng dường tối thắng.

2. Trì giới: Trì giới là độ hủy giới, hoặc độ phá giới. Gìn giữ giới như gìn giữ viên minh châu, hoặc tròng con mắt. Trì giới ba la mật nằm trong ba yếu tố chánh bên Đại Thừa. Đó là:

a. Nhiếp luật nghi giới: Không có việc thiện nhỏ nào mà mình bỏ qua.

b. Nhiếp thiện pháp giới: Không có việc lành nào dù nhỏ mà mình không làm.

c Nhiêu ích hữu tình giới: Bất cứ làm việc gì, luôn luôn phải nghĩ đến sự lợi ích cho chúng sanh và phải làm sao cho chúng sanh nhận được  trong chính họ có mang viên Ma Ni Bửu Châu (đó là phật tánh). Ba điểm này cũng giống trong ba câu,

"Nguyện đoạn nhất thiết ác,

Nguyện tu nhất thiết thiện,

Nguyện độ nhất thiết chúng sanh". mà mỗi ngày độ ngọ chúng ta đều phải nhớ đọc.

3) Nhẫn nhục: Nhẫn nhục ba la mật là độ sân hận, giận tức. Người nào có lòng nhẫn nhục là không bao giờ sân hận, nhưng thật rất khó làm. Vì thế trong kinh có câu.

"Nhất niệm sân tâm khởi,

Bá vạn chướng môn khai".

Khi một niệm sân giận nổi lên thì có đến trăm muôn cửa chướng ngại theo sau. Cũng như chúng ta thường hay nghe "Vi phiền não chi căn. Thị tam đồ chi quả". Giận là cái gốc phiền não, đây là quả khổ trong ba  đường, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Cho nên người con Phật, Thích Tử, Thích Nữ phải dẹp cho được cái giận tức buồn phiền này thì tu rất là mau tiến. Không ai có thể dẹp cho mình, chỉ có mình mới tự làm được mà thôi. Nhưng muốn dẹp bỏ cái giận tức này thì trước tiên cần phải tu hạnh nhẫn nhục ba la mật. Nhẫn cho đến khi nào không còn thấy mình nhẫn đó mới gọi là ba la mật, cũng như chúng ta sống hàng ngày đây có ba nghiệp mà cần phải nhẫn đó là: ý nghĩ, lời nói và hành động.  Thánh nhân có câu:

"Nhẫn, nhẫn, nhẫn trái chủ oan gia tùng thử tận"

Thân, miệng, ý nhẫn thì bao nhiêu trái chủ oan gia nghiệp báo đều tiêu hết

"Nhiêu, nhiêu, nhiêu, thiên tai vạn họa nhất tề tiêu"

Thương, thương, thương ngàn tai muôn họa theo đó mà tiêu tan.

"Mặc, mặc, mặc, vô hạn thần tiên tùng thử đắc"

Lặng, lặng, lặng, đừng phát động nổi lên để cho tâm hồn trở lại sống với cảnh thần tiên.

Cho nên trong kinh Phật có dạy: "Ba nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương".

4) Tinh tấn: Người có tinh tấn thì độ được biếng nhác, trễ nải. Phải luôn luôn tinh tấn trong tâm hồn mình, lúc nào cũng phải tinh tấn hành đạo, học đạo, đừng bao giờ cho nó giải đãi.  Cái nghiệp biếng nhác này đã ăn sâu  gốc rễ từ vô thỉ tới bây giờ. Trong kinh phật có dạy ba cách tinh tấn đó là:

a) Bị giáp tinh tấn,

b) Gia hạnh tinh tấn,

c) Vô hỷ túc tinh tấn.

a) Bị giáp tinh tấn là như thế nào? Giống như người ra mặt trận lúc nào cũng mặc áo giáp để bảo vệ thân mạng, coi như ngày nào cũng phải chống lại quân giặc. Thí dụ như, mỗi buổi sáng tới giờ công phu chúng ta hay bị bệnh nhức đầu, đau bụng, đó là con ma phiền não, con ma làm biếng nổi lên, xui khiến cho tâm giải đãi không tu không học, ngay lúc đó chúng ta phải làm sao chiến thắng nó, hàng ngày, hàng giờ, hàng phút mới được ca khúc khải hoàn!

b) Gia hạnh tinh tấn: Là gia công tấn hạnh tinh tấn siêng năng luôn luôn làm sao mỗi ngày mỗi đi lên, cũng như Đức Phật dạy người xuất gia chúng ta mỗi nửa tháng cạo tóc một lần. Cạo tóc đây có nghĩa là cạo những phiền não trọng trược đã theo chúng ta từ vô thỉ kiếp.

c) Vô hỷ túc tinh tấn: Không bao giờ vui mừng cho việc tu tập của mình là đủ, thí dụ như có những vị đồng ấu xuất gia khoảng 8, 9 tuổi đến hơn 40 tuổi thì đã cho đó là tu đủ rồi không chịu tinh tấn thêm lên. Như vậy là không được, vì vô hỷ túc tinh tấn là không bao giờ thấy là đủ, cho đến khi nào nhận chân được món quà Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác, chừng đó mới là hỷ túc tinh tấn. Làm sao cố gắng giữ cho được ba món tinh tấn này đừng cho lui sụt. Vì thế mà chư Hiền nhơn dạy chúng ta bằng những câu thơ như sau:

"Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn,

Không gì bằng trí tuệ của đời ta,

Sống điêu linh trong kiếp sống Ta Bà,

Chỉ có tinh tấn là vượt qua tất cả".

5) Thiền định: Tâm của chúng ta có thiền định ba la mật thì mới độ được tán loạn, phải làm sao cho tâm mình định đến khi nào không còn thấy mình định mới thôi. Người mà tâm ý tán loạn thì không làm cách nào để đạt được đạo, không làm sao phát sanh trí tuệ, bởi vì nhơn định mà phát huệ, mới ngõ hầu thành tựu được thánh đạo; khỏi cô phụ chí hướng xuất gia của mình. Ngài Khổng Tử cũng có nói tâm mình lúc nào cũng giữ định tĩnh luôn luôn để "Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển kỳ phụ mẫu, hiếu chi thỉ dã". Có nghĩa là tự mình phải hành đạo, cho đắc đạo để lại tiếng thơm cho đời sau, để làm rạng danh đến cha mẹ sanh mình đó là trả hiếu vậy. Vì thế mà thầy mong muốn sao cho Tăng Ni lúc nào cũng sống trong thiền định, để hoằng truyền chánh pháp, đền trả ơn sâu chư Phật, chư Tổ.

6) Bát nhã ba la mật: Khi có bát nhã ba la mật là độ được vô minh. Hễ có ánh sáng thì làm sao có bóng tối, cho nên tâm hồn lúc nào cũng sáng suốt cho đến không còn thấy mình sáng suốt đó mới gọi là Bát nhã ba la mật. Phần này chia làm ba thể thức.

a. Bát nhã vô phân biệt gia hạnh:  Dùng trí bát nhã của mình ra làm phật sự, không phân biệt làm nhiều làm ít, chuyện cần làm phải làm vì lợi ích chúng sanh, không còn suy tính. Cứ lấy trí bát nhã ra sử dụng, luôn  luôn phải gia hạnh tinh tấn.

b. Bát nhã vô phân biệt: Lúc nào mình cũng sống với trí bát nhã là không bao giờ sai. Đôi khi còn có những chuyện phải hàng phục chúng sanh, mình phải tỏ ra buồn phiền giận tức la lối lớn tiếng, nhưng nó vẫn nằm trong Bát Nhã Thánh Trí (Trường hợp này chỉ sử dụng cho người khi mà hạt giống phiền não không còn nữa; chỉ còn lại hạt giống Bát Nhã Thánh Trí).

c. Bát nhã vô phân biệt hậu đắc: Lấy trí sáng của mình tu học cho đến khi nào đạt được hậu đắc trí. Hậu đắc trí này đã sẵn có trong mỗi chúng ta, là trí sau của căn bản trí nhưng lâu ngày bị lu mờ, bây giờ mình phải làm sao giải tỏa sự lu mờ đó đi thì ánh sáng bát nhã hậu đắc trí sẽ hiện ra, đây là trí tuệ hoàn toàn sáng suốt tối hậu để giác ngộ. Cũng như Đức Thích Ca nhờ có căn bản trí cho nên trong thời gian tu lục niên khổ hạnh và sau thời kỳ thiền định 49 ngày dưới cội bồ đề thì Ngài mới đạt được cái trí hậu đắc.

7) Phương tiện ba la mật: Là để độ lòng người cố chấp, vì trên đời này không có gì là tuyệt đối, mà muốn lợi ích cho chúng sanh thì cần phải có phương tiện, vì người đời hay chấp ngã, chấp pháp, chấp danh ngôn, chấp thân này cho là thiệt có cho là thường còn, vì thế mới có ba loại phương tiện để độ những cái chấp này:

1. Đại từ bi phương tiện: Lúc nào cũng dùng tâm đại từ, đại bi của mình nhưng phải có một chút phương tiện trong đó, đặng giúp cho người đời dễ hiểu, và họ trở lại tâm bình thường.

2. Đại giác ngộ phương tiện: Đây là phương tiện trong sự đại giác ngộ, chứ không phải giác ngộ trong sự mê lầm, nếu mình không hiểu biết mà vẫn cố làm thì sẽ đi sai chánh pháp.

3. Chuyển pháp luân bát nhã phương tiện: Dùng bánh xe pháp để giáo hóa không bao giờ thoái chuyển, giống như chuyển pháp luân bất thoái phương tiện (dù gặp chuyện khó khăn gì cũng đừng nản lòng) mình phải làm sao cố gắng cho phương tiện này trở thành ba la mật thì mới không lay chuyển tâm bồ đề.

8) Nguyện ba la mật: Là độ tâm tham dục của chúng sanh của chính hành giả cho nên mới có bài thơ:

"Vui trong tham dục vui là khổ,

Khổ để tu hành khổ quá vui,

Nếu biết có vui là có khổ,

Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui,

Mong sao giữ tánh không vui khổ,

Mới thoát ra ngoài lối khổ vui".

Người tu hành muốn có tánh 'cũng đừng vui cũng đừng khổ', thì phải phát nguyện tu hành ba la mật "Tu hành vô nguyện, đạo quả nan thành" . Tu hành mà không có phát nguyện thì đạo quả khó thành tựu, nguyện ba la mật có ba điểm:

1. Chí thành tâm nguyện: Phàm làm việc gì phải đem hết lòng thành để nguyện (chứ không phải nguyện như cái máy nói, nói xong thì ngừng nghĩ).

2. Thâm tâm nguyện: Đem cái tâm sâu sắc vững vàng đi tới, tiến tới luôn luôn để đến chỗ rốt ráo.

3. Hồi hướng phát tâm nguyện: Nghĩa là làm được cái gì cũng đều phát tâm nguyện hồi hướng cho chúng sanh, nếu muốn cho bản nguyện của mình trở thành ba la mật thì cần phải nhớ vào, bốn câu thệ nguyện mà mỗi buổi ăn sáng Tăng, Ni  đều đọc tụng:

Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ,

Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn,

Tự tánh pháp môn thệ nguyện học,

Tự tánh phật đạo thệ nguyện thành.

Bốn câu trên đây thuộc về lý phát nguyện:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Bốn câu này thuộc về sự phát nguyện, mỗi ngày chúng ta dứt bỏ một chút để hành theo lý và sự cho đúng pháp của chư Tổ lưu truyền là đặng thành chánh quả.

9) Lực ba la mật: Độ tánh yếu hèn của mỗi người, vì đây là sức mạnh của khả năng từng cá nhân một, tất cả mọi người ai cũng có khả năng riêng biệt của chính mình. Lực này có đến năm (5) loại là:

a. Tín lực: Sức mình tin tưởng là mình sẽ làm được những chuyện mà bản thân mình muốn làm, nhờ có lòng tin nên mới thành công.

b. Tấn lực: Một sức tinh tấn luôn luôn dõng mãnh trên con đường tu học và con đường hoằng pháp lợi sanh.

c. Niệm lực: có một sức mạnh suy nghĩ sao cho việc tu, việc học và hành đạo của mình luôn luôn trong chánh niệm .

d. Định lực: Dù cho trời long đất lở, chúng ta lúc nào cũng giữ chánh định tự nhiên  không lo sợ không hoảng hốt ...

e. Huệ lực: Đây là sức trí huệ ba la mật, trí huệ kim cương, mình phải đạt cho được cái đó. Mà muốn đạt cho kỳ được cái huệ lực, chúng ta phải thực hành cho đủ ba yếu điểm là:

1. Giới lực ba la mật: Sức giữ giới cho được rốt ráo nghiêm minh.

2. Định lực ba la mật: Sức thiền định cho được rốt ráo. Đi, đứng, nằm, ngồi đều phải có định lực dù cho sắp chết cũng phải có định lực, nhờ như vậy mà thần thức được sáng suốt, an nhiên tự tại.

3. Huệ lực ba la mật: Sức điện trí tuệ Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa bao trùm cả trong và ngoài ba ngàn đại thiên thế giới.

10) Trí ba la mật: Có tầm mức trung trí tuệ, chưa phải là đại trí tuệ, nhưng có thể độ được tánh ngu si.  Đầu tiên cần phải có nhất thiết trí, tất cả mọi sự gì mình đang sống đây phải tự giác. Kế tiếp là đạo chủng trí, trí tuệ này liên quan mật thiết đến muôn loài chúng sanh, người đạt được đạo chủng trí thì có giác tha hoàn toàn.

Cuối cùng đến nhất thiết chủng trí, tất cả những chuyện thế gian cho đến siêu xuất thế gian trong vũ trụ ngoài vũ trụ đều hiểu biết hết, thì sẽ được giác hạnh viên mãn. Sau đây là một bài thơ về trí tuệ:

"Tâm trí tuệ thinh thinh rộng lớn,

Sáng trong ngần chẳng bợn mây trần,

Làu làu một tánh thiên chân,

Bao trùm muôn loại chẳng phân thánh phàm..."      



Từ Ngữ Phật Học Trong: Hành Thập Độ Đến Quả Vị Bồ Tát

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Bộ Bản Duyên Tập 2, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
2.    Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Yếu Giải, Cư Sĩ Như Hòa
3.    Đại Trí Độ Luận Tập 2, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
4.    Diệu Liên Đại Sư Khai Thị Tập 2, Hòa Thượng Thích Diệu Liên | Linh Nham Tùng Thư, Việt Dịch
5.    Diệu Nghĩa Thành Phật Của Hoa Nghiêm Nhất Thừa, Thanh Khâu Sa Môn Kiến Đăng Chi | Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn, Việt Dịch
6.    Giảng Giải Cảm Ứng Thiên Tập 2, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
7.    Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận, Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Ni Sư Hải Triều Âm, Việt Dịch
8.    Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm 4 Tập, Đại Sư Thật Xoa Nan Đà | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
9.    Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật Giảng Giải Trọn Bộ, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Tỳ Kheo Thích Minh Định, Việt Dịch
10.    Kinh Hoa Nghiêm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
11.    Kinh Tiểu Bộ Tập 2, Hòa Thượng Thích Minh Châu, Việt Dịch
12.    Luận Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội, Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Lão Cư Sĩ Định Huệ, Việt Dịch
13.    Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản, Cư Sĩ Hạnh Cơ
14.    Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 2, Thượng Tọa Thích Phước Thái
15.    Những câu chuyện linh ứng về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát Tập 2, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
16.    Những Đóa Hoa Vô Ưu Tập 2, Thiện Phúc
17.    Pháp Uyển Châu Lâm Quyển 2, Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản, Việt Dịch
18.    Phật Học Căn Bản - Chương Trình Phật Học Hàm Thụ - Tập 2, Tỳ Kheo Thích Thanh Giác
19.    Phật Học Trung Đẳng Tập 2, Đại Sư Thái Hư | Nguyễn Khuê, Việt Dịch
20.    Phước Huệ Song Tu - Việt Anh - Tập 2, Thiện Phúc