Đây là bài khai thị thứ ba trong mùa An Cư Kiết Hạ năm nay, Thầy sẽ mở bày cho hàng thất chúng một phương cách phát triển công năng tu hành để đạt đạo, để tiến đến quả vị Thập Hạnh.
Thập Hạnh là mười cái hạnh lành, và làm sao mà chứng cho được mười cái hạnh lành này, để tiến lên quả vị Thập Hồi Hướng, rồi cuối cùng vào được quả vị Thập địa.
Những điểm cốt yếu nói về hạnh thì chỉ có một pháp môn dễ vô cùng, nhưng nếu không hành thì nó cũng khó vô song. Dĩ nhiên người con Phật dù xuất gia hay tại gia gì cũng vậy, nhưng chủ yếu là người xuất gia giờ nào, phút nào giây nào cũng giữ cho tâm an bình, khi thấy việc gì đến hơi bất an, hoặc bất bình, thì nên dùng câu niệm Phật để đáp ứng liền, và phải chí thành niệm Phật. Bởi vì niệm Phật là niệm tâm, tức là chỉ thẳng vào cái tâm của mình để chuyển phiền não thành bồ đề.
Niệm Nam Mô A Di Đà Phật là chúng ta trở về với ông Phật sẵn có của chính chúng ta, đó là tánh giác của chính mình. Nam Mô có nghĩa là quy mạng, trở về. A Di Đà là ở trong Phật tánh của mình có đủ vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức. Công năng diệu dụng của cái vô lượng này giúp cho chúng ta chống lại nội ma, ngoại chướng để trở lại bản tâm thanh tịnh sẵn có của chúng ta. Lúc ấy chúng ta có thể đi lên những quả vị khác một cách thật dễ dàng, mà không phải nhọc công mệt sức. Sau đây thầy sẽ giảng cho quý vị mười công năng của Thập hạnh.
1. Hoan Hỷ Hạnh: Là mình tu hành làm sao lúc nào cũng như lúc nào cũng giai đại hoan hỷ, đừng có buồn, đừng có giận, đừng có tức, làm gì cũng nên giữ tâm hoan hỷ thì sự đạt đạo không khó gì cả. Còn khi người ta đánh đập hoặc giết hại thân mạng mình, cái đó không ăn thua gì hết, nếu mà trong tâm mình luôn luôn giữ được hoan hỷ, vì vậy trong sách có câu: "Thiên hoan hỷ, địa hoan hỷ, phát bồ đề tâm", tức là: (Trời vui mừng, đất vui mừng, phát tâm bồ đề dõng mãnh), nếu mọi sự ở trong thế gian này có đến với mình, mình đều giữ tâm hoan hỷ (dù việc đó vui hay buồn), đừng có bận tâm, lay động gì hết thì mới phát được tâm giác ngộ. Hoan hỷ được chuyện buồn phiền, hoan hỷ theo cái niệm đạo, chớ hoan hỷ theo cái niệm đời thì nó dẫn dắt mình đi xuống một cách nhanh chóng. Phải an lạc luôn luôn thì mới gọi là giai đại hoan hỷ.
Thực hành được như vậy đó thì mình đạt được sơ quả, tức là lên được một nấc thang về tâm linh. Hoan hỷ là ở chỗ đó, chớ không phải hoan hỷ là mừng rở cười, đùa quá trớn. Cho nên khi tu hành mà có những chuyện gì tác động tức là hơi bất an, chúng ta có cười có mừng đi nữa cũng chỉ cười vi tiếu một chút mà thôi, chớ đừng nên cười ra tiếng, hay là tỏ ra sắc mặt tràn đầy hân hoan. Giữ tâm hoan hỷ trong nhà Phật là ở chỗ đó. Làm sao đừng cho cái phiền não nó khởi lên, dĩ nhiên là không phải dễ dàng, vì thế mình phải trì chí, phải lấy một cái móc trì giới hoặc những yếu tố khác để mà giải tỏa chớ phiền não khó trừ lắm. Phiền não chướng, sở tri chướng, và báo chướng là những cái khó diệt trừ vô cùng chớ không phải đơn giản, vì vậy cho nên phải thọ trì đọc tụng luôn luôn, phải thực hành thiền định, bái sám, hành đạo luôn luôn để mà giải tỏa chúng lần lần, trừ những bậc gọi là thượng căn thượng trí, những bậc gọi là tái sanh, trước đã có tu chứng rồi đời này người ta tu chỉ coi như còn một bước nữa là chứng quả, những hạng nầy thật hiếm hoi; còn bình thường là bị nghiệp lực chi phối, dẫn dắt đi đầu sanh.
Mình biết được đạo rồi mình phải sống làm sao để trở về lại cái tâm thiệt của mình, chơn tâm của mình, chớ không thôi mình sống với cái vọng tâm. Khi mà tâm chúng ta chưa thiệt bình, chưa thiệt an thì chúng ta sống toàn với cảnh vọng. Hễ vọng tưởng thì điên đảo đủ kiểu, thử hỏi làm sao tâm mình an bình cho được. Do đó cho nên cái quả vị thập hạnh, đầu tiên là hoan hỷ hạnh làm sao quý vị giữ trọn lời Thầy giảng như trên là mình chứng được hạnh đầu của mười hạnh.
2. Nhiêu Ích Hạnh: Tâm hạnh của hành giả tu hành luôn luôn nghĩ đến việc làm lợi cho chúng sanh, không nghĩ đến cái việc lợi ích cho mình đó mới gọi là nhiêu ích hạnh. Cho nên phần chánh yếu trong Bồ Tát giới là "Nhiếp luật nghi giới", nghĩa là một cái gì vọng động, một cái gì xấu dù cho nhỏ cũng không bao giờ dám làm. "Nhiếp thiện pháp giới" là chuyện tốt, chuyện coi như là có lợi ích cho chúng sanh, dầu là một việc rất nhỏ cũng không dám bỏ, để đúc kết thành nhiêu ích hữu tình giới là việc làm luôn luôn lợi ích cho chúng sanh. Hạnh tu như vậy đó là vì người, không vì mình ; tâm hạnh như vậy là tâm hạnh đi lên.
Chúng ta học luật, trong tỳ ni nhựt dụng, cứ giờ phút nào cũng lo cho chúng sanh. Khi rửa tay mình đọc bài kệ rửa tay, khi rửa mặt mình cũng đọc bài kệ rửa mặt... lúc đó là mình đang cầu nguyện cho chúng sanh. Bất cứ làm việc gì, người tu cũng đều cầu nguyện cho chúng sanh. Khi tụng kinh cũng thế chúng ta quỳ cả tiếng đồng hồ thành tâm đọc tụng, rồi cuối cùng cũng hồi hướng cho chúng sanh. Cho đến phần tam tự quy y chúng ta cũng nguyện cho chúng sanh, bởi vì chúng sanh với mình là một, chúng sanh với Phật là một. "Tâm, Phật cập chúng sanh, thị tam vô sai biệt", (Tâm, Phật và chúng sanh, ba cái không sai khác). Tâm của mình có hằng hà sa số chư Phật và cũng có hằng hà sa số chúng sanh. Bây giờ mình kính mến chư Phật cở nào, thì mình cũng phải kính mến lo lắng cho chúng sanh thế ấy. Vì vậy cho nên khi còn một chúng sanh đau khổ là mình còn bổn phận phải lo lắng cứu độ, mình không thể nào lên tòa sen ngồi một mình được đâu. Chúng ta tu theo Đại Thừa Giáo là phải nguyện hành hạnh Bồ Tát là vậy đó.
"Như nhứt chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê hoàn", nghĩa là khi một chúng sanh chưa giác ngộ, chưa thành Phật, thì mình không có quyền lên cảnh Niết Bàn hay lên tòa sen. Ngồi trên tòa sen nhìn xuống thấy chúng sanh dưới cõi Ta Bà nầy còn đang lặn hụp trong đau khổ, làm sao mà có thể nào ngồi yên cho được! Đó là chơn lý muôn đời. Nếu mà tất cả chúng ta hiểu được điểm đó, thì dù cho cư ngụ tại bất cứ châu nào, thì tất cả đều có thể trở về con đường chơn lý để tu, để hành. Cho nên nhiêu ích hạnh là cái hạnh thứ nhì trong Thập Hạnh. Thí dụ như bây giờ chúng ta đang tu đang tập đang hành sự chuyện nầy chuyện kia, công việc làm có khi khó có khi dễ nhưng điểm chính yếu vẫn là độ sanh chứ ngoài ra không có vấn đề gì nữa cả.
Như quí vị thấy, tuy nói là người xuất gia nhưng qua xứ bên này Thầy cũng phải để hết tâm trí xem xét từng chút một: Coi còn, coi hết từng cái chén, từng đôi đủa, mọi việc Thầy cũng phải để tâm lo. Những chuyện lo đó Thầy cũng chỉ quy về một mục tiêu là độ sanh mà thôi. Nếu không có một đạo tràng trang nghiêm thì lấy gì độ sanh, độ tử? Không lẽ ở xứ nầy thầy ra đường làm lễ, tụng niệm ngoài trời, làm cho cảnh sát tưởng rằng người tu theo đạo Phật là khùng là điên cần phải đến giải tỏa hay sao? Thành ra tất cả mọi chuyện, mọi việc làm cũng như vậy.
Quí vị hành đạo, hằng ngày có những giờ được gọi là chấp tác, có nghĩa là làm việc để duy trì ngôi già lam hay cuộc sống của tăng đoàn; tất cả những giờ thiền, tụng kinh, học đạo lý, quí vị đều biết cả rồi nhưng đôi khi chưa hiểu cái lý, cái sự cho nó viên dung, vì thế mà thầy cứ phải bận tâm lo lắng hoài. Nhưng đôi khi lại có những vị không thông suốt lý đạo thì nói tại sao Thầy phải bận tâm những chuyện đó chi vậy, chính đó là sự độ sanh đấy, như vậy mới tu hành đến chỗ Tinh Tấn Ba La Mật được. Cho nên mới đúc kết câu "Phật sự môn trung, bất xả nhất pháp" (Tiến vào đường đạo, không trừ một pháp nào mà không làm) cái gì mà nó nằm ở trong Phật sự, việc Phật là việc sáng suốt không bỏ một pháp nào, trừ ra chuyện thế gian không nói tới làm chi bởi vì thế gian cũng làm để tạo nghiệp kiếm tiền nuôi thân, còn chuyện mình làm trong đạo là với tâm nhất như của mình làm để chuyển nghiệp và để độ sanh. Cũng là việc làm đó mà nằm trong nhiêu ích hữu tình hay là nhiêu ích hạnh, hoặc là tâm hạnh nhiêu ích là làm lợi ích cho chúng sanh.
Thí dụ như ở ngoài đời người ta cho chuyện đi làm lau quét nhà tắm, nhà vệ sinh là hèn hạ, công việc xấu, hèn. Nhưng trong đạo cũng việc làm đó, mà nếu tâm mình an nhiên tự tại trong lúc làm, thì sẽ có kết quả hưởng một phần công đức, phước đức như những người được nghe một thời giảng pháp hay là tụng một thời kinh, chứ đừng nghĩ mình là tu sĩ phải lên bục giảng pháp mới ngon lành, còn làm những việc khác thì không đúng, mất thể diện của nhà sư vì sư là Tăng Bảo đại diện cho Phật để hóa độ chúng sanh. Nghĩ như vậy là sai lầm, mà hễ đã sai lầm thì làm gì có phước hữu lậu, chứ đừng nói chi đến cái phước vô lậu; vì còn có tâm vướng mắc so sánh việc làm đời đạo, như vậy không phải là nhiêu ích hạnh.
Chẳng hạn bây giờ đây mình tu một mình trong ngôi chùa, trong ngôi Tam Bảo, không người phụ giúp, chẳng lẽ để cho nhà bếp, nhà cầu bẩn thỉu hay sao? khách thập phương đến lễ Phật họ sẽ thấy sân chùa đầy cỏ rác, trong chùa thì chỗ nào cũng bê bối thì thử Hỏi: Như vậy thì làm sao có sự trang nghiêm cho được? Việc ở ngoài không trang nghiêm thì tâm mình cũng không trang nghiêm giống như vậy. Những người tu như thế đó, biết đến bao giờ mới thấy tâm Phật sẵn có trong người mình? Trái lại còn làm cho Phật tử thoái bồ đề tâm không đến chùa nữa, như vậy thì làm sao độ sanh nói chi độ tử. Vì vậy trong luật Tổ có ghi mấy câu để lại cho chúng ta học:
"Cần tảo già lam địa,
Thời thời phước huệ sanh,
Tuy vô tân khách chí,
Diệc hữu thánh nhơn hành ".
tạm dịch:
Siêng năng quét đọn chùa chiền,
Bao nhiêu nghiệp chướng não phiền tiêu tan,
Dù rằng khách tục chẳng qua,
Thánh hiền thường đến chớ mà dễ ngươi!
Người nào thành tâm quét dọn sạch sẽ, trang nghiêm chốn già lam, nơi có kiết giới là thuộc vùng đất chùa ; mỗi thời gian, mỗi thời gian đều như vậy là phước huệ được trang nghiêm. Trong thì sạch, ngoài thì tươm tất. Tuy không có khách đến, nói chung là Phật tử hoặc bổn đạo đi qua lại, nhưng lúc nào cũng có các vị thiên long bát bộ, hộ trì Phật pháp tuần hành, bảo hộ chốn trang nghiêm. Cho nên quí vị thấy giờ nào rảnh rảnh, yên yên Thầy cũng phải đi xem chỗ này một chút chỗ kia một chút. Thầy phải để mắt vô xem thử coi ra làm sao, chứ đừng nói đến chư vị Hộ Pháp, Long Thần. Các Ngài ấy thính hơn thầy nhiều, còn hiểu luôn trong tâm niệm nữa. Mình làm như vậy mới gọi là nhiêu ích hạnh, tức là lợi ích cho chúng sanh mà hễ nói đến chúng sanh là có mình ở trong đó rồi. "Tâm, Phật cập chúng sanh thị tam vô sai biệt", tâm của mình với Chư Phật cộng với chúng sanh không sai khác, bởi vì nó không sai khác cho nên mình phải có bổn phận lo. Nếu mình chỉ lo cho mình mà bỏ chúng sanh là trật, là sai vì chúng sanh và mình là một.
Đầu tiên phải lo cho chúng sanh quy hướng về Phật pháp, từ từ chúng ta dùng đủ mọi phương tiện hầu giúp họ chuyển tâm trở lại; tuy vậy phải tùy nhân duyên từng cá nhân một. Bổn phận chúng ta là người ở chùa phải tạo nhân duyên, hội đủ phương tiện chỉ vì một mục tiêu chính đáng đó mà thôi.
3. Vô sân hận hạnh: Tức là cái hạnh tu không bao giờ giận, không bao giờ hờn nó mới đạt quả vị thập hạnh nầy. Tu mà động đến một chút là hờn nóng, hờn mát, giận tức. Trong lúc đó mà muốn đạt đạo quả, mình cần phải dẹp cái tâm đó sớm chừng nào hay chừng ấy, được như vậy đó thì mới trang trải cái lòng từ bi, tức là ban vui cứu khổ. Nếu mình buồn mình giận thì làm sao ban vui cứu khổ được cho mình, chứ đừng nói chi đến chuyện ban vui cứu giúp chúng sanh, cho nên người tu phải sống với hai chữ Từ Bi. Từ là ban vui, bi là cứu khổ; còn giận là khổ rồi chứ làm sao vui cho được. Chúng ta phải làm sao giữ cho được cái hạnh vô sân hận, cố gắng sao đừng cho lòng giận lòng sân nổi lên, chứ không thì nó đốt hết đám rừng công đức.
Tại sao đừng nên sân hận? Vì lửa sân nổi lên thì chúng ta không thể tu hành gì được cả. Muốn giải tỏa cái tâm sân hận này thì phải có tâm giới, định, huệ. Nhơn giữ giới sanh định, nhơn định phát huệ, có huệ mới giải tỏa nổi những cái khác được. Không tham không si đó là cái hạnh vô sân hận. Lúc nào cũng giữ cho tâm an bình thì thập hạnh mới được hiển lộ, bất cứ là hạnh nào cũng được hiển lộ cả. Tuy nhiên phải cẩn thận, đôi khi bề ngoài thấy như là an nhưng bên trong nó sôi sùng sục, như vậy cũng chưa được. Cái tâm sân hận vẫn còn nằm ngấm ngầm ờ trong.
Mình đã là Thích tử hay Thích Nữ, là con của đấng Thế Tôn, vị cha lành đã giác ngộ sáng suốt, mà chính mình mãi còn u tối, sân hận hoài, làm sao dám tự xưng là con Phật được! Phải tỏ ra xứng đáng trong những việc nan hành, năng hành. Phải nhiệt tâm vì đạo. Phải nan nhẫn, năng nhẫn mới giải tỏa được tất cả những cái triền phược. Đó là nhẫn được cái khó nhẫn đó mới là cao quý. Cái khó làm mà làm được mới ngon lành, chứ chuyện dễ làm mình mới làm được thì đâu có giá trị gì. Thí dụ như có ai cầm dao đến giết, cũng chẳng có sợ sệt gì cả; nhưng phải cho họ biết là oan gia giữa tôi và anh từ đời trước đến đây là chấm dứt, chúng ta đừng kéo dài đến đời sau nữa. Phải giải tỏa ngay từ bây giờ, đó mới là tâm hạnh thánh nhơn. Khi hiển thánh thì tâm họ hiển thánh liền.
Nếu không tu thì không biết từ vô lượng kiếp trước mình có tạo cái nhân xấu gì ở đâu thì bây giờ lỡ nó đến mình sẵn sàng trả cho xong. Nghiệp đến mình vẫn giữ tâm an bình để giải tỏa vấn đề buồn phiền, giận, dỗi. Oan gia nghi giải, bất nghi kiết, sống trong gia đình hay sống trong chúng cũng vậy. Tại sao có những vị mình mới nghe tên chưa thấy mặt mà cũng đã có cảm tình, rồi tại sao có những vị mình thấy mặt, nghe tên hằng ngày mà lại ghét cay ghét đắng, thậm chí muốn ăn thua đủ với họ nữa. Đây là đạo lý nhân quả ba đời trong nhà Phật, không có gì tự nhiên mà có. Khi đã hiểu đạo rồi thì thản nhiên thôi, đâu có gì phải bận tâm suy nghĩ cho mệt. Đã không gieo duyên này mà bảo có duyên thì làm sao có được.
4. Vô tận hạnh: Hạnh nầy rốt ráo với hạnh ở trên kia thì vô sân hận hạnh chỉ có giận hờn thôi; còn ở đây vô tận hạnh là cái tâm hạnh lành. Tức là đối với chiều thuận, đối với cảnh nghịch, đối với cảnh lạc, đối với cảnh khổ v.v... coi như bát phong thổi không động. Tất cả những chuyện coi như là tám ngọn gió độc thổi không bao giờ lay động. Thế mới gọi là vô tận hạnh là diệt trừ hết mấy cái tâm niệm thường của người đời.
Con người ta sống ngoài đời nhất cử nhất động là hiện lên sân, si, ái, ố triền miên. Bất cứ giờ phút nào cũng có thể nổi giận lên được luôn luôn nằm trong cảnh si mê không biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là tà, đâu là chánh. Mỗi khi đụng đến cái gì hạp nhãn hạp tình là ái tối đa, muốn chuyện đó cho bằng được, còn chuyện gì không thích là ố, tức là ghét cay ghét đắng.
Muốn chứng quả thập hạnh này mình phải sống với tứ vô lượng tâm mà thường gọi là từ, bi, hỷ, xả, tức là bốn tâm vô lượng ở trong con người của mình. Nghĩa là lòng từ, lòng bi, lòng hỷ và lòng xả không còn cân lường được, coi như đã tới quả Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Như Đức Quán Thế Âm lúc nào Ngài cũng ban vui cứu khổ cho chúng sanh, và tất cả chúng ta, ai muốn đạt được quả thập hạnh này thì cũng phải bắt buộc học cái hạnh giống như Ngài. Được như vậy mới gọi là con Phật, mới gọi là người xuất gia, là trưởng tử của Như Lai. Tiếp đến sẽ tiến lên Ly Si Loạn Hạnh.
5. Ly Si Loạn Hạnh: Tâm hạnh phải lìa những sự si loạn. Đã ngu si mà còn loạn động nữa. Muốn lìa si loạn động nầy thì không thể nói lý thuyết sơ sơ, mà mình phải hiểu và biết xa lìa ngũ dục lạc. Mỗi ngày bỏ một chút tức nhiên xa lìa được cái si loạn ngũ dục. Đó là: Tài, sắc, danh, thực, thùy.
Tài là của cải, tài vật, phải xa lìa nó, phải chuyển nó thành "Thất thánh tài".Ạ Nếu vị nào có tâm Phật thì người đó xem tiền tài không nằm trong ngũ dục lạc. Vì sao? Vì họ dùng đồng tiền đó làm lợi ích cho chúng sanh. Đó là đồng tiền thanh tịnh để vun bón gốc cây bồ đề, tỏa nguồn tươi mát, an lạc đến cho chúng sanh. Phải có tịnh tài chúng ta mới có thể tiến tới ngôi thế gian trụ trì Tam Bảo, có tịnh tài để tiếp tăng độ chúng và làm lợi ích cho chúng sanh. Chuyện đó nhất định là nên có. Còn nếu người tu mà lo tiền tài để riêng cho mình, lo cho đoàn thể của mình, lo cho gia đình mình, như vậy không thể gọi là thất thánh tài, mà phải làm sao cố gắng biến tâm đời thành tâm Phật, tiền tài ngoài đời thành tiền tài của Phật. Người nào làm được như vậy thì mới xa lìa được dục lạc thế gian mới gọi là thất thánh tài.
Kế đến là Sắc. Mắt mình mà nhìn đến cái gì đẹp là ôi thôi chết mê, chết mệt, mong muốn làm sao cho chiếm được vật đó. Những cảnh tượng như thế chúng ta phải làm sao khắc phục được tâm để xa lìa nó, đừng nên chạy theo bén gót cái gọi là si loạn động này.
Rồi đến Danh. Đừng nên làm vì cái danh, cái tướng cho dù chúng ta có xây năm bảy cảnh chùa hay đúc một vài quả chuông cũng đừng vì danh vì tướng, vì tiếng khen mà làm. Nên nghĩ rằng ta làm vì chúng sanh, có chúng sanh ta mới trải thân ra làm đạo.
Sau đến Thực. Thực là về sự ăn uống. Thức ăn uống đừng nên dùng cao lương mỹ vị quá sẽ khó tu hành. Chỉ cần cho vừa đủ để chúng ta có sức khỏe mà làm đạo là được rồi, kẻo không thì cái si loạn trong thân mình nổi lên rồi không kềm chế, hàng phục nổi..
Đến cái cuối cùng là Thùy, tức là ngủ nghỉ. Ngủ cũng vừa phải mà thôi, đừng nên ngủ quá nhiều, bởi vì ngủ nghỉ nhiều sẽ đem lại sự mờ tối si mê. Người biết tu đôi khi người ta phải ngủ ngồi. Ngủ ngồi dễ kiểm soát con người mình hơn, ít bị chiêm bao mộng mị. Nếu lìa được ngũ dục lạc là chúng ta đắc được ly si loạn hạnh, và việc tu hành của chúng ta sẽ tiến thêm một bậc nữa đó là thiện hiện hạnh.
6. Thiện Hiện Hạnh: Thiện hiện tức là hiện ra những cái hạnh lành mà cái lành đó tức là phá trừ ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Đó là bốn tướng thế gian.
Bốn tướng đó hằng ngày mà mình phá trừ được thì mình sẽ đạt đến hạnh thiện, còn được gọi là thiện hiện. Danh từ thiện hạnh này được dịch ra từ cái tên của Ngài Tu Bồ Đề, mà Ngài Tu Bồ Đề là bậc, giải không đệ nhất cho nên mới gọi là Tu Bồ Đề. Đó là lý Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Muốn đạt được tánh kim cang, mỗi người phải tự phá trừ bốn loại tướng thế gian đó. Chẳng những vậy mà bốn cái tướng của Phật pháp (sanh, trụ, dị, diệt Sanh, già, bệnh, chết) cũng phải phá trừ dù cho đó là ngã tướng và ngã pháp của xuất thế gian. Cho đến Ngũ ấm, Lục nhập, Thập nhị xứ, Thập pháp giới v.v... Biết rồi cũng dẹp nữa chớ đừng có nên chạy theo nó, cũng như chứng được sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả, chúng ta cũng đều giải tỏa hết, tức nhiên là đừng có chấp ta đã chứng A la Hớn rồi. Khi còn chấp vào cái chứng của mình tức nhiên là chưa chứng gì hết.
Trong lý Kim Cang đã nói như vậy người mà muốn đạt cho được cái hạnh thiện hiện là phải phá trừ ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Phải biết rằng hình tướng của mình là do tứ đại giả hợp mà thành cho nên không ăn thua gì cả, đối với người khác cũng vậy có cái gì đâu là thiệt của mình. Nó chỉ là những yếu tố hợp lại rồi đặt thành ra một cái tên vậy thôi, không hiểu thì còn vướng mắc chứ khi đã thông suốt rồi thì buông bỏ tất cả. Cũng như quả địa cầu có trước mình bao nhiêu triệu năm, cũng chỉ là nhân duyên hợp lại mà thành, vì là nhân duyên nên có ngày cũng bị di sơn đảo hải sẽ bị thành, trụ, hoại, không chi phối. Làm sao cố gắng đạt cho được quả nầy thì chúng ta mới có cơ hội tiến lên một bậc nữa là Vô trước hạnh.
7. Vô Trước Hạnh: Là tâm hạnh làm bất cứ một chuyện gì dù lớn hay nhỏ, trong hay ngoài cũng phải chánh niệm với công chuyện của mình làm. Đừng bao giờ để cho vọng tâm, hoặc trước tướng cầu danh ngự trị. Người đời làm cũng coi không được chứ đừng nói chi đến người tu đầu tròn áo vuông. Nếu còn trước tướng cầu danh là không đạt được quả này. Quả vô trước hạnh nầy có nghĩa là, làm gì xong rồi cũng phải bỏ qua hết, chuyện làm thì phải làm, dù cho có thành công hay thất bại cũng vậy, chúng ta phải thản nhiên, chứ đừng thấy thành công thì vội vàng ưỡn ngực ta đây; còn thất bại thì chán nãn ê chề. Ai mà có tánh như vậy thì không thể nào ra làm đạo được hết, vì ra làm đạo có trăm ngàn chông gai trước mặt, mình phải cố gắng vươn hết sức để vượt qua. Phải luôn luôn an trụ trong tâm không cầu danh, cầu tướng trong bất cứ một chuyện gì, người nào hằng tâm niệm như vậy mới có thể đi đến chỗ Ba La Mật và rốt ráo đạt được vô trước hạnh ; lúc ấy mới có thể tiến lên đến quả tôn trọng hạnh.
8. Tôn Trọng Hạnh: là luôn luôn tôn trọng tâm hạnh Phật tánh của chính mình và cái tâm hạnh Phật tánh của chúng sanh "Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh" có nghĩa là (Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh bình đẳng). Mình phải tôn trọng cái Phật tánh của người khác, đó cũng chính là tôn trọng Phật tánh của mình. Mình phải làm sao cho muôn loài chúng sanh hiển lộ được Phật tánh sẵn có của họ tức là nhập Phật tri kiến. Trong kinh đức Phật có dạy, Phật tánh là tánh sáng, tánh giác ngộ của từng cá nhân một. Phật tánh có chia ra như sau:
1. Chánh nhơn Phật tánh,
2. Duyên nhơn Phật tánh,
3. Liễu nhơn Phật tánh.
Chánh nhơn tức là Phật tánh của chính mình, rồi cộng thêm hạt giống duyên nhơn hợp lại thì Phật tánh đó mới có kết quả tốt mới đi tới chỗ hoàn toàn giác ngộ là đem lại thắng duyên tu hành rồi thì tiến lên liễu nhơn Phật tánh tức là cái tánh trở về nhập Phật tri kiến. Bởi thế cho nên chúng ta phải tôn trọng Phật tánh của mình, và tôn trọng Phật tánh của người.
Thí dụ như tiếng hay của mỗi cây đàn gọi là liễu nhơn Phật tánh ; còn cái chánh nhơn Phật tánh là tiếng hay sẵn có ở trong cây đàn. Nếu chỉ có chánh nhơn, liễu nhơn mà không có duyên nhơn thì làm sao phát ra tiếng hay đó được?
Duyên nhơn là gì? Là ngón tay của người nhạc sĩ khảy đàn. Có ngón tay mà không có người đánh đàn giỏi thì những bản nhạc dù hay cũng không được kết quả mỹ mãn, cho nên mới có ba yếu tố là tam nhơn Phật tánh vậy.
Người ta còn đưa ra thêm một thí dụ nữa như là: Trong cây có lửa nhưng đâu ai tin, và còn nói rằng cây thì làm sao có lửa cho được? Nếu có lửa thì nó sẽ cháy từ trong ruột cây cháy ra hay sao? Nhưng thật sự và chắc chắn rằng trong cây vốn sẵn có lửa, Chúng ta thử đem hai cây cọ xát lại với nhau một lúc lâu, đến khi độ nóng đã có thì những làn khói bắt đầu xuất hiện bay ra. Đó là hiện tượng sẽ có lửa, cũng như Phật tánh nếu chúng ta biết khai thác thì nó cũng hiển hiện rõ rệt như vậy.
Vì thế người tu phải lấy "sanh tử đại sự" để đứng hàng đầu có như thế mới tinh tấn tu hành đến chỗ ba la mật. Mình phải tu tiến làm sao để khỏi phụ cái tánh linh của mình. Thật ra những người không biết tu, chỉ cạo đầu vào chùa rồi ngồi không hưởng của đàn na tín thí không làm lợi ích cho ai được cả. Không tự lợi được thì lấy gì mà lợi tha, tu như vậy thì thật là mê lầm hoàn toàn vô dụng. Phải làm sao có lợi ích cho tánh linh của mình và lợi ích cho tánh linh của người, tu như thế thì mới đi đến quả tôn trọng hạnh.
9. Thiện Pháp Hạnh: Tâm hạnh thực hành Phật pháp hết sức khôn khéo đi đến cái chỗ gọi là ba la mật. Muốn chứng pháp hạnh nầy chúng ta phải thực hành Lục Độ là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Những độ nầy phải đạt đến chỗ Ba La Mật, có nghĩa là chúng ta làm mà không thấy làm, làm với tâm rốt ráo sẵn có trong người của chúng ta, mà phải sáng suốt đâu là đúng, đâu là sai. Phải có tâm niệm rằng ta làm vì lợi ích cho chúng sanh thì việc làm sẽ đến chỗ ba la mật, khi đó quả thiện pháp hạnh sẽ nằm trong tay của quý vị. Từ đó có thể tiến lên quả cuối cùng dễ dàng là chơn thật hạnh.
10. Chơn Thật Hạnh: Tâm hạnh của mình chơn thật thể nhập với chơn lý Phật tánh. coi như là liễu nhơn Phật tánh. Liễu nhơn Phật tánh hiển lộ ra từ từ để tiến đến chơn thật hạnh.
Thầy muốn giải thích cho quý vị nghe là chúng ta luôn luôn đi thẳng vào chơn như Phật tánh của chính trong người mình. Làm được như vậy mới là xứng tánh tác Phật sự, phổ huân chư chúng sanh, giai phát Bồ đề Tâm... Kết quả cho chúng ta thấy là sau khi mình thể hiện được trong người mình có tánh giác hoàn toàn an vui giải thoát một cách rốt ráo, đó gọi là chơn thật hạnh.