Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tu-Tuong-Tinh-Do-Trong-Kinh-Duy-Ma-Cat

Tư Tưởng Tịnh Độ Trong Kinh Duy Ma Cật
Thích Nhuận Thịnh

A. DẪN NHẬP

Khi Thái tử Tất đạt đa nhận thấy tất cả mọi người dân đang chìm trong đau khổ, và ngay chính bản thân mình rồi cũng phải chịu qui luật già, bệnh, chết nên quyết chí xuất gia học đạo. Đức Phật thành đạo tại thế gian này và cũng hoằng pháp bốn mươi chín năm cũng tại thế gian này.

Nếu như nói Tịnh độ hay quốc độ của Phật là nơi mà có Phật đang ở và thuyết giáo thì cõi Ta bà này có phải là Tịnh độ không? Nếu là Tịnh độ vì đây là cõi giáo hóa của Phật thì tại sao vẫn còn uế trược và đau khổ của chúng sanh? Đây là câu hỏi của ngài Xá lợi phất nêu ra trong kinh Duy ma cật. Nhưng bằng phương tiện của Phật, ngài Xá lợi phất cùng chúng hội nhận ra rằng chính tâm của mình có cấu uế nên mới thấy cõi này là cấu uế và đau khổ. Vậy thì làm sao cải hóa tâm của chúng sanh từ chỗ bị cấu uế do tham, sân, si và bị năm thứ triền phược trói buộc để chúng sanh cũng có được Tịnh độ như Phật? Đây là câu hỏi đặt ra cho những vị bồ tát sơ phát tâm hành đạo bồ tát. Và cũng theo kinh Duy ma cật, đức Phật nói rằng chính cõi chúng sanh là cõi Tịnh độ Phật của bồ tát. Do đó, nhiệm vụ của bồ tát là giáo hóa tất cả chúng sanh được thanh tịnh để cõi Phật của mình được thanh tịnh.

Chính Duy ma cật đã nói rằng vì tâm chúng sanh bị cấu uế nên chúng sanh cũng bị cấu uế, nếu tâm chúng sanh được thanh tịnh thì chúng sanh cũng được thanh tịnh. Đây là điểm then chốt quan trọng chủ yếu cho người hành đạo bồ tát biết phương pháp xây dựng Tịnh độ cho chính mình. Vậy theo kinh Duy ma cật, vị bồ tát phải làm những gì để quốc độ Phật của mình được thanh tịnh? Đó là mục đích nghiên cứu của người viết khi thực hiện thiên tiểu luận này với đề tài là “Ý nghĩa Tịnh độ theo kinh Duy ma cật”.

Thực hiện đề tài này, người viết sử dụng phương pháp phân tích để làm sáng tỏ hơn những chi tiết cần thiết về ý nghĩa cũng như những cách làm cụ thể của người hành đạo bồ tát cần phải thực hiện. Giới hạn nghiên cứu của đề tài này chủ yếu là căn cứ vào phẩm đầu tiên của kinh Duy ma cật.

B. NỘI DUNG

1. Uế độ và tịnh độ

1.1. Uế độ


Thế giới này là nơi tồn tại của rất nhiều chúng sanh, bao gồm loài người và không phải người. Sự hình thành những cộng đồng dân tộc của loài người và những tập quần của các loài sinh vật không phải người là hệ quả tất yếu trong việc đấu tranh với các sự nguy hiểm để sinh tồn. Các sự nguy hiểm này có thể là đến từ thiên nhiên như động đất, bão lụt, núi lửa…, và đôi khi đến từ chính đồng loại của mình.

Tất cả sự xung đột của xã hội loài người nói riêng và muôn loài nói chung đều xuất phát từ khát vọng sinh tồn, ham muốn hưởng thụ và bảo vệ cuộc sống của chính mình. Nguyên nhân sâu xa nhất của những vấn đề này có thể tóm tắt trong ba thứ là tham lam, sân hận, si mê như trong kinh Tạp A hàm, đức Phật đã nói:

Này các tỳ kheo! Phải khéo tư duy quán sát tâm mình. Vì sao vậy? Từ lâu tâm này đã bị tham dục làm nhiễm ô, bị sân nhuế, ngu si làm nhiễm ô. Này các tỳ kheo! Tâm này bị phiền não thì chúng sanh bị phiền não; tâm thanh tịnh thì chúng sanh được thanh tịnh.[1]

Do vậy, chiến tranh, giết chóc, cướp giật… đã tạo nên một thế giới xã hỗn loạn, đau khổ, hận thù… Như trong kinh Giải thâm mật nói:

Bạch Thế tôn! Trong uế độ thì những việc gì dễ được, việc gì khó được? Trong tịnh độ thì những việc gì dễ được, việc gì khó được? Này thiện nam tử! Trong uế độ có việc dễ được, hai sự khó được. Tám sự dễ được là những gì? Một là ngoại đạo; hai là chúng sanh bị khổ; ba là sự hưng suy khác nhau của các gia tộc; bốn là làm việc các việc ác; năm là hủy phạm giới cấm; sáu là ác thú; bảy là hạ thừa; tám là có Bồ tát ý lạc và gia hành đều thấp kém. Hai sự khó được là những gì? Một là các vị Bồ tát mà ý lạc và gia hành đều tăng thượng; hai là khó có sự xuất hiện của Như lai. Này Văn thù sư lợi! Trong tịnh độ thì ngượi với những điều trên, cần biết rằng có tám điều khó được và hai điều dễ được.[2]

Có thể nói, tám điều khó mà kinh nói trên đây đã khái quát tất cả những vấn đề mà chúng sanh gặp phải trên thế gian này. Ở điều thứ nhất, tuy rằng ngoại đạo cũng có lập trường giáo thuyết của riêng mình nhưng hầu hết đều thuộc tà chấp hoặc trước nơi cái tưởng sai lầm của mình. Do đó, nếu ai tin và hành theo thì dễ sa vào tà đạo. Điều thứ hai, chúng sanh trong thế giới này tất nhiên phải bị nhiều thứ khổ chi phối, đôi khi có người muốn cầu giải thoát nhưng lại gặp phải ngoại đạo. Có những gia đình quyền quí cao sang, hay bậc vua chúa… nhưng khi gặp tai tương thì không còn gì cả. trong hoàn cảnh nào đó, có thể là lợi trước mắt hay vì sân giận nhất thời, hoặc là vì kế sanh nhai mà chúng sanh dễ dàng làm việc ác. Có những người phát nguyện thọ trì giới cấm của Phật nhưng lại hủy phạm. Những người quyết chí tu hành nhưng chỉ cầu giải thoát riêng mình, không màng tới sự đau khổ của người khác. Hoặc có người khá hơn là phát nguyện tu hành bồ tát hạnh nhưng trong khi hành bồ tát hạnh thì gặp quá nhiều trở ngại lại sanh tâm thối lui… Tất cả những điều đó là những biểu hiện và cũng là nguyên nhân mà chúng sanh trong thế giới này luôn đau khổ và xã hội cũng không một ngày được an ổn. Chính vì vậy mà ở thế giới này có hai điều khó được là sự xuất hiện của chư Phật, vì lẽ ác duyên của chúng sanh quá nhiều, vô minh che lấp quá lâu nên làm cho nhân duyên của chúng sanh với chư Phật bị tiêu mất hoặc không thể dễ dàng thuận lợi để sanh tín tâm với Phật pháp. Lại nữa, nếu ở thế giới này mà có người phát tâm hành bồ tát hạnh một cách mạnh mẽ, dù gặp muôn vàn khó khăn, đôi khi ảnh hưởng đến tánh mạng nhưng vẫn không bỏ hạnh nguyện của mình và càng tinh trấn dõng mãnh hơn thì thật là rất khó. Cho nên khi chỉ cho thế giới khổ đau mà chúng ta đang sống, kinh gọi là ta bà thế giới. Trong Thành duy thức luận sớ sao nói:

Sớ: Sách ha thế giới (sahālokadhātu) này, cựu dịch âm là sa bà, nay gọi là sách ha là vì phát âm tương tự, dịch nghĩa là kham nhẫn. Ở cõi này, mỗi khi làm việc gì, phần nhiều bị ác nhân ác sự làm não loạn. Vì vị bồ tát (hành đạo) cũng phải kham nhẫn nên thế giới này được gọi là thế giới kham nhẫn. Lại nữa, chúng sanh ở thế giới này tuy bị nhiều thứ đau khổ nhưng lại không cầu thoát khỏi nên lại tái sanh cõi này. Vì chúng sanh ở thế giới này phải kham nhẫn nên thế giới này cũng được gọi là thế giới kham nhẫn.[3]

Chúng sanh ở thế giới này tuy bị đau khổ nhưng chỉ biết cam chịu mà không muốn thoát ly, nếu muốn thoát ly cũng không biết cách nào để thoát ly. Bồ tát hành đạo trong cõi này cũng bị những nghịch duyên phá hoại nên họ cũng phải kham chịu mới hành đạo có kết quả được. Bởi vì thế giới này đa phần là sự ác nên quả báo phải lãnh chịu là đau khổ. Hay nói khác hơn, đây là thế giới của thập ác vậy. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, tất cả những nỗi khổ của chúng sanh đều do nghiệp lực từ chính những hành động bất thiện của chính chúng sanh gây ra. Do đó, muốn tận trừ nỗi khổ thì chính chúng sanh phải cải đổi hành vi của mình. Nếu được như thế thì uế độ chính là tịnh độ, tùy theo tâm của chúng sanh uế hay tịnh thì sẽ có một thế giới tương ứng, nên kinh này đã khẳng định: vì tâm bị tạp nhiễm nên các chúng sanh tạp nhiễm, vì tâm thanh tịnh nên các chúng sanh được thanh tịnh.[4]

1.2. Tịnh độ

Tịnh độ được hiểu là một nơi trong sạch hoàn toàn, đầy đủ an vui, ngược lại với những điều gặp phải trong uế độ. Tịnh độ trong Phật giáo là nơi giáo hóa của một vị Phật nào đó. Và tịnh độ là cõi có Phật nên cũng được gọi là Phật quốc độ. Trong ấy, mọi người được thấm nhuần trong giáo pháp của Phật để trừ bỏ phiền não và hướng đến niết bàn toàn diện. Như trên ta đã thấy, trong cõi uế độ thì chánh báo và y báo của chúng sanh đều xấu, còn trong cõi tịnh độ thì ngược lại. Ngài Huệ Viễn giải thích:

Gọi là Tịnh độ, trong kinh hoặc có khi gọi là Phật sát, hoặc gọi là Phật giới, hoặc Phật quốc, hoặc gọi là Phật độ, hoặc có khi gọi là Tịnh sát, Tịnh giới, Tịnh quốc, Tịnh độ.[5]

Có thể nói, những đặc điểm của cõi tịnh độ, theo các kinh Tịnh độ như A đà kinh, Vô lượng thọ… đã trình bày là một thế giới thật lý tưởng tốt đẹp, nơi đó chỉ có sự an lạc nên gọi là Tịnh độ (Sukhāvatī). Theo giải thích của ngài Thế Thân thì trong cõi tịnh độ, quả báo của chúng sanh có những đặc điểm sau:

Cần phải biết rằng quả báo trong cõi tịnh độ lìa hai loại lỗi đáng cơ hiềm. Một là thể, hai là danh. Thể có ba thứ: một là người tu theo nhị thừa, hai là nữ nhân, ba là những người khiếm căn, trong cõi tịnh độ không có ba loại này nên gọi là ly thể cơ hiềm. Danh cũng có ba thứ: không những không có ba thể trên mà thậm chí còn không nghe tên gọi của nhị thừa, nữ nhân, khiếm căn nên gọi là ly danh cơ hiềm.[6]

Đó là cõi lý tưởng mà chỉ những người tu hành thanh tịnh mới có thể có được quả báo như thế. Như vậy, cõi tịnh độ trong các kinh Đại thừa diễn tả như một cõi thật của Phật A di đà hoặc vô lượng cõi Phật của chư Phật khác. Tuy nhiên, như đoạn kinh Tạp A hàm đã dẫn ở trên, ta thấy Phật dạy rằng, nếu tâm chúng sanh được thanh tịnh thì chúng sanh thanh tịnh, và đây cũng là ý nghĩa khác của tịnh độ. Khi tâm thanh tịnh thì chúng sanh thanh tịnh, trong ấy hoàn cảnh sống mà người có tâm thanh tịnh cũng được nhận thức là thanh tịnh. Ý nghĩa này là xác thực nếu chúng ta xét đến khía cạnh thực tế của con người. Trong một hoàn cảnh xã hội giống nhau nhưng có người thấy hạnh phúc, có người thấy đau khổ. Do vậy hạnh phúc hay đau khổ nằm ở tầm nhận thức của con người chứ không hẳn là xuất phát từ những lý do bên ngoài. Đồng thời, qua quá trình phát triển của Phật giáo như chúng ta đã thấy, đức Phật Thích ca cũng thành đạo ngay trong cõi này, các đệ tử của Ngài cũng đạt được giải thoát ngay trong cõi này, thế thì giải thoát hay đau khổ đều phụ thuộc vào việc cá nhân đó có biết tu hay không. Từ ý nghĩa đó, tịnh độ phụ thuộc vào nhận thức cá nhân nên ngay trong cuộc sống này, có người thấy là uế độ, có người thấy là tịnh độ, mà lý do như ở trên đã đề cập qua.

Tiến trình thành tựu quả Phật của đức Thế tôn là trải qua sự tu hành không biết mệt mỏi, mà theo các kinh Đại thừa đã nói, là Ngài đã trải qua vô lương kiếp tu hành, thực hiện vô lượng ba la mật. Hay nói khác hơn, trước khi thành tựu Phật quả, Ngài đã thực hiện viên mãn công hạnh của một vị bồ tát là lục độ. Và lục độ là con đường mà bất kỳ một người nào muốn hướng đến quả vị Phật đều phải trải qua. Không những bố thì, trì giới, nhẫn nhục… để tích công lũy phước mà còn phải có trí tuệ ba la mật thông qua quá trình tu tập thiền định.

Nói đến công hạnh bồ tát là phải nói đến tinh thần dấn thân vào cõi đời để hóa độ chúng sanh. Mục tiêu của bồ tát là hướng chúng sanh đến sự giải thoát. Nếu tất cả chúng sanh được giải thoát thì y báo và chánh báo của chúng sanh tại cõi này chính là tịnh độ. Đây là ý nghĩa tích cực của hạnh bồ tát mà cũng là ý nghĩa siêu việt của lý tưởng tịnh độ. Như vậy, mục tiêu của bồ tát là hình thành tịnh độ từ ngay uế độ này, biến chúng sanh đau khổ trong uế độ thành chúng sanh an vui trong tịnh độ.

2. Tịnh độ của bồ tát

2.1. Địa điểm pháp hội


Phẩm đầu tiên của kinh Duy ma cật[7] là phẩm Nhân duyên thanh tịnh quốc độ Phật[8]giới thiệu nhân duyên của pháp hội, với địa điểm là vườn Āmrapālīvana, thuộc thành Vaiśāli.

Vườn Āmrapālīvana vốn là do kĩ nữ Āmrapālī hiến cúng cho Phật, và đây cũng là nơi đức Phật nhiều lần thuyết pháp cho các vị tỳ kheo. Āmrapālī vốn là một kĩ nữ, có nhan sắc tuyệt trần. Trong Tạp A hàm có tường thuật lại việc đức Phật thuyết pháp cho Āmrapālī. Khi Āmrapālī nghe đức Phật cùng chúng tỳ kheo trên đường hoằng hóa đã đi ngang khu rừng này và nghỉ ngơi tại đây, cô đã đi đến để xin nghe thuyết pháp. Khi thấy cô từ xa đi đến, đức Phật đã nói với các tỳ kheo rằng: Này các tỳ kheo! Các ông phải nên tinh cần nhiếp tâm an trú trong chánh niệm và chánh trí. Nay có cô gái Am la đi đến nên ta phải răn nhắc các ông.[9] Vì sao đức Phật phải khẩn trương răn nhắc các tỳ kheo khi cô ta đi đến? Vì với sắc đẹp của cô ta, có thể nhiều tỳ kheo chưa có đủ chánh niệm vững vàng sẽ sinh tâm động niệm. Cũng vì sắc đẹp mà đã đưa đẩy số phận của cô ta đi qua nhiều ngã rẽ của cuộc đời, cuối cùng phải làm một kĩ nữ.

Vườn Āmrapālīvana nằm trong thành Vaiśāli, mà như ta đã biết, đây là thành phố phát triển mạnh mẽ về kinh tế cũng như văn hóa lúc bấy giờ. Tất nhiên, bên cạnh mảng sáng của xã hội sẽ hàm chứa trong nó những bất công và cả những tệ nạn. Khi đức Phật và chúng tỳ kheo trú trong vườn này thì có năm trăm công tử thuộc bộ tộc Licchavi, là những người đại diện cho giai tầng thượng lưu của xã hội, được che chở bởi những thế lực uy quyền cũng đến. Những người này còn tuổi thanh niên thì chắc chắn không thể thoát ra khỏi chiếc lưới của dục vọng, mà kĩ nữ là một trong những đối tượng mà họ lui tới để tìm thú vui. Có thể khu vườn này đã là nơi mà nhiều lần họ tìm đến đây, nhưng lần này đặc biệt hơn mọi lần trước, họ không tìm đến vườn xoài để tìm thú vui thấp hèn, mà vì một mục đích cao cả hơn, đó chính là nghe Phật thuyết pháp.

Tại khu vườn này, trước khi đức Phật và Tăng đoàn tới, nó được xem là nơi dung túng cho những gì thấp hèn và đáng bị khinh bỉ nhất của xã hội, thì giờ đây, nó là nơi chứng kiến một cuộc cách mạng thật sự trong ý thức của những người mà bị xem là thuộc thành phần đê hèn ấy, đó là cuộc tìm đến ánh sáng giác ngộ của Phật pháp. Nàng kĩ nữ đã trở thành bậc xuất gia chứng đạo,[10] và năm trăm vương tôn công tử đã phát tâm hành bồ tát đạo. Và đây cũng là nơi mà kinh Duy ma cật lấy đó làm bối cảnh.

Như vậy, qua đây chúng ta thấy rằng, mỗi người đều có thể là một người tốt, cũng có thể là một người xấu, mà phần lớn là chịu tác động tốt xấu khác nhau của xã hội và khả năng nhận thức của mỗi cá nhân. Như cô kĩ nữ và năm trăm vương tử nhờ nhân duyên gặp đức Phật mà được giác ngộ, thế thì những người tu tập theo giáo pháp của Ngài cần phải làm gì để cho mọi người cũng được giác ngộ, thoát khỏi khổ đau như bản hoài của đức Thế tôn? Đây là câu hỏi cần thiết và vô cùng quan trọng. Câu hỏi này không có lời giải đáp từ đâu khác ngoài chính những vị đệ tử, những người mang sứ mệnh truyền bá giáo lý của Phật phải thực hiện. Những người thực hiện sứ mệnh này phải là những người có đủ những phẩm chất về từ bi và trí tuệ để có đủ phương tiện đáp ứng với từng căn cơ cụ thể của chúng sanh.

Như trong kinh Chuyển pháp luân cho chúng ta biết rằng, bài kinh đầu tiên đức Phật thuyết cho năm anh em Tôn giả Kiều trần như là về pháp Tứ đế. Từ sự thật là thế gian này đầy rẫy đau khổ, nhưng khi biết nguyên nhân của sự khổ đau đó, bằng sự tu tập thông qua con đường Đạo đế mà đức Phật đã dạy, năm vị ấy đã lần lượt chứng quả A la hán (Arhat) và tận diệt mọi khổ đau. Qua đây, chúng ta sẽ nhận ra được sự thật là đối với đức Phật cũng như năm vị ấy, khi chưa thấy được pháp Tứ đế thì cũng bị khổ đau chi phối, khi hiện tiền thấu suốt được sự thật thì các vị đã có niết bàn an lạc ngay trong cuộc sống này và cũng tại cõi này. Ngoài ra, trong hàng đệ tử của Phật còn có rất nhiều vị đã giải thoát hoàn toàn khổ đau và không còn phải tái sanh luân hồi. Thế thì, khi mê thì cõi này là uế độ, khi ngộ rồi thì thấy ngay đây là tịnh độ. Đây là cơ sở để đưa đến một nhận định rằng, biến uế độ với những chúng sanh khổ đau thành tịnh độ bao gồm tất cả những người đã giải thoát là một việc khả thi, dù trong một giới hạn cụ thể, mà bất kì ai cũng có thể làm được, chứ không phải là một cao vọng hão huyền.

Cõi này là uế độ, chúng sanh trong cõi này vẫn còn chìm đắm trong đau khổ triền miên. Nhưng như trong kinh Duy ma cật này ta sẽ thấy, dưới nhãn quan giác ngộ của Phật, nó cũng là tịnh độ. Cũng như, vườn xoài kia là nơi ô uế, nhưng khi được chiếu soi bởi sự giác ngộ, nó đã trở thành nơi thanh tịnh vì những người ở trong ấy giờ đây là những người đã trừ sạch ô uế của nội tâm, sống đời trong sáng hoàn toàn. Do đó, cõi uế độ này sẽ được thanh tịnh nếu như chúng sanh trong ấy được thanh tịnh. Muốn được vậy thì vị hành bồ tát hạnh phải là người dấn thân vào tận cùng xã hội để giáo hóa cho mọi thành phần trong ấy được thanh tịnh. Đây là mục đích cơ bản mà vị bồ tát hướng đến.

2.2. Quốc độ chúng sanh là quốc độ Phật của bồ tát

Bảo Tích cùng với năm trăm người con của các trưởng giả, sau khi cúng dường và nói kệ xưng tán Phật xong, bèn thưa Phật rằng:

Bạch đức Thế tôn! Tất cả năm trăm người con của dòng Licchavi đều đã phát tâm đối với vô thượng chánh đẳng chánh giác. Và họ hỏi về sự thành tựu Phật quốc độ rằng: sự thành tựu Phật quốc độ của các bồ tát như thế nào? Lành thay! Bạch đức Thế tôn! Xin Như lai dạy cho sự thành tựu Phật độ của các bồ tát đó.[11]

Ở đây, sự mong muốn của các người con dòng Licchava là biết được cách mà các vị bồ tát đã làm để họ thực hành theo. Bản chất của các pháp thuộc khí thế gian này không phải là tịnh hay nhiễm mà là do chính tâm ý của con người với động cơ tốt hay xấu nên nó được xem là xấu hay tốt mà thôi. Cho nên để biến cõi này thành tịnh độ thì không còn cách nào khác ngoài việc phải cải hóa tâm chúng sanh từ ô nhiễm thành thanh tịnh. Người phát nguyện hướng dẫn chúng sanh tu tập là những người phát bồ tâm, tu bồ tát hạnh. Điều cần thiết là họ phải có đủ phương tiện để đáp ứng với từng căn cơ. Nếu họ chỉ có tâm bồ đề không là chưa đủ, mà tự mình phải thành tựu trí tuệ ở một mức độ nào đó, đồng thời phải biết căn cơ của chúng sanh và các biện pháp phù hợp để đối trị. Muốn được như vậy thì vị đó phải học và đó là mục đích của câu hỏi của Bảo tích hướng đến. Phật dạy:

Này thiện nam tử! Quốc độ của chúng sanh là Phật quốc độ của bồ tát. Lý do vì sao vậy? Chừng nào vị bồ tát thực hiện sự thành thục đối với các chúng sanh thì chừng ấy vị đó đạt được quốc độ Phật. Có bao nhiêu sự điều phục của chúng sanh thì vị ấy đạt được Phật quốc độ bấy nhiêu. Các chúng sanh thâm nhập Phật trí nhờ sự thâm nhập bao nhiêu quốc độ Phật thì vị ấy đạt được Phật quốc độ bấy nhiêu. Các loại căn Thánh chủng của chúng sanh sinh khởi nhờ sự thâm nhập bao nhiêu quốc độ Phật thì vị ấy đạt được Phật quốc độ bấy nhiêu. Lý do vì sao vậy? Này thiện nam tử! Quốc độ Phật của các bồ tát chính là làm sinh ra lợi ích cho chúng sanh.[12]

Theo giải thích của ngài La thập thì muốn thành tựu cõi Phật thì phải hội đủ ba nhân duyên là công đức của bồ tát, chúng sanh và công đức của chúng sanh. Nếu ba nhân duyên này đều thành tựu thì Phật độ được thành tựu.[13] Người muốn giáo hóa chúng sanh thì trước hết phải có nhân duyên đối với chúng sanh đó. Trong quốc độ Phật phải có chúng sanh và chúng sanh này phải có đủ công đức để tự trang nghiêm cho thân và tâm của mình.

Bồ tát lấy chúng sanh làm đối tượng để hóa đạo, vừa giúp chúng sanh giác ngộ mà cũng là thành tựu phước đức cho chính mình. Vì vậy, bồ tát không ở trong niết bàn của mình để an hưởng sự nhàn tịnh của niết bàn mà thâm nhập vào thế giới của chúng sanh, nơi nào còn chúng sanh đang bị đau khổ thì nơi đó phải có mặt của bồ tát để tùy phương tiện giáo hóa cho chúng. Do đó, nơi của bồ tát ở phải là nơi chúng sanh đang ở, nên Phật dạy quốc độ của chúng sanh là Phật quốc độ của bồ tát vậy. Nếu rời bỏ chúng sanh thì bồ tát không còn cơ hội để thực hiện bản nguyện cũng như trau dồi các đức tánh của mình thì không thể vượt lên chính quả vị mình đang có để tiến lên sự thành tựu viên mãn là quả vị Phật được. Ngay cả khi thành Phật thì việc hóa độ chúng sanh vẫn còn được tiếp tục.

Chính vì như thế nên khi vị bồ tát đang giáo hóa chúng sanh thì cũng là đang làm cho quốc độ của mình được thanh tịnh. Như trên đã nói, bồ tát lấy quốc độ của chúng sanh làm Phật quốc độ của chính mình, nên khi giáo hóa cho một chúng sanh được thanh tịnh, nghĩa là một phần quốc độ của bồ tát cũng trở nên thanh tịnh, vì nơi đó đang có chúng sanh thanh tịnh. Cũng vậy, bồ tát giáo hóa cho bao nhiêu chúng sanh được thanh tịnh thì tịnh độ của bồ tát cũng được thanh tịnh nhiều bấy nhiêu. Khi một chúng sanh được thành thục an ổn thì nơi chúng sanh đang ở đó không còn có nghiệp ác, thì quốc độ của bồ tát nơi đó cũng được an ổn. Càng nhiều chúng sanh được điều phục trong giáo pháp giải thoát thì khi ấy cõi tịnh độ của bồ tát càng được thanh tịnh nhiều hơn. Điều phục chúng sanh ở đây chính là làm cho chúng sanh bỏ làm ác mà làm thiện, từ sự chấp ngã cố hữu mà phóng xả để đạt sự vô ngã, từ sự tham chấp vạn pháp mà biết xả ly để hướng đến sự tu tập. Tuy vậy, dù bồ tát hành đạo nhưng vị bồ tát phải xem chúng sanh là vô ngã và cũng hướng chúng sanh đến sự nhận thức về vô ngã như vậy. Như Duy ma cật nói: tất cả chúng sanh là đạo tràng vì chúng sanh là vô ngã.[14] Và từ sự hướng dẫn chúng sanh bỏ đi những tham chấp trần tục đó mà chuyển hướng phát bồ đề tâm, cũng thực hiện hạnh nguyện độ sanh như mình.

Nơi nào chúng sanh ở thì nơi đó cũng là quốc độ của bồ tát, cho nên nơi nào có chúng sanh sanh được thiện căn cao quý, hướng đến sự giải thoát thì biên cương tịnh độ của bồ tát cũng mở rộng đến đó. Tùy theo mức độ thanh tịnh của chúng sanh bao nhiêu thì tịnh độ của bồ tát thanh tịnh với mức độ tương ứng. Thế thì, nếu bồ tát mà bỏ chúng sanh thì tịnh độ của bồ tát sẽ không được thanh tịnh, vì nơi đó vẫn còn vô lượng chúng sanh đang còn bị vô minh, ác hạnh bao phủ.

Cho nên, muốn thành tựu quốc độ của mình thì bồ tát phải thành tựu cho chúng sanh trước hết, vì tịnh độ của bồ tát và chúng sanh là không thể tách rời. Vì tâm bi thúc đẩy nên các bồ tát mới phát nguyện độ chúng sanh, cho nên mục đích của bồ tát luôn luôn làm sao cho chúng sanh được lợi ích. Lợi ích của chúng sanh ở đây là được thuần hóa và tu tập trong giáo pháp giác ngộ của chư Phật, mà cụ thể nhất là thoát khỏi sự chi phối của ba căn bản phiền não là tham, sân, si. Chính vì ba pháp này mà chúng sanh bị ô nhiễm, dẫn đến quốc độ của chúng sanh cũng bị ô nhiễm, nên quốc độ Phật của bồ tát cũng bị ô nhiễm. Mục đích đức Thế tôn xuất hiện nơi đời cũng là chỉ cho chúng sanh con đường thoát khỏi các phiền não này, và các bồ tát cũng tiếp nối mục đích này để thành tựu quốc độ Phật của mình. Trong Tạp A hàm, Phật đã nói rằng:

Có ba pháp mà thế gian không yêu thích, không nghĩ đến, không vừa ý. Ba pháp đó là những gì? Đó là già, bệnh và chết. Nếu thế gian không có ba pháp không yêu thích, không nghĩ đến, không vừa ý này thì Như lai, bậc Ứng cúng, Đẳng chánh giác không xuất hiện nơi cõi đời. Và thế gian cũng không biết về chánh pháp và luật mà Như lai đã biết, đã thấy và tuyên thuyết. Bởi vì có ba pháp già, bệnh và chết là ba pháp không yêu thích, không nghĩ đến, không vừa ý, cho nên Như lai, bậc Ứng cúng, Đẳng chánh giác xuất hiện nơi cõi đời; và thế gian cũng được biết về chánh pháp và luật mà Như lai đã biết, đã thấy và tuyên thuyết.[15]

Sự già suy, bệnh tật và sự chết là tiến trình tất yếu mà chúng sanh nào cũng phải trải qua. Chính vì sự chấp ngã nên chúng sanh không cam tâm chịu như thế. Do vậy mà chúng cảm thấy đau khổ triền miên và luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác nhưng lại không biết cách nào chấm dứt vĩnh viễn tiến trình ấy. Sự xuất hiện của đức Như lai đã chỉ ra con đường cho chúng sanh biết nẻo xu hướng mà thoát ly. Người phát tâm hành bồ tát hạnh cũng phải lấy việc hướng dẫn chúng sanh thoát ly khỏi tình trạng này làm sự nghiệp chính của đời mình. Đức Như lai đã vì mục đích như thế, thì các bồ tát cũng phải làm như thế. Nếu bồ tát không giáo hóa chúng sanh mà muốn thành tựu quả Phật, muốn thành tựu Phật quốc độ của chính mình thì điều đó cũng như là xây nhà trên hư không, điều không bao giờ thực hiện được.

Do đó, vị bồ tát dù xuất hiện ở đâu cũng phải mang đến sự an lạc và lợi ích cho chúng sanh, như chính sự lợi ích mà đức Phật xuất hiện ở đời:

Này các tỳ kheo! Có một người sanh ra ở đời là vì lợi ích cho nhiều người, vì an lạc cho nhiều người; vì thương xót thế gian, vì có lợi, vì có ích, vì an lạc cho loài người và loài trời mà sanh. Một người đó là ai? Là Như lai, bậc A la hán, Chánh đẳng chánh giác.[16]

2.3. Các hình thức tịnh độ khác

2.3.1. Bốn loại tâm là tịnh độ


Chúng sanh là đối tượng để người phát tâm hành bồ tát hạnh trang nghiêm tịnh độ, nhưng chính vị ấy cũng phải tự trang nghiêm chính mình, đồng thời, các pháp mà các vị ấy ứng dụng tu tập và hành đạo cũng là tịnh độ của các vị ấy. Phật dạy:

Này Bảo Tích! Quốc độ của chánh trực tâm là Phật quốc độ của bồ tát, khi bồ tát đạt được giác ngộ, những chúng sanh không cong vạy, không giả dối sẽ sinh vào Phật quốc độ đó.[17]

Trực tâm (āśaya) là tâm ngay thẳng, không quanh co, dua vạy, gian dối…, đây là tâm căn bản phát triển mọi thiện hạnh. Một người không có trực tâm thì không dũng cảm nhận lỗi của mình, đồng thời luôn lừa dối người khác bằng cách chối quanh chối co, không bao giờ biết hối cải sau khi phạm tội. Trực tâm ở đây còn được hiểu là chánh niệm, tâm không bị nhiều thứ khác nhau khuấy nhiễu, chỉ chuyên chú vào một việc duy nhất. Ví dụ khi nghe pháp, người đó không khởi tâm hướng đến sự gì khác ngoài việc nghe pháp. Đây là điều kiện tiên quyết của văn huệ, từ đây mà ghi nhớ pháp không bị bỏ sót hay sai lầm. Người có trực tâm thì không tạo việc ác, đồng thời biết đâu là sự thật, đâu là giả dối nên không khởi tâm lừa lọc người khác. Và đây là nhân duyên lớn để vào đạo, tu đạo và chứng quả. Trong kinh Tạp A hàm, Phật dạy:

Nếu hễ có pháp nào, mà mỗi mỗi pháp được hiểu rõ, chứng đạt thì đều là do trí vô úy của Như lai sanh ra. Nếu có tỳ kheo đi đến và làm thanh văn (làm đệ tử theo nghe pháp) của ta mà không nịnh hót, không dối trá, sanh tâm ngay thật thì ta sẽ thuyết pháp để dạy dỗ, trao truyền cho người đó. Vào buổi sáng ta sẽ thuyết pháp để dạy dỗ, trao truyền cho người đó, đến lúc giữa trưa người đó đạt đến sự tiến bộ vượt bậc; nếu vào buổi tối, ta thuyết pháp để dạy dỗ, trao truyền cho người đó thì đến sáng sớm hôm sau người đó đạt đến sự tiến bộ vượt bậc. Dạy dỗ như thế rồi, người ấy sanh tâm chánh trực, điều gì thật biết là thật, điều gì không thật biết là không thật, bên trên thì biết là bên trên, không phải bên trên biết là không phải bên trên, điều gì đang biết, đang thấy, đang được, đang cảm nhận, hết thấy đều biết rõ. Điều đó là có thật.[18]

Tâm chánh trực này là tịnh độ của bồ tát, cũng có nghĩa là vị bồ tát phải có tâm chánh trực. Tâm chánh trực này, như đã nói trên, là điều kiện để tịnh hóa tâm mình, chỉ có trực tâm mới làm cho tâm trở nên trong sạch mà thôi, nên nó là Phật quốc độ của bồ tát. Bồ tát cũng phải giáo hóa chúng sanh có được trực tâm như mình. Những chúng sanh nào có trực tâm thì sẽ sanh vào Phật quốc độ của bồ tát có trực tâm. Đây là sự tương giao tương cảm, nói cách khác, tâm thanh tịnh của bồ tát trực tâm và tâm thanh tịnh của chúng sanh có trực tâm là một, thì quốc độ thanh tịnh của bồ tát cũng là một với quốc độ thanh tịnh của chúng sanh có trực tâm ấy. Người có trực tâm rồi, sau khi nghe pháp sanh trí hiểu biết thì càng thâm tín Phật pháp nên kinh nói:

Này thiện nam tử! Quốc độ của tâm chí thành là quốc độ Phật của bồ tát, khi bồ tát đạt được giác ngộ thì tất cả những chúng sanh tích tụ được đầy đủ điều thiện sẽ sinh trong Phật quốc độ ấy.[19]

Tâm chí thành (adhyāśaya) hay thâm tâm là một tâm có sự tiến bộ hơn so với trực tâm. Adhi là tiếp vĩ ngữ chỉ cho cái gì đó ở trên, vượt quá cái khác. Ở đây, người có trực tâm rồi thì sanh tâm tin sâu, tín thành với Phật pháp, một lòng hướng về quả Phật mà không bị xoay chuyển hay thối thất bởi một trở duyên nào khác. Người này đắm mình trong biển Phật pháp, trong sự an lạc do Phật pháp mang lại nên tâm càng chuyên nhất, vào sâu trong những tầng giác ngộ do tâm thẩm thấu trong quá trình thực hành pháp được nghe. Đồng thời, khi đã chí thành tin sâu nơi Tam bảo thì cố nhiên người này sẽ hành tất cả việc thiện nhằm lợi lạc hữu tình. Cả hai việc tu tập cho chánh mình và hóa đạo chúng sanh phải tiến hành song song và bền bỉ, do đó cần phải tinh tấn liên tục mới mong tiến đến kết quả cuối cùng. Kinh nói:

Quốc độ của sự gia hành là Phật quốc độ của bồ tát, khi bồ tát đạt được giác ngộ, tất cả chúng sanh đã trụ nơi thiện pháp ở đây sẽ sanh về Phật quốc độ đó.[20]

Gia hành là giai đoạn nỗ lực tinh tấn. Cũng như trên, giai đoạn này là nỗ lực thiền định… và nỗ lực giáo hóa chúng sanh. Trong việc giáo hóa chúng sanh thì có khuyến khích chúng sanh quy y Tam bảo, giữ giới…, tự mình cũng giữ giới, thiền định… Tất cả công đức này sẽ làm cho nơi chúng sanh được thuần thiện, nên những ai đã hành đầy đủ thiện pháp, không phạm ác hành thì sẽ cùng sanh nơi Phật quốc độ vậy. Trong giai đoạn này tuy qua nhiều thứ bậc khác nhau và có những phước đức nhau, nhưng nếu không đủ trí tuệ thì dù phước nhiều cũng dễ sa đọa. Cho nên việc tối cần thiết và tối cao là phải phát bồ đề tâm. Phát bồ đề tâm là phát tâm hướng đến sự giác ngộ cuối cùng, tức thành Phật. Trước khi đi đến quả vị này, dù trải qua tầng bậc thấp hơn, tuy có hỷ lạc nhưng không được chấp đắm vào đó. Kinh nói:

Sự sanh tâm bồ đề tối thượng là Phật quốc độ của bồ tát, khi bồ tát đạt được giác ngộ thì những chúng sanh hướng đến Đại thừa ở đây sẽ sanh nơi Phật quốc độ đó.[21]

Những chúng sanh đã phát tâm bồ đề thì chắc chắn sẽ thành tựu quả bồ đề, dù trải qua thời kỳ rất lâu xa. Và người đã phát tâm bồ đề thì chắc chắn sẽ sinh cùng tịnh quốc độ với những người đã phát tâm bồ đề khác. Mà phát tâm bồ đề hướng đến quả vị Phật thì đó chính là tâm Đại thừa. Tâm Đại thừa không chỉ hướng đến quả Phật mà còn nhắm đến sự nghiệp độ tận chúng sanh. Vị bồ tát phải thực hiện vô lượng hạnh khác nhau, tùy theo đối tượng, sự kiện mà có những pháp thích hợp để hóa độ, cốt làm sao không bỏ sót một chúng sanh đang bị đau khổ do vô minh nào.

Theo giải thích của ngài Trạm Nhiên thì quán Tứ đế gọi là trực tâm, quán nhân duyên gọi là tâm chí thành, quán tứ hoằng thệ nguyện gọi là Đại thừa tâm.[22]

Cũng trong kinh này, phẩm Thanh văn và Bồ tát thăm bệnh,[23] Duy ma cật cũng nói với Quang Nghiêm đồng tử rằng:

Này Thiện nam tử! Đạo tràng của trực tâm là đạo tràng của bồ đề vì nó không phải là giảo hoạt. Gia hành là đạo tràng vì nó là sự vượt qua. Tâm chí thành là đạo tràng vì nó là sự hành thù thắng. Tâm bồ đề là đạo tràng vì nó không quên sót.[24]

Trong Đại thừa khởi tín, về việc phát tâm của bồ tát có nói:

Lại nữa, tín thành tựu phát tâm đó là phát những tâm gì? Nói tóm, có ba loại. Ba loại đó là gì? Một là trực tâm, vì chánh niệm về pháp chân như; hai là thâm tâm, vì muốn tập hợp tất cả thiện hành; ba là đại bi tâm, vì muốn tất cả chúng sanh đang đau khổ.[25]

Do đây có thể thấy, các loại tâm này có ý nghĩa quan trọng đối với những người tu theo Đại thừa. Đồng thời, nếu đầy đủ những tâm đó thì quá trình những chúng sanh mới phát tâm hành bồ tát đạo cũng đã thật sự bước lên giai vị Thánh giả, làm khuôn mẫu cho mọi người. Và nó cũng là tư tưởng chính yếu cho mọi vấn đề được nói đến trong kinh Duy ma cật.

2.3.2. Lục độ là tịnh độ

Lục độ là pháp môn căn bản của những người hành bồ tát hạnh, trong đó, bố thí là đầu tiên. Có thể nói, sự hành lục độ là đáp ứng cả hai tiêu chí tự độ và độ tha nên nó được xem là phương pháp hành xuyên suốt của cả bộ kinh này. Quốc độ của lục độ được hiểu là sự thực hành lục độ. Sự thực hành này là tiến trình phóng xả từ ngã chấp đến ngã sở hữu và đối tượng mà bố thí độ… hướng đến ở đây là tất cả chúng sanh chứ không hạn lượng trong một số lượng cố định nào đó. Kinh nói:

Quốc độ của bố thí là quốc độ Phật của bồ tát, khi bồ tát đạt được giác ngộ thì tất cả chúng sanh có sự rộng lượng ở đây sẽ sanh nơi Phật quốc độ đó.[26]

Sự bố thí phải được thực hiện bằng tâm chí thành và phóng xả hoàn toàn, bên ngoài như đất nước, tài sản, thân mạng; bên trong xả bỏ tham lam, sân si, tật đố… đều triệt để xả bỏ. Sự bố thí mà không chấp trước nơi tự ngã, cho rằng mình là người bố thí, đây là tài sản của mình mang ra bố thì và đó là những kẻ đang chịu ơn bố thí của mình, nếu được như thế thì mới làm đúng ý nghĩa bố thí ba la mật.

Nếu tạo ác, phá giới, tà tâm và phá hoại Tam bảo để bố thí thì cũng như Đề bà đạt đa (Devadatta) giáo hóa vua A xà thế (Ajātaśatru) bố thí cho các tỳ kheo heo mình, hoặc là cướp tài sản của người khác rồi đem bố thí. Tất cả sự bố thí này vẫn phải chịu quả báo nơi đại ngục. Do đó, sự bố thì phải được thực hiện bằng thiện tâm. Nếu là tài thí thì tài sản đem bố thí phải do chính sự lao động chân chính của mình tạo ra, chứ không phải là sản phẩm do sự mưu mô cướp đoạt mà có. Bố thí chân chánh là không mong cầu người chịu ân bố thí đền đáp hay hi vọng được sanh nơi giàu có sung túc. Nếu nói rộng hơn, bố thì mà cầu sanh thiên thì đó cũng là sự bố thí hữu lậu mà thôi. Người bố thì là biểu hiện cho tính vô tham, tuy nhiên người đó cần phải tiến thêm một bước là phát triển khả năng nhẫn nhục của cả thân và tâm của mình.

Quốc độ của trì giới là quốc độ của bồ tát, khi bồ tát đạt được giác ngộ thì tất cả chúng sanh thành tựu được thệ nguyện giữ gìn mười thiện nghiệp đạo ở đây sẽ sanh nơi Phật quốc độ đó.[27]

Trì giới là sự phòng hộ sáu căn của mình. Sự trì giới mang lại hai lợi ích cơ bản là giữ cho mình tránh khỏi ác nghiệp và hai là nhiếp hóa kẻ khác. Trì giới mà chỉ làm cho hình tướng mình ngay thẳng, mong cầu sự cung dưỡng của người đời thì đó là trì giới theo kiểu phàm phu, vì mang trong tâm một sự tính toán bất chính. Người trì giới chân chánh phải biểu hiện bằng tâm chí thành, vì sự tôn trọng giới, vì sợ quả khổ nên trì giới thì kết quả của trì giới mới viên mãn. Đồng thời, chính sự trì giới của mình mà cảm hóa những người khác. Từ ngoại hiện của chính mình mà người khác sanh tâm kính mộ nên họ cũng muốn trì giới như mình. Đó là tinh thần trì giới chân chánh. Trì giới là bước căn bản của Tam vô lậu học và nền tảng để thành tựu định và tuệ. Do đó, trì giới là điều tối cần thiết chung cho mọi người học Phật.

Này thiện nam tử! Quốc độ của nhẫn nhục là Phật quốc độ của bồ tát, khi bồ tát đạt được giác ngộ thì những chúng sanh sau khi đạt được sự tột cùng của tịch tĩnh, nhu hòa, nhẫn nhục, đã trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng sẽ sanh vào Phật quốc độ đó.[28]

Nhẫn nhục ở đây biểu hiện nơi hai mặt, đó là nhẫn chịu sự khắc nghiệt của môi trường sống và những gì bất xứng ý do chúng sanh mang lại. Khi nhẫn nhục thì tâm vẫn giữ được định tĩnh, bằng tâm nhu hòa thì đó là sự nhẫn nhục chân chánh. Khi đã có sự nhẫn nhục thì phải tiến thêm một giai đoạn nữa là hành tinh tấn. Kinh nói:

Quốc độ của tinh tấn là Phật quốc độ của bồ tát, khi bồ tát đạt được giác ngộ thì những chúng sanh tinh tấn dũng mãnh nơi sự mong cầu tất cả điều thiện sẽ sanh nơi Phật quốc độ ấy.[29]

Không những những người tu đạo mà người thế gian khi muốn thành công thì cần phải có tinh tấn. Tuy nhiên, sự tinh tấn ấy có thể là thiện hoặc ác tùy theo mục đích của sự tinh tấn ấy như thế nào. Mục tiêu của bồ tát là thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề và hóa độ chúng sanh, nên muốn thực hiện được mục tiêu ấy thì cần phải tinh tấn liên tục. Đức Thế tôn đã trải qua vô lượng kiếp thực hiện hạnh bồ tát mới thành tựu quả Phật thì bồ tát cũng phải như vậy. Người hành bồ tát đạo tức là thực hiện mục tiêu hóa độ chúng sanh, nhưng một phần quan trọng nữa là phải có thiền định để tịnh hóa tâm mình. Kinh nói:

Quốc độ của thiền định là Phật quốc độ của bồ tát, khi bồ tát đạt được giác ngộ thì những chúng sanh đã đạt sự tịch tĩnh nơi chánh trí và chánh niệm sẽ sanh nơi Phật quốc độ ấy.[30]

Đức Phật đã nhờ thiền định để đạt được vô thượng bồ đề thì vị bồ tát cũng phải thực hành như vậy. Thiền định có nhiều pháp nhưng điều quan trọng là pháp nào mang đến sự tịch tĩnh và là bệ phóng để đưa đến chánh trí. Ví dụ như cách quán về thân, khi biết thân này do tinh cha huyết mẹ, do tứ đại hợp thành, nó vốn luôn vô thường nên trong thân này không có gì là ngã cả thì không còn chấp nó nữa. Không còn chấp thân là ngã chính là đã vượt qua cửa ải quan trọng nhất dẫn đến vô sanh, vì chỉ cần một niệm chấp ngã tức là đã còn phải thọ thân để chịu luân hồi. Từ chánh định, hành giả hướng đến chánh trí.

Quốc độ của trí tuệ là Phật quốc độ của bồ tát, khi bồ tát đạt được giác ngộ thì những chúng sanh có chánh định sẽ sanh nơi Phật quốc độ ấy.[31]

Trí tuệ chân chánh phải là liễu tri tất cả vạn pháp là vô ngã và không còn chấp trước vào pháp, tức là trí tuệ ba la mật. Công dụng của trí tuệ là trừ hết tất cả sự si ám nên những chúng sanh có chánh định thì tương cảm với quốc độ thanh tịnh của bồ tát.

2.3.3. Các loại tịnh độ khác

Sự làm lợi lạc cho chúng sanh không phải ai cũng có thể làm được, thế gian này còn đau khổ tức là còn những người làm tác nhân gây ra đau khổ. Lý do vì sao họ còn gây đau khổ cho người khác? Đó là họ không có bốn vô lượng tâm là từ vô lượng, bi vô lượng và xả vô lượng. Vì thế người phát tâm hành bồ tát hạnh thì tiền đề để phát khởi tâm đó là phải có bốn tâm vô lượng này. Kinh nói:

Và bốn vô lượng (tâm) là Phật quốc độ của bồ tát, khi bồ tát đạt được giác ngộ thì những chúng sanh đã an trú trong từ, bi, hỉ, xả sẽ sanh nơi Phật quốc độ ấy.[32]

Người tu bốn vô lượng tâm nếu không có trí tuệ dẫn dắt thì phước đức của nó vẫn còn là hữu lậu thế gian, mà điển hình nhất là sanh thiên. Như kinh Trường A hàm có nói: Tu bốn vô lượng tâm, sau khi thân hoại mạng chung sanh lên trời Phạm thiên.[33] Do đó, người Đại thừa khi tu bốn vô lượng tâm, ngoài mục đích hóa độ chúng sanh thì phải luôn luôn nhớ rằng mục tiêu cuối cùng của mình là thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác nên dù có sanh nơi nào cũng không chấp vào đó, không vì sự an lạc nhất thời mà bị sa đọa.

Ngoài ra kinh này còn nêu các pháp khác như: Bốn nhiếp sự là Phật quốc độ của bồ tát.[34] Phương tiện thiện xảo là Phật quốc độ của bồ tát.[35] Các pháp ba mươi bảy phần bồ đề là Phật quốc độ của bồ tát.[36] Tâm hồi hướng là Phật quốc độ của bồ tát.[37] Sự diễn thuyết để tiêu diệt tám sự khó là Phật quốc độ của bồ tát.[38] Chính mình trụ nơi các học giới, và không nói chê bai lỗi lầm của kẻ khác là Phật quốc độ của bồ tát.[39] Sự thanh tịnh đối với mười nghiệp đạo là quốc độ Phật của bồ tát.[40]

2.4. Thứ tự thực hiện

Các loại tâm trên đây được xem là tối quan trọng khi một người hành đạo bồ tát độ chúng sanh. Tuy nhiên, chúng không phải là những tâm đơn lẽ mà phải được kết hợp thống nhất, tức là mỗi vị bồ tát đều phải hội đủ tất cả yếu tố đó thì mới hành đạo cũng như hướng đến quả toàn giác được. Kinh nói:

Này thiện nam tử! Chừng nào có tâm bồ đề của bồ tát thì chừng ấy có trực tâm. Chừng nào có trực thì chừng ấy có tinh tấn. Chừng nào có tinh tấn thì chứng ấy có gia hành. Chừng nào có gia hành thì chừng ấy có sự điều phục. Chừng nào có điều phục thì chừng ấy có tu tập. Chừng nào có tu tập thì chừng ấy có sự hồi hướng. Chừng nào có hồi hướng thì chừng ấy có phương tiện. Chừng nào có phương tiện thì chừng ấy có sự thanh tịnh quốc độ. Có bao nhiêu sự thanh tịnh quốc độ thì có bấy nhiêu sự thanh tịnh của chúng sanh. Có bao nhiêu sự thanh tịnh của chúng sanh thì có bấy nhiêu sự thanh tịnh của trí tuệ. Có bao nhiêu sự thanh tịnh của trí tuệ thì có bấy nhiêu sự thanh tịnh của giảng thuyết. Có bao nhiêu sự thanh tịnh của giảng thuyết thì có bấy nhiêu sự chứng đắc trí tuệ thanh tịnh. Có bao nhiêu sự chứng đắc trí tuệ thanh tịnh thì có bấy nhiêu sự thanh tịnh tự tâm. Này thiện nam tử! Vì vậy, nếu bồ tát, muốn thanh tịnh Phật quốc độ thì phải tinh tấn làm thanh tịnh chính tâm mình. Lý sao tại sao vậy? Tâm của bồ tát thanh tịnh bao nhiêu thì Phật quốc độ được thanh tịnh bấy nhiêu.[41]

Qua đoạn này chúng ta thấy, người muốn thực hiện hạnh bồ tát thì trước hết tự thanh tịnh cho chính mình, sau đó mới thành tựu cho chúng sanh. Đầu tiên, người đó phải có phát tâm bồ đề, thứ nữa là trực tâm, tinh tấn, gia hành, điều phục, tu tập. Chính sự điều phục và nỗ lực tinh tấn tu hành thì mới có thể tịnh hóa thân tâm của mình. Đây là bước đầu tiên cơ bản trước khi nghĩ đến việc nhập thế độ sanh. Nếu tự bản thân không có sự thanh tịnh và huấn luyện cho tâm được trí tuệ thanh tịnh thì làm sao đủ khả năng vượt qua mọi cám dỗ của thế gian? Hay nói cách khác, sự trừ diệt phiền não, mà căn bản là năm triền cái được hoàn thành thì vị ấy mới đủ hành trang căn bản trước khi nghĩ đến việc hóa độ cho kẻ khác. Triền tức là trói buộc, cái nghĩa là ngăn che. Có năm thứ trói buộc thân tâm con người trong phiền não phải sanh tử luôn hồi và ngăn che trí huệ khiến con người bị vô minh không được giác ngộ.

Một là tham dục (kāmarāga), nghĩa là chúng sanh tham muốn những tướng nam nữ, sắc đẹp, âm thanh hay, mùi hương thơm, vị ngon của thức ăn uống, những cảm giác êm dịu của thân khi xúc chạm, những vật quí báu như vàng, bạc… không bao giờ biết đủ. Chính tâm tham này che lấp tâm sáng suốt của chúng sanh, các pháp thiện như thiền định… không thể phát sanh nên phải luân hồi trong tam giới không thể ra khỏi. Hai là sân hận (kodha) tức là tâm tức giận đối với những hoàn cảnh, những người làm trái ý của mình mong muốn. Ba là thụy miên (mê ngủ) (thīnamiddha) và hôn trầm (dã dượi) (middhadhī) nghĩa là chúng sanh vì ham ngủ nên ý thức bị tối tăm, không kiểm soát được các tâm và tâm sở nên không thể thiền định được. Bốn là trạo cử (uddhacca), nghĩa là trong tâm luôn lao chao, dao động, hết suy nghĩ thứ này lại toan tính cái khác. Năm là nghi ngờ (vicikicchā), nghĩa là tâm luôn do dự, không nhất quyết, không dám phân định cái nào chân, cái nào ngụy, không có sự quyết đoán, không tự tin vào khả năng của mình, không tin vào giáo pháp của Phật. Về pháp này, kinh Sa môn quả nói:

“Như vậy, này Đại vương, Tỷ kheo tự mình quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường sa mạc.”[42]

Sau khi hoàn thành việc này thì phải có thiền định qua những tầng thiền khác nhau, sau đó hướng đến chánh trí. Như kinh Sa môn quả, Phật đã dạy pháp tu để đạt đến mục tiêu này là Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỷ kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Lại nữa Tỷ kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là ‘xả niệm lạc trú’, chứng và an trú thiền thứ ba. Lại nữa, này Đại vương, Tỷ kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Sau khi đạt đến Tứ thiền, hành giả tiếp tục hướng đến những tầng bậc cao hơn của thiền định. Đó là sau khi đạt được trạng thái Tứ thiền, hành giả phải hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Đây chính là phương pháp đoạn trừ ngã chấp cơ bản mà Phật chỉ dạy:

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc.[43]

Đây là giai đoạn tự độ, kế đến mới độ chúng sanh được. Đầu tiên là tu pháp hồi hướng, hồi hướng tất cả những thiện pháp mà mình đã có được đến tất cả chúng sanh. Sau đó nhờ các phương tiện phù hợp mà vị bồ tát tiến hành độ sanh. Có phương tiện như vậy rồi thì mới đủ khả năng làm cho chúng sanh thanh tịnh. Ngài La thập giải thích về các giai đoạn này rằng trực tâm dùng để sanh tâm tín thành đối với Phật pháp. Tín tâm đã lập thì mới bắt đầu làm các việc thiện. Các việc thiện đã tích tập thì tâm chuyển thành thâm sâu. Tâm đã thâm sâu thì không làm theo các điều ác. Bỏ ác theo thiện gọi là điều phục. Tâm đã điều phục thì gặp việc thiện liền làm. Gặp việc thiện liền làm thì việc khó làm vẫn làm được. Việc khó mà làm được thì gọi là làm theo như lời nói. Nói được làm được thì muôn điều thiện đều đầy đủ. Muôn điều thiện đã đầy đủ thì có thể hồi hướng về Phật đạo. Do hồi hướng mà có được lực phương tiện. Phương tiện này đại khái có ba loại là làm việc thiện mà không chấp trước, không giữ lấy sở chứng của mình và khéo hóa độ chúng sanh. Đủ ba loại này thì mới thành tự được chúng sanh.[44]

Khi thành tựu chúng sanh, bồ tát không chấp trước nơi những việc mình làm, cả về đối tượng chúng sanh cũng không chấp rằng ta đang độ chúng sanh. Được vậy thì việc hóa độ mới đầy đủ ý nghĩa. Như trong phẩm Tiếp nhận thực phẩm biến hóa[45], Duy ma cật đã trả lời cho các bồ tát khi được hỏi về việc phải thành tựu bao nhiêu pháp để khi tu hành không bị khiếm khuyết và được sanh nơi Phật quốc độ ấy:

Này thiện nam tử! Vị bồ tát ở thế giới sa bà này nhờ thành tựu tám pháp mà không bị phương hại, không bị tổn thất, sau khi chết (sanh) đến Phật quốc độ thanh tịnh. Tám pháp đó là gì? Đó là, 1. vị bồ tát nghĩ, ta phải làm lợi ích cho tất cả chúng sanh và không mong cầu nắm giữ bất cứ cái gì từ chúng sanh; 2. và ta phải chịu thay tất cả sự khổ chúng sanh, phải ban phát tất cả thiện căn của mình nơi chúng sanh; 3. không đối kháng với tất cả chúng sanh; 4. ái kính đối với tất cả bồ tát; 5. có những pháp chưa nghe mà được nghe thì không hủy báng những gì được nghe; 6. không ghanh ghét với những gì người khác đạt được, không có tâm tự đắc đối với những thứ mình đạt được; 7. luôn xem xét lỗi lầm của chính mình, không nói chê bai lỗi lầm của kẻ khác; 8. không phóng dật, hân hoan nắm giữ tất cả công đức của mình.[46]

C. KẾT LUẬN

Bồ tát lấy chúng sanh làm đối tượng để hóa đạo, vừa giúp chúng sanh giác ngộ mà cũng là thành tựu phước đức cho chính mình. Vì vậy, bồ tát không ở trong niết bàn của mình để an hưởng sự nhàn tịnh của niết bàn mà thâm nhập vào thế giới của chúng sanh, nơi nào còn chúng sanh đang bị đau khổ thì nơi đó phải có mặt của bồ tát để tùy phương tiện giáo hóa cho chúng. Do đó, nơi của bồ tát ở phải là nơi chúng sanh đang ở, nên Phật dạy quốc độ của chúng sanh là Phật quốc độ của bồ tát vậy. Nếu rời bỏ chúng sanh thì bồ tát không còn cơ hội để thực hiện bản nguyện cũng như trau dồi các đức tánh của mình thì không thể vượt lên chính quả vị mình đang có để tiến lên sự thành tựu viên mãn là quả vị Phật được. Ngay cả khi thành Phật thì việc hóa độ chúng sanh vẫn còn được tiếp tục.

Cho nên, muốn thành tựu quốc độ của mình thì bồ tát phải thành tựu cho chúng sanh trước hết, vì tịnh độ của bồ tát và chúng sanh là không thể tách rời. Vì tâm bi thúc đẩy nên các bồ tát mới phát nguyện độ chúng sanh, cho nên mục đích của bồ tát luôn luôn làm sao cho chúng sanh được lợi ích. Lợi ích của chúng sanh ở đây là được thuần hóa và tu tập trong giáo pháp giác ngộ của chư Phật, mà cụ thể nhất là thoát khỏi sự chi phối của ba căn bản phiền não là tham, sân, si.

Đồng thời, quá trình hành đạo bồ tát là quá trình vị ấy tự chiến đấu với chính mình để loại trừ những tập tính cố hữu của người thế gian mà mình đã huân tập không chỉ kiếp này mà đã từ nhiều kiếp trước. Cho nên vị ấy cần phải biết nhẫn chịu những nghịch duyên, có thể nó đến từ môi trường, mà cũng có thể là từ con người. Nếu không đủ sự nhẫn nhục thì vị ấy sẽ dễ dàng bị đánh bại bởi những nghịch duyên ấy, và tâm bồ đề cũng dần lụi tàn. Tâm của vị ấy đã bị cuốn theo lục trần, đã bị kết sử buộc chặt không có lối thoát thì sự nghiệp tịnh Phật quốc độ bị thất bại. Dù trong hoàn cảnh nào, vị bồ tát cũng không nên sợ hãi, vì sợ hãi trước sự đe dọa thì cũng dễ dàng thoái lui. Nói cách khác, vị bồ tát phải tinh tấn trong mọi hoàn cảnh và thời điểm.

THƯ MỤC THAM KHẢO

– Vimalakīrtinirdeśa, Ed. by 大正大学綜合佛教研究所 梵語佛典研究会, 大正大学出版会, 東京, 日本, 2004.
– Trường bộ kinh, kinh Sa môn quả, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005

– 維摩詰所說經, CBETA, T14, no. 475
– 說無垢稱經, CBETA, T14, no. 476
– 長阿含經, CBETA, T01, no. 1
– 雜阿含經, CBETA, T02, no. 99
– 解深密經, CBETA, T16, no. 676
– 成唯識論疏抄, CBETA, X50, no. 819
– 大乘義章, CBETA, T44, no. 1851, p. 834
– 無量壽經優波提舍, CBETA, T26, no. 1524
– 注維摩詰經, CBETA, T38, no. 1775
– 維摩經略疏, CBETA, T38, no. 1778
– 大乘起信論, CBETA, T32, no. 1666

[1] 《雜阿含經》卷10:「「諸比丘!當善思惟觀察於心。所以者何?長夜心為貪欲使染,瞋恚、愚癡使染故。比丘!心惱故眾生惱,心淨故眾生淨。」(CBETA, T02, no. 99, p. 69, c10 13)

[2] 《解深密經》卷5〈8如來成所作事品〉:「世尊。諸穢土中何事易得何事難得。諸淨土中何事易得何事難得。佛告曼殊室利菩薩曰。善男子。諸穢土中八事易得二事難得。何等名為八事易得。一者外道。二者有苦眾生。三者種姓家世興衰差別。四者行諸惡行。五者毀犯尸羅。六者惡趣。七者下乘。八者下劣意樂加行菩薩。何等名為二事難得。一者增上意樂加行菩薩之所遊集。二者如來出現于世。曼殊室利。諸淨土中與上相違。當知八事甚為難得二事易得。」(CBETA, T16, no. 676, p. 711, b4 14)

[3] 《成唯識論疏抄》卷5:「疏此索訶世界者。舊云娑婆。今言索訶。為聲相相似。翻名堪忍。餘方淨土中菩薩行。菩薩行時。無有惡人惡事苦惱之所惱。言不名堪忍。此方并行事時。多有惡人惡事之所惱亂。此菩薩能堪忍之故。說此世界名堪忍世界。又解此方眾生雖有眾苦所惱客無不求出離。遂取生此處。說此眾生。名為堪忍。故說此土。名為堪忍。」(CBETA, X50, no. 819, p. 231)

[4] Skt: cittasaṃkleśāt satvāḥ saṃkliśyante cittavyavadānād viśudhyante |

[5] 《大乘義章》卷19:「言淨土者。經中或時名佛剎。或稱佛界。或云佛國。或云佛土。或復說為淨剎淨界淨國淨土。」(CBETA, T44, no. 1851, p. 834, a10 12)

[6] 《無量壽經優波提舍》卷1:「淨土果報離二種譏嫌過應知。一者體。二者名。體有三種。一者二乘人。二者女人。三者諸根不具人。無此三過故。名離體譏嫌。名亦三種。非但無三體。乃至不聞二乘女人諸根不具三種名故。名離名譏嫌。」(CBETA, T26, no. 1524, p. 232, a4 9)

[7] Vimalakīrtinirdeśa, Ed. by 大正大学綜合佛教研究所 梵語佛典研究会, 大正大学出版会, 東京, 日本, 2004.

[8] Skt: Buddhakṣetrapariśuddhinidānaparivarta. Lt: Phật quốc phẩm đệ nhất; Ht:: Tự phẩm đệ nhất.

[9] 《雜阿含經》卷24:「汝等比丘勤攝心住,正念正智。今菴羅女來,是故誡汝」(CBETA, T02, no. 99, p. 174, a8 9)

[10] Xem Trưởng lão ni kệ, Tiểu bộ kinh, phẩm 13, số 66: Āmbapālī.

[11] Skt: Imāni bhagavan pañcamātrāṇi licchavikumāraśatāni sarvaṇy anuttarāyāṃ samyakṣaṃbodhau saṃprasthitāni | tāni cemāni buddhakṣetrapariśuddhiṃ paripṛcchanti katamā bodhisatvānāṃ buddhakṣetrapariśuddhir iti | tat sādhu bhagavan deśayatu tathāgato ’mīṣāṃ bodhisatvānāṃ buddhakṣetra pariśuddhim | Bản Sanskrit: p. 28; La thập: 《維摩詰所說經》卷1〈1 佛國品〉(CBETA, T14, no. 475, p. 538, a15 18); Huyền Trang: 《說無垢稱經》卷1〈1 序品〉:「(CBETA, T14, no. 476, p. 559, a5 8)

[12] Skt: satvakṣetraṃ kulaputra bodhisatvasya buddhakṣetram | tat kasya hetoḥ |yāvantaṃ bodhisatvaḥ satveṣūpacayaṃ karoti tāvad buddhakṣetraṃ parigṛhṇāti | yādṛśaḥ satvānāṃ vinayo bhavati tādṛśaṃ buddhakṣetraṃ parigṛhṇāti | yādṛśena buddhakṣetrāvatāreṇa satvā buddhajñānam avataranti tādṛśaṃ buddhakṣetraṃ parigṛhṇāti | yādṛśena buddhakṣetrāvatāreṇa satvānām āryākārāṇīndriyāṇy utpadyante tādṛśaṃ buddhakṣetraṃ parigṛhṇāti | tat kasya hetoḥ | satvārthanirjātaṃ hi kulaputra bodhisatvānāṃ buddhakṣetram |

[13] 《注維摩詰經》卷1〈1 佛國品水〉:(CBETA, T38, no. 1775, p. 334, b11 14)

[14] Skt: sarvasatvamaṇḍa eṣa satvāsvabhāvatayā.

[15] 《雜阿含經》卷14:「有三法,世間所不愛、不念、不可意。何等為三?謂老、病、死。世間若無此三法不可愛、不可念、不可意者,如來、應、等正覺不出於世間,世間亦不知有如來、應、等正覺知見,說正法、律。以世間有老、病、死三法不可愛、不可念、不可意故,是故如來、應、等正覺出於世間,世間知有如來、應、等正覺所知、所見,說正法、律。」(CBETA, T02, no. 99, p. 95, c18 25). Pāli: A.10.76.

[16] Pāli: ‘‘Ekapuggalo, bhikkhave, loke uppajjamāno uppajjati bahujanahitāya bahujanasukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṃ. Katamo ekapuggalo? Tathāgato arahaṃ sammāsambuddho. Aṅguttaranikāyo, Ekakanipātapāḷi, 13. Ekapuggalavaggo.

[17] Skt: api ca ratnākara āśayakṣetraṃ bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasyāśaṭhā amāyāvinaḥ satvā buddhakṣetra upapadyante |

[18] 《雜阿含經》卷26:「若所有法,彼彼意解作證,悉皆如來無畏智所生。若比丘來為我聲聞,不諂不偽,質直心生,我則教誡、教授為其說法。晨朝為彼教誡、教授說法,至日中時得勝進處;若日暮時為彼教誡、教授說法,至晨朝時得勝進處。如是教授已,彼生正直心,實則知實、不實知不實,上則知上、無上則知無上,當知、當見、當得、當覺者,皆悉了知,斯有是處。」(CBETA, T02, no. 99, p. 189, a21 29)

[19] Skt: adhyāśayakṣetraṃ kulaputra bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya sarvakuśalasaṃbhāropacitāḥ satvā buddhakṣetre saṃbhavanti |

[20] Skt: prayogakṣetraṃ bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya sarvakuśaladharmopasthitāḥ satvās tatra buddhakṣetra upapadyante |

[21] Skt: udāro bodhisatvasya bodhicittotpādo buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya mahāyānasaṃprasthitāḥ satvās tatra buddhakṣetre saṃbhavanti |

[22] 《維摩經略疏》卷2〈1佛國品〉:「一觀四諦名為直心。二觀因緣名為深心。三發四弘名大乘心。」(CBETA, T38, no. 1778, p. 591, a22 23)

[23] Skt: śrāvakabodhisatvavisarjanapraśno nāma tṛtīyaḥ parivartaḥ.

[24] Skt: bodhimaṇḍa iti kulaputra āśayamaṇḍa eṣo ’kṛtrimatayā, prayogamaṇḍa eṣa ārambhottāraṇatayā, adhyāśayamaṇḍa eṣa viśeṣādhigamatayā, bodhicittamaṇḍa eṣo ’saṃpramoṣanatayā.

[25] 《大乘起信論》卷1:「復次,信成就發心者,發何等心?略說有三種。云何為三?一者、直心,正念真如法故。二者、深心,樂集一切諸善行故。三者、大悲心,欲拔一切眾生苦故。」(CBETA, T32, no. 1666, p. 580, c6 9)

[26] Skt: dānakṣetraṃ bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya sarvaparityāginaḥ satvās tatra buddhakṣetre saṃbhavanti |

[27] Skt: śīlakṣetraṃ bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya sarvābhiprāyasaṃpannā daśakuśalakarmapathasaṃrakṣakāḥ satvās tatra buddhakṣetre saṃbhavanti |

[28] Skt: kṣāntikṣetraṃ kulaputra bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya dvātriṃśallakṣaṇālaṃkṛtāḥ kṣāntidamaśamathapāramiprāptāḥ satvā buddhakṣetre saṃbhavanti |

[29] Skt: vīryakṣetraṃ bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya sarvakuśalaparyeṣṭiṣv ārabdhavīryāḥ satvā buddhakṣetre saṃbhavanti |

[30] Skt: dhyānakṣetraṃ bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya smṛtisaṃprajanyasamāhitāḥ satvā buddhakṣetre saṃbhavanti |

[31] Skt: prajñākṣetraṃ bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya samyaktvaniyatāḥ satvā buddhakṣetre saṃbhavanti |

[32] Skt: catvāry apramāṇāni ca bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya maitrīkaruṇāmuditopekṣāvihāriṇaḥ satvā buddhakṣetre saṃbhavanti |

[33] 《長阿含經》卷15:「修四無量心。身壞命終。生梵天上」(CBETA, T01, no. 1, p. 100, b10 11)

[34] Skt: catvāri saṃgrahavastūni kulaputra bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya sarvavimuktisaṃgṛhītāḥ satvā buddhakṣetre saṃbhavanti |

[35] Skt: upāyakauśalyaṃ bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya sarvopāyamīmāṃsākuśalāḥ satvā buddhakṣetre saṃbhavanti |

[36] Skt: saptatriṃśadbodhipakṣā dharmā bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya samyaksmṛtyupasthānasamyakprahāṇarddhipādendriyabalabodhyaṇgamārgavidhijñāḥ satvā buddhakṣetre saṃbhavanti |

[37] Skt: pariṇāmanācittaṃ bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya sarvaguṇālaṃkāraṃ buddhakṣetraṃ dṛśyate |

[38] Skt: aṣṭākṣaṇapraśamadeśanā kulaputra bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya sarvāpāyasamucchinnam aṣṭākṣaṇavigataṃ buddhakṣetraṃ saṃbhavanti |

[39] Skt: svayaṃ śikṣāpadeṣu vartamānā parāpattyacodanatā bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasyāpattiśabdo ’pi buddhakṣetre na saṃbhavati |

[40] Skt: daśakuśalakarmapathapariśuddhiḥ kulaputra bodhisatvasya buddhakṣetram, tasya bodhiprāptasya niyatāyuṣo mahābhogā brahmacāriṇaḥ satyānuparivartinyā vācālaṃkṛtā madhuravacanā abhinnaparṣado bhinnasaṃdhānakuśalā īrṣyāvigatā avyāpannacittāḥ samyagdṛṣṭisamanvāgatāḥ satvā buddhakṣetre saṃbhavanti |

[41] Skt: iti hi kulaputra, yāvanto bodhisatvasya bodhicittas tāvanta āśayāḥ | yāvanta āśayās tāvantaḥ prayogaḥ | yāvantaḥ prayogaḥ tāvanto ’dhyāśayāḥ | yāvanto ’dhyāśayās tāvantyo nidhyaptayaḥ |yāvanyo nidhyaptayas tāvantyaḥ pratipattayaḥ |yāvantyaḥ pratipattayas tāvantyaḥ pariṇāmanāḥ |yāvantyaḥ pariṇāmanās tāvanta upāyāḥ | yāvanta upāyās tāvantyaḥ kṣetrapariśuddhayaḥ |yādṛśī kṣetrapariśuddhis tādṛśī satvapariśuddhiḥ | yādṛśī satvapariśuddhis tādṛśī jñānapariśuddhiḥ |yādṛśī jñānapariśuddhis tādṛśī deśanāpariśuddhiḥ |yādṛśī deśanāpariśuddhis tādṛśī jñānapratipattipariśuddhiḥ | yādṛśī jñānapratipattipariśuddhis tādṛśī svacittapariśuddhiḥ | tasmāt tarhi kulaputra buddhakṣetraṃ pariśodhāyitukāmena bodhisatvena svacittapariśodhane yatnaḥ karaṇīyaḥ | tat kasya hetoḥ yādṛśī bodhisatvasya cittapariśuddhis tādṛśī buddhakṣetrapariśuddhiḥ saṃbhavati |

[42] Trường bộ kinh, kinh Sa môn quả, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, trang 138.

[43] Sđd 42, trang 142 – 143.

[44] Xem thêm: 《注維摩詰經》卷1〈1 佛國品水(CBETA, T38, no. 1775, p. 337, a13 21)

[45] Skt: nirmitabhojanānayanaparivarto nāma navamaḥ

[46] Skt: aṣṭābhiḥ kulaputraḥ dharmaiḥ samanvāgato bodhisatvaḥ sahāl lokadhātoś cyutvākṣaṭo ’nupahataḥ pariśuddhaṃ buddhakṣetraṃ gacchati | katamair aṣṭābhiḥ | yad uta sarvasatvānāṃ mayā hitaṃ kartavyam, na caiṣāṃ sakāśāt kiṃcid dhitaṃ paryeṣitavyam, sarvasatvaduḥkhaṃ cānenotsoḍhavyaṃ sarvaṃ cānena kuśalamūlaṃ sarvasatvānām utsraṣṭavyam, sarvasatveṣv apratighātaḥ, sarvabodhisatveṣu śāstṛprema, aśrutānāṃ ca dharmāṇāṃ śrutānāṃ ca śravaṇād apratikṣepaḥ, anīrṣukatā paralābheṣu svalābhenānabhimananā cittanidhyaptiḥ, ātmaskhalitapratyavekṣā parasyāpattyacodanatā apramādaratasya ca sarvaguṇa/samādānam

Trích từ: https://thuvienphatviet.com/
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tư Tưởng Tịnh Độ Tông, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
2 Tịnh Độ Tông Nhật Bản, Đại Sư Thân Loan Tải Về
3 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
4 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
5 Khái Luận Tịnh Độ Giáo, Thích Nhuận Đạt Tải Về
6 Lược Luận An Lạc Tịnh Độ Nghĩa, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
7 An Lạc Tịnh Độ Nghĩa, Nguyên Ngụy Huyền Trung Tự sa-môn Đàm Loan Tải Về

Các Loại Tịnh Độ
Hòa Thượng Thích Trí Thủ

Tư Tưởng Tịnh Độ Trong Phật Giáo Đại Thừa
Thượng Tọa Thích Tiến Đạt

Bồ Đề Tâm Với Môn Tịnh Độ
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm