Home > Khai Thị Phật Học > Chuyen-Ve-Canh-Gioi-Chung-Sanh
Chuyện Về Cảnh Giới Chúng Sanh
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Thưa bạn, từ đầu chúng ta có nhắc qua hai từ chúng sanh, giờ đây xin được tìm hiểu thêm thế nào là nghĩa của chúng sanh. Theo nghĩa của mỗi chữ, thì chúng là một nhóm, số đông; và sanh là hiện hữu do nhân duyên thọ mạng hoặc từ bào thai, hoặc từ trứng, mà người học Phật hay nghe có bốn loài: thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh. Trong bốn loại này tưởng không cần giải thích nhiều, bạn và tôi đều biết, đại khái thai sanh là loài mang thai như trâu, bò, nai, ngựa... Noãn sanh là loài đẻ trứng như chim, gà, vịt... Thấp sanh là loài sanh ra từ nơi ẩm thấp trong môi trường tối, ướt dưới đất, bùn, như trùng, dòi... và hóa sanh là loài biến hóa từ dạng này đến dạng khác không nhất định, như nhọng biến ra bướm; tuy nhiên đúng nghĩa hóa sanh là biến hóa, không phải cảnh giới dễ thấy, như là chư Thiên, và cảnh Thân Trung Ấm đọa vào địa ngục chẳng hạn. Tất nhiên sự xuất hiện của họ cũng phải có nhân duyên, nhân quả, nhưng vì hình sắc thọ mạng của họ vi tế nên hiện sanh ra cũng vi tế.
 
Theo như bốn loài vậy, loài hóa sanh là thù thắng, nhưng dù nói thù thắng, chứ không duyên học Phật, không duyên đạt được cảnh thù thắng nhất đó là cảnh vượt lên ba cõi, cảnh bất khả tư nghì, cảnh Phật. Chính Phật đã hiện vào cảnh giới người để độ chúng sanh, sự thị hiện của Ngài nguyên vì từ bi, do đó ta chẳng thắc mắc tại sao Phật không thị hiện trong loài hóa sanh, để mang tiếng là thua sắc đẹp cảnh giới chư vị ở cõi trời. Nói là thua hình ảnh chư Thiên, đó là theo cách nhìn cách suy nghĩ của chúng ta, chứ chư Thiên, Bồ Tát nhìn Phật không giống như con người. Nếu quả Phật xuất hiện bằng hóa sanh thì đạo Phật chẳng được mấy người tin theo, vì sự khác biệt giữa Ngài với nhân loại quá lớn, để kết quả chỉ có loài cũng hóa sanh như Ngài, mới tin và chịu tu theo Phật. Thế là giáo pháp giải thoát ở thế gian sẽ bế tắc ngay từ đầu.
 
Thật ra không thể nào nói hết được hoàn cảnh chúng sanh, vì chỉ một loài chúng sanh đã khó thể tưởng tượng được sự phức tạp hay lượng số ít nhiều thế nào rồi. Và dù bản chất tất cả chúng sanh đồng chung một tánh tham sống sợ chết; tuy nhiên không phải đơn giản như vậy, đó là kết quả hiện lên những hình thù tướng trạng, cùng với cảnh giới khác nhau.
 
Hẳn bạn đã biết ý tôi muốn nói; đó là do sự ý thức suy nghĩ, tâm niệm phức tạp, đưa đến hành động phức tạp, nên cũng thời tham sống, cũng thời sợ chết, mà kết quả lại không đồng nhau. Kết quả là người chết thành thú, thú chết thành người trong luân hồi đau khổ.
 
Chúng ta thử bàn sơ qua về loài người cũng thấy lắm phần phức tạp và khó hiểu. Như đã là người lại có nhiều giống dân khác nhau, da vàng, da trắng, da đen; sự dị biệt như thế là do nghiệp nhân, nghiệp quả. Từ nhân quả mang hình tướng không đồng lại sinh ra ý thức dị biệt, dị biệt về cảm quan ý thức. Từ cảm quan ý thức tiếp tục sinh ra hành động đối biệt nhau, để thực tế là xã hội thế giới phức tạp ngày nay quá rõ ràng.
 
Trở lại nói về bản chất tham sống sợ chết đây thật là một vấn đề.
 
Tham sống bằng ý thức giúp người cứu vật, khác hơn là tham sống hưởng thụ riêng mình, và sợ chết vì không còn hưởng thụ, khác hơn sợ chết khi việc thiện còn dỡ dang. Cho nên chỉ nơi loài người hành nghiệp đã quá phức tạp do đó quả báo cũng sinh ra lắm điều.       
 
Chúng ta thấy hình dạng đồng là con người mà khác biệt màu da như vậy, nhưng đó chỉ là phần thô, phần tế lại còn khác lạ nữa. Chẳng hạn người mang hình thù xấu xí nhưng lại thông minh, và người ngây ngô khờ khạo lại mang dáng người xinh đẹp. Nói rõ hơn, trong các nước sắc dân không phải người da trắng, có không thiếu gì người thông minh kiệt xuất; và trong các nước dân người da trắng tự hào là văn minh, lại chẳng thiếu kẻ thất học, dại khờ.
 
Về mặt văn hóa, nếu người da trắng chọn văn hào Leon Tolstoi là người xưa nay hiếm thấy với tác phẩm vĩ đại “Chiến tranh và hòa bình”, thì người da vàng Châu Á, không cần tìm hiểu các nước da màu khác, ngay nước Việt Nam cũng xuất hiện một đại văn hào Nguyễn Du, tác giả của tác phẩm văn vần vĩ đại “Truyện Kiều” với trên hơn ba ngàn câu thơ tuyệt tác, mà đến nay đã được thế giới công nhận là tác phẩm thi ca vĩ đại. Về mặt triết lý nhân sinh, tâm linh học, lại quá rõ ràng, người da trắng hẳn có nhiều triết gia, và người da vàng chẳng thiếu gì vĩ nhân, điều này ai cũng biết không cần phải nêu ra.
 
Nói chung tất cả dị biệt như vậy phải là do hành nghiệp chính ta gây ra. Nhà Phật giải thích việc này, gọi là biệt nghiệp và cộng nghiệp.
 
Biệt nghiệp là đứng riêng ra thọ báo, khác với cộng đồng thọ báo, việc này có nhiều thí dụ giải thích, chẳng hạn, cộng đồng người Việt ở Úc có khoảng trên hai trăm ngàn người, là một cộng nghiệp của số người Việt ở Úc. Rồi trong số người Việt không phải ai cũng giống nhau; mà mỗi người mỗi khác, mỗi công việc sinh sống, đây gọi là biệt nghiệp. Biệt nghiệp thấy rõ nhất là các em nhỏ sinh ra lớn lên tại hải ngoại, các em dù được sanh ra trong cộng nghiệp là người Việt, nhưng tư tưởng văn hóa lại là người Tây phương. Thí dụ gần hơn nữa, trong một gia đình tất cả anh em có chung một cha mẹ, nghĩa là cộng nghiệp làm con của cha mẹ, nhưng chẳng đứa nào giống đứa nào, đó là biệt nghiệp riêng của mỗi đứa.
 
Trở lại vấn đề chúng sanh thọ mạng thân người, chúng ta tạm hiểu phần nào như vạäy, thế thì vô số chúng sanh khác thì sao? Chúng làm gì biết được tham sống sợ chết theo quan niệm là gì, lý tưởng là chi? Thưa bạn, đúng như thế, cho nên ban đầu tôi đã thưa là khó mà hiểu được vấn đề hiện hữu phức tạp của chúng sanh. Nhưng ta cũng vẫn thắc mắc, tại sao có sự liên hệ, con người và vô số loại hình chúng sanh khác sống chung nhau trên hành tinh này; lại nữa hoàn cảnh sống chung có khi xảy ra rất thân thiện, như người và vật cùng ở một nơi, thương yêu như đồng loại. Chẳng hạn chó, mèo là loài vật mà một số người rất mực thương yêu gần như thân tộc trong nhà.
 
Trường hợp đây rõ ràng nói lên nhân quả của biệt nghiệp và cộng nghiệp.
 
Đứng về mặt cộng nghiệp, tất cả chúng sinh hiện hữu ở cõi ta bà (hành tinh xanh) đều có chung nhân nghiệp quả báo. Nhân nghiệp thế nào hẳn nhiên chỉ có chư Phật, Bồ Tát mới rõ biết một cách tường tận; tuy nhiên một điều chắc chắn bạn và tôi có thể đoán là chúng sinh thọ mạng chung ở thế giới Ta Bà vẫn còn may mắn; (Xin tạm gọi may mắn, vì trong giáo lý giải thoát không có cái gọi là may mắn, tất cả chỉ là nhân duyên), vì ngoài thêá giới này còn không biết bao nhiêu thế giới khác. Vậy có phải thật may mắn là không sinh vào thế giới ngạ quỷ hay địa ngục ?
 
Sống trong một cộng nghiệp, dù chúng sinh có dị biệt ra sao, đều phải cùng chung chịu đựng hay thọ hưởng cộng nghiệp của mình. Nếu trái đất vẫn bình an trong thời gian thọ mạng của chúng sanh, thì sự cộng nghiệp gọi là nhận lãnh quả báo thiện, nhưng nếu thế giới phát buồn dỡ chứng, động đất, sóng thần, núi lửa, mưa đá, gió bão... thì thời gian xảy ra này, thọ mạng chúng sanh nào chứng kiến, đương đầu, gánh chịu, tất nhiên phải là nhận lãnh quả báo ác.
 
Tuy nhiên trong sự nhận lãnh quả báo ở Ta Bà, phải nói là một đại nhân duyên cho chúng sanh mang lớp hình người, vì còn giáo lý giải thoát. Giáo lý của bậc giác ngộ hơn hai ngàn năm trăm năm vẫn còn lưu lại. Giáo lý này không thể so sánh và đặt định ngang hàng với những giáo thuyết của tôn giáo khác. Vì sao, vì giáo lý này chỉ thẳng chính con người là chủ nhân ông của mình, chính con người quyết định được sự bất an và hạnh phúc cho nhân loại. Chứng minh cụ thể trước hết là hành tinh thế giới này, con người là loài chúng sinh thông minh nhất, hơn tất cả các loài chúng sinh trên trái đất.
 
Điều chứng minh tiếp theo cũng như khẳng định cuối cùng sự thông minh đó, là do trí thông minh nên con người có thể làm được tất cả từ vật chất đến tinh thần. Về vật chất, từ ngàn năm xưa con người đã dựng nên nhiều công trình vĩ đại, và một trong di tích lịch sử to lớn nhất đến nổi từ mặt trăng nhìn về trái đất vẫn nhận ra được, đó là Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc. Mục đích tác phẩm vĩ đại này tuy phát xuất từ lòng tham vọng ích kỷ mưu đồ, nhưng không thể phủ nhận nghị lực làm việc sáng tạo phi thường khủng khiếp của người xưa.
 
Đối với hiện tại ngày nay, sức sáng tạo vật chất lại vượt lên mức phi thường mà con người có thể tưởng tượng được. Giả dụ ngày nay văn minh nhân loại muốn xây dựng một bức trường thành kiên cố xinh đẹp, vừa có thể cho người bộ hành du ngoạn vừa có thể xử dụng được xe, thì bức tường này có thể chạy dài xuyên qua gần hết cả lục địa trên trái đất, chứ không chỉ là một tác phẩm võn vẹn chỉ xuất hiện ở Trung Hoa. Và phi thường hơn nữa tác phẩm mới này sẽ không phải là thời gian kéo dài đăng đẳng của mấy đời vua, để giết đi hàng triệu sinh linh vô tội.
 
Về mặt tinh thần, con người có thể tư duy mọi vấn đề và nhất là lý giải được thân phận làm người trong đời sống thế giới ngày nay; nhưng lý giải vượt lên trên hết là giáo lý siêu việt của vị toàn giác giòng họ Thích Ca mang tên Tất Đạt Đa. Người đã trở thành vị Phật lịch sử duy nhất mà con người biết được từ quá khứ gần ba ngàn năm nay. Tinh thần đó không phải là sản phẩm của một đấng tối cao nào ban cho Ngài; tinh thần đó là của tất cả, biến hiện khắp không gian thời gian từ vô thỉ đến nay.  Nói đúng hơn tinh thần giáo lý đó có, từ khi có con người, và tất nhiên con người làm chủ nó, nhưng tiếc rằng không một ai hiểu được, cho nên con người thái tử Tất Đạt Đa đã trở thành Phật vì khám phá và chứng nghiệm nơi chính mình. Do đó khách quan mà nói phương diện tinh thần đã vượt lên tất cả, vì nó lấy con người làm trung điểm mà không phải dựa vào một khái niệm trừu tượng nào, và như vậy mới đúng chân tinh thần chân lý.
 
Cho nên chúng sinh mang lớp hình người đã là một đại duyên khi nhận thức được sự thật về con người và hoàn cảnh con người.
 
Đã tạm bàn qua loài người, giờ ta thử nghĩ về loài chúng sanh khác.
 
So với loài người, thì không gian và thời gian của chúng sanh khác thật không thể nghĩ bàn. Không cần nói số lượng, chỉ nói sự dị biệt hình thù đã không thể tưởng tượng được. Nào là loài sống trên đất, loài sống dưới nước, và trong mỗi môi trường như vậy lại có không biết bao nhiêu chúng sinh mang hình dạng khác nhau.
 
Nhìn loài người chỉ có một vài màu da khác biệt, nhưng loài vật có loài cùng loại mà màu sắc khác nhau thật nhiều, chẳng hạn loài chim, có đến hàng trăm giống với sắc màu riêng biệt nhau.
 
Nói về không gian và thời gian, lúc nào nơi đâu cũng có chúng sinh hoạt động; lạnh như hai điểm của địa cầu là cực Nam, cực Bắc vẫn có những động vật sinh sống; và thời gian về đêm không còn ánh sáng, cũng chẳng thiếu những loài rắn loài dơi lấy tối trời làm giờ sinh hoạt.
 
Những động vật sống trên đất liền còn có thể suy đoán theo dõi được, vậy loài dưới sông hồ, biển cả thì sao? Đây là vấn đề mãi còn bí ẩn, và có lẽ sẽ bí ẩn mãi thôi. Đối với loài cá ở sông hồ không đáng nói, nhưng với đại dương sâu rộng, chỉ có những vị phi nhân vô hình mới hiểu nổi. Hiện thời văn minh con người chỉ dò được độ sâu của biển ở một vài nơi, nhưng đích thân dùng phương tiện đưa người thăm dò lòng biển qua phương tiện tàu ngầm, thì chỉ lặn sâu có vài trăm thước, trong khi độ sâu vài nơi có đến vài cây số, hoặc còn sâu hơn nữa. Với độ sâu khủng khiếp như thế, sức ép của nước phải là kinh hoàng, và chắc chắn chỉ có những gì sở hữu của đại dương biển cả mới tồn tại thích nghi. Những sở hữu của đại dương là gì ? Tất phải là vật hữu tình, vô tình như trên đất liền không khác. Đó là những động vật sinh vật bí mật nào đó mà ai biết được? Cho nên mới nói chỉ có phi nhân vô hình mới thấy, tức phải có thần thông phải có thiên nhãn.
 
Đối với chư Phật chư đại Bồ Tát vấn đề không cần phải bàn đến, vì quá trẻ con, các Ngài thấy cả vũ trụ, trong đó địa cầu chỉ là hạt bụi nhỏ, nên trong hạt bụi có gì để đáng thấy. Nhưng nếu muốn thấy, thì từng cơ thể và tâm niệm của siêu vi trùng các Ngài cũng biết rõ, huống gì vật quá ư thô kệch rõ ràng như ở đáy đại dương. Việc này bạn và tôi nhất định phải tin như vậy.
 
Tuy nhiên thỉnh thoảng chúng ta vẫn thắc mắc! Thắc mắc là phải, vì còn là phàm phu làm sao hiểu được cái nhìn cái hiểu của người chứng đạo. Nhưng điều chúng ta phải tin là cõi Ta Bà này có Phật xuất hiện; Ngài đã thuyết pháp để lại kinh điển chứng minh, qua đó ta mới hiểu được trí lực của Ngài.      
 
Thế thì những chúng sinh sống nơi đen tối sâu thẩm của đại dương, hình thù thế nào, cuộc sống ra sao; và nếu có được phần nào thần lực tư duy suy nghĩ, thì ta sẽ thấy rằng thế giới còn có muôn hình vạn trạng khác thường còn hơn ta suy tưởng!
 
Xét ra cũng chẳng lạ gì. Vì nếu chúng ta đặt ra muôn câu hỏi về chúng sinh đang hoạt động sinh sống thật sâu dưới đại dương đen ngòm, lại chẳng khác gì chúng sinh đang sống sâu dưới lòng đất trên khô. Cả hai thế giới đều là màu tối! Nhưng không! Loài người chúng ta cho là tối, nhưng đối với chúng lại là môi trường lý tưởng nhất đó. Thôi thì  tạm hiểu thế giới phức tạp của vô số hoàn cảnh chúng sanh không phải là người, đại khái là vậy; tuy nhiên căn cứ vào giáo lý nhà Phật, có thể đoán biết là do nghiệp lực của mỗi chúng sinh gây ra, nên tự thành quả báo như vậy.
 
Chỉ có một điều nhận thức rằng, loài chúng sinh không phải là người hiện ở cõi Ta Bà trong thời còn giáo điển Như Lai số lượng quả không thể nghĩ bàn. Và suy tư ngược lại, chúng ta là loài người cũng quả đúng là loài hiếm quý. Như thế, thế giới loài vật, loài người dù chịu cộng nghiệp trên một thế giới địa cầu, nhưng biệt nghiệp mỗi loài thật còn quá là chênh lệch.
 
Biệt nghiệp của chúng sinh không phải loài người, không chỉ sai biệt khổ vui với đồng loại của chúng mà so với loài người cao cấp hơn chúng, lại có khi quả báo của chúng còn sung sướng hơn. Rồi biệt nghiệp của loài người là có nhân duyên thù thắng tiến lên giải thoát, nhưng vẫn không thiếu những người chịu đựng quả báo còn đau khổ hơn cả những hàng chúng sinh hạ cấp.
 
Đó là vài khái niệm về những cảnh giới chúng sanh, và khái niệm cuối cùng để hiểu là chúng sanh nói chung như loài người và vạn vật sinh sống trên địa cầu hôm nay, vẫn đang loay hoay trong vòng trói buộc của một hữu tình chưa giác ngộ. Chưa giác ngộ tất phải tìm cầu con đường giác ngộ, nhưng trong bốn loài chúng sanh ngoài loài người ra, các loài vật khác làm sao hiểu được thế giới hiện nay đang có giáo lý thoát ly sinh tử.
 
Vậy chúng ta là người, lại được nhân duyên học Phật, phải nên phát khởi lòng thương nghĩ đến tất cả loài chúng sanh khác không được may mắn như ta; đó là ý nghĩa nhất để hiểu cảnh giới chúng sanh mà tự thân mình đang lãnh thọ.
 
Để tiếp tục tìm hiểu thêm hoàn cảnh con người đang trong thời kỳ còn giáo lý giải thoát, thiết nghĩ bạn và tôi không thể nào lại không muốn tìm hiểu về sự xuất hiện của Phật, là một sự nhiệm mầu nhân duyên cho muôn loài chúng sanh, nhất là chúng sanh mang lớp hình người, lớp hình người đang học Phật.
 
Trích từ: Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật