I. Chánh Văn
Ðệ thất giác ngộ
Ngũ dục quá hoạn
Tuy vi tục nhân
Bất nhiễm thế lạc
Thường niệm tam y
Ngõa bát pháp khí
Chí nguyện xuất gia
Thủ đạo thanh bạch
Phạm hạnh cao viễn
Từ bi nhất thiết.
II. Dịch Nghĩa
Ðiều thứ bảy giác ngộ rằng: Năm loại dục là nguyên nhân gây ra tội lỗi và tai họa. Vậy tuy làm người cư sĩ mà sống không đắm nhiễm năm thứ vui phàm tục ấy. Tâm thường nghĩ đến ba y và bình bát. Tâm nguyện hướng về đời sống xuất gia. Vì vậy, sống thanh tịnh, giữ gìn đạo hạnh, tu tập phạm hạnh thanh cao, thương yêu tất cả muôn loài.
III. Giải Thích Nội Dung
Ðiều thứ bảy giác ngộ về sự nguy hiểm của các dục lạc thế gian mà người cư sĩ đang sống ở trong đó; sự nguy hiểm ấy có hai mặt là phát sinh hành vi tội ác, nảy sinh những tai ương hoạn nạn, khổ đau.
Là một người cư sĩ tại gia thực hành Bồ tát hạnh, người Phật tử phải có đời sống biểu hiện sự giác ngộ, nghĩa là phải vượt lên trên các dục lạc phàm tình, giống như hoa sen ở trong bùn vượt lên trên bùn mà không hôi mùi bùn. Trên căn bản đạo đức thanh tịnh ấy, người cư sĩ phát triển lòng từ bi và cứu độ chúng sanh có hiệu quả.
Ðiều thứ bảy nầy có các quan điểm khác nhau giải thích về nó; có người cho rằng đây là hạnh ly nhiễm của người xuất gia, nghĩa là người xuất gia hành đạo giữa đời thường có thể bị hệ lụy tham đắm năm dục. Như vậy cũng không có gì là sai. Tuy nhiên Kinh văn ghi rất rõ là: "tuy vi tục nhân" thì ta phải hiểu là người thế tục, "người đời". Các giảng sư Trung Hoa như Ngài Thái Hư Ðại sư, Ngài Tinh Vân... đều giảng là người cư sĩ. Trong tác phẩm
"Dịch giải tám điều giác ngộ của Bậc Thượng Nhân" Hoà Thượng Trí Quang viết: "Ðiều giác ngộ thứ bảy dạy riêng cho Phật tử tại gia. Phật tử tại gia nên tâm niệm xuất gia, nên sống theo hạnh ly nhiễm: "cái hạnh hoa sen". Chúng tôi cho rằng đây là điều dạy cho người cư sĩ để họ thực hành mục đích giải thoát trong đời sống thế tục. Nâng cao vai trò người cư sĩ trong đời sống xã hội, thực hành Bồ tát hạnh, hoằng pháp lợi sinh như người xuất gia là đường lối Phật hóa nhân gian của Phật giáo Ðại thừa.
Người cư sĩ đạt được giải thoát giữa đời sống thế tục qua các giai đoạn tu tập nhưng không nhiễm dục lạc, sống đời thanh bạch, phạm hạnh cao viễn và thương yêu muôn loài thì giá trị của người cư sĩ rất lớn, tác dụng rất lớn đối với cuộc đời. Ðây là đời sống lý tưởng của Bồ tát đạo. Thực ra, trong Kinh tạng Nguyên Thủy, Ðức Phật đã đưa ra mô thức của đời sống giải thoát ở trong thế tục, như trong kinh Tăng Chi, Ngài dạy có bốn hạng xuất gia:
Thân xuất gia mà tâm không xuất gia.
Tâm xuất gia mà thân không xuất gia.
Thân và tâm đều xuất gia.
Thân và tâm đều không xuất gia. - (Chương bốn pháp)
Vậy, hạng thứ hai, tâm xuất gia mà thân không xuất gia, chính là mô thức tu tập của Bồ tát cư sĩ.
Ðời sống của người cư sĩ tại gia bị vây quanh bởi năm dục thật không dễ dàng đoạn trừ chúng để thực hành hạnh ly nhiễm. Kinh Trung Bộ có ghi rằng: Có lần một vị cư sĩ đến gặp đức Phật và trình bày rằng ông ta nhờ thâm hiểu lời Phật dạy, nên thấy rất rõ năm dục là nguy hiểm, hạ liệt, ô uế, vui ít khổ nhiều... nhưng tại sao ông ta không đoạn trừ được chúng? Ðức Phật đã dạy: -- Sở dĩ ông ta không đoạn trừ được năm dục là vì ông còn sống đời sống thế tục, nên dù biết rõ về dục mà vẫn không đoạn trừ được chúng.
Người tại gia sống với thói quen hưởng thụ các dục lạc, lệ thuộc các cảm thọ lạc thú, bị ràng buộc rất khó thoát ly. Hưởng thụ dục lạc là bản năng của sinh vật, của con người, vì vậy chỉ cần chạm nhẹ là đánh thức bản năng ngay. Ðời sống của người cư sĩ đối với các đối tượng của dục lạc luôn kích thích bản năng hưởng lạc làm cho nó luôn tăng trưởng, rất khó xả ly chúng. Có những cư sĩ học rộng hiểu nhiều, học vị cao, có công đức lớn đối với đạo pháp, lãnh hội được Phật pháp cao siêu nên họ tưởng mình đã được tự tại giải thoát giữa đời thường. Thực ra, họ rất khó vượt ra cái thói quen hưởng thụ: ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nghỉ dễ chịu, nhu cầu tình dục, và các thú vui tế nhị khác... Thói quen tiện nghi đã tạo cho họ dấu ấn trên thân thể, não bộ... nên nó có sức mạnh tiềm ẩn khó nhận ra, vì vậy mà khó đoạn trừ được chúng.
Ðể đạt được trình độ "Bất nhiễm thế lạc" như Kinh văn đã dạy: Người cư sĩ phải kiến tạo cho mình một thói quen, một lối tư duy mới, đó là thường nhớ nghĩ đến ba y và bình bát. Ba y và bình bát là tài sản bất ly thân của người xuất gia. Ba y gồm có An đà hội, dịch là Tác vụ y, nghĩa là khi chấp tác lao động phục dịch... thì bận y này; Y Uất đa la tăng dịch là Nhập chúng y, nghĩa là khi vào trong chúng Tăng làm các Phật sự như: Trai tăng, nghe pháp, tụng kinh, tọa thiền...thì bận y này; và y Tăng già lê dịch là Tạp toái y nghĩa là loại y này gồm nhiều mảnh ráp lại (có loại: y 9 điều, y 11 điều, y 13 điều...) dùng để bận khi thăng tòa thuyết pháp, vào làng khất thực, hàng phục ngoại đạo... Bình bát Phạn ngữ là Bát đa la dịch là ứng lượng khí nghĩa là phù hợp dung lượng để đựng thực phẩm. Y thì hoại sắc không đẹp, mang ý nghĩa giải thoát: giải thoát ý niệm đẹp đẽ của sắc tướng. Bình bát thể hiện tính chất giải thoát sự hệ lụy của món ăn. Thường nghĩ đến ba y và bình bát nghĩa là không tìm kiếm lạc thú ở nơi ăn và mặc, do đó không hệ lụy vấn đề ăn mặc. Thường nhớ nghĩ đến y bát tức đi ngược lại thói quen hưởng thụ về món ăn và mặc, đó là hai thói quen quan trọng của đời sống thế tục.
Vậy bước đầu chú tâm giảm thiểu nhu cầu hưởng thụ mang tính thô thiển bề ngoài, họ tạo được khoảng cách giữa đức hạnh và sự cám dỗ của lạc thú. Mặc dù sống trong vòng vây của các dục nhưng đã tạo được ranh giới cần thiết để có sự bảo hộ đạo hạnh. Như người Bồ Tát cư sĩ ăn chay chẳng hạn, họ sẽ tự tại với các lạc thú và sự tranh giành món ăn ngon của những người xung quanh, họ cảm thấy "đứng ngoài" mặc dù ở chung với nhau.
Bước tiếp theo người cư sĩ nuôi dưỡng một ước muốn, một "chí nguyện" từ bỏ đời sống thế tục. Ðây là một bước đi quan trọng để thoát vòng vây của dục. Ngũ dục là đối tượng của ước muốn, là nguyện vọng của đa số, của thường tình; nay ta không nuôi dưỡng ước vọng đó nữa, ta nuôi dưỡng ước vọng khác: đời sống giải thoát, đời sống viễn ly. Tâm dục bất thiện nay biến thành tâm dục thiện, hướng thượng, nhờ vậy mà thay đổi xu hướng của tâm, thay đổi được bản năng. Như vậy, ta tạo được một ranh giới cần thiết cho tâm hướng thượng trong biển tâm nhiễm ô.
Qua hai bước trên, người cư sĩ có đươcĩ sức mạnh căn bản của thân và của tâm, từ đó họ tiến lên bước thứ ba: Thay đổi toàn bộ lối sống của mình và của cả gia đình mình; nghĩa là sống một đời sống thanh bạch, đạm bạc về vật chất, về hình thức, nhưng phong phú giàu có về tinh thần, mà kinh văn gọi là
"thủ đạo thanh bạch".
Cuộc sống của người cư sĩ không phải là một cuộc sống đơn độc mà còn có gia đình vợ con thân thuộc... Cho nên những bước tu tập của mình phải đủ sức cảm hóa gia đình vợ con... để họ cùng tu với mình, cùng nhìn về một hướng... đây là một điều khó cho một người tu tại gia. Cuộc sống đạm bạc thanh cao của ta sẽ đổ vỡ nếu không được sự trợ duyên của vợ con. Mặt khác, nếu ta không cảm hóa thuyết phục được vợ con tu tập thì ta chỉ là người cư sĩ thường thôi chứ không thực hành nổi vai trò và hạnh nguyện của một cư sĩ Bồ Tát. Bởi lẽ, chúng sinh trong nhà mà mình không độ được làm sao độ được chúng sanh ở ngoài. Thiền truyện Trung Hoa có đề cập đến gia đình ông Bàng Long Uẩn đắc đạo cả nhà là một mô hình lý tưởng cho người cư sĩ tại gia.
Thay đổi lối sống từ hưởng thụ dục lạc qua lối sống thanh bạch đạo vị, tức là kiến tạo được một môi trường thuận lợi cho sự tu tập, là tạo điều kiện quá độ cho một đời sống mới: Ðời sống phạm hạnh và tình thương muôn loài.
Ðời sống phạm hạnh là đời sống không có tình dục và các thú vui phàm tục, không coi trọng hay bị lệ thuộc vào ân ái vợ chồng, không bị ràng buộc bởi tình yêu giới tính. Tình ân ái là một loại tình thương mang tính trói buộc, vị kỷ có tác dụng làm con người gắn chặt hơn nữa vào đời sống bản năng và sự đau khổ. Cho nên, đời sống phạm hạnh là đời sống từ bỏ tình yêu vị kỷ, phát triển tình yêu vị tha. Ðây là lý do tại sao kinh văn lại đưa công hạnh phạm hạnh vào trong đời sống của Bồ Tát cư sĩ. Tâm từ đối với muôn loài không thể có nơi Bồ Tát cư sĩ, nếu họ còn đắm nhiễm ân ái, lạc thọ vị kỷ. Sống phạm hạnh trong đời sống thế tục không dễ dàng và vấn đề giác ngộ đạo lý của vợ con là điều phải có. Vấn đề phạm hạnh của người cư sĩ có thể có hai cách hiểu: Một là đoạn trừ dâm dục; hai là không bị trói buộc và đắm nhiễm dâm dục, không bị tình ân ái cản trở hay hạn chế sự phát triển từ bi tâm. Một đời sống như vậy thì không khác nội dung đời sống của một vị Bồ Tát xuất gia.
IV. Kết Luận
Người cư sĩ sống đời sống thế tục có kinh nghiệm phong phú, có sự hiểu biết sâu sắc về con người: căn cơ, trình độ, tâm lý, ước muốn của họ; hiểu biết một cách trực tiếp về bản chất của đời sống xã hội. Vì vậy họ có thể hiểu biết cảm thông và thương yêu con người một cách chân thật. Tuy vậy, để đạt được một đời sống lý tưởng "tâm xuất gia mà thân không xuất gia", đạt được mục đích và hạnh nguyện của một Bồ Tát cư sĩ thì họ phải thực hành tuần tự từng bước:
Quán chiếu để thấy rõ bản chất của năm dục lạc đưa đến tội ác và tai ương hoạn nạn, mà hoạn nạn lớn nhất là bị che khuất trí tuệ và chìm đắm trong vòng sanh tử. Phải tu tập để chiến thắng sự kiềm tỏa của năm dục, phải triệt tiêu áp lực của chúng trong nội tâm mình.
Phải tạo thói quen, xu hướng mới cho tâm thức, hướng tư duy về sự giải thoát, về đời sống viễn ly thành tựu được chánh tư duy, thiện tâm bắt đầu tỏa sáng.
Kiến tạo một đời sống đạm bạc thanh cao. Trong đó bao gồm các đối tượng bên cạnh mình như vợ con...để thiết lập cuộc sống chung giàu trí tuệ và an lạc.
Từ đó, thiết lập đời sống phạm hạnh coi nhẹ tình yêu ân ái vợ chồng giới tính biến thành tình yêu vị tha đối với muôn loài, biến các chất liệu của tình thương đau khổ, hạn chế thành chất liệu tình thương vô lượng, an lạc.
Như vậy, người cư sĩ có thể kiến tạo đạo tràng giữa cõi nhân gian, hoàn thành hạnh nguyện độ tha của Bồ Tát đạo.