Home > Khai Thị Phật Học
Tích Lũy Công Đức
Theo Bản In Của Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Chánh văn) Tích đức lũy công.
(正文)積德累功。
(Chánh văn: Tích lũy công đức).
 
Gìn giữ chân tâm là Đức, thể hiện qua các sự gọi là Công. Do ít thành nhiều, từ thấp lên cao, đó là Lũy. Đức chẳng tích sẽ không cao. Công chẳng “lũy” (累, chất chứa) sẽ chẳng to. Nếu có thể chú trọng tỉ mỉ như nông dân mong được mùa; nóng lòng mong mỏi [phát tài] như con buôn đang kinh doanh, hôm nay tích một đức, ngày mai lại tích một đức, hôm nay chứa một công, ngày mai chứa một công khác nữa. Nói “[để trở thành] thiên tiên, hãy thực hành một ngàn ba trăm điều thiện chỉ trong bốn năm. [Để thành] địa tiên thì hành ba trăm điều thiện chỉ trong một năm”, vậy thì phàm nhân sẽ chẳng thể, sợ rằng sẽ đến nỗi bỏ dở giữa chừng. Ấy là vì chấp trước đã sâu, tập nhiễm (những thứ đắm nhiễm do tập khí) khó trừ. Lý chẳng thắng nổi dục[71], lương tâm vừa dấy lên lại bị ngưng lặng. Vì thế, rốt cuộc chẳng có dịp để làm lành!

Chỉ mong những người đã phát khởi thiện nguyện trong cõi đời hãy có tấm lòng chân tín, tâm dũng mãnh, tâm tinh tấn, tâm kiên trì, vĩnh hằng. Chớ nên vì keo tiếc tiền của mà bỏ dở giữa chừng. Chớ sợ những lời lẽ chê bai mà tự ngờ vực. Chớ quen thói an nhàn, thuận tiện để rồi chẳng mạnh mẽ, hăng hái. Chớ bị ham muốn riêng tư lôi kéo để rồi chẳng cương quyết, đoạn tuyệt [những thói hư tật xấu]. Chớ qua loa tắc trách để rồi bỏ dở nửa chừng. Chớ chấp vào sự thành tựu nhỏ nhặt mà vui sướng, tự mãn. Chớ mong mỏi những điều hiếm hoi, cao xa, để rồi chẳng chú trọng thật sự tu tập. Chớ vì thấy sự việc to tát mà ngại khó. Chớ vì điều lành nhỏ nhoi mà xem nhẹ. Chớ vì sự việc phiền toái mà đùn đẩy [cho người khác]. Chớ tiếc nuối danh tiết để rồi chẳng cứu người hoạn nạn. Chớ gắng sức nơi chỗ dễ thấy mà lơ là chỗ ẩn kín. Chớ gắng sức nơi hành vi, mà xem nhẹ lời ăn tiếng nói. Chớ nói ngọt ngào sáo rỗng, để rồi hành vi chẳng phù hợp sự thật. Chớ giữ cái thường hằng, xem nhẹ cái tạm bợ. Chớ siêng lúc đầu, biếng nhác lúc sau. Chớ tỵ hiềm. Chớ ngại kẻ khác oán hận [để rồi không tích lũy công đức]. Chớ chần chừ, chớ gián đoạn, chớ lỗ mãng, chớ mong được báo đáp, chớ ham danh. Hễ gặp hết thảy các việc thiện, hãy đều hoan hỷ hành trì, hành xử khéo léo cốt sao thành tựu mới thôi. Như vậy mới là chủng tử tốt đẹp trong việc phụng trì, [tích lũy công đức] vậy!

Tử Hư Nguyên Quân nói: - Xưa kia có Phó tiên sinh, từ bé đã ham thích đạo. Vào ở nơi thạch thất trong núi Tiêu, tu tập ba năm, bỗng gặp Thái Cực Chân Nhân[72] trao cho cái dùi gỗ bảo hãy đục thủng một tảng đá, căn dặn: “Đá thủng thì ta sẽ độ ngươi”. Đá dầy hơn năm thước, ông Phó cứ dùi mãi không ngừng. Trải qua bốn mươi bảy năm, đá bỗng bị xuyên thủng. Thái Cực Chân Nhân quả nhiên đến độ ông ta. Phàm tích lũy công đức, tuy chẳng phải là dùi đá, nhưng cứ từ chuyện này mà suy, chỉ sợ người ta không làm, hoặc bỏ cuộc giữa chừng vậy. Kẻ có chí, sự rốt cuộc sẽ thành, chuyện này chẳng phải là được chứng nghiệm rõ ràng đó sao?

Đời Tống, Thái Thú xứ Trấn Giang là Cát Phồn, mỗi ngày hành mấy điều thiện, suốt bốn mươi năm chẳng bỏ. Người khác thưa hỏi, ông nói: “Ta chẳng có gì khác, chỉ là mỗi ngày làm một, hai chuyện có lợi cho người khác”. Nhân đó, ông chỉ cái bục lót chân nơi chỗ ngồi, bảo: “Vật như thế nếu kê chẳng ngay, ắt sẽ làm dập chân người khác. Ta kê lại cho ngay ngắn. Người ta khát bèn cho một chén nước, đều là những chuyện lợi lạc. Từ bậc khanh tướng cho đến người ăn mày đều có thể làm được. Chỉ là làm lâu ngày thì sẽ có lợi ích đó thôi!”

Dương Tuần làm Thôi Tư[73] xứ Quỳ Châu, tích lũy công đức, bắt chước ông Châu Trì hành mười điều lợi ích trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Một là thu nhặt những trẻ nhỏ bị bỏ rơi trên đường phố, cậy người chăm sóc. Chờ cho nó đến tuổi mười lăm, nếu nó muốn nhận lại [cha mẹ ruột], sẽ trao lại cho đoàn tụ với cha mẹ. Thứ hai, mỗi mùa Đông, bắt đầu từ ngày mồng Ba tháng Mười Một, sẽ thâu nhận người từ sáu mươi tuổi trở lên, trẻ nhỏ dưới mười lăm, và kẻ ăn mày, người nghèo hèn vào Dưỡng Tế Viện của chính ông. Mỗi ngày cho một thưng gạo, mười lăm đồng. Ba tháng sau sẽ để họ tự tiện tìm cách sống. Thứ ba, thí rộng rãi những loại thuốc thang có hiệu nghiệm để giúp đỡ người bệnh khổ. Thứ tư, thí quan tài, châu cấp những gia đình không có sức mai táng. Thứ năm, tớ gái trưởng thành, chẳng đòi tiền chuộc thân, mà ban cho quần áo, tư trang đúng mức, giúp nó lấy người thích đáng. Thứ sáu, chuyên nhất kiêng giết, cứu vớt, bảo vệ chúng sanh. Hễ gặp loài vật dù là phi cầm hay tẩu thú, lớn hay nhỏ, đều mua hay chuộc lấy để phóng sanh. Thứ bảy, mỗi khi gặp nạn mất mùa, lương thực đắt đỏ, thiếu thốn, ông bèn chẩn tế dân nghèo. Thứ tám, hễ thánh tượng trong chùa hoặc đạo quán bị tổn hoại, tróc lở, sẽ sửa chữa, tô điểm. Cầu, bến, đường sá, ngòi, rạch chẳng thông, sẽ đều sửa chữa. Thứ chín, đối với hàng sĩ phu lưu lạc xa quê, bèn giúp tiền cho họ về quê. Thứ mười, làm quan bèn giúp người khác giãi bày nỗi oan uổng, luôn biết nghĩ tới người khác, giúp đỡ người gặp cảnh nguy khốn, đè nén kẻ cậy quyền hiếp đáp, giúp người yếu được sống yên. Về sau, con ông là Dương Xuân đỗ đầu thiên hạ (đỗ Trạng Nguyên). Phàm những kẻ chẳng biết [do trồng tỉa] sẽ có lợi ích được mùa vào tiết Thu, thấy người khác gieo hạt, bèn chê trách: “Sao lại lấy thứ để ăn đem vứt xuống bùn lầy?” Kẻ chẳng biết phước điền cũng giống như thế. Ngạn ngữ có câu: “Trồng tre được măng, gieo sen được ngó”. Phàm những ai cùng hàng với tôi, đã biết nghiệp rồi, hãy thận trọng, đừng tiếc sức gieo trồng [phước điền]!

Đời Hậu Châu, ông Yên Sơn Đậu Vũ Quân, làm quan Gián Nghị thời Ngũ Đại[74], đã ba mươi tuổi mà chẳng có con. Mộng thấy ông nội bảo: “Ngươi không có con, lại chẳng thọ. Hãy nên sớm làm lành”. Vũ Quân vâng dạ. Ông Đậu làm người có phong thái của bậc trưởng giả. Trước kia, có gã đầy tớ ăn cắp hai trăm ngàn đồng, lo chuyện bị phát giác, do hắn có đứa con gái còn thơ ấu, bèn tự viết bằng khoán, buộc vào tay con gái, ghi rằng: “Bán đứa bé gái này vĩnh viễn cho nhà ông để đền tiền thiếu nợ”, rồi trốn xa. Ông Quân thương xót, đốt tờ bằng khoán ấy, dặn vợ hãy nuôi nấng cẩn thận. [Khi đứa con gái ấy] đến tuổi cài trâm, ông bèn dùng món tiền hai trăm ngàn [làm của hồi môn], chọn người đàng hoàng để gả. Gã đầy tớ nghe chuyện, cảm động, khóc lóc, trở về đợi ông trị tội. Ông bỏ lửng, không hỏi tới. Lại vào hôm Nguyên Đán ở chùa Diên Khánh, ông nhặt được hai đĩnh vàng và mười lượng bạc, bèn cầm về. Hôm sau đến chùa, đợi người mất của để trả lại, người ấy bèn dùng [món tiền đó] để chuộc tội cho cha. Lại nữa, những người cùng họ hoặc thông gia hễ có tang mà chẳng thể làm đám ma được, ông bèn bỏ tiền an táng. Có đến hai mươi bảy [trường hợp như thế]. Có cô gái nào chẳng thể gả chồng, ông bèn bỏ tiền lo cưới gả, có đến hai mươi tám trường hợp như vậy. Những thân thích bằng hữu nghèo túng, cần tiền nhiều hay ít, ông đều cho vay để họ buôn bán. Nhờ ông mà mấy chục nhà được sống sót. Hiền sĩ bốn phương nhờ ông đề cử chẳng thể kể xiết!

Ông lại còn ở phía Nam nhà mình, lập thư viện rộng bốn mươi gian, chứa đến ngàn quyển sách, lễ thỉnh bậc nho sĩ có tài văn chương và đức hạnh đến làm thầy. Những kẻ mồ côi, nghèo túng nhưng có chí học hành từ bốn phương nghe chuyện ấy tự đến, được ông cấp lương thực và tiền chi dụng hậu hĩnh. Vì thế, những sĩ tử ấy văn chương, kiến thức ngày càng rộng rãi. Mỗi năm, ông tính toán thu nhập, trừ món tiền dùng để cúng giỗ ra, [khoản còn lại] đều dùng giúp đỡ kẻ khác. Trong nhà hết sức tiết kiệm, giản dị, chẳng có đồ trang sức bằng vàng, ngọc. Vợ không chưng diện lụa là. Về sau, ông lại mộng thấy ông nội bảo: “Ngươi không có con, tuổi thọ lại ngắn ngủi. Do mấy năm tích lũy âm đức, đã được ghi danh nơi thiên tào. Thượng Đế đặc biệt tăng cho ngươi thọ thêm ba mươi sáu năm, có năm con trai quý hiển, phước thọ. Sau khi mất, còn được bổ làm Động Thiên Chân Nhân”. Lại nói: “Lý âm dương nói chung là chẳng khác! Thiện báo, ác báo, hoặc phát sanh trong đời này, hoặc báo ứng trong đời sau. Lưới trời tuy thưa, nhưng khó lọt. Chớ nên nghi ngờ!” Ông càng tích lũy âm công, năm con trai, tám cháu nội đều quý hiển[75]. Ông hưởng thọ tám mươi hai tuổi. Một tối, ông cùng với thân hữu cười nói rồi qua đời.

Đời Tống, Ngụy công Hàn Kỳ[76], đỗ Tiến Sĩ từ lúc còn ít tuổi. Điều đáng nói nhất là ông có thể hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ, nuôi dưỡng các cháu giống hệt như con ruột của chính mình. Ông châu cấp cơm áo cho một trăm người họ hàng. Hễ được [vua] ban thưởng, sẽ luôn chia sẻ cho thân tộc trước. Ông làm Tể Tướng của ba triều vua. Nếu là chuyện có lợi cho xã tắc, hễ biết đến, không gì chẳng làm! Dốc trọn lòng trung dũng hòng làm cho thiên hạ thái bình. Ông dạy con noi theo điều nghĩa, nghiêm ngặt, chẳng thể vi phạm! Ngôn ngữ và cách hành xử của ông đều tỏ lộ sự chí thành. Giúp đỡ người khác đang gặp cảnh cấp bách, nếu chẳng đủ sức, bèn quyên tặng quần áo, những món đồ dùng, vật ưa thích của chính mình; lại còn gỡ trâm và bông tai của vợ đem cho. Con cháu của người quen biết nghèo túng, nương nhờ ông mà sống, thường có đến mấy chục gia đình.

Ông làm An Phủ Sứ tại Ích Châu, gặp năm đói to, bèn giảm tiền thuế, quyên mộ người khác (những kẻ giàu có) đóng góp gạo. Lại tuyển mộ những kẻ mạnh khỏe làm lính; một người đi lính, mấy người [trong nhà người ấy] được sống sót. Trong niên hiệu Minh Đạo (niên hiệu đời Tống Nhân Tông), do thấy có nạn đói, bèn khuyên dụ [những kẻ giàu có] đóng góp gạo thóc, chứa trong kho Thường Bình, để phát cho những hộ nghèo đói nấu cháo. Dân nhờ đó sống sót qua nạn đói hơn một trăm chín mươi vạn người.

Ông làm tri huyện ở Tinh Châu. Phong tục xứ Hà Đông là hỏa táng, ông bèn mua chỗ đất bỏ không để họ chôn vào đó. Khi ông làm tri phủ Đại Danh, bất luận chuyện lớn hay nhỏ, ông đều đích thân coi sóc. Tuy bị bệnh, ông vẫn phê duyệt công văn trên giường. Có người khuyên ông hãy giao cho thuộc hạ làm, ông nói: “Thưa kiện, hạ ngục là chuyện to lớn của người ta. Sanh, tử, được, mất sẽ được quyết định trong một lời, há chẳng nên thận trọng ư? Tôi thường sợ có chỗ chẳng sai sót, còn dám giao cho người khác ư?”

Có người dâng hai cái chén ngọc, ông dùng một trăm lạng biếu lại. Mỗi lần mời khách ăn tiệc, đặc biệt bày ra một bàn, đặt cái chén lên đó, phủ gấm lên. Một hôm, đãi tiệc Tào Sứ[77], viên tiểu lại[78] vô ý đụng đổ bàn, chén vỡ nát, mọi người đều kinh ngạc. Ông thần sắc bất động, cười bảo khách: “Phàm mọi vật đều có thành, có hủy, đều có vận số”. Lại nhìn viên nha lại, bảo: “Ngươi vô ý, chẳng phải là cố tình, đừng kinh hãi”. Khách đều thán phục.

Ông chưởng quản binh quyền tại Vũ Định, ban đêm viết thư, một tên lính hầu cầm đuốc soi bên cạnh. Tên lính ngẫu nhiên nhìn sang chỗ khác, để lửa cháy bén râu ông. Ông chỉ dùng tay áo phẩy râu, viết thư như cũ. Trong chốc lát, nhìn lại, đã đổi thành một người lính khác. Ông sợ người đứng đầu đám lính hầu sẽ đánh đòn [tên lính hầu ấy], bèn vội gọi đem tên lính ấy trở lại: “Đừng đổi! Gã ấy nay đã có thể cầm đuốc”. Mọi người nghe chuyện, không ai chẳng cảm phục. Ông chết già. Lúc mất, có một vẫn thạch lớn [giáng xuống], tiếng vang như sấm. Ông [được triều đình đặt] thụy hiệu là Trung Hiến. Năm người con đều quý hiển, con cháu hưng thịnh khôn sánh!

Đời Minh, cách phủ thành Thiệu Hưng ba mươi dặm về phía Bắc là biển cả, thường có thủy triều ồ ạt tràn vào, ngập hết ruộng lúa. Trong niên hiệu Gia Tĩnh, người xứ Miên Trúc đất Thục (Tứ Xuyên) là Thang Đốc Trai làm tri phủ [Thiệu Hưng]. Ông đã dốc hết tâm tư sức lực, đắp đê ngăn biển hơn trăm dặm, xây hai mươi tám cửa cống [xả lũ], cắt người đúng lúc đóng hay mở. Từ đấy, mỗi năm đều được mùa, muôn dân vĩnh viễn được nhờ. Về sau, ông được thiên chuyển sang trấn nhậm nơi khác. Dân chúng gào khóc rền trời, lập đền thờ ở Tam Giang, đến nay vẫn được cúng tế không dứt!

Ông Tiêu là người xứ Đông Kinh, ba đời đều chẳng có đích tự (嫡嗣)[79], bèn làm thương nhân buôn bán khắp nơi. Ông đến yết kiến bậc cao nhân khắp chốn, hỏi về nhân quả ấy. Ông gặp một vị lão tăng bảo: “Không con thì có ba nguyên do. Một là tổ tiên chẳng có đức, bản thân vô hạnh. Hai là tuổi tác, vận mạng của vợ chồng sợ phạm phải cấm kỵ. Ba là chẳng giữ Tinh và Thần, thê thiếp máu lạnh”. Ông Tiêu đáp: “Đối với đức hạnh và vận mạng thì đều có thể thọ trì, máu lạnh thì có cách nào trị?” Vị tăng bảo: “Chẳng khó, nhưng trước hết phải tích lũy công đức, sau là điều dưỡng thân thể. Ba năm sau, ông tới núi Ngũ Đài, ta sẽ truyền cho một phương thuốc lạ”. Từ đấy trở đi, ông Tiêu luôn luôn hành phương tiện, làm các việc âm đức, thi ân bố đức suốt ba năm. Sau đấy, đến Ngũ Đài, tìm vị lão tăng nhưng chẳng gặp, bỗng thấy một hành đồng (行童, sa-di), tay cầm một quyển sách, bảo: “Thầy tôi dặn tôi thưa lại với ông: Ông công thành hạnh mãn, hãy về nhà hòa thuốc [ghi trong quyển sách này], chí thành uống, ắt sẽ có con cháu phú quý thuận theo lòng mong mà giáng sanh”. Về sau, quả nhiên ông sanh được Tiêu viên ngoại.

Viên ngoại sanh đứa con lại chẳng ra gì, tự hận vì sao lại tổn đức như thế này, cũng tìm đến Ngũ Đài, thấy hành đồng bảo: “Thầy dặn tôi chuyển lời, cần gì phải tới hỏi nữa. Chỉ hành đúng như cha ông đã làm thì kẻ ngu sẽ thành hiền, kẻ nghèo sẽ tự giàu vậy!” Viên ngoại hỏi: “Kẻ nghèo được trở thành giàu là do mạng. Còn kẻ ngu là do tánh vốn như thế, há có thể đâm ra trở thành người hiền được ư?” Hành đồng nói: “Xưa kia, năm đứa con của ông Đậu lúc mới sanh ra, thân thể đều chẳng vẹn toàn. Về sau, do ông ta thi ân bố đức, chúng đều được an lành, lại còn đều đỗ đạt hết, rành rành chẳng sai vậy”. Viên ngoại cảm tạ, trở về, tin tưởng, hành theo lời ấy. Hai mươi năm sau, đã có nhiều con nối dòng, lại còn sang cả.

Người thời nay đều biết năm đứa con ông Đậu nối tiếp nhau hiển vinh, nào có biết lúc mới sanh ra, chúng đều bị bệnh tật, tàn phế. Do [ông Đậu] thoạt đầu tích lũy [công đức] mà [năm người con] đều được an toàn; về sau, do công đức mà có những sự gặp gỡ [tốt lành]. Sự cảm thông giữa trời và người dễ dàng như thế đó. Vì thế, đặc biệt ghi tường tận chuyện này để làm bằng chứng cho chuyện tích lũy công đức. Nguyện những người có chí, hãy vững lòng, đừng giải đãi!

Trong thiên sách Tích Thiện, ông Viên Liễu Phàm đời Minh đã viết:

- Kinh Dịch chép: “Nhà tích thiện, ắt mừng vui có thừa”. Xưa kia, họ Nhan gả con gái cho Thúc Lương Hột[80] là do xét thấy tổ tông ông ta tích đức sâu dầy, suy ra ắt biết con cháu ắt được hưng vượng. Khổng Tử ca ngợi lòng đại hiếu của vua Thuấn như sau: “Tông miếu hưởng chi, tử tôn bảo chi” (Tổ tông được thờ phụng, con cháu giữ gìn [phước báo])[81], đều là những lời luận định chí lý vậy.

Thử dùng chuyện cũ để chứng minh. Thiếu Sư[82] Dương Vinh, người xứ Kiến Ninh, [tổ tiên] nhiều đời sống bằng nghề chèo đò. [Có lần] mưa lâu ngày, nước khe ngòi dâng tràn, nước lũ cuồn cuộn thúc vỡ chỗ cư ngụ của dân chúng, những người chết đuối trôi theo giòng nước. Những thuyền khác lo vớt đồ vật, chỉ riêng ông cố và ông nội của Thiếu Sư lo cứu người, chẳng lấy một món đồ nào. Người làng chê cười là ngu đần. Đến khi sanh ra cha của Thiếu Sư, gia cảnh dần dần khá lên. Có vị thần hóa thành đạo nhân nói: “Tổ phụ của ngươi có âm đức, con cháu sẽ quý hiển. Hãy nên chôn ở cuộc đất nọ”. Bèn vâng theo lời dạy ấy mà chôn cất, tức là khu mộ Bạch Thố hiện thời. Về sau, sanh ra Thiếu Sư, hai mươi tuổi đỗ đạt, [quan chức] đạt tới địa vị Tam Công. Vua gia phong ông cố và ông nội chức quan giống như Dương Vinh vậy. Con cháu sang cả, hưng thịnh. Đến nay vẫn còn nhiều người hiền đức.

Người xứ Ngân là Dương Tự Trừng, thoạt đầu làm nha lại ở huyện, có lòng nhân hậu, vâng giữ pháp tắc công bằng. Huyện tể (quan huyện) thuở ấy nghiêm khắc, có lần đánh một tù nhân máu văng tung tóe trước [công đường], vẫn chưa nguôi cơn giận. Ông Dương bèn quỳ lạy, mềm mỏng khuyên giải. Quan huyện nói: “Hiềm rằng tên này vượt pháp, trái lý, chẳng khỏi khiến cho người khác không giận được”. Tự Trừng dập đầu thưa: “Bề trên chẳng vẹn đạo, lòng dân rời rã đã lâu. Nếu thấu hiểu tình cảnh này, hãy nên xót thương, chẳng thể cảm thấy vui nổi. Vui còn chẳng nổi, huống là giận dữ ư?” Quan huyện dịu nét mặt. Nhà ông Dương rất nghèo, trọn chẳng nhận quà biếu, của đút lót. Hễ thấy tù nhân thiếu ăn, thường dùng nhiều cách giúp đỡ. Một lần, có mấy người tù mới chuyển tới, không có cái ăn, nhà lại thiếu gạo, ông bèn cho tù ăn, để người nhà nhịn đói. Ông thấy tù nhân đáng thương, bèn bàn bạc với vợ. Vợ hỏi: “Tù nhân từ đâu đến?” Đáp: “Từ Hàng Châu đến, đi đường đã phải chịu đói, xanh xao đáng thương”. Do vậy bèn bớt phần gạo của chính mình để nấu cháo cho tù nhân ăn. Về sau, ông sanh hai con trai, con trưởng là Thủ Trần, con thứ là Thủ Chỉ làm Nam Bắc Lại Bộ Thị Lang. Cháu đích tôn làm Hình Bộ Thị Lang, cháu nội kế làm Liêm Hiến ở Tứ Xuyên, họ đều là những vị quan nổi tiếng. Ông Sở Đình Dương Đức Chánh hiện thời cũng là hậu duệ của họ.

Xưa kia, trong niên hiệu Chánh Thống, Đặng Mậu Thất khởi xướng làm loạn tại Phước Kiến. Dân chúng theo gã giặc ấy rất đông, triều đình sai Đô Hiến huyện Ngân là Trương Giai cầm quân nam chinh. Ông Trương dùng kế bắt giặc, sau đó giao cho Bố Chánh Ty Tạ Đô Sự bắt giết lũ giặc ở Đông lộ. Ông Tạ tìm kiếm sổ sách của bọn giặc ghi chép những người theo giặc. Đối với những người không theo giặc [mà bị ép buộc phải gia nhập, ông Tạ] ngầm bảo họ dùng vải trắng làm chiếc cờ nhỏ, ước định vào ngày quân binh kéo tới, sẽ cắm [lá cờ ấy] ở cổng, răn quân sĩ chẳng được giết chóc bừa bãi. [Do vậy], giữ tròn tánh mạng của một vạn người. Về sau, con của ông Tạ đỗ Trạng Nguyên, làm Tể Tướng. Cháu là Phi, lại đỗ Thám Hoa.

Tổ tiên của họ Lâm ở Phủ Điền có một bà cụ già thích làm lành, thường làm bánh bao chỉ[83] thí cho người khác. Hễ xin, cụ cho ngay, chẳng lộ vẻ mỏi mệt. Một vị tiên hóa thành đạo sĩ, mỗi sáng đến xin sáu bảy viên bánh. Bà cụ hằng ngày đều cho. Suốt ba năm đều như một ngày. [Vị tiên ấy] biết lòng thành của cụ, do vậy, bảo: “Ta ăn bánh bao chỉ của bà suốt ba năm, dùng gì để báo đáp bà? Sau nhà bà có một khu đất, [sau khi bà mất] hãy chôn vào đó, con cháu sẽ có quan tước nhiều như một thưng mè vậy”. Con bà vâng theo lời chỉ dạy mà chôn cất. Đời thứ nhất có chín người đỗ đạt, trải các đời trâm anh[84] rất đông. Đất Phước Kiến có lời đồn “nếu không có họ Lâm [thi đỗ], sẽ không yết bảng!”

Cha của Thái Sử[85] Phùng Trác Am là tường sanh của huyện. Một ngày mùa Đông rét căm căm, ông dậy sớm đi học. Trên đường, gặp một người bị ngã nằm trong đống tuyết. Ông sờ thấy đã đông cứng một nửa rồi, bèn cởi áo bông của chính mình để bọc lấy, lại còn ôm về nhà, cứu cho tỉnh lại. Ông mộng thấy thần bảo: “Ngươi cứu một mạng người, tỏ lộ lòng chí thành, ta sai Hàn Kỳ làm con ngươi”. Đến khi sanh ra Trác Am, bèn đặt tên là Kỳ[86].

Ứng Thượng Thư ở Thai Châu, thuở tráng niên học hành trong núi. Ban đêm, có quỷ tụ lại kêu gào, thường khiến cho mọi người kinh hãi. Ông chẳng sợ hãi. Một đêm, nghe quỷ nói: “Người đàn bà nọ do chồng bỏ sang đất khách đã lâu ngày không về, bố mẹ chồng ép gả cho người khác. Đêm mai, [cô ta] sẽ thắt cổ chết ở chỗ này, ta có người thế mạng rồi”. Ông ngầm bán ruộng, được bốn lượng bạc, liền giả vờ dùng tên chồng cô ta viết thư gởi bạc về nhà. Cha mẹ anh ta xem thư, thấy nét chữ không giống bèn nghi ngờ. Hồi lâu nói: “Thư có thể giả, bạc chẳng thể giả”, nghĩ con không có chuyện gì. [Do vậy], đứa con dâu chẳng bị gả đi. Về sau, người con trở về, vợ chồng chung sống êm ấm như thuở đầu. Ông lại nghe quỷ nói: “Ta sắp được người khác thay thế, hiềm rằng gã Tú Tài này làm hư chuyện của ta”. Một con quỷ ở bên cạnh nói: “Sao mày không giáng họa cho nó?” Đáp: “Do Thượng Đế thấy người này có lòng tốt, hạ lệnh: ‘Anh ta vì có âm đức, sẽ làm Thượng Thư’, tao làm sao dám gây họa?” Ông Ứng càng thêm nỗ lực, gắng sức, ngày càng thêm điều lành nhiều hơn, đức ngày càng thêm dầy. Gặp năm đói kém, bèn quyên tặng gạo để cứu giúp. Gặp thân thích có chuyện cấp bách, bèn tìm đủ mọi cách giúp đỡ. Hễ gặp chuyện ngang trái, bèn tự vấn, tự trách, vui vẻ thuận theo. Con cháu đỗ đạt, tới nay vẫn đông đảo!

Ở Thường Thục, Từ Thức tên tự là Phượng Trúc, cha khá giàu có. Gặp năm đói kém, [cha của Từ Thức] là người trước hết đã đề xướng giảm tiền thu tô trong huyện, lại còn chia gạo để cứu giúp kẻ nghèo túng, thiếu hụt. Ban đêm, nghe quỷ hô to ngoài cửa: “Ngàn phần chẳng dối, muôn phần chẳng bịa, chàng Tú Tài nhà họ Từ sẽ đỗ Cử Nhân”, hô liên tục suốt đêm chẳng ngừng. Năm ấy, quả nhiên Phượng Trúc đỗ Cử Nhân trong khoa thi Hương. Do vậy, cha ông ta càng thêm tích đức, cần mẫn chẳng biếng nhác, tạo cầu, sửa đường, trai tăng, tiếp dẫn người khác. Hễ là chuyện có lợi ích, không gì chẳng tận tâm. Về sau, lại nghe quỷ hô to ngoài cửa: “Ngàn phần chẳng dối, muôn phần chẳng bịa, chàng Cử Nhân nhà họ Từ sẽ làm đến chức Đô Đường”[87]. Rốt cuộc, Phượng Trúc làm quan tới chức Lưỡng Chiết Tuần Phủ.

Đồ Khang Hy Công[88] ở Gia Hưng, thoạt đầu làm Chủ Sự ở bộ Hình, ngủ đêm trong ngục để thăm dò cặn kẽ tình huống của tù nhân, tìm ra bao nhiêu người vô tội. Ông chẳng tự cho đó là công lao, ngầm ghi chép chuyện ấy để bẩm lên đường quan[89]. Sau đó, khi triều thẩm[90], đường quan thường trích dẫn lời ông Đồ để bênh vực các tù nhân, không ai chẳng phục. Ông đã gỡ oan cho mười mấy người. Nhất thời, tại kinh thành, [dân chúng] đều ca tụng Thượng Thư [bộ Hình] sáng suốt. Ông lại bẩm báo: “Tại kinh thành mà hãy còn nhiều dân oan, trong bốn biển rộng khắp, dân đông cả triệu, há chẳng có người oan uổng ư? Hãy nên cứ năm năm sai một vị giảm hình quan (vị quan đặc trách tái thẩm các bản án) xem xét kỹ càng sự thật để sửa sai”. Thượng Thư tâu lên, triều đình chấp thuận kiến nghị ấy. Lúc đó, ông cũng được cử làm một trong những vị giảm hình quan. Ông mộng thấy một vị thần bảo: “Mạng ông không có con, nay do đề nghị giảm thiểu hình phạt, rất hợp lòng trời, Thượng Đế ban cho ông ba đứa con, đều là áo tía, eo vàng”[91]. Đêm hôm ấy, vợ ông có mang, về sau sanh ra Ứng Huân, Ứng Khôn, và Ứng Tuấn, đều làm quan to.

Bao Bằng ở Gia Hưng, tên tự là Tín Chi. Cha làm Thái Thú xứ Trì Dương, sanh ra bảy con trai. Ông Bằng là con út, ở rể nhà họ Viên tại Bình Hồ, giao du rất thân với cha tôi. Ông Bằng học rộng, tài cao, thi nhiều lần chẳng đậu, lưu tâm học tập Phật giáo lẫn Đạo giáo. Một hôm, sang phía Đông, đến chơi Mão Hồ, ngẫu nhiên đến một ngôi chùa trong thôn, thấy tượng Quán Âm bị dầm mưa dãi nắng. Ông liền dốc túi, tìm được mười lạng trao cho vị Tăng trụ trì, bảo sửa chữa điện thờ. Vị Tăng nói công trình xây dựng to tát mà tiền thì ít, chẳng thể hoàn thành được. Ông lại lấy bốn xấp vải Tùng Giang, kiểm trong tráp thấy có bảy tấm áo đều trao cho. [Những tấm áo ấy] đều là áo kép bên trong lót vải lanh, toàn là mới sắm. Người đầy tớ can ngăn, ông Bằng nói: “Chỉ cần thánh tượng không bị sao, dẫu ta lõa lồ có sao đâu?” Vị Tăng rơi nước mắt, nói: “Xả tiền, y phục và vải, vẫn chưa phải là chuyện khó, chỉ với tấm lòng này, há dễ có ư?” Về sau, công trình hoàn thành, ông kéo cha tôi đến đó chơi. Đêm ngủ lại chùa, ông mộng thấy thần Già Lam đến cảm tạ: “Con ông sẽ hưởng lộc trong đời”. Về sau, con ông là Biện, cháu là Sanh Phương đều đỗ đạt, làm quan to.

Cha ông Chi Lập ở Gia Thiện làm nha lại tại hình phòng[92]. Có người tù vô tội bị phán tử hình, ông thương xót muốn cứu sống người ấy. Người tù bảo vợ: “Ý tốt lành của ông Chi, thẹn không có gì để đền đáp. Ngày mai, nàng hãy mời ông ta xuống làng, dùng thân báo đáp. Nếu ông ta chịu dốc sức, ta cũng có thể sống sót”. Người vợ khóc, nghe theo lời dặn. Ông Chi đến, người vợ tự ra mời rượu, thưa rõ ý chồng. Ông Chi không nghe, rốt cuộc tận lực xóa án. Người tù ra khỏi ngục, vợ chồng đến thăm ông, lạy tạ thưa: “Ngài có đức dầy như thế, rất hiếm có trong đời mạt này. Nay Ngài không có con trai, tôi có một đứa con gái nhỏ, tặng cho Ngài làm thiếp để lo việc quét dọn”. Chuyện này xét theo lễ có thể chấp nhận được, ông Chi bèn sắm sửa đủ lễ cưới thiếp, sanh ra Chi Lập. Hai mươi tuổi, Chi Lập đỗ Trạng Nguyên, làm quan tới chức Hàn Lâm Khổng Mục[93]. Chi Lập sanh ra Chi Cao, Chi Cao sanh ra Chi Lộc, đều là bậc học rộng. Chi Lộc sanh ra Đại Luân cũng đỗ đạt.
          
Trong mười điều trên, [những người ấy] tuy làm những việc khác nhau, nhưng đều quy vào điều thiện mà thôi! Nếu nói cặn kẽ hơn, ắt thiện có chân và giả, có đoan chánh, có cong quẹo, có âm và dương (ngấm ngầm và công khai), có đúng và sai, có thiên lệch hay chánh đáng, có chưa trọn vẹn và trọn vẹn, có lớn và nhỏ, có khó và dễ, đều đáng nên biện định sâu xa. Làm lành mà chẳng cùng tận lý, tuy tự nói là hành trì, nào có biết là tạo nghiệp, sẽ phí công khổ tâm mà vô ích!
         
Chân và giả là gì? Xưa kia có mấy nho sĩ yết kiến hòa thượng Trung Phong (tức quốc sư Phổ Ứng núi Thiên Mục đời Nguyên), thưa hỏi: “Nhà Phật luận định báo ứng thiện ác như bóng theo hình. Nay có người nọ là thiện nhân, nhưng con cháu chẳng khá, kẻ nọ là người ác, thế mà gia môn hưng thịnh. [Dường như là] thuyết của nhà Phật không có căn cứ vậy”. Ngài Trung Phong dạy: “Phàm tình chưa gột sạch, chánh nhãn chưa mở, ngỡ thiện là ác, đó là chuyện thường có, chẳng hối tiếc chính mình thị phi điên đảo, cứ ngược ngạo oán trời báo ứng phân biệt ư?” Mọi người thưa: “Vì sao thiện hay ác sẽ dẫn đến báo ứng khác biệt?” Ngài Trung Phong bảo họ nêu ra những trường hợp để thử phán đoán. Một người nói “chửi người, rủa người là ác; kính trọng, lễ độ đối với người khác là thiện”. Ngài Trung Phong nói: “Chưa chắc đã là như vậy!” Một người khác nói: “Tham tài lấy xằng là ác, liêm khiết tuân thủ quy củ là thiện”. Ngài Trung Phong nói: “Chưa chắc đã là như vậy!” Ai nấy đều nêu ra sự phán đoán, ngài Trung Phong đều bảo là “chưa phải là như vậy”. Mọi người thưa hỏi, ngài Trung Phong bảo:
          - Có ích cho người khác là thiện, có ích cho chính mình là ác. Hễ có ích cho người ta thì đánh người, rủa người, cũng đều là thiện. Có ích cho chính mình thì kính trọng, lễ độ với người khác cũng đều là ác. Vì thế, người làm lành, hễ có lợi cho người khác thì là công, công thì là thật. Lợi lộc cho riêng mình thì là tư, tư thì là giả. Lại nữa, [chuyện làm lành] có căn cội từ cái tâm thì là chân, [nếu chỉ là] biểu hiện bề ngoài thì là giả. Lại nữa, vô vi mà làm thì là chân, hữu vi mà làm thì là giả. Hãy đều nên tự suy xét!
         
Đoan chánh và cong quẹo là gì? Người hiện thời thấy kẻ thật thà, ba phải, bèn cho là thiện để chọn lấy; thánh nhân thà chọn những kẻ có chí nguyện mạnh mẽ, phẩm chất thanh liêm, đều coi họ là thiện để chọn lấy. Còn như kẻ thật thà, ba phải, tuy cả làng đều nói người ấy là tốt, nhưng [trong cái nhìn của thánh nhân], ắt là kẻ giặc đối với đạo đức[94]. Đấy là điều thiện lẽ ác của người đời rõ ràng là tương phản với thánh nhân. Từ chuyện này mà suy ra, các thứ lấy hay bỏ [của người đời], chẳng có gì không sai lầm! Trời, đất, quỷ thần ban phước cho người lành, giáng họa cho kẻ dâm dật, đều do xét đoán lẽ đúng sai giống như [quan niệm của] thánh nhân vậy, chẳng giống như sự lấy bỏ của thế tục. Hễ muốn tích chứa điều lành, quyết chẳng thể thuận theo tai mắt (chẳng thể thuận theo sự thấy biết bình phàm), chỉ nên thuận theo chỗ ẩn kín, vi tế trong nguồn tâm (tức là xét theo khởi tâm động niệm), lặng lẽ gột rửa, sao cho [khởi tâm động niệm] thuần là cái tâm giúp đời, đó là đoan chánh. Nếu tâm có mảy may dối đời, tức là cong quẹo. Thuần là cái tâm yêu thương con người thì là đoan chánh. Hễ tâm có mảy hận đời sẽ là cong quẹo. Thuần là cái tâm kính trọng người khác thì sẽ là đoan chánh, hễ cái tâm có mảy may ngạo đời, sẽ là cong quẹo. Hãy đều nên biện định tỉ mỉ.

Âm dương là gì? Phàm làm lành mà người khác biết thì là “dương thiện” (điều lành công khai). Làm lành mà chẳng ai biết, tức là âm đức. Âm đức sẽ được trời báo đáp, dương thiện sẽ được nổi danh trong cõi đời. Danh tiếng cũng là phước. Danh là điều tạo vật chẳng ưa. Được nổi tiếng trong cõi đời mà thực chất chẳng tương ứng, sẽ bị nhiều tai họa lạ lùng! Con người chẳng thể nào không có lầm lỗi. Kẻ bị gán cho tiếng ác mà con cháu thường đột nhiên hưng thịnh là [cái quả của điều thiện] xét theo lẽ âm dương vậy, nhỏ nhiệm thay!
          
Đúng sai là gì? Pháp luật nước Lỗ quy định người nước Lỗ nếu có thể chuộc kẻ làm nô tỳ từ các chư hầu, sẽ được chánh quyền trả tiền[95]. Tử Cống chuộc người, nhưng chẳng nhận tiền. Khổng Tử nghe chuyện, chê trách: “Tứ[96] đã sai mất rồi”. Thánh nhân hành xử có thể thay đổi phong tục, nhưng lời dạy bảo của các Ngài có thể áp dụng cho dân chúng, chẳng phải chỉ riêng thích hợp cho một mình ta làm. Nay nước Lỗ người giàu thì ít, kẻ nghèo thì đông. [Nếu chê] người nhận tiền thưởng là chẳng liêm khiết, sẽ dựa vào đâu để có thể chuộc người? Từ nay trở đi, chẳng còn có ai chuộc người từ các chư hầu nữa! Tử Lộ cứu người chết đuối, người ấy tạ ơn bằng một con trâu, Tử Lộ nhận lấy. Khổng Tử vui mừng bảo: “Từ nay nước Lỗ sẽ có nhiều kẻ cứu người chết đuối”. Trong cái nhìn của thế tục, Tử Cống chẳng nhận tiền là cao thượng, Tử Lộ nhận trâu là kém cỏi. Khổng Tử tán đồng cách làm của ông Do[97] mà chê trách ông Tứ.
 
Do vậy biết: Người ta làm lành, chớ luận theo hiện hành, mà phải luận định xem việc ấy có gây nên thói tệ hay không? Đừng luận định theo một thời, phải luận định lâu xa. Đừng luận theo một thân, mà phải luận theo thiên hạ. Hiện hành tuy là lành, nhưng gây nên những hệ lụy đủ để hại người thì chuyện ấy giống như thiện mà thật sự chẳng phải là thiện. Hiện hành tuy bất thiện, nhưng hậu quả hữu ích cho mọi người thì sẽ là chẳng phải thiện mà thật sự là thiện. Tôi chỉ luận định một điều này mà thôi, đối với điều nghĩa mà chẳng phải là nghĩa, lễ mà chẳng phải là lễ, tín mà chẳng phải là tín, lòng từ mà chẳng phải là từ, hãy đều nên quyết định rõ ràng để quyết định chọn lựa.
          
Thiên lệch và chánh trực là gì? Xưa kia, Lữ Văn Ý Công[98], lúc mới xin nghỉ làm Tể Tướng, trở về quê nhà, cả nước ngưỡng mộ như Thái Sơn, Bắc Đẩu. Có một gã người làng say rượu chửi bới ông, ông Lữ bất động, bảo đầy tớ: “Chớ nên so đo với kẻ say!” Đóng cửa tạ tuyệt. Hơn một năm, kẻ ấy phạm tội tử hình bị giam. Ông Lữ mới hối hận nói: “Nếu khi ấy, ta so đo đôi chút, giao hắn cho quan lại trách phạt, sẽ có thể là do bị phạt nhẹ mà hắn sẽ hết sức kiêng dè. Khi ấy, ta chỉ muốn giữ lòng trung hậu, không ngờ dưỡng thành chuyện ác đến nông nỗi như thế này!” Đấy là dùng thiện tâm mà làm chuyện ác vậy.
          
Lại có khi do ác tâm mà làm thiện sự. Như ông X… giàu to, gặp năm đói kém, dân nghèo cướp gạo ở chợ giữa ban ngày. Thưa lên huyện, huyện mặc kệ, dân nghèo càng làm càn. Ông ta bèn tự bắt giữ, làm khó họ, mọi người mới yên. Nếu không, sẽ gần như là loạn lạc. Vì thế, thiện thì là chánh đáng, ác thì là thiên lệch, mọi người đều biết. Kẻ do thiện tâm mà làm chuyện ác thì là thiên lệch trong chánh đáng. Kẻ do ác tâm mà làm thiện sự thì là chánh đáng trong thiên lệch vậy. Chớ nên không biết!
          
Chẳng trọn vẹn và trọn vẹn là gì? Kinh Dịch nói: “Thiện bất tích, bất túc dĩ thành danh. Ác bất tích, bất túc dĩ diệt thân” (Thiện chẳng chất chứa, chẳng đủ để thành danh. Ác chẳng chất chứa, chẳng đủ để diệt thân). Kinh Thư nói: “Thương tội quán doanh, như trữ vật ư khí, cần nhi tích chi tắc mãn. Giải nhi bất tích tắc bất mãn” (Tội của nhà Thương (vua Trụ) đầy ắp, giống như chứa vật trong đồ đựng, siêng năng tích lũy sẽ đầy. Lười nhác chẳng tích lũy, sẽ không đầy). Đấy là một thuyết vậy.
         
Xưa có cô gái nọ vào chùa, muốn cúng thí mà chẳng có tiền, chỉ có hai đồng, bèn quyên cúng. Vị sư Trụ Trì đích thân vì cô ta sám hối. Về sau, cô ta vào cung, trở thành phú quý, đem mấy ngàn lạng cúng vào chùa. Vị tăng Trụ Trì chỉ sai đồ đệ hồi hướng cho cô ta; do vậy, [cô ta] bèn hỏi: “Xưa kia, tôi cúng hai đồng tiền, thầy vì tôi đích thân sám hối. Nay thí đến mấy ngàn lạng, sao thầy chẳng hồi hướng là vì lẽ nào?” Sư đáp: “Lần trước, vật tuy đơn bạc, nhưng cái tâm bố thí rất chân thành, nếu lão tăng chẳng đích thân sám hối, sẽ chẳng đủ báo đức. Nay vật tuy hậu hĩnh, cái tâm bố thí chẳng thiết tha bằng khi trước, kẻ khác thay tôi sám hối là đủ rồi”. Ngàn lạng là chẳng trọn vẹn, mà hai đồng là viên mãn vậy.
          
Chung Ly truyền dạy cách luyện đan cho Lữ Tổ (Chung Ly Quyền và Lữ Động Tân đều là người đời Đường), điểm sắt thành vàng, có thể cứu đời. Họ Lữ hỏi: “Có thể biến [thành vàng] vĩnh viễn ư?” Đáp: “Sau năm trăm năm, vàng sẽ trở lại bản chất”. Ông Lữ nói: “Như thế thì sẽ làm hại người năm trăm năm sau, con chẳng muốn làm”. Ông Chung đáp: “Tu tiên phải tích lũy ba ngàn công hạnh. Do một lời này của ngươi, ba ngàn công hạnh đã mãn!” Đấy là một chuyện nữa. Ví như dùng tài vật để giúp người khác, trong chẳng thấy mình, ngoài chẳng thấy người, trung gian chẳng thấy vật được thí, đó gọi là “tam luân thể không”, là “nhất tâm thanh tịnh”. [Như thế thì] một đấu gạo đủ để gieo phước không bờ bến, một đồng có thể tiêu tội ngàn kiếp. Nếu cái tâm [chấp trước bố thí] ấy chẳng quên, dẫu vàng ròng vạn dật[99], phước chẳng viên mãn! Đấy là một điều nữa.
          
Lớn nhỏ là gì? Đời Tống, Vệ Trọng Đạt giữ quán chức[100], bị bắt tới âm ty. Vị chủ quản (Diêm Vương) sai nha lại trình lên hai loại sổ ghi thiện và ác. Khi đem tới, sổ ghi điều ác chật sân, sổ ghi điều thiện [chỉ nhỏ bé] như chiếc đũa. Sai đem cân, hóa ra những sổ chứa đầy sân lại nhẹ hơn, mà quyển sổ như chiếc đũa đâm ra nặng hơn. Trọng Đạt hỏi: “Tôi chưa đến bốn mươi, lẽ nào lỗi ác nhiều ngần ấy?” Đáp: “Một niệm bất chánh chính là ác, chẳng đợi phạm lỗi!” Do vậy, [Vệ Trọng Đạt] bèn hỏi trong quyển trục ấy chép chuyện gì. Đáp: “Triều đình từng đề ra một công trình xây dựng lớn là sửa chữa ba chiếc cầu đá trong núi. Ông đã dâng sớ can gián, chuyện này đã được ghi lại”. Trọng Đạt thưa: “Tôi tuy nói, triều đình chẳng nghe theo, chẳng có lợi ích gì cho chuyện ấy, làm sao có thể tạo ra sức mạnh như vậy?” Đáp: “Tuy triều đình chẳng nghe theo, nhưng ông trong một niệm đã nghĩ tới muôn dân. Giả sử họ nghe theo, thiện lực càng lớn hơn nữa”. Vì thế, có chí vì thiên hạ, vì nước nhà, ắt điều thiện tuy ít mà to tát. Nếu chỉ vì một thân, dẫu nhiều vẫn là ít.
          
Khó dễ là gì? Bậc tiên nho bảo: “Khắc kỷ, tu tùng nan khắc xứ khắc tương khứ” (Khắc chế những điều sai trái của chính mình, phải thực hiện từ chỗ khó khắc chế). Phu Tử luận định chuyện thực hiện lòng nhân, cũng bảo phải làm chuyện khó trước. Ắt như ông Thư ở Giang Tây, bỏ ra toàn bộ món tiền lương ít ỏi do ông dạy học suốt hai năm để đền tiền công khố thất thoát giùm người khác, khiến cho vợ chồng họ được toàn vẹn. Cũng như ông Trương ở Hàm Đan bỏ ra món tiền đã nhọc nhằn chắt chiu suốt mười năm để làm tiền chuộc thân cho người khác hòng cứu sống vợ người ta. Đấy đều gọi là “có thể bỏ ở chỗ khó bỏ”. Như ông Cận ở Trấn Giang, tuy tuổi già, không con, chẳng nỡ lòng lấy cô gái trẻ làm thiếp, giao trả lại cho hàng xóm[101]. Đấy là đối với chỗ khó nhẫn mà có thể chịu đựng. Vì thế, trời giáng phước đặc biệt dầy. Phàm là kẻ có tiền tài, có thế lực, lập đức đều dễ. Dễ mà chẳng làm, tức là đã tự ruồng rẫy chính mình! Nghèo hèn thì làm phước luôn khó khăn, khó mà có thể làm, đấy là điều đáng quý! Tùy duyên giúp đỡ người khác, thể loại hết sức nhiều. Nói đại cương, đại lược thì có mười loại:
          
Thứ nhất là vì người khác mà làm lành. Thứ hai là giữ lòng kính yêu. Thứ ba là giúp cho người khác thành tựu. Thứ tư là khuyên kẻ khác làm lành. Thứ năm là giúp người khác trong cơn nguy cấp. Thứ sáu là hưng kiến đại lợi. Thứ bảy là bỏ tiền của làm phước. Thứ tám là hộ trì chánh pháp. Thứ chín là kính trọng tôn trưởng. Thứ mười là yêu tiếc sanh mạng của chúng sanh.
          
1) Thế nào là “vì người khác làm lành”? Xưa kia, vua Thuấn ở Hà Tân, thấy người đánh cá giành nhau chỗ đầm sâu, hồ sâu, còn người già yếu thì đánh cá ở chỗ nước chảy xiết, bãi cạn. Vua xót thương, bèn đi đánh cá. Thấy kẻ nào tranh giành bèn nín lặng chẳng nói. Thấy người nhường nhịn bèn ca ngợi, bắt chước theo. Sau một năm, [mọi người] đều nhường chỗ hồ đầm sâu. Ôi! Vua Thuấn là bậc minh triết, há chẳng thể thốt ra một lời giáo huấn mọi người ư? Nhưng vua chẳng dùng ngôn giáo, mà dùng bản thân để chuyển biến họ. Đấy là dụng tâm khổ sở để làm chuyện tốt lành vậy! Bọn chúng ta sống trong đời Mạt, chớ dùng sở trường của mình để lấn lướt người khác, chớ vì mình có điều thiện mà phô trương bản thân, chớ vì mình lắm tài mà làm khó dễ người khác. Hãy thâu liễm tài trí dường như chẳng có, dường như rỗng tuếch. Thấy lỗi lầm của người khác, hãy bao dung, che giấu. Một là khiến cho người ấy có thể sửa đổi, đằng khác là khiến cho kẻ ấy do có điều cố kỵ, sẽ chẳng dám cẩu thả. Thấy người khác có chút ưu điểm đáng tuân thủ, hoặc có điều thiện nhỏ đáng ghi chép, bèn lập tức xả mình để làm theo, lại còn nồng nhiệt ca ngợi, kể nói rộng rãi. Phàm là trong thường nhật, thốt một lời, làm một chuyện, hoàn toàn chẳng vì chính mình mà dấy niệm, toàn là vì nêu gương cho chúng sanh. Đấy chính là độ lượng của bậc đại nhân chuyên vì thiên hạ.
         
 2) Thế nào là “giữ lòng yêu kính”? Đối với bậc quân tử và kẻ tiểu nhân, nếu nhìn từ hành vi, sẽ thường dễ bị lẫn lộn, chỉ có một điểm duy nhất để phân định là cái tâm, ắt thiện và ác sẽ khác biệt vời vợi, rành rành như trắng tương phản với đen! Vì thế nói: “Quân tử sở dĩ khác với phàm nhân là do tấm lòng mà thôi!” Quân tử chỉ giữ tấm lòng yêu kính người khác. Ấy là vì con người có thân, sơ, sang, hèn, có trí, ngu, hiền, bất tiếu (不肖, không ra gì), muôn phẩm khác nhau, nhưng đều là đồng bào của ta, đều có cùng một Thể với ta, có ai mà chẳng đáng nên kính yêu? Yêu kính mọi người, tức là yêu kính thánh hiền. Có thể cảm thông chí hướng của mọi người, tức là có thể cảm thông chí hướng của thánh hiền. Vì sao? Chí thánh hiền vốn mong cho cõi đời này và người đời này ai nấy đều được sống yên vui. Ta hãy nên yêu, hãy nên kính, khiến cho mọi người trong một đời được bình an, đấy chính là giống như thánh hiền đã khiến cho họ sống an vui vậy.
         
 3) Thế nào là “giúp cho người khác thành tựu”? Ngọc ẩn trong đá, hễ quăng ném bèn là ngói, sỏi; nếu được tạc, mài sẽ thành ngọc khuê, ngọc chương! Vì thế, hễ thấy người khác làm một việc lành, hoặc người khác có chí hướng đáng tán đồng, hãy nên giúp họ tăng tấn, đều nên khuyên nhủ, giúp sức cho thành tựu, hoặc là cổ vũ, giúp đỡ, hoặc ủng hộ họ, hoặc hóa giải những lời lẽ vu cáo họ, hoặc làm tan những lời phỉ báng, cốt sao họ được thành tựu mới thôi! Nói chung, ai nấy đều ghét những kẻ chẳng giống mình. Kẻ trong làng người lành thì ít, kẻ bất thiện đông đảo. Thiện nhân sống trong cõi tục, cũng khó tự lập. Hơn nữa, bậc hào kiệt kiên cường đều chẳng thể hiện nơi hình tích cho mấy, [do vậy], phần nhiều bị chỉ trích. Vì lẽ đó, thiện sự thường dễ bị thất bại, thiện nhân thường bị hủy báng. Chỉ có bậc trưởng giả là người có lòng nhân, sẽ thẳng thắn khuông phò, giúp đỡ. Công đức ấy rộng nhất.
          
4) Thế nào là “khuyên người khác làm lành”? Đã sanh làm người, có ai không có lương tâm? Đường đời gập ghềnh, dễ bị chìm đắm nhất. Hễ cư xử với người khác, hãy nên phương tiện nhắc nhở, phá trừ sự mê hoặc của họ. Ví như đêm dài mộng sâu, hãy đánh thức họ. Ví như bị hãm trong phiền não đã lâu, bèn dẹp tan cho họ được thanh lương, đó là ban ân huệ to lớn nhất. Hàn Dũ nói: “Khuyên người khác trong một thời thì dùng miệng, khuyên người trăm đời thì dùng sách”. So với chuyện vì người khác mà làm lành, tuy có hình tích, nhưng là đối ứng với căn bệnh mà cho thuốc, luôn có hiệu quả lạ lùng, chớ nên phế bỏ. [Nếu khuyên bảo người khác làm lành] mà khiến người ta bực bội, hoặc nói lỡ lời, hãy nên xét lại trí huệ của mình.
          
5) Thế nào là “cứu người trong cơn nguy cấp”? Ai cũng gặp phải lúc hoạn nạn, thắt ngặt. Hễ có lúc gặp phải [người lâm vào cảnh ngộ ấy], hãy nên như thân chính mình bị ung nhọt mà nhanh chóng giải cứu. Hoặc do một lời để phơi bày nỗi oan khuất, niềm uất ức của người ấy, hoặc dùng nhiều cách để cứu vớt họ khỏi cảnh khốn đốn, bất an. Thôi Tử nói: “Huệ bất tại đại, phó nhân chi cấp khả dã” (Ân huệ chẳng cần phải to lớn, giúp người trong cơn nguy cấp là được rồi), đấy là lời lẽ của người có lòng nhân vậy thay!
         
 6) Thế nào là “hưng kiến đại lợi”? Nhỏ thì trong vòng một làng; lớn thì là trong một huyện. Hễ có lợi ích, đáng nên khởi sự thực hiện nhất. Phàm có lợi ích, hoặc là khơi ngòi dẫn nước, hoặc đắp đê ngăn ngừa họa hoạn, hoặc sửa cầu đường cho người đi đường xa thuận tiện, hoặc thí trà, thí cơm để giúp đỡ kẻ đói khát. Tùy duyên khuyên nhủ, hướng dẫn, góp sức thực hiện, chớ nề hà hiềm nghi, chớ ngại nhọc nhằn, oán thán.
         
 7) Thế nào là “bỏ tiền tài để làm phước”? Muôn hạnh trong cửa Thích lấy bố thí làm đầu. Nói “bố thí” chỉ là một chữ Xả mà thôi. Bậc thông đạt trong là bỏ lục căn, ngoài bỏ sáu trần. Hết thảy sở hữu, không gì chẳng xả! Nếu chưa thể như vậy, trước hết, hãy bố thí nơi tài vật. Người đời coi áo cơm là tánh mạng; vì thế, tài được coi trọng nhất. Do đó, bọn ta xả tài, trong là phá lòng keo kiết của ta, ngoài là để giúp người khác trong cơn túng ngặt. Thoạt đầu thì miễn cưỡng, rốt cuộc sẽ là vui vẻ. Cách này có thể gột sạch tình chấp riêng tư, loại trừ sự chấp trước, keo tham dễ nhất.
          
8) Thế nào là “hộ trì chánh pháp”? Pháp chính là con mắt của sanh linh trong muôn đời. Chẳng có chánh pháp, sẽ dùng cái gì để tham dự, giúp đỡ quyền sanh thành dưỡng dục của trời đất? Dùng gì để vun bồi, thành tựu muôn vật? Dùng gì để thoát khỏi trần lao, lìa trói buộc? Dùng gì để nhập thế, xuất thế? Vì thế, hễ thấy miếu mạo của thánh hiền, kinh thư, sách vở, đều nên kính trọng tu bổ. Còn như tuyên dương chánh pháp, trên là báo ân Phật, càng phải nên gắng sức.
          
9) Thế nào là “kính trọng bậc tôn trưởng”? Cha anh trong gia đình, quân vương, trưởng quan trong quốc gia. Đối với những người tuổi cao, đức cả, địa vị cao, chức quyền cao, đều nên đặc biệt chú ý hầu hạ. Ở nhà thì phụng dưỡng cha mẹ, cốt sao đối xử với cha mẹ bằng lòng yêu thương sâu xa, vẻ mặt mềm mỏng, ăn nói ôn hòa, nhẹ nhàng, tập quen thành tánh. Đó là cội rễ của sự hòa khí cảm thông cõi trời. Ra ngoài bèn thờ vua, hễ làm chuyện gì, đừng bảo là “vua không biết” để rồi mặc sức làm càn. Xử phạt một kẻ nào đó, đừng bảo “vua chẳng thấy” để rồi ra oai! Thờ vua như thờ trời, đó chính là lời luận định chí lý của cổ nhân. Những chỗ này liên quan đến âm đức nhiều nhất. Hãy thử xem nhà trung hiếu, chẳng có ai không có con cháu hưng thịnh liên tục lâu dài, hãy nên hết sức thận trọng!
         
 10) Thế nào là “yêu tiếc sanh mạng của chúng sanh”? Con người sở dĩ là người, chỉ là vì có lòng trắc ẩn đó thôi. Người mong cầu lòng nhân bèn mong cầu ở chỗ này. Người tích đức bèn tích đức ở chỗ này! Theo Châu Lễ, “Mạnh Xuân chi nguyệt, hy sanh bất dụng tẫn” (Tháng đầu Xuân giết sanh vật [để tế lễ], chẳng dùng những con vật cái). Mạnh Tử bảo: “Quân tử viễn bào trù” (Bậc quân tử xa lánh bếp núc). Nguyên do toàn là vì lòng trắc ẩn của ta. Vì thế, người đời trước có lời răn “chẳng ăn bốn thứ”, tức là nghe giết [con vật ấy] bèn không ăn [thịt của nó], thấy nó bị giết bèn không ăn, tự mình nuôi sẽ không ăn, chuyên vì ta mà giết bèn không ăn. Người học chưa thể thôi ăn thịt, hãy nên kiêng tránh từ những điều này, tăng tấn dần dần. Từ tâm càng tăng trưởng, sẽ không chỉ kiêng sát sanh. Các loài hàm linh ngọ ngoạy đều là những sanh vật có mạng sống. Do muốn có tơ mà luộc kén, cuốc đất giết trùng. Nghĩ đến nguồn cội của áo cơm đều là do giết chúng sanh để mong chính mình được sống! Vì thế, tội nghiệt phung phí phá hoại [tài vật] sẽ giống như sát sanh. Còn như [những chúng sanh] do tay ta vô tình làm tổn thương, chân vô ý giẫm đạp, chẳng biết là bao nhiêu! Hãy đều nên khéo léo ngăn ngừa. Cổ thi có câu: “Ái thử thường lưu phạn, liên nga bất điểm đăng” (Do thương chuột mà thường chừa cơm, do thương thiêu thân nên chẳng thắp đèn), nhân ái thay! Thiện hạnh vô cùng, chẳng thể thuật trọn. Vì thế, từ mười sự này mà có thể suy rộng ra, ắt sẽ có thể trọn vẹn muôn đức vậy!

__________________

[71] Theo ông Hoàng Bách Lâm, câu này có nghĩa là tuy hiểu đạo lý, nhưng không thực hiện được, tức là lý trí không thắng nổi dục vọng tầm thường.

[72] Theo sách Vân Cấp Thất Thiên, Thái Cực Chân Nhân tên là Đỗ Xung, tự Viễn Dật, sống vào thời Châu Chiêu Vương, thành tiên vào thuở ấy.

[73] Theo quy chế đời Tống, cơ cấu tư pháp được chia thành hai hệ thống là Sự Thật Thẩm và Pháp Luật Thẩm. Sự Thật Thẩm nhằm thẩm vấn, phá án, phán tội, còn Pháp Luật Thẩm là cơ quan giám sát, nhằm đảm bảo việc xử án đúng luật, không oan khuất. Những quan lại trực thuộc hệ thống Sự Thật Thẩm sẽ được gọi là Thôi Tư, Ngục Tư và Thôi Khám Quan. Những vị quan thuộc về Pháp Luật Thẩm sẽ được gọi là Pháp Quan hoặc Kiểm Pháp Quan. Quy chế song hành này được áp dụng từ trung ương cho đến địa phương, thường gọi là Tả Đoán Hình, Hữu Trị Ngục, tức là các vị thuộc cơ cấu bên tả sẽ lo việc thi hành luật, các vị thuộc cơ cấu bên hữu sẽ phụ trách giám sát.

[74] Ngũ Đại là thời phong kiến quân phiệt cát cứ sau khi nhà Đường diệt vong kéo dài từ năm 907 cho đến 979. Sử thường gọi thời này là Ngũ Đại Thập Quốc vì có năm triều đại chính nối tiếp nhau, đồng thời có đến mười tiểu quốc xen kẽ. Thời kỳ này chấm dứt khi Triệu Khuông Dẫn thống nhất Trung Hoa.

Năm triều đại là:

1. Hậu Lương (907-923), do Châu Ôn sáng lập, kéo dài được ba đời vua, kinh đô là Khai Phong.

2. Hậu Đường (923-937), do Lý Tồn Úc sáng lập, kéo dài bốn đời vua, kinh đô là Lạc Dương.

3. Hậu Tấn (936-947), do Thạch Kính Đường sáng lập, được hai đời vua, kinh đô là Khai Phong.

4. Hậu Hán (947-951), do Lưu Trí Viễn sáng lập, hai đời vua, kinh đô là Khai Phong. Đây là triều đại ngắn nhất trong lịch sử Trung Hoa.

5. Hậu Châu (951-960), do Quách Oai sáng lập, ba đời vua, kinh đô là Khai Phong.

Thập Quốc là mười quốc gia trong giai đoạn ấy, tức Ngô (902-937, do Dương Hành Mật sáng lập), Nam Đường (937-975, do Lý Biện sáng lập), Ngô Việt (907-978, do Tiền Liêu sáng lập), Mân (909-945, do Vương Thẩm Tri sáng lập), Bắc Hán (951-979, do Lưu Mân sáng lập), Tiền Thục (903-925, do Vương Kiến sáng lập), Hậu Thục (934-965, do Mạnh Tri Tường sáng lập), Kinh Nam (924-963, do Cao Quý Hưng sáng lập), Sở (927-951, do Mã Ân sáng lập), Nam Hán (917-971, do Lưu Cung sáng lập). Dưới thời Nam Hán, ngay trong thời Lưu Cung (Nam Hán Cao Tổ), tại Giao Châu, Ngô Quyền đã dấy binh từ Ái Châu (vùng Thanh Nghệ) khởi nghĩa tấn công tiết độ sứ Giao Châu là Kiều Công Tiễn (gã này đã giết Dương Diên Nghệ để tiếm quyền). Kiều Công Tiễn cầu cứu nhà Nam Hán, Lưu Cung sai đứa con thứ chín là Lưu Hoằng Thao dẫn quân đánh Giao Châu (thời ấy được gọi là Tĩnh Hải). Ngô Quyền đã tốc chiến tốc thắng, giết chết Kiều Công Tiễn, hạ thành Đại La trước khi quân Nam Hán kéo sang. Do kiêu căng, vô mưu, Hoằng Thao bị rơi vào bẫy phục binh của quân Việt và bị giết chết. Thế là nước Việt được độc lập, chấm dứt thời kỳ Bắc Thuộc.

[75] Chánh sử không chép hết về quan chức con cháu của ông, chỉ biết là năm người con trai lần lượt đỗ Tiến Sĩ, đều ra làm quan. Sử gọi là Đậu Thị Ngũ Long (năm con rồng họ Đậu). Con trai trưởng của ông là Đậu Nghi làm Lễ Bộ Thị Lang đời Châu Thế Tông, về sau làm Công Bộ Thượng Thư, kiêm nhiệm Đại Lý Tự. Người em kế là Đậu Nghiễm làm sử quan suốt bốn triều đại (Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Châu và Tống), được thăng Lễ Bộ Thị Lang nhà Tống. Hầu hết các miếu hiệu của vua chúa, thân thuộc nhà Tống thuở đầu đều do Đậu Nghiễm đặt. Người con thứ ba là Đậu Khảng, làm quan Khởi Cư Lang thời Hậu Châu. Người con thứ tư là Đậu Chương làm Xu Mật Viện Trực Học Sĩ rồi Gián Nghị Đại Phu thời Bắc Tống. Người con thứ năm là Đậu Hy, làm Tả Bộc Khuyết đời Bắc Tống.

[76] Do Hàn Kỳ được phong làm Ngụy Quốc Công và người Hán có thói quen gọi tên tự hay chức tước lồng vào giữa tên để tỏ lòng kính trọng, không gọi thẳng tên tục, sách Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Vựng Biên ghi là “Hàn Ngụy Công Kỳ”.

[77] Tào Sứ là gọi tắt của Tào Vận Sứ, một chức quan trông nom việc chuyển vận bằng đường thủy. Chức vụ này còn được gọi Chư Châu Thủy Lộ Chuyển Vận Sứ, hoặc Tào Ty.

[78] “Tiểu lại” (小吏) có nghĩa là một viên nha lại cấp thấp.

[79] Đích tự là con trai do vợ cả sanh ra.

[80] Thúc Lương Hột (叔梁紇) chính là cha của Khổng Tử. Ông này tên là Khổng Ngột (Hột), tên tự là Thúc Lương, nên thường gọi là Thúc Lương Hột, là đại phu nước Lỗ. Vợ cả của Thúc Lương Hột là Thí Thị sanh chín con gái, không có con trai. Người thiếp sanh ra Mạnh Bì, chân lại bị tật. Theo quy chế thời ấy, Mạnh Bì không thể kế nghiệp, tập ấm cha. Thúc Lương Hột bèn xin cưới con gái của họ Nhan, chỉ có cô Nhan Trưng Tại chịu lấy ông, đẻ ra Khổng Tử. Mạnh Bì thật ra chỉ tên là Bì, do là con trai cả nên gọi là Mạnh Bì. Mạnh Bì sanh được một trai và một gái. Con trai Mạnh Bì là Khổng Trung là một trong bảy mươi hai môn đệ nổi tiếng (thất thập nhị hiền) của Khổng Tử, con gái Mạnh Bì lấy Nam Cung Quát (tự là Tử Dung). Nam Cung Quát cũng là một môn đệ khác của Khổng Tử thuộc vào thất thập nhị hiền.

[81] Tông miếu (宗廟) tức là miếu thờ tổ tông. Câu này có ý nói vua Thuấn do lòng đại hiếu, mà tổ tông được kính cẩn phụng thờ, con cháu nối tiếp giữ gìn đức hạnh của cha ông.

[82] Thiếu Sư (少師) một trong vị Tam Thiếu, là thầy dạy của Thái Tử, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ đứng đầu, quản trị mọi việc trong cung của Thái Tử. Vị này mang tính chất là vị thầy hướng dẫn về cách cai trị của nhà vua tập sự (Thái Tử), vạch ra kế sách hành xử, trong khi Thiếu Phó mới là người thật sự dạy chữ (có thuyết nói Thiếu Phó là thầy dạy võ, nhưng trong lịch sử, Thiếu Phó phần nhiều do các quan văn đảm nhiệm). Thiếu Bảo lo mọi việc an ninh, đối ngoại.

[83] Nguyên văn là phấn đoàn (粉團). Đây là một loại bánh ở miền Nam Trung Hoa, làm bằng bột nếp hòa lẫn bột gạo, trộn đậu xanh lẫn với bột (có khi là đậu xanh bọc bột), nặn thành viên, lăn qua mè hay sợi dừa, hấp chín. Chúng tôi thấy hình chụp giống như loại bánh thường gọi là “bánh bao chỉ” nên tạm mượn danh xưng này!

[84] Do khi xưa để tóc dài, đội mão phải búi tóc lên, dùng trâm (簪) đâm qua búi tóc để giữ cho mão khỏi tuột. Mão đội thường có hai dải dài hai bên để buộc cho khỏi tuột hoặc chỉ nhằm mục đích trang trí, gọi là Anh (纓). Vì thế, những người làm quan thường được gọi là “trâm anh”.

[85] Thái Sử là một chức quan rất cổ đã có từ thời Châu, đảm nhiệm việc biên soạn văn thư, chỉ dụ, ghi chép quốc sử, chưởng quản tài liệu, trông coi thiên văn, lịch pháp, tế tự… Đến đời Đường, việc soạn văn thư giao cho Hàn Lâm Viện, Thái Sử chỉ chú trọng tính toán lịch pháp và quản trị sử sách. Đến đời Minh Thanh, do Hàn Lâm Viện phụ trách việc biên soạn sử, nên quan đứng đầu Hàn Lâm Viện được gọi là Thái Sử.

[86] Ông này tên thật là Phùng Kỳ, tên tự là Trác Am.

[87] Đô Đường (都堂) có nghĩa gốc là tổng dinh thự hành chánh của Thượng Thư Tỉnh theo quy chế đời Đường. Thượng Thư Tỉnh cai quản lục bộ. Đứng đầu Thượng Thư Tỉnh là Tả Bộc Xạ và Hữu Bộc Xạ, đều gọi là Đô Tỉnh. Đến thời Minh, Thanh, do các quan Tổng Đốc hoặc Tuần Phủ trông coi các tỉnh đều kiêm thêm hàm Đô Ngự Sử, Phó Đô Ngự Sử, hoặc Kiểm Đô Ngự Sử, nên dân gian thường gọi các quan đầu tỉnh là Đô Đường.

[88] Ông này tên thật là Đồ Huân. Do sau khi mất, được đặt thụy hiệu là Khang Hy, nên người chép truyện ghi là Đồ Khang Hy Công.

[89] Đường quan: Vị quan chủ trì công đường xét án được gọi là “đường quan”, tức là vị quan đứng đầu một cơ cấu lãnh đạo như tri phủ, tri huyện v.v…

[90] Đây là quy chế thời Minh - Thanh nhằm giảm bớt những vụ án xử oan. Vào tiết Sương Giáng mỗi năm, ba cơ cấu tư pháp là bộ Hình, Đô Sát Viện và Đại Lý Tự sẽ tái thẩm những vụ trọng án, nhất là các án tử hình, lập hồ sơ cặn kẽ, tấu trình lên cho cửu khanh, tức chín vị đại thần thẩm duyệt trước khi phán án chung cục.

[91] Ý nói sẽ làm quan to.

[92] Hình phòng là cơ quan quản trị hồ sơ các vụ án trong các công đường thuở trước.

[93] Khổng Mục là chức quan được thành lập từ đời Đường, chuyên quản trị hồ sơ. Đời Minh, Hàn Lâm Khổng Mục là chức quan trông coi việc ban hành chiếu chỉ, sắc lệnh của nhà vua, cũng như lập hồ sơ, thu lưu, tường trình tấu sớ của các quan. Chức quan này không cao, nhưng hoàng đế và các đại thần rất coi trọng. Người giữ chức này phải là người cẩn thận, nghiêm túc, tự trọng, cương trực. Đến đời Thanh lập ra Điển Bạ Sảnh, ủy cho Khổng Mục chưởng quản.

[94] Ở đây, do biện định về thiện ác với các Nho sĩ, ngài Trung Phong đã dẫn Luận Ngữ để nói: “Hương nguyện, đức chi tặc dã” (Kẻ thật thà, ba phải sẽ là kẻ giặc đối với đạo đức), các nhà chú giải giảng “hương nguyện” hoặc “cẩn nguyện” (謹愿) là nói những kẻ thật thà, an phận, mang tính cách ba phải, không kèn cựa với ai, nhưng không có lập trường, ai nói sao cũng xuôi theo, người như vậy không bị ai ghét, nên rất dễ được coi là người hiền lành, nhưng thật ra, người ấy đã gây hại cho đạo đức vì thiện ác chẳng phân định được, vô tình giúp sức cho kẻ ác.

[95] Nguyên văn “Lỗ nhân hữu thục nhân thần thiếp ư chư hầu”. Thời Chiến Quốc, các nước chư hầu đánh nhau liên miên, dân chúng bị bắt làm tù binh trong các cuộc chiến sẽ biến thành nô tỳ, nam thì gọi là Thần (臣), nữ gọi là Thiếp (妾).

[96] Tử Cống tên thật là Đoan Mộc Tứ, Tử Cống là tên tự.

[97] Tử Lộ tên thật là Trọng Do, tên tự là Tử Lộ. Vị này được xếp vào hàng Thập Triết, tức mười vị đại đệ tử của Khổng Tử.

[98] Lữ Văn Ý Công ở đây là ông Lữ Nguyên, người huyện Tú Thủy, tỉnh Chiết Giang, tự là Phùng Nguyên, thụy hiệu là Văn Ý. Vị này là Tể Tướng dưới thời Tống Anh Tông.

[99] Dật (鎰) là đơn vị đo lường thời cổ, sử dụng cho đến hết đời Tần. Một Dật bằng hai mươi bốn Lạng.

[100] Quán chức là chức quan thuộc các Quán dưới đời Đường, Tống, như Tập Hiền Quán, Quốc Sử Quán v.v…

[101] Câu chuyện này được nói chi tiết hơn trong Thọ Khang Bảo Giám như sau: “Ông Cận ở Trấn Giang đã năm mươi tuổi mà không con. Dạy trẻ vỡ lòng tại huyện Kim Đàn. Thấy con gái nhà hàng xóm khá xinh xắn, vợ ông liền bán thoa, xuyến, mua về làm thiếp. Ông trở về nhà, bà vợ bày rượu trong phòng, bảo ông: “Tôi đã già chẳng thể sanh nở. Nàng này khá hiền lành, chắc có thể sanh con nối dòng cho nhà họ Cận”. Ông cúi đầu, đỏ mặt tía tai. Bà vợ cho rằng mình có mặt thì chồng sẽ ngần ngại, bèn đi ra, đóng chặt cửa lại. Ông bèn leo qua cửa sổ thoát ra, bảo vợ: “Ý bà tốt lành, nhưng tôi thường bồng bế cô ta thuở bé, luôn mong cô ta sẽ được gả vào chỗ đàng hoàng. Tôi đã già rồi, lại còn lắm bệnh, chẳng thể làm nhục cô ta được”, bèn trả cô ấy về. Năm sau, bà vợ sanh ra Văn Hy Công, mười bảy tuổi đã đậu Giải Nguyên, năm sau đỗ nghè. Về sau, [Văn Hy Công] là một vị Tể Tướng hiền đức”.a
Trích từ: Cảm Ứng Thiên Vựng Biên