Home > Khai Thị Phật Học > Nhung-Gi-La-Viec-Lam-Cua-Mot-Vi-Cu-Si
Những Gì Là Việc Làm Của Một Vị Cư Sĩ?
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thích Nguyên Thành, Việt Dịch


Người tại gia tu theo đạo Phật, thông thường được gọi là Cư Sĩ.

Như thế nào là một vị Cư Sĩ? có điều gì khác với người tại gia bình thường?

Phật giáo Trung Quốc, có rất nhiều người tín ngưỡng Phật giáo, nhưng cũng có nhiều người hiểu sai về giáo lý đức Phật, họ cho rằng: “ Các Tự Viện thờ cúng tượng Phật, Tăng Ni tụng kinh cho người chết, đánh chuông, gõ mõ, vv… chính là đại diện cho Phật giáo”. Vì thế, nhiều người đã nhận định Phật giáo là tiêu cực, là trốn tránh hiện thực.

Kỳ thật, những điều này chỉ là nghi thức Phật giáo của người xuất gia và truyền thống Phật giáo đã bị biến chất theo phong tục tập quán. Tín đồ Phật giáo chia làm hai hạng người: Xuất Gia và Tại Gia. Bổn phận của người Xuất Gia là tu đạo, truyền đạo và duy trì Phật giáo, cho đến thực hiện tinh thần Bồ tát nhập thế, còn bổn phận của người Tại Gia là ở bên ngoài hộ trì Phật giáo.

1. Ba Loại Pháp Môn

Pháp môn tu học theo Phật giáo tuy có rất nhiều nhưng có thể chia làm ba loại:

Nhơn Thiên Đạo

Giải Thoát Đạo

Bồ Tát Đạo

Tông chỉ học Phật là tìm cầu con đường giải thoát. Con đường này được đặt trên nền tảng Nhơn Thiên Đạo. Đặc biệt là Nhơn đạo, mấu chốt quan trọng nhất của sinh tử là giải thoát. Cho nên, người học Phật không thể xa lìa Nhơn Thiên Đạo mà mong cầu con đường giải thoát.

Tìm cầu con đường giải thoát cũng không bằng người chứng đắc Phật quả. Giải thoát sinh tử, không phải là đã thành Phật. Muốn thành Phật, chúng ta phải chú ý và coi trọng con đường Nhơn Thiên và con đường Giải Thoát, và đó gọi là con đường Bồ tát.

Từ những tính chất trên, con đường Nhơn Thiên là chú trọng về sự truy cầu phước nghiệp như Bố Thí, Cứu Tế, Phóng Sanh, Cấm Sát, Xã Hội Công Ích, vv... Con đường giải thoát là chú trọng về tu trì huệ nghiệp như giữ Giới, tu Thiền, lễ Phật, niệm Phật, nghe Kinh, xem Kinh, vv… Điều quan trọng là sự khác biệt giữa thế gian và xuất thế gian. Người có tâm luyến ái thế gian, tuy tu huệ nghiệp, nhưng vẫn là phước báo Nhơn Thiên; Người có tâm xuất thế gian, tuy truy cầu phước nghiệp, nhưng vẫn quay về con đường Giải Thoát.

Bất luận vấn đề gì, mục đích học Phật không nằm ở con đường Nhơn Thiên mà chính là con đường giải thoát. Tự cầu giải thoát, cũng là cầu cho tất cả chúng sanh được giải thoát, giúp người khác giải thoát là Phước đức; Phước huệ song tu chính là con đường Bồ Tát. Tông chỉ Phật giáo tuy là xuất thế, mà phương pháp tu học của Phật giáo là Nhập Thế. Bởi vì tự cầu giải thoát, là mong cầu xa lìa những khổ đau phiền não của thế gian. Cứu tế chúng sanh, là vì cứu giúp chúng sanh giải thoát những khổ đau phiền não của Thế gian. Tuy nhiên Xuất Thế lại không chạy theo ham muốn của Thế Gian. Đồng thời, Phật Giáo gọi là giải thoát, chú trọng trong tâm, tự tại tinh thần, không bị trói buộc của ngũ Dục (tài, sắc, danh, thực, thùy), đó chính là tâm giải thoát, xa lìa Dục giới mà sanh lên cõi Sắc và Vô Sắc Giới, cho đến xuất ly sanh tử. Nếu không thọ nhận tập nghiệp của Vô minh và sự ràng buộc của Vô trí, chính là Huệ Giải Thoát, siêu thoát sinh tử, cho đến thành Phật. Do đó, người đã giải thoát, tất nhiên không bị ràng buộc của sinh tử, nhưng lại không phải không thọ nhận sinh tử. Vì cứu độ chúng sanh, chư Bồ tát vẫn phải sinh tử. Nhưng sanh tử của các quý Ngài là tự chủ phát nguyện, chứ không giống như sinh tử của người phàm phu bình thường do phiền não nghiệp lực dẫn dắt. Giống như, một người tự do đi vào nhà tù vì người tội phạm mà thuyết giảng (Hoặc làm công việc trong nhà tù), tuy cũng vào nhà tù, tiếp xúc với người phạm tội, nhưng tâm lí của người ấy cảm nhận khác với người phạm tội bị pháp luật trừng phạt mà giam cầm trong nhà tù. Cho nên, người đã giải thoát, tuy vào sanh tử, nhưng vẫn không bị sanh tử làm đau khổ; tuy ở trong sanh tử, nhưng không bị sự ràng buộc .

2. Con đường Giải Thoát và con đường Bồ Tát

Chẳng có gì hơn, tu trì con đường giải thoát là ý nghĩa căn bản của Phật giáo, và cũng chẳng có gì thích hợp hơn, công phu tu trì con đường giải thoát là lấy thân phận của Người Xuất Gia làm thích hợp. Người Xuất Gia không bận tâm nhiều bằng Người Tại Gia. Cho nên, người Xuất

Gia có thể chứng được Tứ Quả, Người Tại Gia có thể chứng được Tam Quả . Phật Giáo Nam truyền chủ trương, Người Tại Gia cũng có thể chứng được Tứ Quả, nhưng thật sự để chứng Tứ Quả phải là Người Xuất Gia.

Nói đến con đường Bồ Tát, đó là căn bản của Phật Giáo. Người tu trì con đường Bồ Tát với thân phận Người Tại Gia càng thích nghi hơn. Bởi vì, phạm vi cuộc sống của Người Tại Gia rộng rãi hơn Người Xuất Gia. Họ thâm nhập và tiếp xúc với quần chúng, chính là phương tiện tốt nhất để thay đổi quần chúng. Cho nên Bồ Tát trong Kinh Phật, đa số là hiện tướng Tại Gia. Thậm chí Vị Bồ Tát sống trong Cõi Trời Đâu Suất, cũng hiện tướng Thiên Nhơn, mà không phải tướng Xuất Gia. Đương nhiên, Bồ Tát hiện tướng Tại Gia, không có phân biệt tính Nam Nữ. Trời Sắc Giới trong Tam Giới đã không có ham muốn dục vọng nam nữ, huống gì là Bồ Tát ở trong địa vị Thánh. Nguyên nhân Bồ Tát hiện ra nhiều tướng Tại Gia, chính là đang chứng minh người tu trì con đường Bồ Tát, thích hợp nhất là thân phận của Người Tại Gia.

Con đường giải thoát rất cao quí, nhưng càng cao quí hơn là con đường Bồ Tát. Bởi vì người tu trì con đường Bồ Tát, ngoài tự cầu giải thoát, còn giúp đỡ người khác tự giải thoát, tức là người cầu chứng được con đường giải thoát, cũng là người thực hành con đường Nhơn Thiên.

Thực chất có thể nói, Bồ Tát tuy hiện thân tướng Tại Gia, nhưng lại càng vĩ đại hơn Thánh Giả Xuất Gia. Đó cũng chính là nguyên nhân căn bản của Phật Giáo Đại Thừa.

Người tại gia thực hành phước nghiệp của con đường Nhơn Thiên rất dễ dàng, chỉ cần bỏ tiền bỏ sức ra làm nhiều công việc từ thiện của công ích xã hội, thì điều đó có thể làm được; còn tu trì đòi hỏi Người Tại Gia có thể giống như hoa sen sanh trong bùn lầy mà không bị bùn làm ô nhiễm. Vì vậy, tu trì con đường giải thoát, điều đó tương đối là khó. Nếu chỉ thực hành con đường Nhơn Thiên mà không tu theo con đường giải thoát, đó chính là con đường Nhơn thiên chứ không phải là con đường Bồ Tát, chỉ có thể đổi lấy phước báo trong cảnh giới Nhơn Thiên, không có thể giải thoát sanh tử, và càng không có thể tự chủ sanh tử. Đó cũng chính là một trong những yếu tố của người Xuất Gia, đáng được tôn quí và hơn hẳn người Tại Gia.

Căn cứ những yêu cầu này, có thể hiểu biết thêm giữa người tin

Phật và không tin Phật, cả hai đều là Người Tại Gia, với người không tin Phật, cho dù người ấy là nhà từ thiện vĩ đại nhất, nhưng điều đó chỉ có thể đạt được phước báo Nhơn Thiên và Cõi Trời Lục Dục. Phước báo hưởng hết, vẫn đọa lạc trong Tam Đồ Bàng Sanh, Ngạ Quỉ, và Địa Ngục để thọ khổ; còn với người Tại Gia đã tin Phật, cho dù không thể xác thực tu trì con đường giải thoát, nhưng cả cuộc đời để tâm hướng về, chắc chắn đi theo con đường giải thoát để tu trì. Cuộc sống hiện tại tu tập không thành, cho đến sau khi tái sanh nhiều lần, cần phải mang nguyện vọng tu thành tựu mới đạt được con đường giải thoát. Người Tại Gia tin Phât, cho dù không thể tích cực truy cầu phước nghiệp Nhơn Thiên, mức độ thấp nhất cũng không đến nổi tạo tác ác nghiệp trong Tam Đồ. Cho nên, người Tại Gia, có tin Phật hơn người không tin Phật là: càng tiến về phía trước càng có hy vọng và cũng càng có được sự bảo hộ.

3. Cư Sĩ Nên Tu Con Đường Bồ Tát

Đến đây, chúng ta sẽ nói về vấn đề của Vị Cư Sĩ.

Trong quan điểm người bình thường cho rằng có nhiều tên gọi chữ “Cư Sĩ”. Chữ “Cư Sĩ” là danh từ riêng Phật Giáo thường gọi các Tín Đồ Nam Nữ Tại Gia, thật ra không phải như vậy.

Trong Thánh Điển Nguyên Thủy Phật Giáo, đặc biệt là ở trong Bộ

Luận Tạng, Cư Sĩ chính là tên thường gọi của Người Phàm Tục, Phạn

Ngữ gọi là Gahapati (Ca La Việt, Già La Việt). Bất luận người tin Phật và Không tin Phật, phàm là người có đức hạnh ở trong gia đình, liền có thể gọi là Cư Sĩ.

Người Nam gọi là Nam Cư Sĩ, Người Nữ gọi là Nữ Cư Sĩ, đó là cái tên thường gọi của Người Phàm Tục đã kết hôn. Cho nên, Ngài Ma Thập giải thích rằng: “Ngã quốc Bạch Y đa tài phú lạc giả, danh vi Cư Sĩ” (Kinh Di Ma, Quyển 1) (Người Bạch Y giàu có sung túc ở nước ta, gọi là Cư Sĩ) hoặc là Luận Thập Tụng, quyển sáu nói: “Cư Sĩ giả, trử Vương, Vương Thần, cập Bà La Môn chủng, dư tại gia Bạch Y, thị danh Cư Sĩ” (Cư Sĩ có nghĩa là tất cả Các Người Bạch Y tại gia, trừ Vua, Đại Thần, Bà La Môn, gọi là Cư Sĩ).

Ở Trung Quốc, sử dụng từ “Cư Sĩ”, cũng không phải ban đầu lấy từ

Cư Sĩ của Phật Giáo. Trong Lễ Kí có câu “Cư Sĩ Cẩm Đái”, đó là chỉ Vị Ẩn Sĩ hành đạo, làm nghệ thuật cũng mang nghĩa là Ần Sĩ.Cho nên trong các sách xưa của Trung Quốc thường xuyên thấy được các vị Nhã Sĩ Văn Nhân (người mẫu mực thanh cao, có học vấn và biết thơ văn), thường thích lấy tự hiệu Cư Sĩ, nhưng đó lại không phải bày tỏ các vị Nhân Sĩ đều là Tín Đồ Phật Giáo.

Phật Giáo quen lấy từ Cư Sĩ xưng hô cho Tín Đồ Tại Gia, ví dụ như Ngài Cư Sĩ Duy Ma. Cư Sĩ Duy Ma, chính xác có thể gọi là Cư Sĩ, nhưng cũng vì thế mà người sau hiểu lầm, như Huệ Viễn Đại Sư nói (Duy Ma Kinh Sớ, quyển 1): Cư Sĩ có hai nghĩa:

(1). Quảng tích tư tài, cư tài chi sĩ, danh vi Cư Sĩ; (Nhà tích lủy nhiều tiền của và vật chất ở nhà, gọi là Cư Sĩ).

(2). Tại gia tu đạo, cư gia Đạo Sĩ, danh vi Cư Sĩ. (Người tại gia tu hành theo đạo, làm Đạo Sĩ ở nhà, gọi là Cư Sĩ).

Chính vì như vậy, từ “Cư Sĩ” cũng dần dần trở thành danh từ chung dùng rộng rãi trong Phật Giáo. Bành Tế Thanh, Triều Đại Thanh, biên soạn một bộ Truyền Kí về Tín Đồ Phật Giáo Tại Gia, cũng lấy Cư Sĩ Truyện để đặt tên. Trong thực tế, lấy chữ “Cư Sĩ” xưng hô người tại gia học Phật, cố nhiên không có cái gì mà không có thể được. Nếu lấy quan niệm của người Trung Quốc và lấy hàm ý của Vị Ẩn Sĩ để miễn cưỡng so sánh người Cư Sĩ học Phật, đó là không thích hợp lắm. Thậm chí tương phản ý nghĩa. Bởi vì, Ẩn Sĩ là phải trãi qua cuộc sống tự tu dưỡng lấy bản thân và sáng suốt giữ gìn thân thanh tịnh; người Cư Sĩ học Phật là người thực hành con đường Bồ Tát, vì cứu độ chúng sanh, có thể không luyến tiếc sanh mạng, tự cầu giải thoát và giúp người khác giải thoát, như thế làm sao có thể cùng ý nghĩa với Ẩn Sĩ? Nhưng đã trở thành tập tục, chúng ta tùy theo tập tục xưng hô.

Chiếu theo Lí, một Cư Sĩ Tại Gia danh tiếng, lại là một vị Bồ Tát Đại Thừa. Tuy nhiên, cần làm một Vị Bồ Tát danh tiếng, không đơn giản.

Thái Hư Đại Sư từng nói: “Chánh tu nhập tổ vị giả, nãi năng hoằng Đại Thừa Giáo, phủ tắc……đản năng linh đắc Nhơn Thiên quyền tiểu chi ích, câp chủng Đại Thừa thiện căn, bất nhập Đại Thừa”. (Phật Pháp Đạo Ngôn) (Người hoằng truyền Giáo Pháp Đại Thừa phải bước vào quả vị Tổ, nếu không thì chỉ có thể khiến cho Nhơn Thiên đạt được lợi ích nhỏ và gieo trồng thiện căn Đại Thừa, chứ không thể nhập vào Đại Thừa được). Cần phá được Tam Quan của Thiền Tông, tương đương với các Vị Lục Căn Thanh Tịnh, mới nhập vào Tổ Vị, mới có thể hoằng dương Phật Giáo Đại Thừa. Con đường Bồ Tát của Phật Giáo Đại Thừa thật đáng coi trọng. Bởi thế, chúng ta không vì khó thực hành con đường Bồ Tát mà không làm. Tuy không thể thành tựu liền Thánh Vị Ưu Việt của Bồ Tát Đại Thừa, nhưng nếu tiếp tục gieo trồng thiện căn Đại Thừa, cuối cùng sẽ trở thành tựu. Cho nên, các Vị Cư Sĩ Tại Gia không nên nản lòng. Tại Gia tuy đang truy cầu con đường giải thoát rất khác biệt với người Xuất Gia, nhưng mà thực hành con đường Bồ Tát, lại có điều kiện vượt trội hơn Người Xuất Gia.

4. Trọng Tâm Con Đường Bồ Tát

Chúng ta biết rằng, đạo đức chủ yếu của Đạo Nhơn Thiên là Ngũ Giới và Thập Thiện (không Sát Sanh, không Trộm Cắp, không Tà Dâm, không Vọng Ngữ, và không Uống Rượu là 5 phần đạo đức tất yếu của Giới, cho nên gọi là Ngũ Giới; Không Sát Sanh, Không Trộm Cắp, Không Tà Dâm, Không Vọng Ngữ, Không Uống Rượu, Không Nói Lưỡi Đôi Chiều,

Không Nói Lời Hung Ác, Không Tham Dục, Không Sân Nhuế, và Không Tà Kiến, gọi là Thập Thiện)

Đạo đức chủ yếu của con đường giải thoát là ba môn học Giới, Định, và Huệ. Đạo đức chủ yếu của con đường Bồ Tát là Lục Độ: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, và Trí Tuệ. Lục Độ đã bao hàm Tam Học, Tam Học lại bao hàm Ngũ Giới và Thập Thiện, cho nên Bồ Tát Đạo là con đường căn bản của Phật Giáo.

Như vậy, Lục Độ lấy Bố Thí làm đầu, thực hành Bồ Tát Đạo là lấy Bố Thí làm trọng tâm.Vì muốn độ chúng sanh, trước tiên ta cần phải an ủi, khiến cho chúng sanh đã được an ủi trong tinh thần và vật chất, sau đó chúng sanh mới có thể phát sinh thiện tâm, tiếp thọ sự cảm hóa và tín nhiệm sự cảm hóa của ta.

Bố Thí: Phân ra 3 loại: Tài Thí, Pháp Thí (Phương pháp li khổ), và Vô

Úy Thí (Động viên cho người yếu hèn). Tài Thí thuộc về Vật Chất, Pháp Thí và Vô Úy Thí thuộc về Tinh Thần. Lí tưởng Bố Thí vẫn có thể coi trọng 3 loại, nhưng chúng sanh bình thường, dưới sự áp bức của cuộc sống hiện thực, đối với nhu cầu cứu tế, Vật Chất cần hơn nhu cầu tinh thần, nên làm khẩn thiết. Trước tiên khiến cho họ ăn no mặc ấm, sau đó mới có thể nói việc truy cầu về Tinh Thần. Lấy công việc Bố Thí mà nói, Vị Cư Sĩ càng có thể làm triệt để hơn Tăng Ni. Căn cứ Giới Luật, Người

Xuất Gia không nên có của cải, không tích trữ của cải, vì thế đối với việc Bố Thí khó có thể thực hiện được.Tăng Ni ngày nay chưa thấy vị nào chứa tiền bạc mà giữ giới được thanh tịnh, ngoại trừ tài sản công hữu của Chùa thì không có nhiều tài sản tư hữu. Cho nên, Người Xuất Gia chỉ có thể Bố Thí Phật Pháp, lấy sự động viên tinh thần Vô Úy, không có thể sử dụng vật chất để cứu tế. Tuy trong Kinh Đức Phật nói, công đức Bố Thí lấy Bố Thí Pháp làm thù thắng, nhưng trước khi bố thí pháp thì điều kiện cần có trước để cảm hóa chúng sanh là vật chất.

Thật ra việc giáo hóa chúng sanh lìa khổ được vui là hướng theo con đường giải thoát, đó mới là công năng của Phật Pháp. Công đức này rất lớn lao, nhưng lại không phải phương pháp trực tiếp để giải trừ nghèo khó hiện thực. Đồng thời, tỉ lệ Người Xuất Gia có thể đem Phật Pháp và Vô Úy để Bố Thí cũng tương đối là thấp, chúng ta có thể nhận được sự chứng minh trong Thánh Điển Nguyên Thủy: Thời Đức Phật còn tại thế, các Đệ tử Xuất Gia thường theo tùy tùng Ngài, có khoảng 1000 người, đa số là Các Bậc Đại A La Hán. Ngoài Phàm Thánh Tăng Ni, còn có rất nhiều Đệ Tử khác, nhưng trong Tăng Đoàn việc thành lập vị lãnh đạo, không qua con số hơn 10 vị. Cho đến phương pháp hoằng hóa của các Ngài có thành tựu vĩ đại, trong tỉ số ghi chép cũng vẫn là ít. Đương nhiên việc ghi chép Thánh Điển không tránh được sai sót.Về phương diện Bố Thí, người có khả năng ảnh hưởng lớn, thì không nhiều. Đó là sự thật. Tăng Ni đời sau, đương nhiên không cần nói thêm nữa. Người Xuất Gia lấy tu trì giải thoát làm chủ, tu hành có thừa sức lực (hành hữu dư lực), mới có thể nói đến công việc cứu tế chúng sanh.

Cho nên Vị Cư Sĩ, nếu là một người thực hành con đường Bồ Tát có danh tiếng thật sự, nên coi trọng và làm được 3 Pháp Bố Thí. Tự mình có của cải, có thể dùng vật tư cứu tế người nghèo khó, tự mình hiểu sâu sắc Ý nghĩa thù thắng của Phật Pháp có thể dùng để giáo hóa chúng sanh, an ủi và động viên chúng sanh.

Vì thế tinh thần Đại Thừa Chơn Chánh, tuy có Đại Bồ Tát Xuất Gia học cách giáo hóa của Phật Đà, nhưng Người Xuất Gia phàm phu nói chung không thể biểu đạt hết được, chỉ có Cư Sĩ tại Gia phát tâm rộng lớn, mới là người thực hành lí tưởng của con đuờng Bồ Tát.

Đương nhiên, trong lịch sử ghi chép, Người Cư Sĩ Lí Tưởng đã nói, cũng là số người đạt được sự giải thoát thanh tịnh.Vì vậy Người Cư Sĩ bình thường, chắc chắn không thể làm được hoàn cảnh lí tưởng như thế.

Vị Cư Sĩ có tiền của, có khả năng mang tiền tài và vật chất Bố Thí, nhưng cũng chỉ dừng lại ở chỗ Bố Thí Tài Vật, chưa có thể đầy đủ khả năng thấu đạt ý nghĩa thù thắng của Phật Pháp mà dùng Phật Pháp Bố Thí. Nếu như mong mỏi mọi người vui vẻ mong cầu tiến bước lên con đường Bồ Tát, đó là điều rất khó khăn (tuy nhiên không phải không có người đạt được). Do đó, Bố Thí của Quí Vị vẫn còn giới hạn trong việc tìm cầu Phước Nghiệp Nhơn Thiên.

Hơn nữa, Vị cư sĩ thấu đạt ý nghĩa thù thắng Phật pháp, tuy có thể làm được pháp thí, nhưng với sự bố thí vật chất, các vị không phải là trưởng giả giàu có, cũng chính là lực bất tùng tâm. Đại đa số, các vị cư sĩ có lòng tin chân chính, đang quanh quẩn trên con đường giao thoa (đan xen lẫn vào nhau) giữa Nhơn Thiên Đạo và Bồ Tát Đạo, tức là hướng về con đường giải thoát, nhưng trái lại không có biện pháp để giải thoát nghiệp Nhơn Thiên, chính là trong nghiệp Nhơn Thiên các vị ưa thích mong cầu con đường giải thoát. Đương nhiên, các vị còn vận may, mức độ thấp nhất cũng đáng được tôn kính. Các vị cần phải đi vào con đường giải thoát, cho đến con đường Bồ Tát chân chính.

Những Điều Kiện Cần Có Của Vị Cư Sĩ

Đằng trước giải về Vị Cư Sĩ Lí tưởng. Cư Sĩ lí tưởng là xuất phát từ vị cư sĩ bình thường, cũng chính là chỗ dừng chân của vị cư sĩ bình thường từ công việc Bố Thí. Như vậy, người cư sĩ bình thường nên có đầy đủ các điều kiện gì?

Trong Kinh Tạp A hàm đã qui định, Vị Cư Sĩ Tại Gia phải có đầy đủ 5 điều kiện, đó gọi là 5 Pháp Cụ Túc.

Tín Cụ Túc:

Tín tâm là điều quan trọng nhất. Nếu như không xây dựng tín tâm sâu sắc thật sự thì tất cả vấn đề khác đều không thể nói đến. Đối với Phật Giáo, trước tiên cần phải có niềm tin chính xác. Trọng tâm của niềm tin là Phật pháp. Phật Pháp có thể giúp chúng ta xa lìa khổ đau, đạt được hạnh phúc. Cho nên cần phải có niềm tin. Phật Pháp là do Đức Phật nói, Phật Pháp do Tăng chúng ghi chép, lưu truyền, trụ trì, hoằng dương…v.v.. cần phải có niềm tin. Kết hợp lại chính là niềm tin Phật, Pháp và Tăng, gọi là niềm tin Tam Bảo.

Người bắt đầu học Phật phải qui y Tam Bảo. Qui y Tam Bảo là đem hết cả thân tâm vô điều kiện đến với ân đức và ánh sáng soi chiếu của Tam Bảo. Sau khi qui y Tam Bảo có thể dưới sự hướng dẫn của Tam Bảo, được bắt đầu chỉ dẫn và thực hành Tám con đường của nhân sinh, là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.

Giới Cụ Túc:

Chủ yếu là Ngũ Giới – không sát sanh (Không chỉ không giết động vật mà còn nên ăn chay), không trộm cắp, không tà dâm (không có giao hợp với giới tính khác ngoài vợ chồng), không vọng ngữ và không uống rượu. Ngũ giới vốn là căn bản đạo đức bắt buộc của người Phật tử. Qui Y Tam Bảo và Thọ Trì Ngũ Giới vốn không nên coi là 2 Ý nghĩa của 2 giai đoạn. Nếu chỉ Qui Y Tam Bảo mà không thọ Ngũ giới thì giống như một người đến trường học đăng kí ghi tên mà không thành thật lên lớp cầu học. Đó chỉ là gieo trồng thiện căn mà không gặt hái được lợi ích hiện thực. Ngũ Giới, Thập Thiện là nghiệp Nhơn Thiên trong cõi Nhơn Thiên. Nếu không thể thọ trì ngũ giới thì quả vị Nhơn Thiên trong cõi Nhơn Thiên cũng đều không bảo đảm, huống hồ có thể giải thoát sinh tử?

Nếu hướng về cuộc sống xuất gia, mà hoàn cảnh hiện thực bên ngoài không cho phép, thì ngoài việc thọ trì ngũ giới, các Phật tử mỗi tháng âm lịch có thể ăn chay 6 ngày (Mùng 8, 14, 15, 23, 30 và mùng một), và lấy một ngày một đêm làm kỳ hạn thọ trì Bát Quan Trai Giới, , đó gọi là Bát Quan Trai Giới:

không sát sanh

không trộm cắp

không dâm dục( 1 ngày 1 đêm không được phép giao hợp với người khác giới)

không nói vọng ngữ

không uống rượu

không trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và đi xem

không ngồi nằm giường cao rộng lớn

không ăn phi thời(thông tục gọi là dùng cơm trưa, sau khi ăn cơm trưa xong chỉ cho phép uống nước và không được tiếp tục ăn cơm).

Khi vị cư sĩ tu theo con đường Bồ Tát, thì thọ thêm giới Bồ Tát. Tuy đây không phải qui định trong Kinh A Hàm, nhưng vị cư sĩ theo Phật giáo Đại thừa, đúng là cần thiết thọ trì Giới Bồ Tát. Bởi vì việc thọ giới giống như tuyên thệ (đọc lời thề). Ý nghĩa tuyên thệ càng trang nghiêm, hiệu lực thì tuyên thệ càng hùng vĩ. Năng lực của giới chính là chống cự lại thuốc thối rữa cực mạnh của ác tính.

Thí Cụ Túc:

Nội dung bố thí là mang tâm tôn kính dâng cúng cho cha mẹ, sư trưởng, Tam Bảo, và đem tâm từ bi thương xót bố thí những người nghèo khổ bơ vơ. Vì bố thí công ích chung, nên thúc đẩy tới thành công phước lợi cho quần chúng xã hội.

Văn Cụ Túc:

Trì giới và bố thí là coi trọng việc thiết lập và bồi dưỡng phước đức. Nếu cần mong cầu đạt Chánh Tri Kiến của Phật Pháp và phụng hành theo lời dạy của Phật Pháp cho hợp lí, đó chính là bắt đầu từ việc nghe pháp. Xem kinh cũng là một trong những phương pháp nghe pháp. Nhưng được chỉ dẫn và giảng giải truyền thụ Ý nghĩa Kinh Điển uyên thâm rộng rãi, thân cận với thiện tri thức, hướng đến chùa tháp, chuyên tâm nghe kinh, vẫn là điều tất yếu. Đây là mục đích quảng bá rộng rãi cho các vị Cư Sĩ vào Tự Viện.

Huệ Cụ túc:

Đây là nhận thức và lãnh ngộ đối với Chân Đế (đạo lí chân chính). Nhờ tinh tấn thực hành việc nghe pháp mà đã đạt được một loại kinh nghiệm thực chứng. Vào thời Đức Phật, một lần Ngài giảng pháp có rất nhiều người đến nghe, thấu hiểu được đạo lí và chứng được sơ quả, v.v… đó chính là điển hình của Huệ Cụ Túc.

Cuộc Sống Gia Đình Của Vị Cư Sĩ

Một vị Cư Sĩ, tuy đã Qui Y Tam Bảo, nhưng vẫn là người Phàm Tục Tại Gia. Đã là người Phàm Tục thì nên theo phạm vi cuộc sống của Phàm Tục để sinh sống. Nhưng so với cuộc sống thì càng nhiệt tâm, càng hài hòa thì càng mỹ mãn, càng có sức sống, càng có năng động hơn người Phàm Tục không có tin Phật. Chỉ có như thế, mới có thể khiến mình hạnh phúc, khiến người khác tôn kính, và khiến người khác vui vẻ tiếp thọ sự ảnh hưởng của chính mình.

Nhiệm vụ tất yếu của cuộc sống người Phàm Tục, chính là xây dựng một gia đình hạnh phúc và hòa hợp. Đối với cha mẹ cần phải tận tị hiếu thảo. Đối với con cái cần phải từ bi và thương yêu, kính trọng và phụng dưỡng, dạy dỗ và giáo dục, phải làm hết khả năng tốt nhất của chính mình mới có thể trọn vẹn được trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Vợ chồng là trọng tâm của gia đình. Giữa vợ chồng nhất định phải gắn bó, sống với nhau trong sạch, cần phải kính yêu và quan tâm đối phương. Tình cảm giữa vợ chồng phải hòa thuận, cho dù đời sống cơm ăn áo mặc khó khăn nhưng vẫn giữ gìn được một gia đình hạnh phúc và đáng thương yêu.

Gia đình hòa hợp và hạnh phúc chủ yếu là xây dựng tình cảm giữa vợ chồng. Hạnh phúc gia đình chủ yếu là dựa vào quân bình thu nhập kinh tế. Vị Cư Sĩ nên làm chức nghiệp từ các sự việc chính đáng đến mưu cầu sự cần thiết của cuộc sống. Ngoại trừ nghề giết mổ gia súc( bao gồm nghề biển và mỡ tiệm ăn…), nghề ăn trộm( bao gồm nghề đánh bạc và buôn lậu…), nghề bán dâm(nhà hàng, vũ trường, nhà chứa…), còn những nghề khác như nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, thầy giáo đều có thể lựa chọn. Đã có kinh tế thu nhập thì cần phải coi mức thu nhập của chính mình mà chi tiêu. Trong Kinh Thiện Sanh, Đức Phật vì thu nhập của Vị Cư Sĩ chia thành 4 loại:

ăn uống(cuộc sống sinh kế gia đình)

Nghề làm ruộng(vốn liếng của kinh doanh)

Tích trữ(cất giữ tiền bạc trong nhà, đề phòng khi cần tiêu gấp)

Nhà buôn cung cấp canh tác mà sanh lợi tức( cho vay và lợi nhuận) Tùy thuộc vào nền kinh tế mà có 1 kế hoạch kinh tế cho gia đình, sao cho an toàn và khoa học nhất.

Tác dụng của kinh tế là đang thúc đẩy tới thành công hạnh phúc cuộc sống, là đang đạt được mục đích của đạo đức. Cho nên Đức Phật quở mắng kẻ nô lệ đồng tiền, thu nhập vượt quá nhiều chi tiêu là như con chó chết đói; và quở trách hơn khi người chi tiêu vượt quá thu nhập là như một bát đầy trái cây ngon mà không có hạt giống trồng.

Nếu như kinh tế cuộc sống gia đình hằng ngày đã ổn định nhưng vẫn còn dư thì nên sử dụng vào việc làm phước đức: như cúng dường Tam Bảo, làm từ thiện công ích…Cho nên, Kinh Tạp A Hàm cũng nói: Tài sản của Vị Cư Sĩ nên phân chia làm 3 loai:

Phụng dưỡng cha mẹ

Nuôi dạy vợ con cho đến thân thuộc, bạn bè, dầy tớ…vv

Cúng dường Tam bảo.

Một vị cư sĩ, thông thường phải thân cận với Tam Bảo, nhưng không coi thường công việc hằng ngày của gia đình. Vứt bỏ trách nhiệm đối với cha mẹ, con cái, vợ chồng mà mãi mê đến với Tam Bảo, sự việc đó Đức Phật không mong muốn, trừ khi đã làm xong trách nhiệm đối với gia đình.

Một Vị Cư Sĩ, nên cúng dường Tam Bảo vô điều kiện, nhưng nếu như bớt xén cung cấp cho cha mẹ, bớt xén đi dinh dưỡng của con cái, tiết kiệm chi tiêu trong cuộc sống của vợ chồng, hạ thấp tiền công của người làm mướn…vv, cầm đồng tiền đó đến cúng dường cho Tam Bảo, việc làm này cũng không phải là mong muốn của Đức Phật. Trừ khi đã được sự bằng lòng cho phép của đối phương, hoặc là tự động phát tâm xuất tiền riêng của mình để cúng dường Tam Bảo.

Vì vậy, một Vị Cư Sĩ không thể vì có lòng tin với Đức Phật mà phá hoại sự hòa hợp và hạnh phúc của gia đình. Nếu vì nhân duyên đã có lòng tin với Đức Phật thì nên khiến cho gia đình càng tăng thêm sự hòa hợp và an vui. Nếu không, người nhà của Quí Phật Tử không hài lòng với việc làm của Quí Vị là do không chăm lo cho gia đình, chỉ trông nôm Tam Bảo, họ không chỉ khởi lên cảm giác khó chịu đối với Quí Vị mà còn mang cảm giác khó chịu đối với Phật Giáo. Nói như thế, Quí Vị vì cung kính Tam bảo, lại khiến cho người thân của mình biến thành người phản đối Tam Bảo, đây là sự việc rất đau buồn. Như tôi nói ở trước, Cư Sĩ là người thực hành con đường Lí Tưởng của Bồ Tát và lấy việc cứu độ chúng sanh làm nhiệm vụ thiết yếu. Hiện nay, Quí Phật Tử đã dẫn người thân của chính mình cách ly với Tam Bảo ngàn dặm, còn nói gì đến việc cứu độ chúng sanh?

Cuộc Sống Xã Hội Của Vị Cư Sĩ

Có người nói, nhân loại là động vật của xã hội. Cho nên phàm là cuộc sống của con người, thì không thể xa lìa xã hội. Cái gọi là định nghĩa của xã hội, nên là “một đoàn thể có tổ chức”. Vì vậy, xã hội lớn nhất của chúng ta có thể bao gồm toàn thể nhân loại; xã hội nhỏ nhất có thể ít nhất chỉ kết hợp hai người trở lên.

Do đó, gia đình là nền tảng của xã hội, xã hội là một quần thể rộng lớn của gia đình. Gia đình, ít nhất chỉ là kết hợp của hai vợ chồng, xã hội có thể có rộng lớn là tổ chức của toàn thể nhân loại, cho đến thế kỷ vũ trụ vị lai có thể mang nhân loại vào trong các vì sao mà sinh sống. Chính vì lẽ đó, xã hội bao hàm Ý nghĩa là không chịu hạn chế của không gian và thời gian.

Từ trong lập trường của Phật Giáo, có thể nói rằng: phạm vi sinh hoạt của một vị cư sĩ tại gia có thể sâu rộng hơn các vị Tăng Lữ Xuất Gia, nhưng phụ thuộc xã hội càng có nhiều phiền phức hơn Tăng Lữ Xuất Gia. Bởi vì cuộc sống xã hội vẫn là trọng yếu của Cư sĩ. Một vị cư sĩ có nhiều thân phận trong gia đình: Đó là ông bà, cha mẹ, anh chị em, cháu nội, cháu ngoại, cho đến thân bằng quyến thuộc, v.v...nên có các thân phận khác nhau. Vì một gia đình rộng lớn mà trở thành một gia tộc. Rộng lớn hơn gia tộc chính là xã hội bên ngoài như cấp bậc địa vị của Thầy, đệ tử trong một tự viện hoặc là giám đốc, nhân viên, đối với tập thể là đoàn viên, đảng viên, xã viên, hội viên, còn có bạn bè với bạn bè, quan hệ giữa người với người, v.v…đều hình thành nhân tố hình thức của xã hội. Vậy một người thực hành lí tưởng của Bồ Tát chính là bằng lòng sống như một cư sĩ trong mối quan hệ của xã hội. Do đó, mối quan hệ mới có cơ hội tiếp xúc, đã có cơ hội tiếp xúc mới có thể hướng dẫn mọi người quay về con đường giải thoát, chỗ duy nhất để nương tựa là Phật Pháp Tăng Tam Bảo.

Nhưng việc cần độ chúng sanh mà chỉ dựa vào tình hình cuồng nhiệt về tôn giáo là không có tác dụng. Cuồng nhiệt về tôn giáo cố nhiên có thể khiến mọi người sinh ra can đảm, xông vào nước sôi lửa bỏng đi tuyên truyền biện luận, tấn công hãm trận, chiến đấu hy sinh nhưng chắc chắn không thể vĩnh cửu, cũng chắc chắn không thể bày tỏ sự ảnh hưởng lâu dài.

Phật Giáo lấy phục vụ xã hội làm biểu tượng của con đường Bồ Tát. Đức Phật đã hóa hiện ra vô số hình dạng thân phận, thái độ, phương thức để thâm nhập vào các tộc loại khác nhau. Mỗi hình dạng cũng có thể là địa vị của Vua.

Cái gọi là Vua, chính là vị lãnh tụ. Địa vị lãnh tụ đó không phải dùng vũ khí để lập nên, hoàn toàn là đem giá trị đạo đức để phục vụ đại chúng và chiêu cảm họ. Bởi vì chỉ có người chân chính mới có thể vì chúng sanh mưu cầu hạnh phúc, mới đầy đủ tư cách làm người lãnh tụ của quần chúng, mới có khả năng dành được nơi gửi gắm hy vọng của nhiều người với tâm vui vẻ thành thực phục vụ. Nếu không, đó không phải là Vua mà là giặc, là kẻ cướp.

Do đó, một vị Cư Sĩ Lí Tưởng, không phải bất cứ trường hợp nào cũng cần phải xuất hiện trong tư thế của vị lãnh tụ, ít nhất người ấy nên nhận bất cứ trường hợp nào được mọi người hoan nghinh, cho đến nhận được bất cứ trường hợp nào được mọi người tôn kính. Đáng tiếc không may, chính là tôi đã biết, có Vài Vị Cư Sĩ sau khi tin Phật, học Phật lại xa lánh, lạnh nhạt, ngăn cách mối quan hệ với xã hội chúng ta. Thậm chí bị mọi người coi là kẻ quái dị với sự cô đơn, thờ ơ và không thấu tình đạt lí. Đương nhiên, đó là do tâm thiết tha mộ đạo của Quý Phật Tử. Họ nhất tâm hướng về cuộc sống xuất thế của đạo giải thoát. Cho nên mối quan hệ của họ dần dần tách rời xã hội, không gắn bó mật thiết với nhau. Nhưng tôi cần nói với Quí vị, đây không phải thái độ ứng phó của Vị Cư Sĩ, Vị Cư Sĩ cũng không phải làm như thế. Cho dù đã là người xuất gia đối với danh lợi, ham muốn vật chất, cố nhiên không màng đến, nhưng đối với công ích xã hội cần phải nhiệt tâm. Thật sự, trong lịch sử Phật Giáo, người đã thành tựu quả vị chứng đắc, đối với mọi người trong xã hội cần phải nhiệt tâm. Nhiệt tâm đó chính là biểu lộ tâm từ bi và tâm bồ đề. Tin Phật học Phật, đó là phát tâm bồ đề. Vi Cư Sĩ sau khi tin Phật học Phật, trái lại vứt bỏ tâm bồ đề, há không phải đang làm trái với lời Phật dạy ư? Sự giới hạn của một Vị Cư Sĩ, không phải đối tượng khiến cho người khác thù ghét, nếu không phải đó chính là nghĩa vụ của Vị ấy không có tận tâm tận lực cho đến làm ô nhục công việc! Tuy nhiên, không làm hết mình với cương vị công việc, nhưng vẫn được hưởng quyền lợi và đối xử trong cương vị công việc, đó chính là món nợ, là hành vi phạm tội, là một loại nhân quả! Điều đó chắc chắn không phải là bản chất của Vị Cư Sĩ. Trong thực tế, người có quyền lợi trong đời sống xã hội cần phải có nghĩa vụ, cho dù người đã xuất gia cũng không ngoại lệ. Bản chất một Tín Đồ phật giáo, nên hết lòng vì nghĩa vụ, ít hưởng thụ quyền lợi, mới có thể nhận được sự yêu quí của người khác.

Do đó, Đức Phật vì nhu cầu xã hội, muốn cai quản tất cả đoàn thể, đã nói ra 4 loại hạng mục đạo đức, nên gọi là Tứ Nhiếp Pháp. Nhiếp nghĩa là cai quản và nhiếp thọ, cũng chính là lãnh đạo và hóa đạo. Tứ Nhiếp Pháp chính là 4 phương pháp ứng xử không thể thiếu của một vị lãnh đạo, thật sự đã làm tốt công tác Tứ Nhiếp Pháp, liền có thể cảm hóa được quần chúng, và cũng có thể lãnh đạo được quần chúng.

Tứ Nhiếp Pháp bao gồm:

Bố Thí:

Tính quan trọng của Bố Thí rất rộng. Giáo Lí Đạo Phật có liên quan đến nền tảng đạo đức của quần chúng xã hội đều chú trọng công việc Bố Thí. Phàm có liên quan nền tảng đạo đức của vị cư sĩ, đều phải động viên làm việc Bố Thí. Cho nên trong Kinh Ưu Bà Tắc nói: “Tuy tu Lục Độ, nhưng lại đặc biệt coi trọng lập đi lập lại nhiều lần thuyết minh và tuyên truyền pháp Bố Thí”. Bởi vì chỉ có pháp Bố thí, mới khiến cho người giàu nghèo trong xã hội, đạt được sự hòa giải thích hợp, và chỉ có Bố Thí mới có thể diễn đạt tinh thần từ bi của Phật Giáo. Người bình thường, đã hiểu lầm ý nghĩa nguồn gốc của việc Bố Thí, cho rằng tên gọi “Thí Chủ”, là chuyên dùng cho các Vị Cư Sĩ trong các Tự Viện. Trong thực tế, bỏ tiền ra, tốt nhất là cung kính cúng dường Tam Bảo và vì cứu tế người cô đơn nghèo khổ bệnh tật, mới đúng với danh tiếng thực tế của việc Bố Thí. Cư sĩ đem tài vật Bố thí, gọi là thí chủ; Tăng Ni đem Phật Pháp bố thí, lại không phải là Thí Chủ sao? Nói cũng khó trách được, Tăng Ni đời này, đa số chỉ biết vận động các Cư Sĩ xuất tiền cúng dường cho Tự Viện, mà rất ít tích cực khích lệ làm sự việc công ích cho Phật Giáo. Đây là trách nhiệm và thử thách trọng đại của Phật Giáo Trung Quốc trong hiện tại.

Đưong nhiên, Bố Thí là một loại phước nghiệp. Đức Phật đem đối tượng phước nghiệp chia thành 8 loại, cũng gọi là 8 loại phước điền. Đó là: Phật, Thánh Nhân (Thánh Quả Tiểu Thừa và Đại thừa chưa chứng được Phật quả, trên Sơ Quả Tiểu Thừa và trên Sơ Địa Đại Thừa), Hòa Thượng (Thân giáo sư là chỉ người Trụ Trì đã xuất gia thọ giới, Cư sĩ không phải là Hòa Thượng), A Xà Lê ( Đạo Phạm Sư như Thầy Giáo Thọ, Thầy Y Chỉ, Thầy Truyền Giới, Thầy Qui y...), Tam Bảo, Cha, Mẹ và người bệnh. Trong 8 loại phước điền( ruộng Phước), Vị Cư Sĩ Tại Gia trước hết nên kính trọng Cha Mẹ, kế đó là Phật, là Thánh nhân.....Không phụng dưỡng cha mẹ mà đem vật chất, tiền bạc đến cúng dường Tam Bảo, đó không phải là sự mong muốn của Đức Phật. Nhưng trong Kinh Phạm Võng nói: “ Nếu Phật tử, thấy tất cả người bệnh, thường nên cúng dường giống như Đức Phật không có gì khác; trong 8 loại phước điền, phước điền thăm bệnh là một trong phước điền bậc nhất”. Đây chính là động viên mọi người làm từ thiện cứu tế. Cúng dường Tam Bảo đương nhiên cần thiết quan trọng, nhưng cứu tế người nghèo bệnh kề sát với sinh tử thì quan trọng hơn. Bình thường, ngoài phụng dưỡng cha mẹ, nên cúng dường Tam Bảo là việc cần làm trước. Gặp được tình huống đặc biệt, nếu có dư giả nên cứu giúp những người nghèo có hoàn cảnh khốn khổ và ách nạn. Đây là những việc mà các Vị Cư Sĩ cần phải hiểu rõ.

Ái Ngữ:

Cái gọi là Ái Ngữ, không phải là nói yêu đương, cũng không phải là người nịnh bợ, mà là dùng thái độ hòa hợp vui vẻ để nói, ngay cả cùng nhau đàm luận với người khác, đó là do tự nhiên biểu lộ lòng từ bi. Bởi vậy, Bồ tát nhìn chúng sanh không có người nào không phải là thân bằng quyến thuộc của mình, không có người nào không phải là đại thiện tri thức, và cũng không có người nào không phải là Phật trong tương lai. Cho nên chỉ có tình thương yêu kính trọng mới không làm mọi người sợ hãi. Vì vậy, lời nói ái ngữ của Đức Phật, không chỉ là kĩ xảo trong cuộc đàm thoại, mà là cách nói chuyện niềm nở, hòa hợp làm cảm động người khác với tấm lòng tha thiết chân thật. Đây chính là đã đạt được sự thọ dụng, trí tuệ, tu dưỡng sau khi Đức Phật giáo hóa những lợi ích thiết thực. Ví như, hỏi thăm người khổ đau, động viên người thất bại, ca ngợi người thành công, khuyên bảo người ngang bướng (cũng có thể dùng lời quở mắng để đạt được mục đích của lời khuyên nhủ khi cần thiết). Cách nói chuyện vui vẻ và tha thiết luôn luôn nhận được sự hoan nghinh của người khác. Cuộc nói chuyện này đẩy mạnh sự hòa thuận vui vẻ, tiến bộ, an ninh cho xã hội. Chúng ta biết người khéo léo hòa giải cuộc tranh luận, nhất định sẽ thích nghi làm Vị lãnh tụ, hoặc ít ra cũng là người có thể nhận được sự hoan nghinh của người khác. Đôi khi gặp người không thể nói lí lẽ cho họ hiểu được, đó cũng chỉ là do họ, không phải miễn cưỡng.

Lợi hành:

Lợi hành, chỉ là sự mưu cầu và thúc tiến công ích đoàn thể. Dùng danh từ hiên đại mà nói, chính là phục vụ xã hội. Trên thực tế, phục vụ xã hội chính xác nên làm như thế nào? Chúng ta đang ở bất cứ đoàn thể nào đều có thể thể nghiệm được. Phàm là người có khả năng suy nghĩ làm lợi ích đoàn thể, lại có thể giúp đỡ người khác giải quyết những khó khăn, tất nhiên cũng là người gửi gắm niềm tin, hy vọng của nhiều người. Một nhà lãnh tụ vĩ đại, tất nhiên có sự phục vụ và cống hiến hết mình đối với xã hội.

Đồng Sự:

Đồng sự, là tự mình hòa nhập vào một xã hội khác, sẽ tự mình biến thành con người sở hữu tập thể của xã hội. Tùy theo nhu cầu của xã hội mà sửa đổi chính mình, làm thay đổi con người trở thành nhu cầu của xã hội. Đức Thế Tôn tùy theo các loại ứng hiện trong hình tướng của Vị Bồ Tát, như có 32 ứng hiện sắc thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, đều là điển hình tốt nhất của đồng sự. Ngài hòa nhập vào xã hội, nhưng không mong muốn theo sự truyền cảm của xã hội nên đã tự biến mât đi. Mục đích hòa nhập vào xã hội, là để lãnh đạo và cảm hóa xã hội. Cho nên Thiền Sư Đạo Nguyên Nhật Bản, định nghĩa và giải thích từ “Đồng Sự” trong quyển Chánh Pháp Nhãn Tạng Tứ Nhiếp Pháp rằng:

Sơ sử tự kỉ đồng dữ tha hậu tắc sử tha đồng dữ tự kỉ Lúc đầu ta gắng theo người

Về sau ta hãy khiến người theo ta

Tóm lại, Tứ Nhiếp Pháp là nền tảng đạo đức không thể thiếu trong cuộc sống xã hội. Nhỏ nhất là một gia đình, rộng lớn là đến toàn thể nhân lọai. Có nhiều trình độ thực tiễn thì tất nhiên có nhiều kết quả trình độ. Một vị Cư Sĩ, nên nỗ lực làm hết sức mình ngay khi nhận lãnh trách nhiệm xã hội giao phó. Như thế sẽ không bị người ngoại đạo hiểu lầm tín đồ Phật Giáo là người tiêu cực lánh đời, mới có thể từng bước thay đổi và hướng dẫn xã hội, làm trong sạch hóa xã hội chúng ta.

8. Cuộc Sống Tôn Giáo Của Vị Cư Sĩ

Đọc qua Thánh Điển Nguyên Thủy Phật Giáo, như Bộ Luật và Bộ A

Hàm, đời sống tôn giáo của Vị Cư Sĩ chính là đời sống Tam Qui, Ngũ Giới, Bát Chánh Đạo, Năm Pháp Cụ Túc, Tứ Nhiếp Pháp…vv. Cuộc sống của người Phàm Tục và vị Cư Sĩ có chỗ không giống nhau, cũng chính là từ trong việc thực hành các hạng mục đạo đức đã trình bày và đã giảng giải qua ở phần trước.

Những điều chưa giảng là vấn đề tu trì Đạo Giải Thoát. Đạo giải thoát không xa lìa Giới, Định và Huệ. Trong cuộc sống hàng ngày, Vị Cư Sĩ cần phải có thời gian biểu cho việc tín ngưỡng của mình mỗi ngày, đó là điều tốt nhất. Ít nhất mỗi ngày dành thời gian khoảng 1, 2 tiếng đồng hồ cho việc tu trì, mình phải phối hợp hoàn cảnh cuộc sống như lễ Phật, Tịnh Tọa, Tụng Kinh, Niệm Phật ( như hoàn cảnh ồn ào, quán tưởng niệm thầm thì có thể), sám hối (bao gồm tự khoan dung, kiểm điểm, thiết tha thành thật ăn năn sám hối, và cảm động niềm tin ân đức của Tam Bảo). Quyết định chọn một trong 2 phương pháp để làm khóa tu kiên định hằng ngày. Nhưng khóa sám hối không thể thiếu, chỉ có không ngừng sám hối mới có thể tiếp tục cải thiện sự tu tập, và mới có thể không ngừng hướng đến con đường giải thoát. Chỉ có mỗi ngày đều sống trong cảnh giới mới “cảm nhận hôm nay làm đúng mà hôm qua làm sai”, mới là người có thể thay đổi phong thái, mới là người có hy vọng mới và pháp hiện mới. Kinh nghiệm Tôn Giáo của người xưa, luôn luôn tự mình sám hối, nhưng mà có phạm vi tự do. Người được tự do không bị người khác làm trở ngại. Sám hối cũng vậy, không nhất định phải theo nghi thức. Quì, đứng, ngồi đều có thể được. Nhưng khi đến giờ khóa tụng, cần phải bỏ hết công việc, nhất tâm trở về cuộc sống chính mình, cho dù ít nhất mỗi lần chỉ tụng được vài phút. Hành trì thường xuyên, ngày tháng đã tăng lên, phải có hiệu nghiệm khả quan, thậm chí đối với cuộc sống nhân sinh, nhất định phải mang lại lạc quan vui vẻ. Đây mới chính là công phu thực hành Đạo Giải Thoát.

Nếu như thời cơ nhân duyên cho phép, nên tìm cách tham gia nhiều Pháp Hội. Tinh tấn nổ lực tu tập trong Tự Viện tương đối dài hạn, nhưng cũng không thể chỉ dựa vào tham gia Pháp Hội, nếu thế thì trở thành một ngày phơi nắng mười ngày để lạnh Người không có kiên trì tu hành đều đặn hăng hái sẽ không có hiệu quả gì.

Vị Cư Sĩ, nếu ao ước muốn ăn chay, đó là việc rất tốt, nhưng nhất định trước hết phải xin phép cả gia đình nhất trí và thông cảm cho bạn. Để theo nguyện vọng mỗi tháng ăn chay 6 ngày, thọ trì Bát Quan Trai Giới, cần phải chứng minh được lợi ích của việc ăn chay. Nếu không, vì học Phật mà khiến cả gia đình mất đi niềm vui và hạnh phúc, điều đó không nên làm.

Tóm lại, một Vị Cư Sĩ, nên là người thực hành Đạo Bồ Tát. Trước hết phải thay đổi phong thái của chính mình, lại mang giáo pháp Đức Phật giáo hóa gia đình, rồi sau đó đem giáo hóa xã hội. Cư Sĩ là người ủng hộ Tam Bảo, nhất định không thể hủy báng Tam Bảo.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Những Gì Là Việc Làm Của Một Vị Cư Sĩ?