Home > Khai Thị Phật Học > Tha-Luc-Va-Tu-Luc
Tha Lực Và Tự Lực
Hòa Thượng Thích Trí Quảng


Đức Phật thành đạo ở cội Bồ đề nhờ tiếp nhận được năng lượng trong trời đất để phát huy nội lực bên trong mà trở thành siêu nhân trên thế gian này và tạo được thân bao trùm khắp Pháp giới. Ngài hiểu rõ và điều động được mối tương quan giữa con người với con người, giữa con người với xã hội và giữa con người với thiên nhiên, từ đó Ngài tạo thành sức sống hài hòa với muôn người, muôn vật, muôn loài. Còn chúng sinh trên thế gian này thật đáng tội nghiệp, không hiểu được mối quan hệ hỗ tương như thế, nên cứ muốn chiếm hữu, muốn làm chủ tất cả dẫn đến sát hại lẫn nhau, làm xã hội và Pháp giới mất thăng bằng cho đến bị suy thoái trầm trọng.

Xưa kia, Đức Phật nhận thấy các vị Đạo sĩ đều đặt trọn niềm tin vào Thượng đế hay Phạm Thiên, nên chỉ biết cầu nguyện lực lượng này gia hộ. Bấy giờ, có một người Bà la môn cứ mỗi sáng thức dậy, ra sân lạy sáu phương. Rất nhiều người làm như vậy y như một cái máy mà không hề ý thức được việc làm này được gì. Phật hỏi họ tại sao lạy sáu phương. Họ trả lời vì đây là truyền thống của dòng họ Bà la môn, tổ tiên làm như vậy, nên tôi cũng cứ làm theo, chứ không biết. Có người cứ đứng chắp tay cầu nguyện Phạm Thiên. Phật hỏi ông có thấy Phạm Thiên hay không. Họ đáp rằng không thấy, nhưng Thầy của họ dạy làm như vậy. Tổ truyền điều này cho Thầy, nhưng Tổ cũng không thấy hình dáng Phạm Thiên. Đức Phật tội nghiệp cho những người mù cùng nắm tay nhau đi. Người trước không biết nhưng dạy người sau, từ đời này truyền sang đời khác, cho nên loài người phải chịu hết khổ này đến khổ khác.

Phật dạy Sa môn tu hành nên phát huy tự lực, nội lực và nương vào nội lực đó để thăng hoa đời sống tinh thần. Ngài ví dụ nếu đem tảng đá thả xuống nước, rồi chắp tay cầu nguyện cho hòn đá nổi lên thì không thể nào được. Nếu đem thùng dầu thả xuống nước thì nó không chìm được. Phật nói cũng giống như vậy, nghiệp của chúng sinh nặng như đá, nên họ sẽ đọa địa ngục. Nếu chúng ta không sai lầm, không tạo tội, tức không có nghiệp thì Thượng đế không thể trừng phạt, bắt chúng ta xuống địa ngục được. Cũng như sống trong xã hội, chúng ta không phạm pháp, được tự do đi lại; nhưng nếu là phạm nhân thì có trốn cũng bị tìm bắt nhốt vào tù. Phạm tội rồi cầu nguyện cho khỏi bị tù là mê tín, không phạm tội thì bỏ tù cũng không được; đó là sự thật trong cuộc sống.

Nhưng khi nghe Phật dạy như vậy, các Thầy chấp pháp tự lực, cho rằng không phạm tội thì không ai bắt và không đọa địa ngục, nên không sợ ai, không sợ địa ngục. Đây là sự cố chấp vào tự ngã không đúng. Tin tưởng tuyệt đối tự lực cũng sai, tin tưởng tuyệt đối tha lực cũng sai.

Trong vũ trụ bao la, năng lực của con người rất giới hạn. Sự tồn tại của ta là tồn tại trong xã hội theo sự tương quan tương duyên giữa con người với nhau. Mỗi người một việc, một nghề và tất cả mọi người có mối tương quan mật thiết với nhau. Chúng ta không thể tự làm đầy đủ tất cả mọi việc cho mình. Cơm ăn phải nhờ người nông dân cày cấy, áo mặc phải nhờ người dệt lụa, cuộc sống bình yên phải nhờ luật pháp, v.v...…

Mọi người trong xã hội đều có mối tương quan tương duyên, nên Phật dạy chúng ta cần ghi nhớ bốn ơn, trong đó ơn sanh thành dưỡng dục quan trọng, vì không có cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì không có ta. Ta có thân người như thế này mới làm được việc thiện để lên thiên đường, hay làm việc ác bị đọa địa ngục. Tất cả mọi hành động thiện ác do chúng ta quyết định; nhưng có thân người, chúng ta còn kẹt túc nghiệp đời trước. Hiểu như vậy sẽ thấy việc dẫn nghiệp rất quan trọng, vì nghiệp sẽ dẫn chúng ta đi thọ sanh trong sáu đường sinh tử. Nghiệp ác nặng sẽ dẫn chúng ta xuống địa ngục, thiện nghiệp lớn sẽ đưa chúng ta lên thiên đường. Chìm xuống hay nổi lên tùy thuộc vào nghiệp và loài người ở trung tâm điểm có thiện và ác. Nếu ác nhiều sẽ sanh vào chỗ bất an, vào gia đình nghèo khó, vào dòng họ không lương thiện. Ví dụ người mẹ chuyên móc túi và người cha là xã hội đen thì ác nghiệp này kết hợp với nhau và người nào có ác nghiệp tương ưng sẽ sanh vô gia đình như vậy.

Mọi người bình đẳng trước chân lý, tức chưa tạo nghiệp ác hay nghiệp thiện, nhưng tạo nghiệp rồi thì kết thành một xã hội sai biệt. Vì vậy, mối tương quan tương duyên của chúng ta là sanh lên cuộc đời này để trả quả báo mà ta đã từng làm đời trước. Đời trước ta đánh mắng người thì đời này ta cũng bị như vậy. Người có phước sanh làm người thì Phổ Hiền Bồ tát nói rằng :

Sanh ra dòng họ cùng dung sắc
Tướng tốt trí huệ đều đầy đủ
Các ma ngoại đạo không phá được
Kham làm phước điền cho ba cõi
Mau đến cội Bồ đề thọ vương
Ngồi an hàng phục các chúng ma
Thành đạo Chánh giác nói pháp mầu
Khắp lợi tất cả loài hàm thức

Do túc phước đời trước và nhiều đời, nên sanh vào dòng họ cao quý và có toàn những điều tốt đẹp như vậy. Điều này muốn nói đến Đức Phật có 32 tướng tốt, trí huệ đầy đủ, các ma không phá được, nên Ngài thành Phật là điều tất yếu. Còn chúng ta tuy đời trước có tu, nhưng ít nhiều phạm lầm lỗi, nên mối tương quan tương duyên của mình ác xấu, muốn tốt cũng không được. Theo Phật, ta phải tự giải quyết mối tương quan này theo hai cách, cách thứ nhất theo nhị thừa và cách thứ hai theo Bồ tát thừa.

Vì vậy, lúc tu hành, ta gặp việc ác xấu xảy đến phải biết ngay là túc nghiệp của mình thì vui vẻ trả. Thực lòng mình cũng muốn tìm chủ nợ cũ để thanh toán món nợ đã vay, nay họ tự đến tìm thì mình khỏi mất công đi tìm. Người thực tu luôn trả nợ cũ và không vay thêm nợ mới, nên nghiệp của chúng ta được nhẹ lần. Người ác thì đối với nghiệp ác trước đã tạo trả ít, nhưng nghiệp mới tạo lại nhiều hơn, nói cách khác là lòng thù hận của chúng ta tăng thêm.

Phật tử nếu biết tu tập, chỉ lo làm để trả nợ, ít tạo thêm nghiệp. Riêng tôi ý thức sâu sắc điều này, trên bước đường tu, tất cả những gì của Tam bảo tôi không dám lãng phí, sợ nợ chồng chất, chỉ cố gắng làm nhiều, nên trả hết nợ rất nhanh. Mặc dù kinh Pháp Hoa nói rằng cùng tử được trả lương gấp đôi, nhưng cũng cố gắng tiêu dùng tối thiểu để còn có thặng dư. Ngày trước còn là du học Tăng, học bổng tôi có 150 USD một tháng, nhưng tôi cố tiết kiệm tối đa, chỉ xài 70, hay 60, hoặc 50 USD, tức là xài một nửa, tích lũy được một nửa, thậm chí chỉ xài 30 USD, thì tiền dư dùng để thanh toán nợ kiếp trước. Đời trước từng gian tham trộm cắp nên đời này mình nghèo khổ, khó khăn. Trả nợ cũ bằng cách bố thí, cúng dường để tạo nghiệp nhân mới tốt lành. Và cuối cùng, ta nhắm vô những người có phước đức để đầu tư cho có lời.

Phật dạy cúng dường nhắm vô đối tượng sẽ dùng làm gì. Nếu họ làm lợi cho mọi người, làm tốt cho đời, thì phước chúng ta cúng cho họ sẽ sanh ra. Trái lại, nghe nói cúng dường, bố thí có phước, nhưng đầu tư vô cho người xì ke thì được lợi gì. Nếu người tu cần một bát nước để sống và tu hành đắc đạo thì ta cúng cho họ bát nước còn quý hơn vàng, vì đã cứu được Sa môn tu đắc đạo, tức đã cúng dường đúng đối tượng thì phước được nhân lên gấp trăm ngàn lần. Trái lại, đối với người nên để họ sống khổ một chút mà họ còn tu được, nhưng ta cúng cho họ một thùng bia, hay một cây thuốc lá là hại họ rồi. Nếu ta không cho những thứ độc hại như vậy, thì ông này không biết hút thuốc, không biết uống bia, không trở thành nghiện thuốc, nghiện rượu, không thể tu được. Đối với học sinh, sinh viên nghèo phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí, chúng ta cho họ 500.000đ hay một triệu đồng học bổng, sau này họ thành tài, đóng góp cho xã hội, ta có phước.

Bố thí và cúng dường đúng, phước chúng ta sanh ra, nghĩa là chúng ta sẽ có bạn tốt. Người mà chúng ta cúng dường, họ đắc Thánh quả, hay người mà chúng ta giúp đỡ, họ ăn nên làm ra, chúng ta sẽ có bạn tốt, bạn giàu có. Người mà chúng ta cúng dường sai pháp, họ không tu, bị đọa địa ngục, ta cũng gánh một phần tội lỗi đó; nói cách khác, người liên hệ với ta bị rơi vô hoàn cảnh nghèo đói, bệnh hoạn, tù tội, chắc chắn ta cũng bị buồn khổ.

Biết được mối tương quan giữa ta và người, giữa ta và sáu đường sinh tử, nên ta tạo mối quan hệ tốt trong sáu loài. Nhờ vậy, những người quan hệ với ta là Bồ tát, Thánh Tăng, hay trưởng giả thì rõ ràng là ta đã có phước. Còn tu sai, làm sai, phải thọ quả báo. Vì vậy, biết ta và người có mối quan hệ hỗ tương thì ta chuyển đổi quan hệ xấu thành quan hệ tốt. Trong mối quan hệ giữa người với người, giữa người với sáu đường sinh tử, Phật dạy có chư Thiên, chư Thần. Đối với chư Thần, chúng ta nhắm đến đối tượng là Hộ pháp thiện thần sẽ giúp chúng ta một phần niềm tin trong vô hình và hỗ trợ cho ta vượt qua một số khó khăn nhất định. Vì vậy, thấy xa bằng mắt huệ thấy được tương quan vô hình là Thầy và chư Thiên thì chúng ta mới cầu nguyện, không phải nhắm mắt cầu nguyện suông. Ta thấy có Trời Đế Thích, Trời Phạm Thiên mới nhờ các Ngài ủng hộ.

Xưa kia, Đức Phật đắc đạo, thấy Phạm Thiên đến thỉnh Ngài chuyển pháp luân. Kinh Hoa Nghiêm nói Phật đã nhận lời. Giữa Phật và Phạm Thiên đã có mối quan hệ rõ ràng. Thật tu là chúng ta gạn lọc tâm hồn mình trong sạch, mà Trời Phạm Thiên rất trong sạch. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng Bồ tát đệ bát địa mới xả được tám thức và quan hệ được với Trời Phạm Thiên. Bồ tát đệ lục địa mới xả được tiền ngũ thức. Tu hành đạt tới vị trí này, chúng ta mới có được mối quan hệ với chư Thiên cõi Trời Dục giới. Còn tâm hồn chúng ta ô uế, xấu xa, tội lỗi thì không thể nào kết nối được với chư Thiên.

Chư Thiên cõi Dục xuống trần gian gặp Tỳ kheo chưa thanh tịnh, sợ quá, bay lên. Tỳ kheo chứng A la hán, chư Thiên sẽ đến hộ pháp. Hoặc đối với Tỳ kheo chứng ít nhất là sơ quả Tu đà hoàn, chư Thiên cũng đưa họ lên cao để hộ vệ. Tôi nghĩ chúng ta không thanh tịnh, nên chư Thiên không dám xuống gần chúng ta; vì vậy, tôi xây tòa cao cho chư Thiên ngự trên nóc tháp của chùa Huê Nghiêm 2 để các Ngài hộ niệm cho chúng ta. Tôi tin như vậy.

Theo tinh thần Đại thừa, khẳng định có Trời, nhưng không phải như Bà la môn tin một cách mê tín; nghĩa là phải thấy và hiểu đúng, ứng dụng có kết quả; đó là sự khác biệt giữa đạo Phật với các tôn giáo khác về chư Thiên. Trên bước đường tu, ta phủ nhận tất cả mọi quan hệ là sai lầm. Riêng tôi thường dùng tâm mình để kiểm chứng, khi tôi nghĩ đến người nào, hoặc tiếp xúc với người nào, tôi coi phản ứng trong tâm mình mà biết tôi và họ có quan hệ như thế nào. Mới nhìn thấy một người mà mình liền sanh tâm kính trọng thì người này có thể là cha mẹ, hoặc Thầy Tổ của mình hiện thân lại, dù tuổi của họ nhỏ hơn mình. Theo tôi, cảm giác đó chính xác đến 60 hay 70%. Ta nghe họ nói, nhìn vào cử chỉ của họ thấy giống cao Tăng, Thánh Tăng và khi tiếp xúc với họ, ta cảm thấy an lạc và kính trọng. Đây chính là tha lực của vị này mà chúng ta có thể kiểm chứng được trong xã hội. Hoặc chúng ta làm gì có Thầy chứng minh thì ta yên tâm vững chí làm; nhưng mất Thầy, ta thấy chơi vơi, đó là tha lực của Thầy gia bị cho ta.

Và tha lực của cộng đồng hay của chúng hội đạo tràng rất quan trọng. Nếu chúng ta tới chỗ toàn Tăng Ni, Phật tử tu hành, tự nhiên chúng ta thấy yên tâm. Tôi và Hòa thượng Minh Chơn vừa dự lễ bế mạc hoằng pháp ở Hải Phòng, chúng tôi thấy yên tâm trước hàng vạn người đến nghe pháp. Nơi chúng ta tới cảm giác không yên tâm là vì trong tha lực vô hình thuộc tà ma ngoại đạo áp lực và thực tế là người xung quanh ác cảm với mình. Tôi luôn kiểm chứng điều này, nên có kinh nghiệm truyền giáo. Có Thầy hỏi rằng tại sao tôi sanh trong giai đoạn chiến tranh và hành đạo cho đến thời hòa bình mà vẫn làm được thông suốt. Tôi thấy điều này không khó, Thầy kia thấy khó, đi đâu cũng bị trở ngại. Tôi thí dụ cho dễ hiểu, trong bát quái có 8 cửa, nhưng Thầy vô cửa tử làm sao sống. Tôi luôn vào cửa sanh thì phải sanh. Trước kia Hòa thượng Thiện Hòa kể rằng Ngài mơ thấy điềm lạ là thấy trước Tổng vụ Thanh niên cắm tấm bảng đề "Tử địa”. Tôi đến nhổ tấm bảng này và cắm bảng "Sanh địa”, thì đúng lúc đó, Hòa thượng Trí Thủ mời tôi làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, mà nay nơi đó là Văn phòng 2 của Giáo hội chúng ta. Lúc đó Nhà nước tiếp quản tòa nhà này và tôi nhận chức vụ Tổng vụ trưởng Thanh niên thì tôi ngầm hiểu ý rằng mình đừng vào cửa tử này, nhưng đi vào cửa sanh là đến nơi có quần chúng quý trọng và chính quyền ủng hộ thì làm sao bị trở ngại.

Chúng ta dùng tâm thanh tịnh quan hệ với chúng sinh trong sáu đường. Nếu quan hệ của chúng ta tốt ở chỗ nào thì đến chỗ đó, chắc chắn thành công. Tôi đến chỗ vắng vẻ cũng cảm nhận được lực vô hình gia bị, chẳng hạn lên núi Thị Vãi, tôi thấy an lạc và cảm giác chư Thần, chư Thiên trên núi gia bị cho mình. Một số Phật tử lên đây tu hành cũng nhận được tâm an lạc, vì đã có được mối quan hệ vô hình giữa mình và chư Thiên. Còn những người trần tục lên đông, suy nghĩ nói năng của họ thô tục thì sự ô uế đó làm cho chốn Thiền môn trở thành không thanh tịnh. Vì vậy, nghe nói trên núi thanh tịnh, nhưng lên đó gặp ồn ào, nên không cảm nhận được sự an lạc.

Tự lực của chúng ta làm sao trong sạch để thông được với chư Thiên, chư Bồ tát, Thanh văn và chư Phật mười phương thì ta tiếp nhận được lực gia bị của các Ngài. Đức Phật Thích Ca ngồi ở Bồ đề đạo tràng, nhưng tâm Ngài ngang qua chư Phật mười phương, cho nên chư Phật mười phương đã đến với Ngài. Thật tu, có được tự lực, tâm ta ngang qua các Ngài thì các Ngài đến với chúng ta gọi là đồng thanh tương ứng. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật ngồi ở Linh Thứu sơn và phóng hào quang chiếu khắp mười phương, chiếu đến Diệu Âm, thì vị Bồ tát này liền đến trợ hóa Phật Thích Ca. Tạo được mối quan hệ sâu sắc trong tương quan vô hình mới cầu nguyện được. Còn người cầu nguyện không được vì tham cầu, hoặc cầu được thì cũng là cái được tạm thời của ma quỷ.

Tự lực tu hành là chính thì tha lực hỗ trợ cho chúng ta được, lúc đó ta sẽ trở thành vạn năng. Ví dụ chúng tôi mở khóa tu này, bước đầu là các Hòa thượng ủng hộ cùng tất cả Phật tử trong nước hướng tâm về đây và có nhiều người đồng hạnh đồng nguyện đến cùng tu, tạo thành sức mạnh tu hành của chúng ta cao.

Tóm lại, một người không thể làm được việc, dù tự lực có cao đến mấy. Phải nhờ đức chúng như hải là Tăng Ni và Phật tử cùng kết hợp hài hòa trong việc tu hành. Tự lực gắn liền với tha lực và tha lực tiềm ẩn trong tự lực, mối quan hệ giữa tự lực và tha lực được nối kết chặt chẽ với nhau mới tạo thành cuộc sống tốt đẹp cho mỗi cá nhân và cho cả cộng đồng an lạc.\

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Bồ Tát Địa Tạng Thánh Đức Hỏi - Đáp, Cư Sĩ Lý Viên Tịnh | Thích Giác Nguyên, Việt Dịch
2.    Địa Tạng Bồ Tát Bản Tích Linh Cảm Lục, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
3.    Địa Tạng Bồ Tát Bốn Nguyện Kinh Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
4.    Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú, Đại Sư Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Địa Tạng Bồ Tát Thánh Đức Đại Quan, Đại Sư Hoằng Nhất | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
6.    Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Luân, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang | Thích Nữ Huệ Thanh, Việt Dịch
7.    Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
8.    Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
9.    Kinh Địa Tạng Dịch Giải, Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
10.    Phổ Khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ Trì Tụng Kinh Địa Tạng, Pháp Sư Tâm Nhiên | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch
11.    Sự Tích Linh Nghiệm Của Ngài Bồ Tát Địa Tạng, Pháp Sư Tâm Nhiên | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch
12.    Từ Bi Địa Tạng Bảo Sám, Ni Sư Hải Triều Âm
13.    Ý Nghĩa Chữ Không Trong Trung Quán, Đại Sư Thích Ấn Thuận | Thượng Tọa Thích Hạnh Bình, Việt Dịch