Home > Khai Thị Phật Học > Thu-Dap-Duc-Vuong
Thư Đáp Đức Vương
Cư Sĩ Nguyên Phong | Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Thừa Đại Vương luận sử, gởi thư đến hỏi sơn tăng pháp môn tu hành thẳng tắt. Xin đáp: Ngài đã có khả năng trì giới không giết hại, và đã trì trai trong ba năm, mà niệm Phật sao vẫn còn tánh nóng nảy, nên nay hỏi rằng còn có pháp nào để tu trì, hầu mong tới lúc lâm chung được an lạc, và đời sau không mê mờ. Đây là Đại Vương kiếp xưa đã tích tập căn lành. Bát Nhã thâm sâu, nên đời nay mới tiếp tục tu hành, lại được địa vị tôn quý ở xứ này ; chẳng mê muội tâm niệm xưa, lại chân thật tha thiết tham cầu yếu chỉ Phật Pháp. Sơn tăng tuy ngu dốt hạ liệt, nhưng lại dám dùng những lời chân thật để đối đáp.

Đức Phật thuyết pháp độ sanh, như cho thuốc tùy theo bệnh trạng; phương tiện lập nhiều môn, không phải có một. Giáo pháp lưu truyền qua xứ này, xưa và nay đều y theo mà phụng hành. Tu hành có hai môn là Thiền và Giáo, mà người người thường đồng quy hướng. Thiền tức là pháp truyền tâm ấn của chư Tổ, mà quý ngay nơi liễu ngộ tự tâm. Cách hạ thủ công phu là chỉ đơn độc đề khởi tham cứu thoại đầu, cho đến lúc thấy rõ tự tâm mới thôi. Pháp môn này chỉ đơn độc dành cho bậc thượng thượng căn; vừa siêu thoát liền nhập thẳng vào. Song, vị này cũng phải luôn luôn theo bậc thiện tri thức, và thường tự thủ hộ điều phục đề tỉnh, thì mới đi đúng con đường chân chánh. Xưa kia, nhiều vị vua quan cũng có khả năng này. Song, ngay cả người xuất gia cũng không thấy có mấy ai hành dễ dàng. Nay Đại Vương tôn thủ nơi thâm mật, không đi bái kiến thiện tri thức, nên sơn tăng không dám dùng những lời này mà khuyến tấn, chỉ mong Ngài y giáo phụng hành.

Ngày xưa, đại sư Trí Giả ở núi Thiên Thai có viết ra bộ “Đại Tiểu Chỉ Quán” và “Thành Phật Yếu Môn”. Bộ “Đại Chỉ Quán” văn nghĩa thâm sâu, rất khó thể hội. Bộ “Tiểu Chỉ Quán” tuy giản dị, và thuyết giảng rõ ràng về cách hạ thủ an tâm, lại cũng khó nhập vào; nghĩa là tuy có thể hiểu biết và có thể hành, nhưng cũng khó mà thành tựu. Trong cuộc sống hằng ngày, ngay nơi các cảnh giới thuận nghịch, đều không thể dùng được, huống là vào lúc lâm chung. Pháp này cũng chẳng dễ dàng cho Đại Vương hành, nên sơn tăng không dám khuyến tấn. Nay đơn độc chỉ có một môn là Phật thuyết cõi Tây Phương Tịnh Độ, chuyên dùng niệm Phật làm sự thiết yếu, dùng quán tưởng cảnh tịnh làm chánh hạnh, dùng sự tụng đọc kinh điển Đại Thừa làm môi giới dẫn phát, dùng phát nguyện làm chỗ hướng đến, dùng bố thí để trang nghiêm ruộng phước. Đây là pháp môn mà người xưa và nay đồng tu trì. Bất luận sang hèn, thông minh ngu độn, đều có thể dụng công tu được. Thế nên, muôn người tu hành, muôn người đồng có cảm ứng.

Xin Đại Vương hãy lưu ý, mà thường ngày cẩn thận dùng pháp môn này, và tu hành đúng theo những quy tắc điều lệ. Đức Phật vì muốn cứu độ thế giới Ta Bà, và các chúng sanh khổ não, mà thuyết môn Tịnh Độ, tức là cách vãng sanh qua cõi Tây Phương Cực Lạc. Song, phải chuyên dùng tâm niệm Phật, phát nguyện vãng sanh. Cõi nước kia có một quyển kinh A Di Đà, dùng làm chứng tín. Trong kinh miêu tả cõi nước kia, cùng cảnh giới nơi đó rất tường tận. Phương thức tu hành, cũng có tình tiết thứ lớp, như pháp làm công quả tăng ích lợi. Phải dùng niệm Phật làm chủ yếu. Mỗi sáng sớm thức dậy lễ Phật, rồi tụng một quyển kinh A Di Đà, hoặc kinh Kim Cang; lần chuỗi niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hoặc ba bốn ngàn lần, hoặc một trăm ngàn lần, xong bèn đối trước tượng Phật mà hồi hướng công đức, phát nguyện vãng sanh qua cõi nước kia; lời này tại trong kinh Công Quả thuyết rõ ràng. Đấy là công quả vào buổi sáng, còn lúc buổi chiều cũng nên hành như thế. Ngày ngày cứ định đặt công phu tu hành như vầy, mà không thiếu sót bê trễ. Pháp này đã từng dạy chư cung nhân quyến thuộc trong hoàng cung. Nếu theo như pháp mà thánh mẫu của thánh tông Nhân Hiếu thường hành. Pháp này cho đến ngày nay trong hoàng cung cũng không bỏ phế, mà lại thường hành. Nếu vì đại sự lâm chung, thì phải dụng công phu này, và phải thường chân thành tu hành thiết tha.

Mỗi ngày, trừ hai thời công quả, trong mười hai thời đều đơn độc khởi một âm thanh Phật A Di Đà nơi ngực, mà niệm niệm không quên, và tâm tâm chẳng u muội. Tất cả việc đời đều không nghĩ đến, mà chỉ dùng một câu A Di Đà Phật này, làm mạng căn của mình, quyết trì giữ mãi, không thể xả bỏ. Cho đến lúc ăn uống ngủ nghỉ, đi đứng nằm ngồi, một âm thanh A Di Đà Phật thời thời luôn hiển hiện. Nếu gặp cảnh giới phiền não, thuận nghịch vui buồn, và lúc tâm bất an, thì phải cố khởi âm thanh niệm Phật liên tục, thì phiền não liền bị tiêu diệt. Tâm phiền não vốn là gốc khổ của sanh tử. Nay dùng niệm Phật để tiêu diệt phiền não, tức là nơi mà Phật cứu độ khổ não sanh tử, chứ chẳng còn pháp nào khác. Niệm Phật cho đến lúc làm chủ được phiền não, thì ngay trong mộng cũng tự làm chủ được. Nếu trong mộng tự làm chủ được, thì ngay trong lúc bệnh khổ cũng tự chủ được. Nếu trong lúc bệnh hoạn khổ đau mà tự chủ được, thì lúc lâm chung tâm sáng suốt rõ ràng, bèn biết nơi sắp đến. Việc này hành không khó, chỉ thiết yếu là tâm phải tha thiết vì sự sanh tử. Đơn độc nương tựa một câu niệm Phật, chớ hướng ra ngoài nghĩ ngợi chuyện khác. Lâu ngày thuần thục, tự nhiên đắc được đại tự tại an lạc, và đắc được đại hoan hỷ thọ dụng, mà dục lạc thế gian không thể nào sánh bằng. Xin Đại Vương hãy lưu ý đến pháp này, cùng chân thật tu hành. Bỏ qua pháp môn này, thì không còn pháp môn thẳng tắt nào khác.

Lại nữa, quyết không thể nghe theo bọn tà kiến tà thuyết để bị mê hoặc. Ngoài ra, nếu Đại Vương muốn biết nơi đi của mình vào lúc lâm chung, còn có một diệu pháp; xin hãy nhớ cho. Pháp này có thể dùng trong lúc niệm Phật; nghĩa là thời thời thường tĩnh mặc quán tưởng trước mặt có một đoá hoa sen lớn, hình dạng như bánh xe lớn, mà không màng xanh đỏ trắng vàng. Quán tưởng hình dạng hoa sen phân minh rõ ràng, rồi lại tưởng nghĩ thân mình đang ngồi an nhiên bất động trong hoa sen. Quán tưởng Phật phóng ánh sáng chiếu đến thân mình. Lúc quán tưởng, không câu nệ đi đứng nằm ngồi, lại cũng không màng năm tháng ngày giờ, chỉ cần thiết là cảnh quán phải rõ ràng tường tận; mở mắt nhắm mắt phải hằng tỉnh giác không mê; cho đến trong mộng cũng thấy Phật A Di Đà, cùng Quán Âm, Thế Chí đến, đồng ngồi trong hoa sen, như thấy rõ sự việc vào ban ngày. Nếu quán tưởng thành tựu, thì đó là lúc cắt đứt được sanh tử. Đến lúc lâm chung, hoa sen hiện ra trước mắt, và tự thấy thân mình ngồi trên hoa đó; ngay lập tức, Phật A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí đồng đến tiếp dẫn. Trong khoảng một niệm, liền được vãng sanh qua thế giới Tây Phương Cực Lạc, rồi cư nơi địa vị bất thối, mãi chẳng trở lại thọ khổ sanh tử. Một đời chân thật tu hành thì quyết sẽ có thật hiệu nghiệm. Pháp môn thẳng tắt này, không phải chỉ nói suông, mà trong kinh điển, nơi nơi Phật đều khai thị tường tận. Thế nên, bảo rằng tuy có nhiều cách thức tu hành, mà nếu bỏ niệm Phật A Di Đà, thì không còn diệu pháp nào khác.

Nghe tâm Đại Vương, không cầu trường sanh, chỉ nguyện phút cuối được sáng suốt. Trừ pháp này ra, không còn pháp nào nữa. Nếu sợ bịnh hoạn mà học cách điều hơi vận khí, thì chẳng phải là pháp hay. Nếu không thể vận được khí, thì ngược lại sanh ra trọng bịnh, khiến không thể cứu chữa. Chớ nên mê hoặc vì pháp thức này. Nếu là pháp niệm Phật thì phải nhất quyết bước vào, còn những pháp khác chẳng màng lưu tâm tới. Xin Đại Vương hãy chân thật lắng nghe những lời đó, chớ có hoài nghi!

Lại nữa, vào ngày hai mươi bảy tháng giêng, tăng Uẩn Chân phụng lệnh chỉ của Đại Vương, đem thơ đến vấn hỏi. Sơn tăng đọc qua nhiều lần, nhận thấy Đại Vương muốn nghiên cứu thể hội đại sự sanh tử, và muốn hiểu rõ căn tông tánh mạng, cùng liễu đạt chỉ thú thiền giáo của Phật Tổ. Sơn tăng ngu muội, không dám vọng đàm, chỉ kính cẩn dùng giáo điển để phân trần đối đáp rõ ràng những điều hỏi đó. Xin hãy xét rõ. Hỏi: Đạo của ba thừa, nguồn gốc của tánh mạng, thuyết của thiền giáo, đạo của Đạt Ma, sao thường bảo: “không có ngôn từ”, thì tâm địa nơi đâu mà dụng công, nhân sanh đến đâu, gì là hạ lạc? Lại bảo: “Màng chi đến việc có Phật hay không có Phật”. Lại bảo: “Trong một tĩnh niệm, không nhân không ngã, ví như hư không”, ý chỉ như thế nào? Xin hãy dùng ngôn từ thượng trung hạ căn, niệm độ sanh của Phật Tổ, mà giải thích tường tận. Đáp: Tông chỉ Phật giáo, chỉ lấy nhất tâm làm tông. Nguyên vì tâm này, bổn gốc vốn tròn đầy, sáng soi bao là, thanh tịnh chẳng dính một hạt bụi. Trong đó vốn không có mê ngộ hay sanh tử, và chẳng lập thánh phàm; chúng sanh cùng Phật đồng một thể, không hai không khác. Đây chính là việc mà ngài Đạt Ma từ Tây Vực sang, chỉ thẳng chơn tâm sẵn có, dùng làm Thiền tông, nên đối đáp với vua Lương Võ Đế:

Lãng nhiên vô thánh. Nếu đốn ngộ tâm này, thì sẽ cắt đứt đường sanh tử. Dẫu cho người nào, chỉ trong một niệm mà đốn ngộ, thì được gọi là như Phật, không cần phải tu chứng theo giai đoạn tiệm thứ của ba thừa giáo. Đây là mục đích con đường hướng thượng của Thiền tông. Từ xưa chư tổ đã truyền, tức là chỉ tâm này, mà dùng làm tông chỉ; đó gọi là thiền. Tông này không lập văn tự, chỉ quý tại minh tâm kiến tánh. Bàn về cách dụng công tiến tu, buổi ban đầu tổ Đạt Ma hỏi nhị tổ Huệ Khả:

Ông thường làm gì?

Khất cầu Thầy dạy con phương pháp an tâm.

Đem tâm ra đây để Ta an cho.

Con tìm tâm mãi chẳng được.

Tổ Đạt Ma bèn ấn chứng:

Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

Không thể dùng lời nói mà đạt được tâm này. Đó là ý chỉ của Tây Lai.

Nhị Tổ lại hỏi:

Còn phương tiện nào chăng?

Ngoài ngưng các duyên, trong không cấp bách; tâm như tường vách, mới có thể nhập đạo. Đây chính là lời dạy tham thiền đầu tiên. Đạo của tổ Đạt Ma, chỉ như thế thôi. Trừ tâm này ra, lại không còn pháp nào khác. Người sau tuy vào thiền đạo đã lâu, nhưng vẫn chưa đốn ngộ, nên mới có thuyết tham thiền quán thoại đầu. Thoại đầu này không hạn cuộc là ai, chỉ dùng công án của người xưa, giữ tại nơi ngực mà hạ nghi tình, và chẳng dùng một chữ; đó là công án; thẳng đến chỗ phát xuất nghi tình, tức là tham cứu. Lâu ngày tham cứu tới lui, rồi tâm địa bỗng nhiên khai mở, như tỉnh giác từ cơn đại mộng; gọi đó là ngộ.

Dùng tham cứu tức là dụng công. Lúc tham cứu chân chánh, trong tâm một niệm chẳng sanh một vật, nên gọi là vô ngã vô nhân, đồng như hư không. Nơi ngộ tức là hạ lạc, nghĩa là đã liễu ngộ được tự tâm, thì căn tình sanh tử trong bao kiếp, nhất tề bèn đốn đoạn. Đã ngộ được tâm này rồi, thì còn thuyết gì là Phật và chúng sanh! Thế nên, từ đó bước ra ba cõi, rồi tùy ý qua lại mà độ chúng sanh, mãi mãi dứt các khổ não, không còn bị sanh tử trói giữ; đó gọi là Bồ tát. Đây là tham thiền đến nơi hạ lạc (giải thoát); tánh mạng từ đó đoạn dứt. Nếu chưa ngộ tâm này, thì suốt đời luôn bị nghiệp thiện ác dẫn dắt, luân chuyển trong sáu đường khổ não. Chưa đến nơi hạ lạc (giải thoát), thì gọi là biển khổ sanh tử, không có bến bờ, chính là như thế.

Hỏi: Đạo của ba thừa là gì?

Do Phật độ sanh, tùy theo căn cơ mà thuyết lập ra các pháp môn phương tiện quyền xảo. Thuyết đại tạng kinh, cũng do ý đó. Pháp của nhất tâm (chúng sanh cùng Phật đồng chung bản thể) vốn không có thân tâm thế giới. Chỉ vì một niệm vọng động lúc ban sơ, khiến mê mất tâm này, nên mới kết thành thân tâm huyễn vọng, tức nay là thân máu mủ thịt thà của mọi người; đó gọi là sắc thân. Tri giác suy nghĩ hôm nay, chính là vọng tưởng. Tâm kinh thuyết năm uẩn vốn là nó. Năm uẩn tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nhục thân tức là sắc uẩn. Tâm tức là bốn uẩn thọ, tưởng, hành, thức. Thân tâm biết khổ vui là thọ. Phân biệt tham cầu, niệm niệm không đoạn ngừng là tưởng. Tưởng này tương tục không đoạn là hành. Chúng là tâm thức tri giác suy nghĩ. Thức tức là mạng căn. Lúc chưa mê, chỉ gọi là tánh. Khi đã mê chân tâm, thì trở thành thân tâm huyễn vọng. Thức đó giữ mất sắc thân, nên gọi là mạng, cũng là cội nguồn của tánh mạng. Phật vừa xuất thế, chỉ dạy người liễu ngộ tâm này. Song, vì mê muội đã lâu, nên không thể liễu ngộ. Vì vậy, Phật quyền thiết phương tiện; đầu tiên dạy người nên biết thân này là gốc khổ. Khổ đó do sự huân tập của tham sân si ái, phiền não mà sanh. Vì vậy, trước tiên con người phải đoạn phiền não, thì mới có thể vượt qua khỏi khổ này. Các người trung căn hạ căn, y theo đó mà tu hành, đoạn dứt phiền não, thì ra khỏi khổ não sanh tử. Đó gọi là Thanh Văn, Duyên Giác, tức là hạ trung nhị thừa. Họ chỉ có khả năng tự độ, không thể độ người. Họ chẳng biết ý chỉ chúng sanh đồng thể tánh, mà chỉ đắc được nửa phần, nên gọi là tiểu thừa.

Người có tâm quảng đại vì chúng sanh, tức là có khả năng tự độ, lại độ được người; tự lợi lợi tha, rộng tu lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Hành lục độ này, khiến tâm kia rộng lớn; đó gọi là Bồ tát, hay đại thừa, cũng gọi là thượng thừa. Hai thừa pháp này, đại tạng kinh đều thuyết rành rẽ. Người nào liễu ngộ tâm này, cuối cùng quy về tâm đó, được gọi là tối thượng thừa nhất thừa, hay là Phật thừa. Đây là pháp cao siêu nhất trong thiền giáo.

Pháp tu hành của ba thừa rất nhiều, kể không thể hết. Song, nếu y một pháp mà tu hành, thì đều có thể xuất ra khỏi sanh tử khổ não, chứ chẳng hạn cuộc vào cái nào. Lập ra các loại phương tiện, chỉ vì muốn chúng sanh liễu ngộ tâm này. Chưa đến nơi hạ lạc, tức là chưa liễu ngộ tâm này, thì vẫn còn ở trong biển khổ, và mãi mãi lưu chuyển tùy theo nghiệp thiện ác. Nếu làm thiện, thì sanh vào loài trời người. Nếu từ tham sân si ái mà gieo nghiệp ác thì đọa vào ba đường ác, thọ khổ vô lượng. Trong ba thừa pháp này, nếu tu học theo trung hạ thừa, thì đa số khi bị ái dục quyến rũ, liền tham đắm nơi thọ dụng, nên không thể cắt đứt tâm vọng tưởng. Người tu học theo thượng thừa, phần nhiều tuy có thể hành bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, nhưng chưa có thể vẹn toàn, cũng chưa có thể xuất ra khỏi sanh tử. Lo mãi tu pháp thiện, nên sanh lên trời. Phước báo tận hết thì lại bị đọa, như trục quay kéo nước giếng, cuối cùng không thể hạ lạc (giải thoát). Nếu cầu ngộ sáng tâm này, để có thể liễu sanh tử, thì cần chi dùng những pháp xen kẻ như trên.

Lại nữa, nếu không quyết tâm tham cứu, hay tùy tiện phóng túng tham cứu mà không được thiện tri thức chỉ dạy, thì e rằng sẽ dụng tâm sai lầm, rồi trở lai bị đọa vào tà kiến, khiến một đời trôi qua vô ích. Tuy muốn cầu hạ lạc (giải thoát) mà không thể được. Chỉ thọ phước báo trên trời, sao miễn khỏi luân hồi! Thế nên, Phật đặc biệt thiết lập phương tiện thẳng tắt, tức là pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nếu trong một đời tu hành thành tựu pháp môn này, thì khi lâm chung, quyết định hạ lạc (sẽ được vãng sanh). Nay vì Đại Vương mà giảng giải pháp môn Tịnh Độ.

Hỏi: Vì sao thiết lập pháp môn Tịnh Độ?

Đáp: Phật thiết lập pháp ba thừa, cần yếu cho người tu hành, không phải chỉ một đời mà có thể thành tựu. Vì sợ đọa lạc vào trong biển khổ sanh tử, khó mà ra khỏi, nên hành tham thiền, có thể trong một đời được liễu ngộ, xuất ra khỏi sanh tử. Song, vì vọng tưởng rối rắm, tập khí sâu dày, nên không thể tham cứu. Nếu chưa ngộ sáng tâm này, thì không miễn luân hồi. Thế nên, Phật mới đặc biệt thiết lập pháp môn cầu vãng sanh qua cõi Tây Phương Cực Lạc. Không luận thượng trung hạ căn, cùng giàu sang nghèo hèn, nếu y chiếu theo đó mà tu hành, thì trong một đời có thể thành tựu. Vì vậy, bảo rằng tuy có nhiều đường lộ tu hành, mà không có pháp nào vi diệu thù thắng bằng pháp môn Tịnh Độ.

Hiện tại, nơi cõi Ta Bà đầy dẫy các sự khổ nhọc, sao chúng ta lại trú ở? Nào là khổ vì sanh, già, bệnh, chết, cho đến khổ vì cầu không được, hay khổ vì oan gia tụ hội, bao loại khổ não, kể không thể hết. Tuy là vương hầu tể tướng, được hưởng thọ sung sướng, nhưng đều là nhân khổ. Những sự khổ cực này, khó mà tránh khỏi. Thế nên, Đức Phật thuyết về cõi Tây Phương Tịnh Độ, mà gọi là Cực Lạc thế giới. Trong cõi nước đó, chỉ thọ các sự sung sướng, nên gọi là Cực Lạc; cõi nước kia không có sự dơ bẩn, nên gọi là Tịnh Độ; không có người nữ, và hóa sanh từ hoa sen, nên không có khổ vì sanh. Thọ mạng dài vô cùng, nên không có khổ vì già, bệnh chết. Y phục thức ăn, tự nhiên sẵn có, nên không khổ vì cầu chẳng được. Chư thượng thiện nhơn đồng tụ hội một nơi, nên không khổ vì oan gia tụ hội. Cõi nước này dùng bảy loại châu báu để trang nghiêm, nên không có đất đá ngói sỏi, hay phẩn tiểu bất tịnh. Bao loại thanh tịnh, hoàn toàn không đồng với thế giới này. Những lời trong kinh A Di Đà, mỗi mỗi đều là sự thật.

Hôm nay, tất cả mọi người nên cầu sanh qua cõi nước đó, chứ không nên cầu pháp gì khác. Nhất tâm niệm Phật dùng làm chánh hạnh, rồi ngày ngày hồi hướng; dùng tâm quán tưởng hoa sen, và thân ngồi trong đó. Đến lúc lâm chung, liền thấy Phật A Di Đà phóng ánh hào quang tiếp dẫn; thấy hoa sen lớn, vụt ra trước mắt; thấy tự thân đang ngồi trên hoa. Trong khoảng một niệm, liền được vãng sanh. Đã vãng sanh qua cõi đó rồi, thì mãi mãi không bị đọa vào đường khổ sanh tử; đó gọi là Bồ Tát Bất Thối Địa. Đây là kết quả của một đời tu hành. Đời sau hạ lạc (giải thoát) rõ ràng như thế. Trừ pháp này ra, nếu có nói cảnh giới gì khác vào lúc lâm chung, thì đó là tà thuyết. Nếu không niệm Phật, thì đến lúc lâm chung, tùy theo nghiệp lành ác đã tạo, cảnh giới thiện ác bèn hiện bày, hối hận cũng không kịp. Đây là pháp môn tu hành thẳng tắt quan trọng nhất, vốn do Đức Phật đặc biệt quyền thiết phương tiện.

Lúc tu Tịnh Độ, không cần cầu ngộ sáng tâm tánh, chỉ chuyên dùng niệm Phật và quán tưởng làm chánh hạnh; lại bố thí, cúng dường chư tăng, tu bao công đức phước điền, để trợ cho việc trang nghiêm cõi Phật. Trong tâm niệm Phật, tuy phát nguyện vãng sanh, mà trước hết phải nên cắt đứt cội gốc sanh tử, thì mới mau có hiệu nghiệm.

Cội gốc sanh tử là gì? Tức là tham đắm hưởng thọ vật chất trên thế gian, cùng sắc đẹp, lời hay, vị ngọt, khẩu nồng. Tất cả đều là gốc khổ. Hiện nay, một hạng người tà có đủ cả tâm sân hận phẫn nộ, cùng tâm chấp trước si ái, và đồng với tà ma ngoại đạo, tà thuyết của tà sư, tà pháp của tà giáo, mà dám tự vọng xưng là hành giáo pháp Đạt Ma Viên Đốn, cùng vọng lập giáo pháp Nam Dương Tịnh Không Vô Vi, Quy Gia. Mỗi mỗi đều là lời nắn tạo của bọn tà nhân trong đời cận đại, khiến làm rối loạn mê hoặc luật pháp của thế nhân. Người người phải lánh xa chúng. Cho đến những thuật toàn chân nắm bỏ âm dương, thuyết nội đơn ngoại đơn, đều là tà pháp, không thể tin được, mà chỉ đơn thuần tin chắc pháp môn niệm Phật. Mỗi ngày tụng kinh A Di Đà hai quyển. Niệm vài ngàn danh hiệu Phật, hoặc không cần đếm số. Tâm tâm không quên danh hiệu Phật, tức là thoại đầu, và cũng là căn gốc của tánh mạng. Lại nữa, không cần hỏi tánh mạng là gì, bản lai diện mục là gì, cùng những thuyết ba hồn bảy vía nguyên thần là gì.

Nếu nhận thức sai lầm nơi luận đàm tông chỉ, thì không thể hạ lạc (giải thoát). Nếu hỏi rằng cuộc đời này như thế nào, và đời kế ra sao, thì nên biết rằng đời này nếu tạo nghiệp ác thì đời sau cảnh ác hiển hiện. Đời này niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì đời sau cảnh giới Phật hiển bày. Toại ý theo sở cầu của mình, đó là việc tốt. Nếu không phải theo đúng sở cầu của thiện tâm, thì đó là việc của tà ma; quyết không thể tin lầm theo. Nếu không, sẽ bị ngộ nhận trong trăm kiếp ngàn đời. Kinh Lăng Già và Lăng Nghiêm nói rõ tường tận. Nếu nói lời rằng phàm có tướng đều là hư vọng, thì đó là lời của pháp môn tham thiền. Đơn độc chỉ cầu chân tâm thanh tịnh, mà chẳng dung chứa một vật; phàm có tướng tức là hư vọng. Niệm Phật cầu vãng sanh qua cõi Tịnh Độ, vốn là do tâm tưởng mà thành tựu.

Kinh nói Nếu quán tưởng vi tế thì cõi nước sẽ thành. Tham thiền muốn đoạn vọng tưởng thật khó. Thế nên, nay dùng tâm tưởng thanh tịnh để tẩy rửa tâm tưởng nhiễm uế. Nếu hoa sen hiện trước mặt thì quán tưởng thành tựu, sao còn bị tướng vọng thôi thúc nữa! Các pháp môn tu hành chẳng đồng, nên không thể bàn luận tóm tắt.

Những lời đối đáp bên trên, mỗi mỗi đều y theo kinh giáo của Phật Tổ mà kiểm nghiệm rõ ràng, chẳng phải là lời đàm luận hư vọng. Nếu tham thiền, tức là lấy việc minh tâm kiến tánh làm chủ. Nếu niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì không cần phải mong cầu minh tâm kiến tánh, mà đơn thuần chỉ luôn niệm Phật, tức tự tâm niệm đều minh giác sáng suốt. Nếu quên mất Phật, tức là chẳng giác. Nếu niệm đến độ trong mộng cũng có thể niệm, tức là thường giác không mê. Hiện tại, nếu tâm này không mê, thì lúc lâm chung tâm này cũng không u muội. Nơi tâm không u muội, tức là hạ lạc (được giải thoát). Hiện tại, Hiền Vương vì quốc sự đa đoan, quyết không thể tham thiền, mà chỉ nên niệm Phật là hay nhất. Không câu nệ trong động tịnh, tức là tại mọi nơi đều niệm được. Đạt được nhất niệm không quên, thì đâu còn pháp vi diệu nào nữa! Trước mặt vẫn biết những việc thần thông, nhưng không thể cần cầu. Xưa kia, đức Phật không hứa khả cho sự tu tập việc đó. Nếu được thành Phật, thì tự nhiên sẽ có thần thông, chẳng cần mong cầu. Đây là việc mà quỷ thần biết trước, chứ con người không thể học được. Vì vậy, không nên nghĩ tưởng đến những việc này. Nếu niệm Phật được nhất tâm bất loạn, thì khi lâm chung, tự nhiên sẽ dự biết thời tiết; đó là thành tựu niệm Phật tam muội. Những điều như trên, xin Hiền Vương tinh tường lưu ý xem xét.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Thư Đáp Đức Vương