Home > Khai Thị Phật Học
Chân Thật Vì Sanh Tử Mà Phát Tâm Bồ Đề
Đại Sư Triệt Ngộ | Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn, Việt Dịch


Nếu chân thật vì sanh tử mà phát tâm Bồ-đề, dùng tin sâu nguyện thiết trì niệm danh hiệu Phật thì chỉ mười sáu chữ Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A-di-đà Phật đã là đại tông chỉ của pháp môn Niệm Phật. Nếu chẳng phát tâm chân thật vì sanh tử thì tất cả những lời khai thị đều là hý luận. Tất cả những khổ não sâu rộng ở thế gian không gì hơn sanh tử. Nếu chẳng thấu suốt sanh tử thì sanh tử tử sanh, sanh sanh tử tử không bao giờ dừng nghỉ, ra khỏi bào thai này lại vào bào thai khác; bỏ đãy da này lại giữ đãy da khác, còn không kham nhận nổi những thống khổ ấy. Huống gì chưa thoát luân hồi thì khó tránh khỏi đọa lạc; bào thai heo, thai chó nơi nào chẳng chui vào; đãy da lừa, da ngựa cái nào chẳng giữ lấy. Thân người khó được mà lại dễ mất, một niệm lỗi lầm thì liền rơi vào đường ác. Tam đồ dễ vào mà lại khó ra, địa ngục dài lâu mà khổ não vô lượng. Từ Thất Phật đến nay còn làm loài trùng kiến, tám vạn kiếp sau chưa thoát thân bồ câu. Đường súc sanh đã dài lâu mà cõi địa ngục, ngạ quỷ còn lâu dài gấp bội. Trải qua kiếp số như hằng sa bao giờ liễu thoát, bao giờ dừng nghỉ. Vạn khổ nấu nung không nơi trở về, không ai cứu vớt. Mỗi lần nói đến việc ấy thì lông tóc dựng ngược, mỗi lần nghĩ đến việc ấy thì ngũ tạng như đốt như thiêu. Vì thế, ngay hôm nay phải thống thiết nghĩ đến sanh tử như mất cha mẹ, như cứu lửa cháy đầu.

Nhưng ta hôm nay có sanh tử thì ta mong cầu xuất ly, tất cả chúng sanh cũng đều có sanh tử thì cũng nên cầu xuất ly. Họ và ta vốn đồng một thể, đều là cha mẹ nhiều đời. Chư Phật vị lai nếu chẳng nghĩ tới việc cứu độ chúng sanh mà chỉ mong cầu tự lợi thì lý này có chỗ thiếu sót, tâm có chỗ chưa an. Huống gì tâm đại bi chưa phát thì bên ngoài không cảm đến chư Phật, bên trong không khế hợp bản tánh; trên chẳng thể thành tựu trọn vẹn Phật đạo, dưới không thể làm lợi ích tất cả quần sanh. Đồng thời ái ân từ vô thủy làm sao dứt bỏ, oán hận từ ngàn đời lấy gì để giải trừ; thiện căn gom nhóm từ lâu xa khó mà thành thục, pháp môn tu hành sẽ gặp nhiều chướng duyên, dẫu có thành tựu cũng sẽ rơi vào nhỏ hẹp. Cho nên cần phải xứng tánh mà phát tâm đại Bồ-đề. Đã phát đại tâm thì nên tu đại hạnh, tìm cầu một pháp môn nào dễ tu hành nhất, dễ thành tựu nhất, thỏa đáng nhất, cùng tột viên đốn nhất trong tất cả các pháp môn để hạ thủ công phu. Pháp môn ấy không gì bằng tin sâu nguyện thiết trì danh hiệu Phật. Tin sâu tức là tin vào Phạm âm của Thích-ca Như Lai nhất định không hư dối, tin tâm nguyện đại từ đại bi của Di-đà Thế Tôn nhất định không phải là nguyện suông. Vả lại dùng nhân niệm Phật cầu vãng sanh thì nhất định sẽ cảm được quả thấy Phật mà được vãng sanh. Như trồng dưa được dưa, tỉa đậu được đậu, vang ắt ứng theo tiếng, ảnh ắt tùy theo hình. Nếu nhân chẳng luống bỏ thì quả ắt không mất. Điều đó không cần đợi phải hỏi Phật, mà có thể tự tin nơi mình vậy. Huống gì một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta toàn chân mà thành vọng, toàn vọng tức chân, suốt ngày tùy duyên, suốt ngày bất biến; ngang thì khắp mười phương, dọc thì suốt ba thời, Tịnh Ðộ Di-Ðà không ngoài đương thể đều bao hàm trong đó. Dùng tâm có Phật nơi ta để niệm Phật nơi tâm ta, há Phật nơi tâm ta chẳng ứng tâm có Phật nơi ta ư ?

Trích từ: Triệt Ngộ Đại Sư Thị Chúng