Vô minh là tâm không có ánh sáng, bị tăm tối, không có trí tuệ Phật, chỉ có thức hồn là cái biết theo bản năng. Vì vậy, tâm chúng sinh nói chung, con người nói riêng, luôn luôn không thấy được lý chân thật của vũ trụ trời đất, đạo lý nhân bản đạo đời trên thế gian.

Tính chất nào che khuất chân tánh chúng sinh, làm cho tâm chúng sinh không thấy được mọi đạo lý chân thật ở đời? Những tính chất che khuất ấy, Phật giáo gọi là UẨN. UẨN đọc theo ngôn ngữ Sancrit là Skandhas, Trung Hoa dịch là Uẩn. Chữ Uẩn dù đơn độc như vậy, nhưng bản chất của nó là tụ tập, kết tụ, nhóm chứa. Nó kết tụ tập hợp lại 5 uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hay 5 uẩn kết tụ lại với nhau. Năm uẩn kết hợp lại với nhau thành thân con người và cả súc vật, do vậy 5 uẩn còn có tên là Sinh Y, Sinh Y là 5 uẩn, chính là nền tảng cấu tạo sinh mệnh chúng sinh và cũng là ngăn che chân tánh chúng sinh, làm cho chúng sinh bị khổ đau, trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Cho nên nói đến chúng sinh là nói đến tâm vô minh bởi 5 uẩn ngăn che chân tâm (Phật tánh). Nói khác hơn, tính chất của 5 uẩn là si mê, u tối, đần độn, do vậy Bồ Tát Cưu Ma La Thập dịch lại theo ý Ngũ Uẩn là Ấm, có nghĩa là ngăn che, cho nên gọi là Ngũ Ấm, Ngũ Uẩn.

Bản chất của mỗi uẩn trong 5 uẩn đều có tính Ái và Thủ. Năng lực của Ái và Thủ sanh ra ngã. Ngược lại Ái Thủ sanh ra chấp ngã. Cho nên chỗ nào có tham ái dục lạc, chỗ đó có chấp thủ.

Đức Phật thuyết Ngũ Uẩn là vì ngài thương chúng sinh, muốn diệt trừ sinh tử khổ đau của chúng sinh. Chúng sinh bị sinh tử khổ đau vì tham ái và chấp thủ. Vì sao chúng sinh cứ chấp thủ và tham ái? Vì do chấp có cái ta nên sinh ra tham ái, chấp thủ. Không có cái ngã, cái ta thì tham ái, chấp thủ không có mặt. Cho nên Đức Phật thuyết Năm Uẩn nói riêng, Phật pháp nói chung, là chỉ rõ cho cái hiện thực tính đó để chúng sinh thấy. Hiện thực tính đó là gì? Đó là chấp ngã, chúng sinh hay ưa chấp ngã, nhưng chấp ngã là chấp cái gì? Chấp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức làm ngã. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức kết tụ lại thành thân người và muôn loài súc sinh. Không có 5 uẩn thì không có con người. Thân chúng sinh, trong đó thân người hoàn toàn là giả, không thật, bởi vì năm uẩn đều vô ngã không tự thể, đều do các duyên giả hợp mà có. Năm uẩn ấy không phải là ngã mà con người cứ chấp là ngã, đó là vô minh. Vô minh là cội gốc của ác nghiệp sinh tử luân hồi khổ đau trong 6 cõi. Cho nên Phật muốn nhổ cái gốc sinh tử luân hồi ấy, chính là cái ngã, cái ta đó bằng cách chỉ cho chúng sinh thấy rõ trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức không có cái nào là cái ngã, cái ta cả!

GIẢNG NGHĨA VÀ NỘI DUNG

Vô nghĩa là không, minh là sáng. Vô minh nghĩa là không sáng, bị tối tăm. Không sáng bị tối tăm ở đây chỉ cho cái tâm chúng sinh không có trí tuệ Phật, chỉ có trí tuệ thế gian. Trí tuệ Phật khác với trí tuệ thế gian, mặc dù cả hai trí tuệ đều do Phật tánh mà có. Nhưng sở dĩ có khác là, về trí tuệ Phật là trí tuệ hoàn toàn nguyên vẹn Phật tánh được hiển lộ hẳn ra. Còn trí tuệ thế gian là Phật tánh trong tâm chúng sinh đang bị các thứ phiền não, ác trược, triền phược, tham, sân, si, chấp ngã, chấp thủ, kiến chấp… ngăn che, giống như căn phòng bị nhiều tấm màn đen phủ xuống ở phía trước làm cho ánh sáng bên ngoài không chiếu sáng được vào căn phòng. Cho nên trí tuệ thế gian là trí tuệ u mê, đần độn, tham danh, chức tước, địa vị, tiền tài, dục vọng, dục lạc, ích kỷ, bỏn sẻn, quyền lợi cá nhân, không chút lợi tha nào cho chúng sinh, v.v… Đó là những chất ô nhiễm của lục đạo sinh tử luân hồi. Trong đó 3 đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là năng lực chủ động của tâm khởi lên nhiều ý niệm về ngã, để rồi sau đó nói và hành động mang 3 tính chất địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh ở bản thân mình và cho nhiều tha nhân. Nên chi con người bất luận giai cấp nào, địa vị nào hễ có loại trí tuệ thế gian, thì trên vận hành sống giữa xã hội, trong tập thể đạo đời, đều luôn gây ra cho mình và cho người khác nhiều nỗi khổ, nhiều xáo trộn, bất an, mất đoàn kết, hận thù, v.v… Đúng như lời Phật nói về ba hạng người làm khổ. Hạng thứ nhất là hạng người chuyên tự làm khổ mình. Hạng thứ hai là hạng người chuyên làm cho người khác khổ vì mình. Hạng thứ ba là hạng người chuyên làm khổ mình và làm khổ người.

Ba hạng người làm khổ mình, làm khổ người nói trên được biểu thị cho 3 đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Dù cho chỉ một lời chửi đổng ra giữa tập thể, một lời đồng ý hành động của kẻ ác, một ý niệm đồng tình hành động kẻ ác, một lời xúi dục kẻ ác hành động tà đạo, v.v… Tất cả đều là mang tính chất của 3 đường ác vì chúng có công năng tạo khổ cho người khác, cho tập thể đồng bào, đồng đạo (hạng người thứ hai), như thể nhiều cơn gió nhỏ hợp lại thành bão gây tang tóc cho muôn loài chúng sinh vậy.

Trí tuệ thế gian là tâm ám độn không chiếu rọi được chân lý các pháp, không nhận ra lý chân thật, chánh đạo là gì! Ngay cả luân lý đạo đức nhân bản cũng không thấy được, huống hồ chân lý thực tướng vô ngã các pháp làm sao thấy được! Đó là vô minh, căn bản của nó là chấp ngã, chấp ngã là vô minh. Cho nên con người có trí tuệ thế gian mê muội chấp ngã đều không thấy nhiều thứ đạo lý chân thật sau đây:

- Không thấy quả đất tròn, xoay chung quanh mặt trời là một loại vô minh cực đoan, nên cứ nói rằng quả đất vuông, đứng một chỗ, có 4 cây trụ ở 4 góc chống đỡ cái vung vĩ đại là bầu trời. Bắt mọi người phải nói theo mình, ai nói khác, thấy khác sẽ bị xử tội chết. Vì vậy nhà khoa học Galilê đã bị những người vô minh thời đó bắt giam cho đến chết vì ông Ga-li-lê cứ giữ nguyên lập trường sự thấy của mình là quả đất tròn xoay chung quanh mặt trời.

- Không thấy cỏ, cây, vạn vật, muôn loài súc sinh lớn, nhỏ, trên khô dưới nước và loài người trên quả đất này có thân tướng khác nhau, môi trường sinh sống khác nhau, là do nhiều duyên sinh giả hợp kết tụ và do dư báo nghiệp quả (con người và muôn loài vật) tạo thành. Ấy thế mà cứ cho rằng do một đấng thượng đế có quyền năng tạo ra. Về loài người muôn kiếp vẫn là người, loài vật là heo, bò, chó, ngựa, v.v… muôn kiếp vẫn là heo, bò, chó, ngựa, không thay đổi. Với con người sẽ được thượng đế rước lên Thiên đàng do có lòng tin và thờ phượng thượng đế. Còn người không tin, không thờ phượng thượng đế sẽ bị thượng đế cho vào hỏa ngục. Với loài vật được thượng đế tạo ra để cho con người ăn thịt và bắt kéo xe, chở nặng… Đó là vô minh.

- Không thấy được thực tướng của các pháp (vạn vật, muôn loài chúng sinh, bản thân mình) là vô ngã. Không thấy mọi hiện tượng vừa mới được các duyên giả hợp kết tụ hiện hữu thành hình tướng là bắt đầu hư hoại (các hài nhi bị khuyết tật) ngay trong trứng nước theo từng giây phút bởi định luật vô thường, bởi vì vốn là vô ngã không tự thể, chỉ là tương quan theo duyên khởi, duyên sinh nên bị hư hoại, chứ không phải chờ cho đến sau khi sinh ra, lớn lên già nua mới bị hư hoại, chết đi. Không ngộ được thực tướng vô ngã, vô thường các pháp, nên con người thường khởi lên tâm tự mãn, tự cao, vị kỷ, hãnh diện, cảm khoái về cái ta(ngã), của ta (ngã sở), nào là dòng họ vua chúa xa xưa, địa vị quan quyền, chức tước, giai cấp giàu sang, mảnh bằng chuyên khoa thể chất sinh vật lý, nhà to cửa rộng, v.v… qua ngôn ngữ và thái độ đối đãi với quần chúng đạo, đời đều mang tính chất vô minh hữu ngã, trí tuệ thế gian, thấy mình có một bản ngã đáng trân quý tôn trọng hơn hết, đó là những tâm vô minh.

- Không thấy được bản thân ta và vạn hữu được có thân hình, tướng trạng đều do các duyên giả hợp kết tụ mà có, chứ không tự nhiên sanh, gọi là vô ngã. Vì thế mới bị hư hoại, mục nát, chết dần, tan rã hoàn toàn với thời gian không hạn định là khi nào gọi là vô thường, tức là thời gian là sanh với diệt. Không thấy được sự hòa hợp giả ấy, là vô minh. Vì vậy mà con người cho rằng bản thân mình do thượng đế tạo dựng ra hay tự nhiên sanh, do định mệnh an bài, nên chi sẽ được tồn tại vĩnh cửu không hư hoại, trẻ mãi không già. Vì tưởng lầm như vậy, mà con người bị khổ tâm khi nhìn thấy da mặt nhăn nheo, mắt ủng, răng rụng, tóc bạc, lưng còm, tai điếc và các chứng bệnh khác. Trước bản thân bị già nưa đổi thay ấy, có số người mặc nhiên để vậy ra sao đó thì ra, nhưng đa số bôn ba đi nhuộm, đi cắt, sửa lại cho được tươi trẻ như xưa, đó là vô minh.

- Không thấy được tất cả bản thể vạn hữu bị biến chuyển, tuần tự hư hoại theo từng sát na giây phút bởi thời gian, không gian gậm nhấm, mà cứ chấp vạn hữu vẫn như cũ, như xưa không gì thay đổi, đó là vô minh. Chẳng hạn cái bàn trong nhà ngày qua tháng lại nó vẫn là cái bàn không gì thay đổi. Nhưng thật sự cái bàn đang bị chuyển biến tuần tự hư hoại qua từng giây phút mà ta không thấy, chỉ thấy được cái tướng bàn giả qua hiện hữu tương tục giả đó, không thấy sự biến chuyển của cái bàn. Cho nên con người thường sanh tâm luyến tiếc một khi sự vật bị hư hoại tan rã, đó là vô minh.

- Không hiểu được lý lẽ như thị tướng của tất cả pháp, đó là vô minh. Như thị tướng, nghĩa là cái tướng như vậy không thể đổi khác được, do công dụng và môi trường hữu dụng của mỗi vật thể mà mỗi vật có tướng như vậy. Chẳng hạn hình tướng của viên phấn, cây bút chì, cây thước kẽ học trò, cây thước thợ mộc, v.v… Một vật thể riêng lẻ như cây bút chì, thì con người không nói nó dài ngắn gì cả. Nhưng đem cây bút chì so sánh đối đãi bên cạnh viên phấn ngắn. Hay đem cây thước kẽ học trò đặt để bên cạnh cây thước thợ mộc, người ta liền nói cây thước kẽ học trò ngắn, thước thợ mộc dài. Nhờ sự đối đãi giả ấy giữa viên phấn và bút chì mà viên phấn ngắn. Nhờ sự đối đãi giữa cây thước thợ mộc và cây thước kẽ học trò mà cây thước thợ mộc dài, thước học trò ngắn.

Do vì có so sánh đối đãi giả giữa vật này với vật kia, giữa người với người, mà tâm con người thấy tướng vật này khác với vật kia, người kia dễ thương, người nọ dễ ghét, để rồi người với người tranh cãi hơn thua với nhau về tướng trạng dị biệt như thị của mọi vật. Hay một cá nhân nào đó khởi tâm không cảm tình với người đối diện và nói thầm rằng: ông này, bà này có cái miệng loe loe dễ ghét. Trong khi ông đó, bà đó rất là hiền hòa đạo đức, chỉ vì có miệng loe mà bị người kia mất cảm tình. Người nào khởi tâm chấp tướng như thị của sự vật và con người, đó là kẻ vô minh. Người có tu tập Phật pháp không bao giờ chấp tướng, chấp pháp (sự vật và con người), luôn tỏ ngộ Như thị tướng, Như thị tánh của các pháp là như vậy. Ta nên biết rằng tướng và tánh của mỗi con người nói riêng trong thực tại như thế nào, ra làm sao… Tất cả đều do quả báo nghiệp của đời trước mà có tánh, tướng như vậy!

- Không thấy được chánh đạo, chánh pháp của Phật dù ở đâu, vào thời đại nào, lúc Phật tại thế, sau khi nhập diệt và hôm nay, đều luôn bị bọn Thiên ma ngoại đạo rình rập, tìm đủ mọi cách đánh phá, tiêu diệt chánh pháp Phật, đó là vô minh.

Rõ ràng, trong kinh Niết Bàn có ghi lại lời Thiên ma nói với Đức Thế Tôn rằng: “Hiện nay chúng tôi không lật đổ được chánh pháp của ngài! Trong tương lai gần, xa hơn hai ngàn năm tới, dòng họ quyến thuộc Thiên ma chúng tôi sẽ tìm đủ cách đánh phá, tiêu diệt chánh pháp của ngài, trong đó có hình tướng cạo tóc, mặc áo cà sa, đội lốt Tỳ Kheo Tăng, Ni trong Tăng đoàn của ngài mà đánh phá chánh pháp bằng cách làm sai chánh pháp, chỉ ngồi hưởng thụ, mọi hình thức dù là Phật giáo nhưng không có chánh đạo…”

Đích thực, sau Phật nhập diệt 235 năm (tương lai gần), bọn ngoại đạo trà trộn vào Phật giáo, giả dạng Tỳ Kheo sửa đổi Phật điển, làm nhiễu loạn giáo nghĩa. Tăng đồ không thể phân biệt được chân giả, bị dẫn dụ vào nẻo tà kiến rất nhiều. Cho nên lúc bấy giờ là thời kỳ kết tập ba tạng kinh, luật, luận lần thứ ba, có vua A Dục dốc lòng tin phụng Phật pháp, nên cùng với 6 vạn Tỳ Kheo họp nhau lại tìm cách cứu vãn tình hình. Kết quả có một ngàn vị Tỳ Kheo tinh thông ba tạng được tuyển chọn cho việc kết tập sau khi thanh lọc.

(Phỏng theo bài Bốn Thời Kỳ Kết Tập – Giáo khoa Phật học – Hạnh Cơ – Trang 261)

Trích từ: Nhiều Điều Người Phật Tử Cần Biết
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Học Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận Tải Về
2 Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư, Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ Tải Về
3 Giáo Trình Phật Học, Lê Kim Kha Tải Về
4 Phật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
5 Giáo Khoa Phật Học - Cấp Một, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
6 Phật Học Trung Đẳng Tập 1, Nguyễn Khuê Tải Về

Tội Và Nghiệp
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Mười Nghiệp Lành
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Tu Trì Tịnh Nghiệp
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang

Nghiệp
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

Nghiệp Tích Lũy
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ