Home > Khai Thị Phật Học
Lược Giải Phẩm Hiện Bảo Tháp
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Tội dưới nhãn quan chúng sinh, là gây ác hại cho người khác, hay là những tội cần phải đưa ra pháp đình xét xử và trừng phạt. Những thứ   đó chung quy chỉ là quả tội, vật tế thần của những nhân tố và trợ duyên khác, mới chính là chính phạm.

Đối với Phật pháp, tội là những tư tưởng, lời nói hay hành động dẫn đến quả ác, hay ngăn chặn quả thiện (đoạn thiện hành ác), bất luận điều này gây ra cho tự thân hay cho tha nhân. Phàm nhân chỉ thấy hiện tượng trước mắt là ác hay thiện, mà không thấy chuỗi nhân duyên kết cấu nên quả đó, vì vậy chỉ kết án quả, mà tha bổng nhân. Do nhân vẫn được tại ngoại tự do sinh quả tiếp, nên ác không diệt sạch được.

Thế nhân thấy thế giới và con người có thiện có ác, đức Phật thấy thế gian là ngũ trược ác thế, chúng sinh thì cử chỉ động niệm đều tạo nghiệp gây tội. Ác thế là vì cảnh giới này do tham ái vô minh tạo thành, lại là môi trường tốt cho tham dục của chúng sinh hoành hành. Chúng sinh thuộc thế giới này cũng đều do vô minh tham ái vọng thành, và bị chúng sai sử như một nô lệ. Vô minh và ái dục tạo nên mọi tội, mầm tội sẵn có nên hễ gặp duyên là tội thành tựu. Như kinh Đại bát niết bàn đức Phật dậy, hễ có tội tất có tội báo, không ác nghiệp ắt không tội báo. Vô minh là tội căn (gốc tạo ra mọi tội), tạo tội hẳn nhiên là ác, nên vô minh cũng chính là ác căn. Vì vậy kinh Bát đại nhân giác dậy, tâm là nguồn ác, thân là mọi tội (nên hiểu tâm này là vọng tâm, tức tâm phan duyên của chúng sinh).

Chúng sinh cho thiện và ác, trí và ngu đối nghịch. Phật pháp rõ trong ác có thiện, trong thiện có ác, trí ngu cũng vậy. Người đời tu thiện   ghét ác, ghét nên phiền não tức bị nhiễm ác, người học Phật tu thiện độ ác, nên không sinh phiền não, tức không bị ác giao động, nói cách khác không bị nhiễm ác để sinh tâm oán ghét, nên độ được ác nơi tâm, nhờ vậy mới trị bệnh ác mà vô nhiễm, như y sĩ phải hội đủ hai khả năng chữa bệnh và phòng bệnh (vô nhiễm).

Thiện của chúng sinh là hành thiện với thiện và hành ác với ác, nên thiện này vẫn thiện ác (diệt ác bằng ác), Phật pháp do tinh thần độ ác nên thiện với cả thiện lẫn ác, đó mới thật sự là thiện, thiện đến chẳng còn mảy may ác (diệt ác bằng độ ác). Hễ còn sinh ác và giúp ác tăng trưởng đều là gây tội.

Nghiệp là mọi hành vi thiện ác, vô kí thuộc thân khẩu ý, dẫn đến cảm thọ khổ lạc gọi là nghiệp nhân. Nếu xảy ra trong quá khứ gọi là túc nghiệp, và nơi hiện tại gọi là hiện nghiệp. Ngoài ra nghiệp còn đuợc định nghĩa là tạo tác, những tạo tác huân tập trong quá khứ thành thói quen hiện tại gọi là nghiệp. Chúng sinh dựa vào những thói quen này tạo tác ra hành động nơi thân gọi là thân nghiệp, tạo tác ra lời lẽ nơi khẩu gọi là ngữ nghiệp, và tạo tác ra động tác nơi ý gọi là ý nghiệp. Mọi cử chỉ động niệm của ba nghiệp đều chiếu theo thói quen tức nghiệp mà tạo tác khiến nghiệp càng tăng trưởng, những nghiệp này không những trói buộc từng chúng sinh, mà còn trói buộc chúng sinh vào nhau, tạo thành một cảnh giới gia duyên bận buộc, không sao xả nổi. Như kinh Tứ thập nhị chương thứ 23 dậy, người bị vợ con nhà cửa trói buộc còn chắc hơn lao tù, lao tù còn có ngày ra, vợ con trói buộc không có cả niệm muốn ra. Vợ con là chỉ mối quan hệ giữa ta và người (hữu tình), nhà cửa chỉ mối quan hệ giữa ta và vật (vô tình), những thứ đó trói buộc (tham đắm), khiến không có cả niệm xả (trói buộc), nên chướng ngại cho việc giải thoát, gây chướng chính đạo tức tội. Chúng sinh mê muội cho nghiệp tức thói quen này là tâm tính. Mọi sự mọi việc đều chiếu theo tính tạo tác (nghiệp tính) của tâm nghiệp này, phát sinh ra động tác ở ba nghiệp, đưa đến luân hồi, lòng vòng trong sáu nẻo là nghiệp đạo, sáu nẻo là cảnh giới của nghiệp, nơi đó chỉ có tội khổ, của tham dục và vô minh. Mới biết tuy bể khổ không bờ, quay đầu là bến, thế nhưng tham dục trói buộc nên nhất quyết hướng dục không hồi đầu gọi là bội giác hợp trần.

Do vậy nên kinh Địa tạng nói chúng sinh cử chỉ động niệm vô phi thị nghiệp vô bất thị tội.

Tội tùng tâm khởi tương tâm sám.
Như trên đã biết vọng tâm vọng nghiệp là gốc gây tội, nên không một tội nào ngoài tâm này mà có, vì vậy chính phạm là vọng tâm cần được xét xử, đó là nghĩa tương tâm sám. Sám có nghĩa hồi đầu thị ngạn (quay đầu là bến), tức không để ba nghiệp tạo tác dưới sự hướng dẫn của vọng tâm, theo chiều hướng tăng trưởng vọng nghiệp.

Khi hồi đầu vĩnh viễn bỏ lại vọng tâm sau lưng, gọi là bội trần hợp giác (tâm nhược diệt thời). Tất nhiên tương lai không còn thấy vọng nghiệp tức tội chướng nữa (tội diệc vong), con đường trước mặt thanh tịnh, không còn có bóng dáng của tội và vọng tâm nữa, đó là nghĩa tội vong tâm diệt lưỡng câu không.

Đạt được mục tiêu tội vong tâm diệt mới đích thực là cứu cánh của sám pháp, nên gọi là chân sám hối.

__________________
Chỉ quán q3.
Phân ba nghiệp
1.Lậu nghiệp, cảm thọ quả báo phần đoạn sinh tử, đó là sự tạo tác của phàm phu.
2.Vô lậu nghiệp, cảm thọ quả báo phương tiện hữu dư độ, đó là tạo tác của nhị thừa.
3.Phi lậu phi vô lậu nghiệp, cảm thọ quả báo thật báo độ, đó là tạo tác của hàng bồ tát.

Đại thừa nghĩa chương q7
1.Thuận hiện thọ nghiệp, nó tạo ra tác nghiệp phát sinh quả báo. Câu xá gọi là thuận hiện pháp thọ nghiệp.
2.Thuận sinh thọ nghiệp, tạo ra tác nghiệp đến kiếp sau thì thọ quả báo. Câu xá gọi là thuận thứ sinh thụ nghiệp.
3.Thuận hậu thủ nghiệp, tạo ra tác nghiệp, từ kiếp thứ hai trở đi mới thọ quả báo. Câu xá gọi là thuận nghiệp thứ thụ nghiệp.

Kinh Niết bàn q37, chỉ 4 nghiệp.
1.Hắc hắc nghiệp, ác nghiệp dẫn đến quả khổ, cả nhân lẫn quả đều đen tối, khổ não.
2.Bạch bạch nghiệp, thiện nghiệp dẫn đến lạc quả, cả nhân lẫn quả đều trong sạch.
3.Hắc bạch nghiệp, thiện ác lẫn lộn
4.Bất hắc bất bạch nghiệp, thoát khỏi tướng hắc bạch tức vô lậu nghiệp.
Ngoài ra còn có lục nghiệp, gồm địa ngục nghiệp, ngạ quỷ nghiệp, súc sinh nghiệp, nhân nghiệp, thiên nghiệp và bất định nghiệp.
Nói chung nghiệp với tội như chim với trứng, tương sinh tương thành.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Lược Giải Phẩm Hiện Bảo Tháp