I. Chánh Văn
Ðệ tứ giác tri
Giải đãi trụy lạc
Thường hành tinh tấn
Phá phiền não ác
Tồi phục tứ ma
Xuất ấm giới ngục.
II. Dịch Nghĩa
Ðiều thứ tư giác ngộ rằng lười biếng sẽ đưa đến sa đọa. Vì vậy nên thường tinh tấn tu tập để phá giặc phiền não, hàng phục bốn loài ma, vượt thoát ngục tù của năm ấm và ba cõi.
III. Giải Thích Nội Dung
Ba điều đầu của tám điều giác ngộ trang bị cho hành giả khả năng nhận thức về bản chất thế giới (điều), chỉ cho hành giả thấy rõ nguồn gốc của đau khổ là tham dục (điều 2) và con đường khởi hành là tri túc, khai mở trí tuệ (điều 3). Ðến bây giờ điều thứ tư, chính là sự dấn thân thực hiện hành trì. Biết mà không làm thì cũng như không biết, học mà không hành thì không có kết quả thực tiễn.
Nhận thức là bước đầu, sự thấy biết một cách sâu sắc và triệt để về thiện và bất thiện, về phàm phu và Thánh đạo sẽ tạo cho tâm thức hành giả một ước vọng: Ước vọng đạt đến mục tiêu giải thoát. Ước vọng nầy kích thích hành động để hướng dẫn hành động, tức là sự nỗ lực hành trì..Sự tu tập hành trì có kết quả hay không, nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhân duyên mà hành giả có được, nhân duyên chủ yếu là ý chí nỗ lực, kinh gọi là Tinh Tấn.
Tu tập là một quá trình, đòi hỏi duy trì ước muốn và nỗ lực thường xuyên, như giọt nước tuy yếu nhưng cứ nhiễu giọt không ngừng có thể làm thủng một tảng đá. Tảng đá trong tâm ta là một nền tảng vô minh phiền não đã được kết tụ rất lâu ngày. Vì vậy, chỉ cần thiếu nỗ lực nhiệt tâm trong một khoảng thời gian ngắn nào đó, trong khoảng không gian, hoàn cảnh nào đó là có thể làm đổ vỡ toàn bộ công trình mà ta đã xây dựng hoặc ít nhất cũng làm chậm bước tu tập của mình. Nên Kinh văn gọi là " lười biếng sẽ đưa đến đọa lạc".
Lười biếng nghĩa là lười biếng làm điều thiện, biết đó là điều tốt mà không thực hiện, hoặc thực hiện mà không đến nơi đến chốn, nửa vời... Ðọa lạc có nghĩa là rơi xuống hoặc thối lui, rơi xuống chỗ thấp kém hèn hạ của phàm phu, thối lui tức có tiến bộ trong tu tập mà không giữ được thành quả, không phát huy thành quả ấy được.
Người tu hành như là một chiến sĩ ra mặt trận chiến đấu với giặc phiền não. Phiền não được gọi là giặc vì chúng có khả năng tàn phá và gieo rắc đau khổ cho cuộc đời của chính mình và tha nhân. Tham lam, sân hận, si mê.... là những phiền não có hoạt động rộng và có lực lượng rất mạnh mẽ, nổi có chìm có, khả năng biến hóa ẩn tàng khó phát hiện và rất khó đối phó. Thấy được chúng là một chuyện, biết chỗ ẩn trú của chúng là một chuyện khác và thắng nó hay tiêu diệt được nó lại là một chuyện khác nữa. Vì vậy mà nội dung của tinh tấn được coi là Tứ Chánh Cần, tức là bốn phương diện tinh tấn:
Nỗ lực đoạn trừ các điều ác chưa sinh tức chúng còn trong trứng nước, chưa được sanh ra.
Nỗ lực đoạn trừ các điều ác đã sanh, không cho chúng phát triển.
Nỗ lực thực hành, khơi dậy các điều thiện chưa sinh được sinh ra.
Nỗ lực thực hành, phát huy các điều thiện đã được tăng trưởng.
Bốn khía cạnh của tinh tấn là những sách lược để chiến thắng. Một mặt kiềm chế, phát hiện và tiêu diệt giặc phiền não; một mặt nhận chân thúc đẩy, hỗ trợ cho các thiện pháp xuất hiện và tăng trưởng. Như vậy, trước hết là chặn đứng sự bành trướng của phiền não, sau đó quân bình lực lượng giữa trí tuệ và phiền não; cuối cùng phát triển khả năng và sức mạnh trí tuệ để chiến thắng giặc phiền não.
Bất cứ một công việc gì, một công trình gì, một pháp môn tu tập nào đều phải có sự nỗ lực cần thiết và đủ để đưa đến thành công. Trên con đường tu tập đoạn trừ các phiền não và phát triển các hạnh lành, tinh tấn là một yếu tố quan trọng. Tính chất của tinh tấn là một năng lực tổng hợp giữa sự thấy biết, ước muốn và chánh niệm tỉnh giác. Mục đích của tinh tấn ở đây nói rõ, đó là đoạn trừ giặc phiền não, hàng phục bốn loài ma, thoát khỏi ngục tù của năm ấm ba cõi.
Giặc phiền não là những tâm lý ô nhiễm bất thiện, có loại thuộc bản năng tiềm ẩn, có loại thuộc mới huân tập, mặt nổi. Căn cứ của giặc phiền não là vô minh và chấp ngã.
Bốn loài ma: Ma là những gì làm chướng ngại sự tu tập.
Phiền não ma: Chính là giặc phiền não, khi ma này xuất hiện thì đau khổ, rối loạn tăng trưởng, thiện pháp tổn giảm.
Ngũ ấm ma: Do chấp thủ sai lầm về thân thể, bị các nhu cầu bất thiện của thân thể lôi cuốn, chi phối mà ta làm cho các ác pháp tăng trưởng, thiện pháp tổn giảm. Do chấp thủ các cảm thọ sung sướng, ghét bỏ các cảm thọ đau khổ và không tỉnh giác với cảm giác thọ không khổ, không vui mà tâm ta bị dẫn dắt, bị đẩy vào vòng cương tỏa của chúng làm cho tâm bất an, ác pháp tăng trưởng, thiện pháp tổn giảm. Do chấp thủ, vướng mắc vào khái niệm, tư duy, thành kiến, sai lầm, tức là bị tưởng ấm chi phối làm ngăn che sự sáng suốt của trí tuệ; do vậy các tưởng bất thiện sinh, trí tuệ tổn giảm. Do chấp thủ, vướng mắc vào sự hoạt động thầm kín, tức động lực tâm lý như tham lam, sân hận... tạo thành xu hướng nội tâm làm cho ác pháp tăng trưởng, thiện pháp khó sanh. Do sự qui định và hạn chế của tâm thức vốn chất chứa năng lực của cảm thọ, tư duy, ý chí bất thiện ô nhiễm mà ta không có cơ hội để tăng trưởng thiện pháp.
Giải thích về ngũ ấm ma, có thể hiểu hai phương diện: Chủ quan và khách quan. Chủ quan nghĩa là do sự chấp thủ, sự vướng mắc của nhận thức về năm ấm mà cản trở sự hiểu biết rõ về bản chất của chúng. Khách quan là chính năm ấm ấy tạo ra năng lực chướng ngại cho sự giác ngộ như câu nói
"hữu thân hữu khổ". Cả hai mặt nầy bao gồm trong nghĩa ngũ ấm ma.
Tử ma: Là một loại chướng ngại đưa đến chấm dứt sinh mệnh của con người, làm cho công trình tu tập dang dở hoặc không tu tập được. Như vậy những gì được coi là tử ma? Có thể đó là quỉ sứ yêu tinh tác họa, đó là bệnh tật hiểm nghèo, những tai nạn, có thể đó là những thế lực hữu hình hay vô hình nào đó. Tóm lại, những gì đưa đến chấm dứt sinh mệnh một cách bất thường thì gọi là tử ma.
Thiên ma: Ðây là một loài ma đặc biệt và siêu hình, còn gọi là Tha Hóa Tự Tại Thiên Vương Ma hay Ma Vương Ba Tuần, chỉ cho thế lực siệu nhiên trong vũ trụ tạo lực cản đối với một người sắp sửa giác ngộ, sắp vượt thoát khỏi sự cương tỏa của ma giới.
Thoát khỏi ngục tù của năm ấm ba cõi: Năm ấm đã giải thích. Ba cõi là dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Ba cõi được coi là ngục tù, là nhà lửa. "Tam giới vô an du như hỏa trạch", là những trói buộc giam hãm của dục và ái. Dục giới là nơi chúng sanh bị trói buộc bởi sự tham dục, dục lạc của giác quan. Sắc giới là nơi chúng sanh bị trói buộc bởi các ái nhiễm của thọ lạc vi tế. Vô sắc giới là nơi chúng sanh bị trói buộc bởi sự ái nhiễm về tưởng. Dục hay ái đều cùng một bản chất và cùng tác dụng trói buộc chúng sanh gắn chặt với dòng sanh tử vô tận. Vì vậy, tinh tấn rất quan trọng, nó sẽ là sức mạnh để vượt qua từng cửa ái hoặc từng giai đoạn tu tập. Nếu vượt qua được các từng cấp của dục giới thì sẽ rơi vào sắc giới ...tiếp tục tinh tấn sẽ vượt thoát trói buộc của ba cõi.
IV. Kết Luận
Sự tu tập cũng như chèo thuyền ngược nước không chèo là bị dừng lại và thối chuyển, tinh tấn là một đức tính cần thiết cho sự chèo con thuyền Bát Nhã vượt biển sanh tử. Ðã là một đức tính thì cũng cần phải tu tập: Tinh tấn tu tập hạnh tinh tấn, không có cái gì tự có hoặc ngẫu nhiên. Tất cả đều tuân thủ các quy luật nhân quả, nghiệp báo, duyên sinh. Nhân như thế nào, duyên như thế nào, thì quả báo như thế ấy.
Hạt nhân hay chủng tử vô minh chấp ngã phiền não đã được tích lũy nhiều đời, có sức mạnh rất lớn, không dễ đoạn trừ. Các loại phiền não, bốn ma, năm ấm, giới đều nằm trong đó. Chánh kiến nhận thức được bản chất, chỗ trú ẩn của chúng rồi mới dùng trí tuệ, tinh tấn đoạn trừ chúng. Những khả năng ấy cũng đều nằm trong tâm thức. Tinh tấn là khai thác triệt để khả năng ấy.