Home > Khai Thị Phật Học > Chuyen-Tham-Muon-Tu-Loi-Thanh-Uoc-Vong-Cong-Hien
Chuyển Tham Muốn Tư Lợi Thành Ước Vọng Cống Hién
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Theo Phật giáo, trong “Bát khổ” (tám điều khổ) có một điều gọi là “cầu bất đắc khổ” (khổ vì cầu không toại nguyện).

Cầu ăn no mặc đủ, an toàn, được tự do, được tôn trọng là bản năng của con người, bản năng đó đến từ nhu cầu rất nhân tính, nhưng một khi những nhu cầu đó không toại, bất thành thì con người thường có khuynh hướng tìm đến cái chết.

Có người xem sự mong cầu của mình còn quý hơn cả mạng sống nên một khi không toại nguyện họ sẽ tìm đến cái chết. Ví dụ, người xem tình yêu là mạng sống thì sẽ tìm đến cái chết khi tình yêu không trọn vẹn, có người thi không đỗ đại học cũng tìm đến cái chết vì tâm chí không thỏa. Tuy nhiên, những người tự tử vì tình, vì danh, vì lợi dù sao cũng chỉ giới hạn ở những phần tử cực đoan, người thường phần lớn không như thế. Nhưng, nếu những mong cầu, kì vọng của mình không được đền đáp như nguyện thường sẽ rất đau khổ, nản chí, ảnh hưởng suốt đời. Người từng nếm mùi thất bại thường tự ti, tiêu cực, than thân trách phận... Vì thế, bất luận ở trường hợp nào, lĩnh vực nào họ cũng đều mất hết niềm tin, không muốn xây dựng lại từ đầu, làm lại cuộc đời mới. Từ những điểm này cho thấy, khổ do cầu không toại nguyện thật sự làm người ta điêu đứng, sống không yên chết không toại. Từ đau khổ đó, có người biến nó thành lòng đố kị, ghen ghét, nghĩ rằng những thứ mình không có được thì người khác cũng không thể có. Đây đích thực là cái khổ lớn trong những cái khổ.

Để giảm nhẹ bớt sự đau khổ do sở cầu không toại, Phật giáo hướng dẫn chúng ta cần biết tiết chế tham muốn, sống biết đủ thiểu dục, tri túc. Khi chúng ta thực hiện được bước “thanh tâm quả dục” (thanh lọc tâm hồn, tiết chế tham muốn) mới không còn bị các tham muốn mang tính bản năng làm đau khổ nữa. Thiểu dục ở đây chỉ sự tham muốn vượt khả năng cơ bản, tham cầu những thứ ngoài tầm tay và vượt lên những tham muốn cơ bản để sống. Một khi các nhu cầu cần thiết để tồn tại đã được đáp ứng, chúng ta không nên quá tham lam, mơ ước những thứ ngoài tầm tay nữa, đấy chính là “tri túc” (sự biết đủ). Ví dụ, chúng ta vốn chỉ cần sống trong một căn phòng đủ rộng để sinh hoạt là được, nhưng có người do không biết đủ, muốn khoe khoang tài sản nên mua căn nhà thật lớn để thể hiện rằng mình nhiều tiền. Nhu cầu về mặc cũng thế, chỉ cần có đủ năm ba bộ để thay là được, thế nhưng có người mua đến mấy chục bộ, thậm chí mấy trăm bộ, đấy chính là biểu hiện rõ nét nhất của việc sống không biết đủ. Lòng tham muốn thỏa mãn cái tôi quá độ, thích hưởng thụ vật chất như thế gọi là “dục vọng”. Mọi dục vọng đều mang tính ích kỉ và nhất định sẽ dẫn đến phiền não, thậm chí còn mang mầm họa diệt thân.

Nhưng nếu chúng ta mơ ước không riêng cho bản thân mà cho mọi người bằng tấm lòng bác ái thì đó không phải là dục vọng nữa mà là nguyện vọng. Nguyện tức tâm lượng rộng lớn, vì mọi người, đấy là lòng thanh tịnh, không mang lại phiền não. Ví dụ, một người phát nguyện dốc hết sức lực, trí lực để cống hiến cho xã hội, muốn người xung quanh được hạnh phúc, đấy đích thực là tâm nguyện thanh tịnh.

Thế nên thiểu dục tri túc không có nghĩa là không làm gì, không cần phải nỗ lực, không cần có chí tiến thủ, cũng không có nghĩa là đánh mất nhiệm vụ và mong ước của mình. Nếu không thì sẽ ngộ nhận rằng người thực hành hạnh Bồ tát đều là người có quá nhiều dục vọng. Hiểu lầm như thế sẽ không muốn thực hành hạnh nguyện Bồ tát, không muốn thành Phật. Quan niệm này không phù hợp với tinh thần Phật pháp, vì thực hiện hạnh nguyện Bồ tát không phải là “dục” mà là “nguyện”, hơn nữa đấy còn là “bi nguyện” (ước nguyện xuất phát từ tâm từ bi vĩ đại).

Người ta thường nói “tri túc giả thường lạc” (người tri túc thường vui). Chúng ta không những phải thực hiện hạnh tri túc, thiểu dục để tránh cái khổ cầu không toại nguyện mà còn phải lập nguyện, dốc hết sức mình phục vụ cho lợi ích của mọi người, giúp mọi người lìa khổ được vui, đấy mới là hạnh phúc đích thực.