Home > Khai Thị Phật Học
Tu Từ Căn Bản
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch


Chúng ta cần nhận thức bản chất của Phật pháp, tu từ căn bản, căn bản là gì vậy? Căn bản là tâm, hiếu kính phải sanh khởi từ trong tâm, phải từ chân tâm chứ không phải từ vọng tâm. Vọng tâm không phải là căn bản, chân tâm mới là căn bản. Cho nên nhà Phật xem trọng nhất chính là chân tâm, Phật nói với chúng ta lục đạo chúng sanh dụng tâm không phải là chân tâm. Chân tâm trong Phật pháp Đại thừa có tên gọi là “tâm Bồ-đề”, tâm Bồ-đề là chân tâm. Cho nên Đức Phật thường khuyên người cần phát tâm Bồ-đề, phát tâm Bồ-đề chính là dạy bạn dùng chân tâm, không được dùng giả tâm. Dụng tâm của phàm phu là hư tình giả ý, không phải chân thật, chân tâm vĩnh viễn không thay đổi, vọng tâm biến hóa trong từng sát-na hay chúng ta còn gọi là cảm xúc. Cảm xúc là vọng tâm, thiên biến vạn hóa, rất không ổn định. Vì vậy chúng ta cần hiểu được đạo lý căn bản dạy học của nhà Phật, nắm được trọng tâm này rồi chăm chỉ nỗ lực học tập sẽ rất nhanh, sẽ không lãng phí nhiều thời gian và cũng sẽ không đi vào những con đường oan uổng.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử đã làm tấm gương cho chúng ta, một đời viên mãn thành Phật. Vì sao Ngài có thể làm được? Vì Ngài biết dùng chân tâm. Người bình thường thế gian chúng ta tu hành, vì sao thường nói phải tu ba đại A-tăng-kỳ kiếp? Là vì họ không biết dụng tâm, họ dụng tâm không chân thật. Nếu dụng tâm chân thật thì sẽ rất nhanh, thành Phật đâu cần thời gian dài như vậy. Đạo lý này chúng ta nhất định phải hiểu. Vì vậy học Phật nhất định phải bắt đầu từ “Hiếu dưỡng phụ mẫu”, hết thảy chư Phật Bồ-tát đều là hiếu tử, hết thảy chư Phật Bồ-tát đều là học trò ngoan. Nếu chúng ta bỏ quên điều kiện này thì sự tu học cả đời này của chúng ta đều là luống công. Nói cách khác, chúng ta vẫn không ngừng tạo tam đồ lục đạo, nhất định không thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nếu muốn cuộc đời này thật sự thành tựu thì không thể không thật sự dụng công.

Phật pháp là sư đạo, là hiếu đạo, vì vậy không thể không xem trọng ân đức. Ngày nay trong xã hội, hiện tượng vong ân bội nghĩa rất nhiều. Phật dạy chúng ta “Tri ân báo ân”, Triệu Phác lão ở Bắc Kinh viết bốn chữ “Tri ân báo ân”, chúng tôi đã đem bốn chữ này in ra rất nhiều, đã in mười mấy vạn tờ để lưu thông trên khắp thế giới nhằm thức tỉnh mọi người biết tri ân báo ân. Đây là đạo lý căn bản của hiếu thân tôn sư. Một chút lòng tốt của người khác đối với chúng ta, chúng ta không được lãng quên, thường xuyên tưởng nhớ, nếu có cơ hội thì nhất định không quên báo ơn, niệm niệm khắc ghi. Người sống trong thế gian, chúng ta được thân thể, sanh mạng này là ân huệ của cha mẹ, đặc biệt là ơn dưỡng dục của cha mẹ. Khi còn là trẻ nhỏ, cha mẹ chăm sóc tỉ mỉ chu đáo từng li từng tí, chúng ta cần phải biết được. Cho nên Phật dạy người, trong nhà bạn có hai vị Phật sống bạn có biết hay không? Hai vị Phật sống mà Thế Tôn muốn nói đến ở đây chính là cha mẹ trong nhà của bạn, bạn cần phải cung kính cúng dường. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này rồi, biết được làm thế nào tu hành. Điều này chính là thầy giáo dạy chúng ta. Bổn Sư của chúng ta chính là Thích-ca Mâu-ni Phật, vị thầy hiện nay của chúng ta chính là đệ tử truyền thừa của Thích-ca Mâu-ni Phật, tuy nhiên nếu chúng ta không có được giáo huấn của Ngài thì chúng ta làm sao biết được những đạo lý lớn lao này, chúng ta làm sao thành tựu được quả báo thù thắng như thế. Cho nên hôm nay chúng ta tự mình thực hành, giúp đỡ người khác, điều cơ bản nhất chính là tri ân báo ân.

Trích từ: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên 090