Lục Nhập Là Gì...?
Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng

Nói về 6 nhập xứ: Có 131 kinh nói về Lục nhập xứ, nằm rải rác trong các quyển 8 (kinh số 188-229), quyển 9 (kinh số 230-255), quyển 11 (kinh số 273-282), quyển 13 (kinh số 304-342) và quyển 43 (kinh số 1164-1177). Tất cả các kinh trong phần này đều nói 6 nhập xứ là vô thường, khổ, không, vô ngã, là pháp nghiệp hư dối, pháp tàn hoại, pháp sinh, già, bệnh, chết, sầu lo, phiền não, là pháp tập khởi, pháp diệt tận, là pháp biết, pháp phân biệt, pháp dứt trừ, pháp giác, pháp chứng, là ma, thế lực của ma, tất cả đang bùng cháy. Chúng sinh do không thấy được thực tướng của các pháp này nên chẳng sinh tâm nhàm chán, ngược lại còn sinh lòng tham ái, chấp thủ, nên bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi, nhận chịu khổ đau, phiền não, bị dục thiêu đốt. Vì vậy, Đức Phật dạy phương pháp quán chiếu 6 nhập xứ bằng nhiều cách nhằm chỉ cho thấy và biết thế nào để lần lượt dứt sạch kết sử, đoạn trừ tất cả những hệ phược, phiền não, cấu uế, dứt sạch tà kiến, làm cho chính kiến phát sinh, đoạn trừ vô minh, làm cho minh sinh, thẳng đến Niết-bàn.

Xứ, tiếng Phạn là āyatana, xưa dịch là nhập, có nghĩa là nơi làm phát sinh các tâm lý (tâm và tâm sở). Lục nhập xứ gồm có nội lục nhập là 6 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và ngoại lục nhập là 6 cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (gọi là 12 xứ). Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển 4, giải thích: nhập có nghĩa thiệp nhập, tiếp xúc; xứ là chỗ nương tựa, chỗ y cứ. 6 căn và 6 cảnh hỗ tương, tiếp xúc với nhau mà sinh ra 6 thức nên gọi là nhập, là nơi phát sinh ra 6 thức nên gọi là xứ. 6 căn là chủ thể nhận thức, 6 cảnh là đối tượng của nhận thức. 6 căn, 6 cảnh và 6 thức hợp thành 18 loại gọi là thập bát giới. Đại Tỳ Bà Sa Luận, quyển 71, nói: 18 giới hoặc 12 xứ thâu nhiếp tất cả các pháp, là nơi phát sinh ra thế gian và con người.

Thật vậy, cái được gọi là thế gian chính “là sáu nội nhập xứ. Những gì là sáu? Nhãn nội nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nội nhập xứ”. Thế gian này được tập khởi từ “tham ái về đời sống tương lai, khát vọng tồn tại đời sau, ước vọng tái sinh chỗ ngày chỗ kia”. 

Kinh nói, khi con mắt tiếp xúc với sắc, phát sinh ra một thứ nhận thức gọi là nhãn thức. Bởi nhân duyên nhãn xúc, nhãn thức hình thành đi theo với cảm thọ (cảm giác) hoặc ưa thích (lạc thọ), hoặc chán ghét (khổ thọ), hoặc không ưa thích cũng không chán ghét (phi khổ phi lạc thọ). Tai, mũi, lưỡi, thân, ý, tiếp xúc với thanh, hương, vị, xúc, pháp, do nhân duyên ấy hình thành nên nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. Đó gọi là thế gian. Vì sao? “Vì 6 nhập xứ tập khởi nên xúc tập khởi, cho đến thuần một tụ khổ lớn cũng tập khởi” (tức 12 nhân duyên tập khởi).

Thế gian được hình thành như thế là không bền chắc, vô thường. Vì vậy, thế gian, trong tiếng Phạn là loka, được định nghĩa là mong manh, giòn, dễ tan vỡ. Thế nào là dễ tan vỡ? Kinh nói: “Mắt là pháp mong manh, dễ tan vỡ. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sinh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng đều mong manh, dễ tan vỡ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó là nói rằng vì nó mong manh, dễ tan vỡ cho nên gọi là thế gian.”

Cái mà ta gọi con người cũng chỉ là sự hòa hợp của 6 căn, 6 cảnh và 6 thức: “Mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Ba sự hòa hợp sinh ra xúc, thọ, tưởng, tư câu sinh với xúc, bốn vô sắc ấm này, mắt và sắc, những pháp này gọi là con người. Ở nơi những pháp này mà khởi ý tưởng là con người, là chúng sinh”. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. “Duyên ý và pháp sinh ra ý thức. Ba sự hòa hợp sinh ra xúc, thọ câu sinh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, và bốn đại, là sở y của con người; những pháp này gọi là con người”.

Thế gian và con người như thế, thực chất chỉ là sự hòa hợp của 18 giới hoặc 12 xứ, được thúc đẩy bởi tham ái mà hiện hữu. Do đó, phương pháp để diệt tận thế gian với tất cả những khổ đau và hệ lụy mà kiếp nhân sinh đã, đang và sẽ phải gánh chịu là đoạn trừ không dư tàn tham ái đối với sự hiện hữu trong tương lai, đi đôi với tham và hỷ, ước vọng tái sinh chỗ này chỗ kia. Con đường đưa đến sự diệt tận đó “là tám Thánh đạo: chính kiến, chính chí, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính phương tiện, chính niệm, chính định”. Phải luôn luôn “quán sát mắt là vô thường. Quán sát sắc, nhãn thức và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sinh bởi nhân duyên nhãn xúc; chúng cũng đều là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó gọi là con đường đưa đến Niết-bàn.”

Người đời nói biển là lớn, nhưng “đó là lời nói của người ngu, chứ không phải là lời nói của bậc Thánh. Bậc Thánh nói mắt là biển lớn của con người và sắc kia là sóng cả. Nếu người nào chịu nổi sắc ba đào, thì sẽ vượt qua bờ bên kia của biển cả của mắt, với các sóng cả, các dòng xoáy, sâu trùng độc hại và nữ quỷ La-sát. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý; chúng là biển cả của con người, âm thanh, mùi hương, vị, xúc chạm và pháp là sóng cả. Nếu ai kham chịu nổi pháp ba đào này, thì sẽ vượt qua bờ bên kia của biển cả của mắt, với các sóng cả, các dòng xoáy, sâu trùng độc hại và nữ quỷ La-sát.”

Những ai “đối với sắc được nhận thức bởi mắt mà có ái niệm, đắm nhiễm; do ái niệm, đắm nhiễm, thường y trên thức và bị nó trói buộc, bị nó giữ chặt, nên không thể nhập Niết-bàn ngay trong  đời hiện tại. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy”. Đoạn kinh này làm chúng ta hiểu hơn về câu nói của Trúc Lâm Điều Ngự Trần Nhân Tông: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Nghĩa là, “đối với sắc được nhận thức bởi mắt mà không ái niệm, đắm nhiễm; vì không có ái niệm, đắm nhiễm nên không y trên thức. Vì không bị xúc, không bị dính mắc, không bị chấp thủ, nên các Tỳ-kheo này nhập Niết-bàn ngay trong đời hiện tại. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy”.

Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn hộ trì 6 căn, đừng để 6 cảnh đắm nhiễm. Cũng như con rùa sống trong bụi cỏ ven sông. Hôm nọ có một con dã can đói đi tìm thức ăn. Vừa thấy con rùa, nó vội nhảy tới vồ lấy. Con rùa thấy vậy, liền thu hết đầu đuôi và bốn chân vào trong mai. Dã can canh đợi con rùa thò đầu, chân ra là chụp ăn liền. Nhưng chờ lâu quá, mà nhất định rùa không thò đầu và chân ra. Dã can đói quá, tức tối bỏ đi.

“Này các Tỳ-kheo, ngày nay các ông cũng lại biết như vậy. Ma Ba-tuần luôn luôn dò xét tìm cơ hội bên các ông. Mong đợi mắt các ông đắm sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhớ pháp mà xúi dục sinh tâm đắm nhiễm sáu trần. Cho nên Tỳ-kheo, các ông phải luôn luôn giữ gìn luật nghi của mắt. Khi đã giữ gìn an trụ nơi luật nghi của mắt rồi, dù mắt có sinh khởi hoặc duyên cảnh đi nữa thì ác Ma Ba-tuần cũng không thể tìm được cơ hội. Tai mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Dù sáu căn kia có sinh khởi hoặc duyên cảnh đi nữa, thì chúng cũng không thể tìm được tiện lợi. Giống như con rùa, dã can không thể tìm được cơ hội nào.”
 
Trích từ: Giới Thiệu Tạp A Hàm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Bát Thức Quy Củ Tụng Trang Chú, Cư Sĩ Quảng Minh Tải Về
2 Thành Duy Thức, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ Tải Về

Thập Nhị Nhân Duyên
Gia Đình Phật Tử

Thập Nhị Nhân Duyên
Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

Ngũ Uẩn Nghĩa Là Gì...?
Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng

Thập Nhị Nhân Duyên
Hòa Thượng Thích Đức Thắng

Duy Thức Phương Tiện Đàm
Đường Đại Viên