Home > Khai Thị Niệm Phật
Phổ Hiền
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh


Giữa pháp hội Hoa Nghiêm, trước vi trần số đại Bồ Tát cùng chúng đại Thanh Văn và vô lượng nhơn, thiên, bát bộ, dưới sự chủ tọa chứng minh của Đức Bổn Sư Thế Tôn. Phổ Hiền Bồ Tát khi ca tụng công đức của Phật xong, ngài nói với đại chúng và Thiện Tài đồng tử rằng: “Này các Ngài! Nếu người nào muốn thành tựu công đức của Phật, phải tu mười môn hạnh nguyện rộng lớn: một là “lễ kính chư Phật”, hai là “xưng tán Như Lai”, ba là “quảng tu cúng dường”, bốn là “sám hối nghiệp chướng”, năm là “tùy hỷ công đức”, sáu là “thỉnh chuyển pháp luân”, bảy là “thỉnh Phật trụ thế”. Tám là “thường tùy Phật học”, chín là “hằng thuận chúng sanh”, mười là “phổ giai hồi hướng”.

Nếu các vị Bồ Tát tùy thuận vào nơi mười đại nguyện này, thời có thể thành thục tất cả chúng sanh, thời có thể tùy thuận Vô thượng Chánh giác và có thể thành tựu hoàn mãn các hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát.

Hoặc lại có người thâm tín mười đại nguyện này, rồi thọ trì đọc tụng, nhẫn đến biên chép cùng giảng nói cho mọi người, người này sẽ được vãng sanh Cực Lạc. Đến giờ lâm chung căn thân đều hư hoại; thân thuộc, danh vị, quyền thế, tiền tài v.v... tất cả đều bỏ lìa, duy có đại nguyện này không rời người. Trong một sát na, nó dẫn đạo cho người sanh về Cực Lạc thế giới, liền được thấy Đức A Di Đà Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát v.v... Người ấy tự thấy mình sanh trong hoa sen báu, được Đức Phật thọ ký. Được thọ ký rồi, từ đó đến vô số trăm nghìn muôn ức na do tha kiếp, người dùng trí huệ tùy thuận tâm tánh của chúng sanh trong vô lượng vô số thế giới của mười phương mà làm cho được lợi ích. Không bao lâu người ấy sẽ ngồi đạo tràng Bồ đề, hàng phục quân ma thành bậc Vô thượng Chánh giác, chuyển đại pháp luân, nhẫn đến làm lợi ích cho tất cả chúng sanh cùng tận thuở vị lai...

Kế đó ngài xướng kệ rằng:

Nguyện tôi đến lúc mạng sắp chết
Trừ hết tất cả những chướng ngại
Diện kiến Đức Phật A Di Đà
Liền được vãng sanh nước Cực Lạc
Tôi đã vãng sanh Cực Lạc rồi
Hiện tiền thành tựu đại nguyện này
Viên mãn tất cả không còn thừa
Lợi lạc hết thảy chúng sanh giới
Chúng hội của Phật đều thanh tịnh
Tôi liền thác sanh trong hoa sen
Nhìn thấy Như Lai Vô Lượng Quang
Hiện tiền thọ ký tôi thành Phật
Được đức Như Lai thọ ký rồi
Hóa vô số trăm câu chi thân
Trí lực rộng lớn khắp mười phương
Lợi khắp tất cả chúng sanh giới.

Và sau cùng, Phổ Hiền Bồ Tát kết thời thuyết pháp ấy bằng bài kệ hồi hướng công đức, nguyện cho mọi loài đồng về Cực Lạc.

Thắng hạnh Phổ Hiền của tôi đây
Thắng phước vô biên đều hồi hướng
Nguyện cho những chúng sanh trôi chìm
Mau sanh cõi Vô Lượng Quang Phật.

Bồ Tát dứt lời Đức Bổn Sư liền khen rằng: “Thiện tai! Thiện tai!”

Trích Hoa Nghiêm Kinh - Hạnh Nguyện phẩm


LỜI PHỤ

– Pháp hội Hoa Nghiêm, một pháp hội lớn nhứt và viên mãn nhứt trong một đời ứng thế của Đức Bổn Sư. Phổ Hiền, vị đại Bồ Tát thượng thủ của pháp hội này. Chúng hội là những bậc Đại thừa viên giáo, trụ bất tư nghị giải thoát cảnh giới.

Đức Phổ Hiền tự nguyện, và dẫn đạo toàn thể chúng hội đồng nguyện cùng về Cực Lạc thế giới để mau viên mãn phước huệ, chóng chứng quả Vô thượng Bồ đề, và chỉ có cứu cánh Phật quả mới độ sanh được viên mãn rốt ráo.

Do đây thấy rằng, Cực Lạc thế giới là một đại học đường bảo đảm mau thành Phật, nên chư vị đại Bồ Tát mới đồng nguyện cùng về như vậy.


II ĐỨC PHỔ HIỀN DẠY TU NIỆM PHẬT TAM MUỘI

Thuật theo Kinh: “Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới”

... Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nhập vào chánh định “Như Lai bất tư nghị cảnh giới”. Phổ Hiền Bồ Tát nói với Đức Tạng Bồ Tát rằng: “Nếu ai phát Bồ đề tâm muốn chứng chánh định này, trước phải tu trí huệ. Vì chánh định này do trí huệ mà đặng.

Đây là tu trí huệ: Phải xa lìa vọng ngôn ỷ ngữ và những sự tán loạn vô ích. Rồi đến Phật điện, xem tượng Phật thuần vàng, hay tượng Phật thếp vàng, đủ các tướng tốt cùng viên quang hóa Phật. Liền cúi đầu đảnh lễ mà suy nghĩ như vầy: “Tôi nghe Đức A Di Đà hiện tại đương thuyết pháp ở Tây phương Cực Lạc thế giới”. Rồi lòng tôn kính tin mến, tưởng hình tượng ấy là thân thiệt của Đức Phật. Hết lòng kính ngưỡng như Đức Phật hiện đến. Rồi nhứt tâm nhìn kỹ từ trên đảnh tướng đến dưới bàn chân.

Nhìn xong, đi qua chỗ vắng vẻ ngồi ngay thẳng, quán tưởng Đức Phật hiện ra cao lớn chừng một tay. Trong tâm phải khắn nhớ luôn chớ để quên mất. Nếu tạm quên, thời đến Phật điện mà chăm nhìn lại. Lúc nhìn xem như vậy, lòng phải hết sức cung kính như đối Phật thiệt, không để có quan niệm là hình tượng.

Rồi sắm hoa đẹp, hương thơm dâng cúng. Nhứt tâm tưởng là Đức Phật ở trước mình. Và nghĩ rằng: Đức Phật Thế Tôn là bậc Nhứt thiết trí, ngài thấy tất cả, nghe tất cả, chắc ngài biết rõ tâm mình.

Khi quán tưởng thành, liền trở về chỗ vắng, ngồi tưởng nhớ mãi không quên. Nhứt tâm siêng tu đủ 21 ngày, nếu là người phước đức thời bèn thấy Đức Như Lai hiện ra.

Hoặc là người đời trước có gây tạo ác nghiệp mà chẳng đặng thấy Phật nếu có thể chuyên cần tu tập không thoái tâm và không móng tưởng việc khác, thời rồi lại mau được thấy Phật.

Vì rằng nếu ai cầu Vô thượng Bồ đề mà chuyên tu một pháp thời đều thành tựu cả. Như người uống một ngụm nước biển, tức là đã được nếm nước của tất cả con sông trong đại địa. Bồ Tát nếu có thể tu tập pháp môn này, thời là đã tu tất cả Tam muội, các nhẫn, các địa, các môn đà la ni. Vì thế, phải nên thường siêng tu tập, chớ có biếng trễ, chớ nên phóng dật, nhứt tâm tưởng niệm cho được hiện tiền thấy Phật.

Lúc được thấy Phật, lại nên nhận biết là tâm tưởng sanh, là duy tâm hiện, bình đẳng không sai khác. Tâm mình làm tâm Phật, rời tâm không Phật. Nhẫn đến thập phương chư Phật cũng vậy, đều chỉ y tự tâm. Bồ Tát nếu có thể thấu rõ chư Phật và tất cả pháp đều là duy tâm, thời đặng chứng tùy thuận nhẫn hoặc nhập sơ địa. Lúc lâm chung được sanh về Cực Lạc Tịnh Độ, thường được thấy Phật, gần Phật, nghe pháp và cúng dường Phật.


LỜI PHỤ.

– Pháp môn niệm Phật có bốn: A.- Thật tướng niệm Phật; B.- Quán tưởng niệm Phật; C.- Quán tượng niệm Phật; D.- Trì danh niệm Phật.

Một môn A thuộc về lý niệm. Ba môn dưới thuộc về sự niệm gồm cả lý niệm.

Bài trên, Phổ Hiền Bồ Tát dạy quán tượng trước, kế tưởng niệm. Và sau cùng, khi quán hạnh đã thành, tấn niệm thật tướng, tức là duy tâm bình đẳng. Đây là trước thành tựu sự Tam muội, sau chứng lý niệm Phật Tam muội.

Ở Tiểu Bổn Kinh, Đức Bổn Sư dạy môn Trì danh niệm Phật. Chấp trì danh hiệu đến nhứt tâm bất loạn là được sự niệm Phật Tam muội, đạt “niệm tức vô niệm” là chứng lý Tam muội. Kết quả đồng bậc với môn quán hạnh trên. Nhưng nơi dụng công tu tập thời môn trì danh có phần giản tiện hơn. “Giản”, là vì hồng danh có sáu chữ hay bốn chữ dễ nhớ rõ không phải nhiều như các tướng hảo khó nhớ. “Tiện” là vì có thể được nghe hồng danh bất cứ ở chỗ nào và lúc nào, không phải cứ nơi Phật điện

và phải thật sáng như quán tượng. Vả lại trì danh, niệm thầm cũng được, niệm ra tiếng cũng được. Nhờ niệm ra tiếng, nên có thể thực hành ở nơi ồn ào. Chớ quán tưởng quyết phải ở nơi vắng lặng.

Vì các lẽ trên, nên môn quán hạnh phải là bậc thượng trí mới chắc thành tựu. Còn môn trì danh có thể thích hợp với tất cả mọi hạng người, và bất cứ ai, nếu chuyên tâm thiết thiệt thực hành đều thành tựu được cả. Chúng ta sẽ được thấy sự chứng nghiệm trong những tiểu sử của các nhà niệm Phật ở quyển sau.

Như lời Bồ Tát dạy: “Nếu ai cầu Vô thượng Bồ đề, mà chuyên tu một pháp thời đều thành tựu cả”. Thế là vì muốn thành Phật để độ sanh mà chuyên niệm Phật vậy.

Nếu ta muốn thành công nơi Pháp môn niệm Phật, nghĩa là muốn chứng Tam muội vãng sanh Cực Lạc, tất phải tuân theo lời dạy của Bồ Tát: A- “Lập chí cầu thành Phật”. B- “Chuyên cần tu niệm Phật”.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Phổ Hiền