Như thị:
Chữ “như thị” ngụ ý việc gì đúng đắn, đáng tin tưởng được. Việc gì đáng tin thì gọi là Như Thị, chẳng đáng tin gọi là Bất Như Thị.
Chẳng khác là Như, chẳng sai là Thị. Nghĩa là sau khi Ðức Phật diệt độ, khi kết tập kinh điển, Phật dạy sao, Ngài A Nan cứ trùng tuyên đúng như thế, chẳng sai khác mảy may. Ðó là Như. Lời Phật dạy sao, Ngài lập lại không thiếu sót mảy may nên gọi là Thị.
Hơn nữa, khi kết tập Kinh Tạng, đại chúng cung thỉnh: “Tôn giả nghe như thế nào xin hãy nói đúng như thế ấy”; Ngài A Nan đáp: “Tôi sẽ nói đúng như thế, đúng như tôi đã được nghe”. Vì thế đầu kinh dùng chữ Như Thị để tiêu biểu ý tín thuận.
Chữ Như Thị còn có thể hiểu theo hai nghĩa Thông và Biệt như sau:
a. Về Thông nghĩa, chữ Như Thị chỉ về Thật Tướng. Xét về Lý, Thật Tướng xưa nay chẳng biến đổi là Như. Xét về Thể, Thật Tướng lìa hết thảy hư vọng, hý luận. Ðó là Thị.
b. Nếu ước theo Biệt nghĩa, mỗi kinh lại hàm nghĩa Như Thị khác nhau. Trong kinh này Nhất Tâm Bất Loạn là Như, Quyết Ðịnh Vãng Sanh là Thị.
Hơn nữa, tâm chẳng khác Phật, Phật chẳng khác tâm nên gọi là Như. Tâm này chính là Phật, Phật ấy chính là tâm này nên gọi là Thị. Tâm và Phật tuy có tên gọi sai khác nhưng đồng nhất thể, duy tâm Tịnh Ðộ, tự tánh Di Ðà nên gọi là Như Thị.
Nếu ước theo chúng sanh niệm Phật thì đạt được nhất tâm bất loạn là Như, lâm chung quyết định vãng sanh Cực Lạc là Thị.
Nếu ước theo cảnh giới Cực Lạc thì cõi Cực Lạc chẳng có bốn tướng biến đổi “thành, trụ, hoại, không” nên là Như; cảnh giới Cực Lạc thù thắng trang nghiêm, chân thật chẳng hư huyễn nên gọi là Thị.
Hơn nữa, xét theo chánh báo, chúng sanh cõi Cực Lạc liên hoa hóa thân, thọ mạng vô lượng, chẳng giống với huyễn thân của chúng sanh cõi Sa Bà có sanh tử; cho nên gọi là Như. Hoa nở gặp Phật, chứng ngộ tự tánh nên gọi là Thị.
Nếu ước theo đức Di Ðà Như Lai mà nói thì bốn mươi tám nguyện độ khắp chúng sanh, trải bao nhiêu kiếp tu hành đúng như thệ nguyện, trước sau trọn chẳng đổi dời nên gọi là Như. Nay đã thành tựu, thỏa mãn sở nguyện, tạo thành cõi Cực Lạc để độ khắp chúng sanh niệm Phật, từ khi thành Phật đến nay đã là mười kiếp, thật chẳng phải là chuyện hư vọng nên gọi là Thị.
Hơn nữa, y báo, chánh báo cõi Cực Lạc đều là chơn thường bất biến nên gọi là Như, những sự thù thắng trang nghiêm trong cõi Cực Lạc, không điều gì chẳng phải do công đức nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn của Phật A Di Ðà tạo thành và do tâm niệm của chúng sanh niệm Phật trong mười phương chiêu cảm nên gọi là Thị.
Hơn nữa, pháp môn Niệm Phật thù thắng bậc nhất, không có pháp nào hơn được nổi nên gọi là Như. Tuân lời Phật dạy, niệm Phật cầu sanh, quyết định không sai nên gọi là Thị.
“Ngã văn”
“Ngã văn” là Văn Thành Tựu, ngụ ý: pháp như thế ấy, đích thân A Nan tôi được nghe đức Phật nói.
Phàm những lời Ðức Phật đã giảng, Ngài A Nan đều lãnh hội, chẳng quên một câu nào, nên Ðức Phật từng tán thán: “Phật pháp như biển cả dốc trọn vào trong tâm của A Nan”.
Chữ Ngã ở đây là Ngài A Nan tự xưng, thuận theo thế tục mà nói. Nếu có kẻ bắt bẻ: “Phật pháp coi Ngã Chấp là căn bịnh chấp trước lớn và là căn bản của mọi sự ác. Ngài A Nan đã chứng Tứ Quả sao còn chấp ngã tướng như vậy?” Xin trả lời: Ngã có nhiều thứ bất đồng:
- Vọng ngã: Phàm phu trong tam giới, đối với sắc thân tứ đại chẳng phải là Ngã mà vọng chấp là Ngã.
- Thần ngã: ngoại đạo tà kiến vọng chấp năm ấm là Thần Ngã.
- Giả ngã: Nhị Thừa hiểu rõ Ngũ Ấm chẳng phải là Ngã, nhưng giả nói có Ngã.
- Chân ngã: chư Phật, Bồ Tát thân chứng Pháp Thân, gọi là Chân Ngã.
- Tự tại ngã: Từ quả khởi dụng, hoằng pháp lợi sanh, gọi là Tự Tại Ngã.
Ngài A Nan đã chứng Tứ Quả, đã đoạn sạch phiền não trong tam giới, đã trừ khử được ngã chấp lầm lạc của phàm phu, không còn dính mắc nơi tà kiến chấp ngã của ngoại đạo, nên chỉ giả xưng Ngã giống như các hàng Bồ Tát. Kinh Pháp Hoa chép: “Ta cùng A Nan ở chỗ Phật Không Vương đồng thời phát Bồ Ðề tâm”, cho thấy Ngài A Nan chỉ quyền hiện làm bậc Tiểu Thừa, chứ công hạnh của Ngài thật cao thâm khôn lường. Trong kinh này, Ngài thuận theo thế tục giả xưng là Ngã. Ðấy là phương tiện quyền biến độ sanh của bậc Pháp Thân đại sĩ đó thôi.
Hơn nữa, Ngài A Nan xưng Ngã, chẳng nói là Vô Ngã là vì các nguyên nhân sau:
- Vì dễ nói: Nếu nói là Vô Ngã thì trong ba thứ Uẩn, Xứ, Giới, thứ nào là đối tượng lãnh thọ kinh này?
- Thuận theo thế gian mà nói Ngã.
- Tránh cho đại chúng sơ cơ khỏi hoảng hốt khi nghe nói Vô Ngã. Ðại chúng nghe nói Vô Ngã sẽ chấp: Ai sẽ là người tu học?
Nếu vậy, tại sao không nói rõ là “A Nan tôi nghe” mà lại chỉ chép là “ngã văn?”
Vì các lý do sau đây:
- Chẳng trái với thế tục: Tuy kinh đề cao Chân Ðế, nhưng trong Tự Phần chẳng dùng văn tự trái nghịch với Tục Ðế. Về lý tuy phô bày diệu nghĩa, nhưng lời lẽ chẳng tách rời lời lẽ thông tục. Nói chung là: Tuy hiển thị Chân Ðế nhưng chẳng rời Tục Ðế vậy.
- Chữ Ngã có nghĩa là “tự tại”. Tập Tạng Truyện ghi: “Có ba A Nan: Một là A Nan Ðà (Khánh Hỷ) trì Thanh Văn Tạng; hai là A Nan Bạt Ðà (Hỷ Hiền) trì Ðộc Giác Tạng; ba là A Nan Già La (Hỷ Hải) trì Bồ Tát Tạng”. Thật ra chỉ có một vị A Nan, tùy theo đức mà lập ra ba tên như thế. Ngài A Nan đa văn, tích tập tam huệ (Văn, Tư, Tu), văn nghĩa đều trọn đủ, lại tổng trì Tam Tạng một cách tự tại. Nếu xưng danh thì đối với các pháp sẽ chẳng được tự tại (vì còn hạn cuộc vào một pháp nhất định). Vì thế, Ngài phải xưng là Ngã để trọn đủ nghĩa “tự tại”.
- Chữ “Ngã” ngụ ý là đích thân. Thế gian hay nói “đích thân tôi nghe thấy” sự như thế đó. Nếu viết là “A Nan nghe” ắt sẽ có kẻ nghi là Ngài A Nan chỉ nghe nói lại, chứ không phải đích thân Ngài được nghe từ nơi Thế Tôn.
Nhĩ căn nhận lãnh âm thanh gọi là Văn (nghe). Tai nghe nhưng lại bảo là “ngã văn” vì Ngã là chủ thể, Nghe là công dụng của nhĩ căn, mà thân lại chính là tổng thể của sáu căn. Vì thế, dựa theo tổng thể mà nói nên chép là “ngã văn”.
Hơn nữa, chữ Văn nhấn mạnh tầm quan trọng của Văn Huệ: Muốn chứng đạt thâm lý, trước hết phải nghe pháp. Cõi Sa Bà này dùng âm thanh làm Phật sự nên phải dùng Văn Huệ để huân tập. Do Văn Huệ huân tập nên Tư Huệ, Tu Huệ mới phát khởi được công dụng để thành tựu đạo xuất thế.
Hiểu ở mức độ sâu hơn, Ngã ở đây là Chân Ngã nơi tự tánh. Dùng cái chân ngã nơi tự tánh để lắng nghe diệu pháp Tịnh Ðộ chẳng thể nghĩ bàn. Phải biết rằng: nhĩ căn có công dụng thô phù, chỉ lãnh nạp được những thanh trần thô phù, đó chưa phải là “nghe” một cách chân thật. Ở đây, ta dùng tánh nghe chân thật nơi chân tâm để lắng nghe nên gọi là “ngã văn”.
Trích từ: A Di Đà Kinh Hợp Giải