Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Hien-Bao-Ac-Bao-Nhu-Bong-Theo-Hinh
 (Chánh văn) Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình.
(正文)善惡之報。如影隨形。
(Chánh văn: Thiện báo, ác báo, như bóng theo hình).
 
“Thiện ác” là nói đến lòng người. “Báo” là nói tới thiên lý. Hình ngay, bóng sẽ ngay. Hình lệch, bóng sẽ lệch. Nói chung là chẳng sai sẩy mảy may! Nhân lành, quả sẽ vui. Nhân ác, quả sẽ khổ. Thánh nhân dạy rất tường tận, hiềm rằng kẻ ngu chẳng tin. Do vậy bèn trái nghịch điều lành, hướng theo điều ác. Đó là vì thấy người trong đời này, người lành có kẻ gặp cảnh gieo neo, kẻ ác lại sống thọ, chết an lành, các thứ hứng chịu trong đời này đủ mọi thứ khác nhau, bèn bảo: “Có điều thiện lẽ ác chẳng có báo ứng! Dường như nhân quả chẳng đáng để tin tưởng vậy!” Nào có biết người trong cõi đời có vô số lần trăm năm, trời hãy còn những bản án chưa kết thúc! Kẻ thuần thiện, thuần ác hiếm hoi, căn cơ có thể là thiện hay ác [tùy theo sự giáo huấn] là dễ [thành tựu] viên mãn nhất[55]. Niệm có chuyển dời, [để luận định về] báo, hãy nên châm chước, [bởi lẽ, tùy theo cái nhân chín muồi như thế nào mà] hoặc [báo ứng] ở nơi thân mình, hoặc nơi con cháu, hoặc trong đời này, hoặc trong thân sau. Lớn, nhỏ, chậm, nhanh, biến hóa, đổi dời, chẳng sai chạy mảy may! Tục ngữ có câu: “Thiện ác rốt rồi đều có báo, chỉ là sớm muộn khác nhau thôi”. Đừng luận định [báo ứng] dựa theo [những chuyện xảy ra] trước mắt, hãy nên xem xét rốt ráo. Há có bao giờ [báo ứng] chẳng như bóng theo hình ư?

Theo cách nói [nhân quả] thông khắp ba đời trong kinh Phật, chúng sanh tạo nghiệp, sẽ có ba loại báo:

          1) Một là hiện báo, hứng chịu trong đời này.
          2) Hai là sanh báo, hứng chịu trong đời thứ hai.
          3) Ba là hậu báo, hứng chịu trong đời thứ ba và mười, trăm, ngàn, vạn đời [sau nữa].
          Vì vậy, trong cõi đời, kẻ làm lành mắc họa là do sự ác trong đời trước đã chín muồi. Kẻ làm ác được phước là do điều thiện trong đời trước chín muồi.

Trong phước có họa, trong họa có phước, chẳng phải là thuần thiện, thuần ác! Thoạt đầu là phước, cuối cùng là họa, chính là vì thiện tâm lui sụt. Thoạt đầu là họa, cuối cùng là phước, là do ác tâm mà hối cải. Khổ và lạc chẳng dời đổi, chính là hiển trực báo (顯直報, báo ứng rõ rệt, trực tiếp). Tai ương và cát tường cùng xuất hiện, tức là ẩn xảo báo (隱巧報, báo ứng ẩn kín, khéo léo)[56], cũng có trường hợp do có đức ẩn giấu, hay lầm lỗi ẩn giấu [mà có báo ứng. Những sự báo ứng ấy chẳng phải là do] thiện hay ác trong hiện tiền như mọi người thấy biết. Loan Yểm có báo ứng tàn bạo là do Loan Thư, cái chết của Loan Doanh chính là quả báo của Loan Yểm[57]. [Chỉ nhìn vào những sự kiện trước mắt, sẽ ngỡ là báo ứng] điên đảo, những trường hợp như vậy cũng nhiều! Nhưng Bạch Khởi[58] hãm hại binh lính đã quy hàng, Lý Lâm Phủ[59], Tần Cối tàn độc dân đen, chẳng phải là [báo ứng] có thể xong hết trong một đời.

Nói chung, đời trước hay đời này, cùng trong một đời sẽ bị người tru diệt, quỷ thần tru diệt, đau đớn như nhau, nhưng cõi đời chẳng hề nghĩ ngợi! Tuy vậy, báo ứng có bao giờ sai sót vậy thay! Thế mà vẫn có kẻ hỏi: “Bậc vương giả[60] phô bày điều thiện, ghét điều ác, há nên lải nhải vấn đề này, [nếu thiện ác báo ứng là có thật], sao trời không lập tức thực hiện [sự báo ứng] khiến cho con người cảnh tỉnh, kinh sợ, mà cứ thong thả như thế?” Đấy là vì [kẻ ấy] nào có biết, nếu vương pháp[61] có sơ sót, đạo trời ắt chẳng lơ là, sai lầm! Hơn nữa, bậc vương giả chẳng nỡ lòng, ắt sẽ xót thương bảo toàn. Lòng trời nhân từ tột bậc, thường dung thứ kẻ biết hối hận vì trót gây họa. Cổ nhân xưng tụng: “Ông trời có lòng nhẫn nại cao nhất, con người cũng nên có lòng kiên nhẫn!” Ví như mắc nợ, mai sau phải trả nợ, nhưng có kỳ hạn năm tháng sai khác. Một đời, hai đời, cho đến ba, bốn, năm đời cũng là con số to lớn trong thời hạn phải đền trả của trời đất. Hễ báo ứng chậm, ắt sẽ phải trả tiền lãi gấp bội! Hơn nữa, con người thấy như vậy là xa xôi, chứ trời thấy [chỉ là chuyện xảy ra] trong sáng tối! Do vậy, nói: “Tạo tác thiện thiện, ác ác, báo ứng như bóng theo hình, đừng nói là tạo ác chẳng báo! Chờ cho đến khi điều ác tràn ngập [rồi sẽ báo ứng]. Chớ bảo tu điều thiện chẳng ứng, chờ cho đến khi thiện quả viên thành”.

Lại nói: “Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã làm chẳng mất, khi nhân duyên hội ngộ, quả báo vẫn tự chịu”. Do vậy biết sự khổ lạc trong tam giới, thăng trầm trong lục đạo, đều ngộ là do tự tâm chiêu cảm. Khó trốn thoát lưới trời, dẫu lầm lạc sanh lòng mong trốn tránh, sẽ như giữa đường gặp mưa, nhìn bốn phía đều ướt nhẹp, mờ mịt chẳng có chỗ ẩn náu! Nhưng người đời chẳng ngộ, cứ bỏ mặc đó chẳng xét. Do báo lâu xa, cho nên chẳng thấy kịp, còn như những điều có thể thấy chính là những cảnh thuận nghịch thông thường, nhưng đều bị coi thường, chẳng nhận biết. Còn đối với những chuyện “thuận theo đạo nghĩa dẫn tới điều tốt lành, trái nghịch đạo nghĩa dẫn tới sự hung hiểm” to lớn đáng tin, lại viện dẫn những chuyện dường như chẳng hoàn toàn ứng nghiệm trong lẽ báo ứng để tự huyễn hoặc, tự nghi ngờ, chìm đắm, do dự, chẳng tỉnh ra. Nếu như từng trải đã lâu, bỗng sanh giác ngộ, nhưng người đã già, thói quen đã tập thành [khó thể sửa đổi], thế mà đang độ tuổi trẻ trung, hào khí hừng hực, lại chẳng tin tưởng. Đấy chính là lý do khiến cho cõi đời này lắm kẻ lạc nẻo, buồn thay!

Đời Thanh, Hoàng Vĩnh Tước ở Sùng Minh được thầy bói đoan quyết ông ta chẳng có con, chỉ thọ sáu mươi tuổi. Về sau, có một chiếc thuyền ở Nam Dương gặp gió sắp bị lật, họ Hoàng vội bỏ ra mười lạng bạc thuê thuyền đánh cá ra cứu. Mười ba mạng đều sống sót. Gặp lại thầy bói, ông ta kinh hãi bảo: “Mặt ông toàn là nét âm chất, ắt có đức dầy. Không chỉ là sẽ có con, mà còn đỗ Trạng Nguyên, và cũng được thượng thọ”. Về sau quả nhiên sanh con trai, đặt tên là Chấn Phượng. Đỗ đầu khoa thi Hội năm Kỷ Mùi (1679) đời Khang Hy, thọ chín mươi mấy tuổi, chết an lành. Đạo trời đáng tin cậy dường ấy, sao con người chẳng bỏ ác làm lành vậy?

Đồ Phan Kỳ ở Tú Thủy, làm nhiều chuyện bất nghĩa, xúi người khác kiện cáo để đoạt tài vật của họ, gian dâm vợ con kẻ khác. Gặp chuyện chẳng vừa ý nhỏ nhặt, bèn oán hận chửi bới trời, thần. Bỗng chết đi, qua một đêm bèn tỉnh lại, gọi vợ kêu mọi người đến, bảo: “Diêm Vương bảo người chết chịu báo, kẻ sống chẳng biết. Kẻ thọ báo chịu khổ, kẻ tạo tác vẫn đắc chí, thật đáng buồn đau! Nay Phan Kỳ tội ác cùng cực, mượn nó để chỉ bảo muôn người”. Thế rồi vung dao tự cắt đứt dương vật nói “đây là quả báo dâm tà”. Tự khoét mắt, bảo: “Đây là báo ứng vì đã giận dữ nhìn tiên, Phật, cha mẹ và chúng sanh”. Tự chặt tay nói: “Đây là quả báo vì đã mổ xẻ sanh linh”. Mổ bụng lôi tim ra nói: “Đây là quả báo vì âm hiểm, tàn nhẫn hãm hại”. Cắt lưỡi nói: “Đây là quả báo của lừa dối, nguyền rủa, chửi bới quàng xiên”. Xa gần trông thấy, truyền tụng, ai cũng kinh sợ. Phan Kỳ quằn quại sáu ngày, thân thể không còn miếng da nào lành lặn mà chết. Tự làm, tự chịu, nhanh chóng ngần ấy. Miếu Đông Nhạc có một cặp câu đối: “Dương thế gian hùng, nhẫn tâm hại lý giai do kỷ. Âm ty báo ứng, cổ vãng kim lai phóng quá thùy” (Lúc sống gian hùng, nhẫn tâm trái lý do mình tạo, cõi âm báo ứng, xưa qua nay lại sót ai đâu?) Cớ sao con người đã biết rõ mà vẫn cố phạm, tạo khổ vô cùng? Xin hãy mạnh mẽ cảnh tỉnh, sám hối, ai nấy sớm quay đầu. Theo gió lướt sóng cầm chắc lái, bên bờ vực thẳm gấp gò cương, ắt sẽ đều cùng thoát khỏi cửa ải tai họa, cùng bước lên đường phước.

Đời Tống, Tào Bân trung thành thờ vua, giữ phận khiêm cung, chẳng tranh giành tài vật, chẳng ban ơn riêng tư cho ai. Ông giúp đỡ kẻ thiếu thốn, hoặc lâm vào đường cùng, châu cấp kẻ góa bụa, mừng hay giận chẳng để lộ. Phú quý mà chẳng kiêu căng. Dẫn quân chinh phạt, chưa hề giết chóc bừa bãi. Khi đánh chiếm Thành Đô[62], bắt được phụ nữ, đều đem họ nhốt kín trong một ngôi nhà, khoét lỗ để đưa đồ ăn vào. Lại căn dặn người chung quanh: “Dành để dâng lên trên, hãy nên bảo vệ nghiêm ngặt”. Xong việc, tìm kiếm người thân để trả họ về. Kẻ nào không có thân thích, bèn sắm sửa đầy đủ lễ vật để gả đi. Khi ông Tào đánh hạ thành Kim Lăng, trước đó bèn thắp hương thề với mọi người: “Chẳng giết bậy một ai!” Trước sau toàn thể những người được sống sót chẳng thể tính rõ số. Những chuyện khác như bỏ oán riêng mà gỡ tội cho Triệu Xương Ngôn, nói gièm bản thân để cứu Vương Toàn Bân, hoãn chuyện xử phạt viên nha lại mới cưới dâu[63], chẳng kinh động những loài tiểu trùng ngủ Đông, đều là những chuyện đức dầy. Con ông ta là Vĩ, Tông, Xán, đều lần lượt lãnh tiết việt, [một người con khác tên là] Kỷ được phong tước vương. Sanh con gái là Quang Hiến Thái Hậu. Con cháu hưng thịnh khôn sánh.

Lại như Tào Hàn hạ thành Giang Châu, giận dữ vì [dân chúng] trong thành chống cự lâu ngày, bèn giết sạch. Tào Hàn chết đi, chưa đầy ba mươi năm, con cháu có đứa đi ăn mày! Tuy hai vị tướng thành công như nhau, nhưng do dụng tâm khác biệt, cũng vì đó mà trời báo đền sai khác. Để mong hậu duệ hưng thịnh, trước hết phải khởi đầu bằng giữ cho cái tâm chánh đáng. Tư Mã Ôn Công[64] nói: “Chứa vàng để lại cho con cháu, chưa chắc con cháu đã có thể giữ được. Chứa sách để lại cho con cháu, chưa chắc con cháu đã đọc được. Chẳng bằng tích âm đức trong chốn âm thầm, con cháu ắt có thể hưởng báo”.

Ông Phan Tùng Tiên nói: - Tôi có một người bạn tên là Nguyễn Kiến Điền, thấy đồ tể mổ một con lợn, trên da nó có ba chữ “Tần Bạch Khởi” (Bạch Khởi đời Tần). Đấy là hắn trầm luân trong ngạ quỷ, địa ngục, ngẫu nhiên làm lợn ở một nơi để tỏ rõ nghiệp báo. Hơn một ngàn năm qua, ngoại trừ thọ sanh bị giết mổ, ắt phải chịu đựng không dứt nỗi khổ nơi núi đao, rừng kiếm. Chẳng biết đến năm nào, mới có thể kết thúc vụ án Trường Bình[65]. Lại có một con trâu cày bị sét đánh chết. Một nho sĩ đi qua nói: “Bất hướng nhân gian trừ ác nghiệt. Thiên tùng điền nội đả canh ngưu” (Nhân gian ác nghiệt chẳng trừ, trên đồng, sét đánh trâu cày chết tươi). Nói xong, sét lại đánh tung con trâu, da trâu bị nứt ra, hiện chữ: “Đây là Lý Lâm Phủ đời Đường, ba đời làm gái điếm, bảy đời làm trâu, đến nay là hết”. Suy ra, đấy chính là phải chịu báo trong đời hiện tại, tính đại lược đã hơn ba trăm năm. Ngoài ra, còn phải chịu hình phạt nghiêm ngặt khổ sở tột cùng trong chốn âm phủ chẳng sót ngày nào! Mong được tạm ngưng thọ khổ [trong địa ngục] để làm gái điếm hoặc trâu cày, vẫn là quá sức tuyệt diệu! Ác nghiệp khó trốn khỏi lưới trời! Cố nhiên là như thế đó.

____________________

[55] Nguyên văn “khả thiện, khả ác chi cơ tối viên mãn”. Chúng tôi dịch câu này theo sự diễn giải của pháp sư Định Hoằng.

[56] Theo pháp sư Định Hoằng, ngấm ngầm làm ác, nghĩ ác, không ai nhận biết, nên gọi là Ẩn. Do khéo léo giấu diếm nên không ai biết kẻ đó bề ngoài tốt đẹp, bên trong thối tha, bại hoại, cho nên gọi là Xảo.

[57] Câu này hơi khó hiểu nên chúng tôi mạn phép giải thích rườm rà như sau: Dòng họ Loan của nước Tấn thời Xuân Thu là dòng dõi võ tướng, lập nhiều chiến công. Đến đời Loan Thư, do công lao hiển hách, trở thành quyền thần lấn át nhà vua, Loan Thư bèn cùng với Tuân Yển và Tam Khích (Khích Chí, Khích Xu, Khích Kỳ) thao túng chánh quyền nước Tần. Do vậy, Chỉ Huy Sứ Tư Đồng lập mưu, giết chết Tam Khích, bắt giam Loan Thư và Tuân Yển. Tấn Lệ Công nghĩ công lao chinh chiến nhiều năm của Loan Thư nên tha chết. Lấy oán trả ân, chờ dịp vua xuất du, Loan Thư hợp binh với Tuân Yểm chiếm đóng kinh thành, giết chết bọn Tư Đồng, bắt giam Tấn Lệ Công (Cơ Thọ Mạn) rồi giết chết nhà vua trong ngục, lập vua mới. Con Loan Thư là Loan Yểm còn tàn bạo, hiếu sát hơn cha, chinh chiến liên miên. Đến khi con Loan Yểm là Loan Doanh lên thay cha, bố vợ của Loan Yểm là Phạm Huyên Tư vốn đã thù ghét dòng họ Loan, bèn mưu tính với con gái (mẹ ruột Loan Doanh) vu cáo Loan Doanh mưu phản, khiến Loan Doanh phải đào vong. Loan Doanh chạy sang cầu cứu vua Tề, đem binh về đánh nước Tấn, thua trận, bị bắt giết. Thừa cơ, bọn Phạm Huyên Tử và Sĩ Ưởng tru diệt toàn bộ gia tộc họ Loan. Họ Loan bị xóa sổ ở nước Tấn. Cả câu có ý nói: Do sự tàn bạo của Loan Thư mà sanh con cũng tàn bạo hiếu sát như Loan Yểm. Loan Thư và Loan Yểm tuy tàn bạo vẫn chết an lành, đến đời Loan Doanh, quả báo chín muồi, vợ Loan Yểm tàn nhẫn âm mưu giết con, hại chết toàn thể gia tộc nhà chồng. Đấy mới là quả báo thật sự cho Loan Thư và Loan Yểm, phí bao tâm cơ thao túng chính quyền, rốt cuộc tàn gia diệt tộc!

[58] Bạch Khởi là danh tướng của nước Tần thời Chiến Quốc. Do giết nhiều người quá nên sử gọi ông ta là “nhân đồ” (tên đồ tể giết người). Bạch Khởi giỏi dùng binh. Năm 293 trước Công Nguyên, trong trận Y Khuyết, Bạch Khởi đã đánh tan liên quân Hàn và Ngụy, hạ lệnh chém chết hàng quân đến hai mươi bốn vạn người. Trong trận Yên Thành, ông đã dẫn nước sông Yên Thủy chảy vào Yên Thành, dìm chết mấy mươi vạn quân nước Sở. Trong trận Hoa Dương, Bạch Khởi đánh bại liên quân Triệu và Ngụy, giết chết mười ba vạn quân địch. Trong trận Hình Thành, ông ta hạ lệnh chém giết đến năm vạn thủ cấp. Tàn nhẫn nhất là trong trận chiến Trường Bình, sau khi đánh tan đoàn quân nước Triệu do Triệu Quát cầm đầu, bắt được bốn mươi vạn binh, Bạch Khởi sợ hàng quân sẽ thừa cơ nổi dậy, bèn sai mổ trâu nấu cỗ, ban rượu, bảo quân Triệu ăn uống no say. Sau đấy, ngầm truyền quân Tần quấn vải trắng trên đầu để nhận nhau, cứ gặp ai không có vải trắng là chặt đầu. Bốn mươi vạn hàng quân chỉ còn hai trăm bốn mươi người sống sót, bị đuổi về kinh đô nước Triệu.

[59] Lý Lâm Phủ là thừa tướng đời Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng), miệng ngọt ngào, lòng dạ rắn rết, hãm hại trung thần. Theo ghi chép, mỗi lần bàn về cánh sự, ông ta nói năng như kẻ ngốc, người say, nhưng thích nói không ngừng. Hắn khéo nịnh nọt, bợ đỡ nên rất được hoàng đế tín nhiệm. Do vậy, hắn đã gây nên biến loạn An Lộc Sơn.

[60] Theo pháp sư Định Hoằng, chữ “vương giả” ở đây phải hiểu là bậc thánh vương, thánh quân.

[61] “Vương pháp” ở đây không có nghĩa là “pháp luật của vua” như trong cách hiểu thông thường, mà là pháp tắc cai trị bằng lòng nhân từ, chủ yếu dùng các biện pháp cảm hóa dân chúng khiến cho họ sống đạo đức, an ổn. Có thể hiểu “vương pháp” là cách cai trị của các vị thánh quân như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, khác với “bá nghiệp” là dùng những thủ đoạn chính trị hà khắc, các mánh khóe để làm suy yếu các quốc gia lân cận ngõ hầu chính mình hùng mạnh, thống trị kẻ khác.

[62] Thành Đô là tỉnh lỵ tỉnh Tứ Xuyên, đây chính là kinh đô của nước Cổ Thục thời Chiến Quốc, và cũng là kinh đô của nhà Thục Hán khi Lưu Bị làm vua xứ Quan Trung. Vào thời Ngũ Đại, nơi này trở thành kinh đô của nhà Tiền Thục (còn gọi là Vương Thục, do Tây Xuyên Tiết Độ Sứ Vương Kiến sáng lập, tồn tại mười tám năm) và Hậu Thục (934-965, còn gọi là Mạnh Thục, do Mạnh Hòa Tường sáng lập).

[63] Triệu Xương Ngôn có lần dâng sớ đàn hặc lên Tống Thái Tổ, kết án Tào Bân không chú trọng giữ kỷ cương trong quân đội, dung túng thuộc hạ, đòi triều đình phán tội chết cho Tào Bân. Tuy nhà vua không nghe theo, nhưng Triệu Xương Ngôn đã trở thành cừu nhân của Tào Bân. Đến khi Xương Ngôn bị kẻ khác vu cáo, muốn xin diện kiến hoàng đế để kêu oan, hoàng đế từ chối không gặp, Tào Bân đã van xin nhà vua cho Xương Ngôn có cơ hội gặp mặt thưa rõ chuyện. Nhờ đó, Xương Ngôn thoát tội chết.
Vương Toàn Bân là một vị tướng khác, có tài cầm quân, nhưng tính tình tàn nhẫn, dung túng thuộc hạ thả sức cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc mỗi khi chiến thắng địch quân. Vì thế, quân địch thà chết, không chịu hàng. Sau khi bình định xong trận phản loạn ở Tứ Xuyên, triều đình bàn định ban thưởng cho Tào Bân, trị tội Vương Toàn Bân vì những hành vi của ông ta khiến cho địch quân nhất quyết liều chết khiến cho cuộc phản loạn cứ dây dưa kéo dài. Tào Bân tâu: “Tướng sĩ chinh Tây đều bị tội, sao thần riêng được thưởng ư?” Ông kiên quyết từ chối nhận thưởng, triều đình bèn thôi không truy cứu tội của Vương Toàn Bân.
Khi Tào Bân làm quan ở Từ Châu, có một nha lại phạm tội, phải chịu hình phạt đánh trượng. Ông đã quyết định hoãn lại, chờ hôm sau mới hành hình. Người khác hỏi nguyên cớ, ông bảo: “Nó mới làm đám cưới cho con trai, ngay hôm rước dâu mà bố chồng bị đòn, người ta sẽ nghĩ là điềm bất tường”.

[64] Tư Mã Ôn Công chính là Tư Mã Quang (1019-1086), tự Quân Thật, hiệu Vu Tẩu, người huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Tây. Ông làm quan từ thời Tống Nhân Tông, kịch liệt chống những cải cách mang tính cách cấp tiến đầy phiêu lưu của Vương An Thạch. Ông giữ nhiều chức vụ thời Tống Nhân Tông, Tống Anh Tông, Tống Thần Tông và được các hoàng đế hết sức coi trọng vì lòng trung thành và sự tận tụy. Ông làm thừa tướng đời Tống Triết Tông khi đã quá cao tuổi. Công trình lớn nhất và giá trị nhất của ông là bộ sử Tư Trị Thông Giám. Khi ông mất, đã được truy tặng chức Thái Sư Ôn Quốc Công, thụy hiệu là Văn Chánh, bia mộ được đề tặng Tinh Trung Túy Đức.

[65] Trong trận chiến Trường Bình, Bạch Khởi đã giết chết bốn mươi vạn quân ra hàng.
Trích từ: Cảm Ứng Thiên Vựng Biên
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Phật Học Vấn Đáp Loại Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Nhân Qủa
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Nhân Qủa
Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

Lý Luận và Sự Thật Của Nhân Qủa
Hòa Thượng Thích Tịnh Không