Home > Khai Thị Niệm Phật > Hay-Phat-Dai-Tam-Vi-Toan-The-Gioi-Ma-Tri-Tung-Chu-Lang-Nghiem
Hãy Phát Đại Tâm Vì Toàn Thế Giới Mà Trì Tụng Chú Lăng Nghiêm
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Học Chú Lăng Nghiêm chính là trở thành hóa thân của Phật, không những là hóa thân của Phật mà còn là hóa Phật trên đảnh của Phật!

Mỗi một câu trong Chú Lăng Nghiêm đều có vô lượng ý nghĩa, mỗi một nghĩa đều có vô lượng công năng. Người muốn học Chú Lăng Nghiêm, trì tụng Chú Lăng Nghiêm tốt nhất là có thể phát tâm rộng lớn, trì tụng cho toàn thế giới, đem tất cả công đức hồi hướng cho toàn thế giới. Như vậy thì quả báo công đức thành tựu mới lớn, bởi vì trong đó không có lòng ích kỷ, không phải tự cầu cho mình, cho nên trong bài văn Đại Sám Hối có nói:

“Con nay phát tâm không vì cầu phước báo nhân thiên, Thanh Văn Duyên Giác, cho đến chư vị Bồ Tát Quyền Thừa. Duy theo Tối Thượng Thừa mà phát tâm Bồ Đề. Nguyện cùng với hết thảy chúng sanh trong toàn Pháp Giới, đồng thời chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.”

Người học Phật tốt nhất nên tinh thuần, không được vừa học Phật vừa tạo nghiệp tội, làm cho bản thân mình cứ bị nghiệp thiện ác trói buộc mãi không thôi. Thế nào là “vừa học Phật vừa tạo nghiệp ác”? Đó chính là học Phật không phải vì muốn lợi tha, mà chỉ vì muốn tự lợi cho riêng mình. Hoặc là lúc mới bắt đầu học Phật thì còn có một chút tâm lợi tha, lâu ngày chày tháng, tập khí tự tư tự lợi đều lộ rõ ra hết.

Thí dụ như có người học Phật mà còn đi đánh bạc, có tâm lừa dối người khác, dùng mọi thủ đoạn để hại người, lợi mình, đây đều là thiện ác không rõ ràng. Cho đến có người làm ăn buôn bán, dựa vào mối quan hệ với Phật tử trong đạo tràng để lừa gạt người khác, thậm chí trộm cắp, đây đều là những ví dụ về nghiệp thiện ác không rõ ràng. Người học Phật nếu có những hành vi này thì nhất định phải sửa đổi, nếu không, sẽ không thể nào ra khỏi Tam Giới, bởi vì người đó đã bị nghiệp thiện ác xen tạp dính chặt ở đó rồi.

Người tu đạo tu hành trong đạo tràng cũng không nên vừa tu hành, vừa khởi vọng tưởng, đây cũng gọi là “thiện ác không thuần, ” bởi trong thiện có ác, trong ác có thiện, xen lẫn không rõ ràng, cho nên trong tương lai lúc chịu quả báo cũng sẽ rất phức tạp. Giống như một số tu sĩ Phật Giáo ở Việt Nam, Cao Miên, Campuchia, vì sao lại bị suy bại như vậy? Đây đều là vì trong quá khứ, lúc tu hành ở nhân địa, họ đã gieo trồng các nhân ác – hoặc là tước đoạt tài sản người khác, hoặc là cướp sanh mạng người – vì thế hiện tại họ phải sống trong hoàn cảnh đó, sinh mạng tài sản đều không có gì được bảo đảm cả, thậm chí xuất gia rồi, sinh mạng cũng khó giữ; tài sản thì càng không cần phải nói tới nữa, bởi vì người xuất gia căn bản không có tài sản gì cả.

Cuộc sống phiêu bạt rày đây mai đó như vậy đều do quá khứ gieo nhân không chính đáng mà ra, cho nên hiện tại sống ở các đất nước này, họ phải gặp cảnh lầm than, khổ sở. Những tình cảnh đó đều là “hiện thân thuyết pháp” cho chúng ta – chúng ta phải hồi quang phản tỉnh, trong quá trình tu đạo, nhất định không được để cho mình bị rơi vào cảnh giới như thế. Chúng ta nên tránh kiểu tai nạn này, càng phải hiểu cho rõ ràng khi còn ở nhân địa, không nên đợi đến lúc chịu quả báo, tay chân lại luống cuống; cho nên có câu nói rằng:

“Lúc ở nhân địa không chân thật,

nên chiêu cảm quả báo gian nan, gập ghềnh!”

Những người sống trong khuôn viên của Vạn Phật Thành cho đến những người từ bên ngoài đến, tất cả đều phải cẩn thận – lúc tu đạo phải đặc biệt thận trọng, để tương lai khỏi phải hối hận!