Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tam-Tuong-Bat-Dong-Nen-Sanh-Ra-Luc-Dao

Tâm Tưởng Bất Đồng Nên Sanh Ra Lục Đạo
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Vọng Tây

Ngay trong kinh đại thừa, chúng ta thường hay đọc thấy Phật nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Trong kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. “Thức” ở chỗ này chính là nói tâm tưởng. Bởi do tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp sẽ không giống nhau. Nghiệp có ba loại lớn là thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp. Ba loại lớn này luôn luôn lấy ý nghiệp làm chủ tể, cũng chính là ý nghĩ. Những tạo tác của thân, khẩu đều do ý nghĩ quyết định. Niệm thiện thì nghiệp người này tạo là thiện nghiệp, niệm ác thì nghiệp người này tạo là ác nghiệp. Pháp thế xuất thế, mười pháp giới y chánh trang nghiêm đều là từ tâm tưởng sanh. Đây là chân tướng sự thật, người thế gian gọi là chân lý!

Nếu như hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này thì chúng ta sẽ hiểu một cách rõ ràng, một cách sáng tỏ về sự ổn định của xã hội, sự hưng vượng của quốc gia và thế giới có hòa bình hay không, chúng ta đều có thể hiểu rõ ràng, tường tận, thông suốt, thấu đáo. Chúng ta bắt đầu xem từ đâu? Xem từ tâm tưởng của tất cả chúng sanh, họ đang nghĩ cái gì. Ở trong kinh điển, Thế Tôn nói với chúng ta, chúng sanh trong thập pháp giới, cao nhất là pháp giới Phật, thấp nhất là pháp giới địa ngục, tâm tưởng dĩ nhiên là vô cùng phức tạp. Trong vô lượng vô biên vọng tưởng, ý nghĩ thì cái nào là quan trọng nhất? Ở trong tất cả vọng niệm, chúng ta cần tìm ra vọng niệm đứng đầu, nhân tố đứng đầu. Phật nói cho chúng ta biết. Chúng ta bắt đầu xem từ dưới lên.

Cõi địa ngục, nghiệp nhân đứng đầu là sân hận, tật đố. Tâm sân hận, tật đố nặng thì chắc chắn sẽ phá hoại việc thiện của người khác. Ý nghĩ lợi ích riêng tư vô cùng kiên cố, loại tâm tưởng này sẽ tạo nên cái cảnh giới địa ngục. Địa ngục từ đâu mà có vậy? Từ tâm tưởng sanh! Tâm tưởng của ai sanh vậy? Tâm tưởng của chính mình sanh ra, không có liên quan đến người khác. Tự mình tạo nghiệp thì tự mình thọ báo, bất luận người nào cũng không thể thay thế được. Học Phật, trước tiên chúng ta luôn cần phải hiểu rõ ràng đạo lý lớn này thì chúng ta mới biết mình chắc chắn có thể được cứu. Tại sao vậy? Ta không muốn tạo ác nghiệp này. ta không khởi lên ý nghĩ này.

Cõi ngạ quỷ, nghiệp nhân đứng đầu là tâm tham, tham không biết chán! Thực ra cõi nào cũng đầy đủ thập ác nghiệp, nhưng ở trong thập ác, nghiêng nặng về điều nào thì Phật bèn dùng điều này để nói nghiệp nhân đứng đầu. Cho nên tâm tham biến thành ngạ quỷ. Có người học Phật, pháp thế gian buông xả rồi, nhưng lại tham ái Phật pháp. Họ đến cõi nào vậy? Vẫn là đọa cõi ngạ quỷ! Tâm tham đọa ngạ quỷ, dứt khoát không thể nói tôi đem đối tượng của tham đổi rồi mà, tôi không tham pháp thế gian, tôi tham Phật pháp. Bất kể là thế pháp hay Phật pháp, tâm tham của bạn không hề đổi. Cho nên, trong kinh Kim Cang Phật khuyên dạy chúng ta: “Pháp còn phải xả, huống hồ phi pháp”. Phật pháp cũng không được tham! Phật pháp là dạy chúng ta rõ lý, dạy chúng ta giác ngộ, đây là điều tốt! Nhưng chúng ta cũng không được khởi tâm tham trong Phật pháp. Pháp thế xuất thế gian nếu chúng ta khởi tâm tham thì đều phải rơi vào cõi ngạ quỷ, điều này cần hiểu rõ.

Cõi súc sanh, nghiệp nhân đứng đầu là ngu si. Sao gọi là ngu si vậy? Không có trí tuệ, điên đảo trắng đen, không có năng lực biện biệt tà chánh, không có năng lực biện biệt thật giả. Thậm chí không có năng lực biện biệt thiện ác, thị phi, lợi hại, rất dễ dàng nghe tin theo lời đồn đại, trong tâm do dự, không dứt khoát. Đây là cõi súc sanh, súc sanh ngu si. Đây là ba đường ác.

Ngoài ba đường ác ở trên, còn có một cõi A-tu-la. Thực ra A-tu-la trong kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, trừ cõi địa ngục là không có A-tu-la ra, trong bốn cõi khác đều có; Ngạ quỷ, Súc sanh, Người, Trời, trong các cõi này đều có A-tu-la. A-tu-la ở cõi nào vậy? Là tùy danh xưng của cõi này, không xây dựng thêm, thế nên trong kinh thường nói “Ngũ thú luân hồi”, chính là cái ý này. Nếu như xem A-tu-la là một cõi, thì thông thường xem trời A-tu-la là một cõi, đây là cõi ở phía trên cõi người.

Cõi người, nghiệp nhân đứng đầu là gì vậy? Phật nói với chúng ta ngũ giới, thập thiện. Người tu được ngũ giới thập thiện mới có thể được thân người. Cho nên, Phật thường nói: “Thân người khó được nhưng dễ mất”. Lời nói này chúng ta thử lắng lòng mà suy nghĩ, rất có đạo lý. Chúng ta hiện nay có được thân người rồi, nhưng đời sau có thể được thân người hay không? Hãy suy nghĩ thật kỹ xem, ngũ giới chúng ta làm được như thế nào rồi? Thập thiện tu như thế nào rồi? Nếu như ngũ giới thập thiện, tự mình suynghĩ biết là chưa đạt, không đủ trình độ, thì đời sau sẽ không thể được thân người. Thử đem tham-sân-si-mạn của mình so sánh với ngũ giới thập thiện mà xem. Nếu như ngũ giới thập thiện của chúng ta quả thật hơn hẳn ý nghĩ tham-sân-si, thì chúc mừng bạn, đời sau vẫn có thể được thân người. Giả như ngũ giới thập thiện của bạn so với tham-sân-si là không bằng tham-sân-si, ý niệm tham-sân-si quá nặng, ngũ giới thập thiện quá mỏng yếu, đời sau nhất định đọa ác đạo. Đây là lời cảnh cáo của Phật đối với chúng ta: “Thân người khó được, nhưng dễ mất”.

Cõi trời phải tu thượng phẩm thập thiện, tứ vô lượng tâm. Tứ vô lượng tâm là “từ bi hỷ xả”. Chúng ta thử nghĩ có hay không? Sau đó thử nghĩ, cõi trời mình có phần hay không? Cư sĩ Hứa Triết Singapore thường nói, ở trong đời sống thường ngày bà vô cùng tự tin, bạn thử xem lòng tin của bà: “Ông trời sẽ phù hộ tôi”. Sau khi chết đi nhất định bà được sanh thiên, tiền đồ luôn sáng sủa, không hề có mảy may nghi ngờ. Hiện nay bà niệm Phật A Di Đà, cầu sanh Tịnh-độ, chúng tôi biết bà nhất định vãng sanh! Làm sao biết vậy? Tham-sân-si bà quả thật không còn nữa, dứt hết rồi, ngũ giới thập thiện, tứ vô lượng tâm bà đầy đủ cả, vậy bà niệm Phật đâu có lý nào mà không vãng sanh!? Đây là tấm gương, là điển hình của chúng ta. Người ta có thể làm được, tại sao chúng ta làm không được chứ? Chướng ngại của chúng ta rốt cuộc là ở chỗ nào, phải tìm cho ra chướng ngại. Đem những chướng ngại này trừ đi, chúng ta cũng có thể làm được.

Ở đây cõi Tu-la cũng nói thêm một chút. Tu-la cũng tu ngũ giới thập thiện, cũng tu tứ vô lượng tâm, tại sao lại biến thành Tu–la vậy? Vì tâm hiếu thắng chưa buông xả. Làm gì cũng muốn hơn người khác. Thắp nén nhang nơi cửa Phật, họ cũng dứt khoát muốn giành thắp trước, thắp nhang đứng thứ hai họ cũng không cam tâm. Đây gọi là A-tu-la, quả báo A-tu-la. Làm việc tốt cũng đều hiếu thắng. Đây là nghiệp nhân của cõi A-tu-la, cho nên, A-tu-la hiếu thắng, ưa tranh đấu, ưa tranh hơn với người khác. Ở trên trời thường hay đấu tranh với vua trời, ở nhân gian cũng thường ưa đi đấu tranh với người, ở cõi nào họ cũng đều ưa thích đấu tranh. Họ có phước báo, phước báo là quá khứ trì giới, tu thiện tích đức. Nếu như họ có thể khiêm tốn, có thể nhún nhường, thì người này chắc chắn là sinh cõi trời, chứ không phải cõi A-tu-la.

Lục đạo chỉ giới thiệu sơ lược vậy thôi, là do tâm tưởng bất đồng nên sanh ra lục đạo.
Trích từ: Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh Tập 6
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hòa Thượng Thích Đức Niệm Đọc Tiếp
2 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
5 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
6 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 6, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Báo Ứng Hiện Đời - Giai Nhân Áo Phượng - Tập 6, Ni Sư Thích Nữ Hạnh Đoan Tải Về
8 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
9 Phật Thuyết Kinh Vạn Phật, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
10 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Thiển Thích, Hòa Thượng Thích Minh Cảnh Tải Về
11 Kinh Đại Bát Nhã - Tập 06, Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm Tải Về