Theo đạo Phật thì người tại gia phải kính trọng người xuất gia, chứ không được "coi trời bằng vung, " không được khinh thường người xuất gia, không được phê phán người xuất gia. Người tại gia phải biết cúng dường và tán thán người xuất gia, như vậy thì mới không tạo ra mạn nghiệp (nghiệp kiêu mạn); nếu không, người tại gia sẽ trở nên cống cao ngã mạn, chẳng những không được công đức mà còn tạo tội nữa, theo định luật nhân quả thì chắc chắn sẽ bị đọa vào ba đường ác. Ngược lại, khi thọ nhận sự cúng dường của người tại gia, giúp họ trồng ruộng phước, thì người xuất gia cần phải hồi quang phản chiếu, suy xét hằng ngày mình có tu hành đàng hoàng hay không, bởi vì:
Thí chủ nhất lạp mễ,
Trọng như Tu Di sơn,
Thực hậu bất tu Ðạo,
Bị mao đái giác hoàn!
(Một hạt cơm thí chủ,
Nặng như núi Tu Di,
Ăn rồi không tu hành,
Mang lông, đội sừng trả!)
Người xuất gia khi thọ nhận sự cung kính của kẻ khác thì phải biết tự phản tỉnh, bản thân mình có xứng đáng để nhận sự cung kính chăng? Thân mình mặc áo của người tu, nhưng phải chăng mình chẳng khác gì kẻ đời? Phải chăng hằng ngày mình thường khởi những vọng tưởng vô ích? Phải chăng từ sáng tới tối mình luôn nóng giận, bực dọc? Phải chăng từ sáng tới tối mình luôn đố kỵ hoặc chướng ngại sự tu hành của kẻ khác? Người xuất gia nếu phạm những điều như trên thì không đủ tư cách để thọ sự cúng dường của người tại gia, dù cho miễn cưỡng mà thọ nhận, thì vẫn thấy thẹn với lòng. Người xuất gia tu Ðạo cần phải luôn luôn chú ý, không được hồ đồ ở trong đạo tràng lãng phí thời gian. Nếu sống như thế mà lại thọ nhận sự cúng dường của kẻ tại gia thì thật là điều hết sức sai lầm!
Vì sao người tại gia nên cúng dường người xuất gia hoặc là hộ trì người xuất gia? Là bởi vì người xuất gia chuyên tâm tu Ðạo, không có vọng tưởng, phiền não hay tật đố như kẻ đời. Nếu được như vậy thì mới xứng đáng với sự cung kính và cúng dường của người tại gia, mới có thể thọ nhận mà lòng không hổ thẹn. Nếu người xuất gia mà không chân thật tu hành, thậm chí không cung kính và thành khẩn như người tại gia, thì không có tư cách để thọ nhận sự cung kính và cúng dường của kẻ khác! Ðây là điều mà mọi người cần phải giác ngộ sâu xa, không thể "lẫn lộn mắt cá với hạt ngọc, " không nên ở trong đạo Phật mà kiếm miếng ăn.
Khi người tại gia cúng dường cho người xuất gia thì không được có tâm phân biệt, không được có tâm lựa chọn: "Vị Thầy này có tu hành nên tôi muốn cúng dường. Vị Thầy kia không có đạo hạnh nên tôi không cúng dường." Ðừng nên có tâm trạng không chánh đáng như vậy. Bất luận ở đâu chúng ta cũng đều nên cúng dường Tam Bảo, chứ đừng bới lông tìm vết, đừng tìm kiếm lỗi lầm của Tam Bảo. Nếu bạn cứ luôn tìm kiếm lỗi lầm của Tam Bảo, thì đó chính là tánh cống cao ngã mạn của bạn tác quái, dứt khoát bạn không đủ tư cách hộ trì Tam Bảo!
Ở trong đạo tràng, chúng ta đừng nên tạo tội lỗi mà cần phải làm nhiều việc công đức, như thế mới bù đắp được những tội lỗi mình đã tạo khi xưa. Ðầu tiên, chúng ta cần phải sám hối, bởi:
Di thiên đại tội,
Nhất sám tiện tiêu.
(Tội lỗi dẫu lớn đầy trời,
Nếu biết sám hối, tội thời tiêu tan.)
Vậy phải sám hối như thế nào? Chúng ta phải ở trước tứ chúng mà kể ra tất cả tội lỗi mình đã làm, phải nói rõ mọi chi tiết của các tội và phát nguyện rằng từ nay về sau tuyệt đối sẽ không tái phạm. Như vậy thì chư Phật và chư Bồ Tát mới có thể tha thứ cho chúng ta và giúp ta trừ sạch nghiệp tội. Những tội lỗi trước kia của chúng ta đều là "vô tâm sở phạm, " tức là do vô ý mà phạm. Song le, từ nay về sau, nếu chúng ta tái phạm thì đó là "minh tri cố phạm" biết rõ mà vẫn cố ý vi phạm thì dù có sám hối cũng không có tác dụng bởi nó thuộc loại định nghiệp, tương lai chúng ta tất sẽ chịu quả báo. Chúng ta không nên có tư tưởng: "Ban ngày tạo tội, ban đêm cầu nguyện, kể như vô tội!"; rồi cứ gây nghiệp luôn luôn, mà gây xong thì tiếp tục cầu nguyện, và dần dà tạo thành một thói quen máy móc. Nếu cứ như thế thì tương lai nghiệp tội của chúng ta sẽ chất chồng như núi Tu Di, không đọa địa ngục sao được!
Trong đạo tràng của chúng ta có hóa thân của mười phương chư Phật, hóa thân của mười phương chư Bồ Tát, hóa thân của chư Bích Chi Phật, hóa thân của chư Thánh nhân A la hán, và cả Thiên Long Bát Bộ cũng ở đây hộ pháp nữa. Vì thế, nếu chúng ta ở trong đạo tràng mà cứ luôn gây phiền phức cho người khác, soi mói lỗi lầm của mười phương vậy! Sống trong đạo tràng mà một mặt tu hành, một mặt tạo nghiệp công đức tu được không bằng ác nghiệp tạo ra thì cũng giống như tiền gởi trong ngân hàng không bằng tiền chi tiêu; nếu không bù được sự thâm thủng thì tương lai sẽ bị phá sản. Bởi vậy:
Thiện ác lưỡng điều đạo,
Tu đích tu, tạo đích tạo.
(Thiện ác hai con đường,
Tu thì tu, tạo vẫn tạo.)
Nghĩa là thiện, ác hai con đườngỦmột mặt mình tu, mà ác nghiệp thì vẫn tạo. Do đó, đừng nên ở chùa mà chỉ biết tạo nghiệp ác. Hãy nên thường xuyên tìm kiếm lỗi lầm của chính mình, chứ đừng soi mói sự sai trái của người khác. Nếu cứ chuyên tìm lỗi người, chướng ngại kẻ khác tu hành thì chẳng những bản thân mình không được điều gì tốt lành mà tương lai mình còn phải gánh chịu quả báo, hậu quả khó lường!