Câu hỏi: Lão pháp sư nói “hữu tình vô tình đồng viên chủng trí, chúng sanh hữu tình có Phật tánh, chúng sanh vô tình có Pháp tánh, Phật tánh và Pháp tánh là đồng một tánh”. Bản thân thực vật cũng có thể học Phật thành Phật giống như chúng ta phải không ạ? Nếu thực vật có thể thì khoáng thạch, núi sông đại địa cũng có thể học Phật thành Phật phải không ạ?
Lời này không phải là tôi nói. Tôi không có trí huệ này, tôi không dám nói lời này. Lời này là ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, là Phật nói, cho nên đừng hiểu lầm. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Thực tại mà nói bạn hỏi câu hỏi này, chúng tôi đã tuyên giảng vô số lần trong “Kinh Hoa Nghiêm” rồi, hơn nữa giảng được vô cùng rõ ràng, vô cùng tường tận, cho nên ở nơi này không trả lời nữa, bạn hãy nghe nhiều “Kinh Hoa Nghiêm” thì tự nhiên bạn sẽ rõ ràng. Ở đây nhất định phải làm rõ một câu để nhắc nhở bạn, chính mình thành Phật rồi, thì không những hết thảy chúng sanh cũng thành Phật mà cây cối hoa cỏ, núi sông đại địa cũng thành Phật, là thật. Cho nên khi một người thành tựu thì hết thảy đều thành tựu, thành tựu viên mãn, rồi bạn sẽ nhìn thấy. Muốn thành Phật, tôi không nhìn thấy họ thành Phật, đúng, bởi vì bạn chưa thành Phật, bạn thành Phật rồi thì bạn sẽ nhìn thấy thôi. Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật nhìn thấy, cảnh giới của mỗi người là tâm hiện của chính bản thân người đó, cho nên khi bạn thành Phật thì bạn mới có thể nhìn thấy; bạn không thành Phật mà người khác thành Phật thì bạn không nhìn thấy. Bởi vì cảnh giới mà bạn nhìn thấy là tâm hiện thức biến của bạn, tâm của bạn là tâm phàm phu, chưa chuyển, cho nên núi sông đại địa vẫn là hình dáng này. Một ngày nào đó bạn thành Phật rồi thì không như vậy nữa!
Nhưng hiện nay là gì? Hiện nay nghiên cứu trong khoa học đã chứng minh lời của Phật là hoàn toàn chính xác. Bạn xem thí nghiệm của Tiến sĩ Giang Bổn Thắng, nước là khoáng vật, chứng minh điều gì? Chứng minh trong vật chất của khoáng vật có Phật tánh, chính là có pháp tánh. Tánh là gì? Tánh là thấy - nghe – hay - biết. Cho nên tiến sĩ Giang Bổn Thắng dùng nước để thí nghiệm, chứng minh nước có “thấy - nghe - hay - biết”. Sau khi ông phát biểu tin tức này thì rất nhiều nơi họ đã dùng phương pháp này để nghiên cứu. Tôi xem thấy có báo cáo về thí nghiệm mà các em học sinh tiểu học làm, dùng trái cây, dùng cơm, dùng bánh bao, dùng cây cảnh bonsai để làm thí nghiệm, thí nghiệm rất thành công. Ví dụ như hấp một nồi bánh bao, các em lấy hai cái để sang hai bên, để ở ngoài cửa. Mỗi lần bước vào cửa, nói với cái ở bên phải “Mình rất thích bạn, mình yêu bạn”, nói với cái ở bên trái “Tao ghét mày, tao hận mày”. Sau một tuần, cái mà ngày ngày đều thủ thỉ yêu nó, thích nó thì nó lên men, chuyển thành màu vàng, mùi rất thơm; cái bên trái nói với nó là tao hận mày, tao ghét mày, không thích mày thì cái đó chuyển thành màu đen, mùi rất hôi, rất khó ngửi. Nói rõ điều gì? Nó hiểu được ý của bạn, bạn thích nó, nó cũng thích; bạn ghét nó, nó cũng ghét. Thử với một nồi bánh bao hấp mà không sai thì đã nói rõ vạn vật có pháp tánh.
Chúng tôi đã làm rất nhiều thí nghiệm về thực vật, làm được rất thành công. Bởi vì chúng tôi có vườn rau, chúng tôi đối với những rau củ quả, cây cối hoa cỏ này, chúng tôi ngày ngày chúc phúc cho chúng, ngày ngày khen ngợi chúng, ngày ngày phát niệm Phật cho chúng nghe, phát đĩa giảng Kinh của chúng tôi cho chúng nghe, chúng phát triển đặc biệt tốt. Khi so sánh nông trường gần đó với chúng tôi, rau củ quả của họ không thể sánh được với chúng tôi. Cho nên những người đó đến thỉnh giáo, các vị trồng như thế nào? Thật ra việc chăm sóc trồng trọt thì chúng tôi không bằng họ, chuyên gia chăm sóc của họ giỏi hơn chúng tôi. Chẳng qua là vì chúng tôi có những lời khen ngợi, có Phật hiệu, có Kinh Phật, khi chúng nghe thì không như nhau.