Home > Khai Thị Phật Học > Nhac-Su-Va-Vua
Nhạc Sư Và Vua
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Nhạc sư nọ được vua hứa thưởng một ngàn đồng tiền, nên hí hửng đến dạo nhạc cho vua nghe. Nghe xong vua không thưởng tiền, mà nói rằng “ông đàn cho ta nghe, chỉ là thưởng thức qua hư không, ta hứa cho ông tiền cũng làm ông vui qua hư không”.

Quả báo thế gian cũng vậy, hoặc ở cõi người hoặc trên cõi trời, tuy có hưởng ít lạc, nhưng vẫn không thật. Khi vô thường đến, tất cả đều mất, không kéo dài lâu được, như sự giải trí qua hư không.

Lời Bình:

Câu chuyện trên cho thấy mọi quả báo ở thế gian này vốn không thật hữu, mang đậm tính chất vô thường, thoạt có thoạt không, không thể nắm bắt hay sở hữu được, và không mang theo được sau khi chết.

Nhà vua nghe nhạc xong không trả tiền, mượn lý do, nhạc sĩ đàn cho vua nghe giải trí nơi tai nhất thời, không có giá trị bền vững, nên do nhân duyên này được lại quả tương ưng là cũng nghe số tiền thưởng mà vui trong chốc lát. Đời sống chúng sinh cũng vậy cả đời truy cầu cái quả không thật, bỏ công phu truy cầu rất to lớn, đầu tư bằng bao nghiệp nhân, nhẫn chịu mọi khổ não nơi thân tâm hiện tại, và còn trong các đời sau nữa mà chỉ đổi lấy chút giải trí huyễn hóa này, thì thật là đau thương.

Như lời bình trong câu chuyện “người ngu ăn bánh”, thế nhân chạy theo mục tiêu phú quý, phải khổ trong ba giai đoạn và sau đó là quả khổ tương lai, mà không biết phú quý cũng chỉ “giầu giờ ngọ khó giờ mùi”, tựa như nghe nhạc trong chuyện này vậy.

Câu chuyện này đưa đến 3 trình bậc nhận thức. Thứ nhất là hiểu rõ bản chất của mọi quả báo thế gian đều chóng vánh và hư huyễn không thật, thực không đáng thiết tha truy cầu, nên được sống một đời tri túc thiểu dục, nhàn lạc.

Thứ hai là tiếp theo nhận rõ sở dĩ quả báo ở thế gian thường không thật và không sở hữu đuợc để mang đi theo ta, vì nó không từ nhân mà thành, nó từ nhân dục sinh ác để mưu đoạt, nên quả có được do nơi tranh cướp mà không phải từ nhân sinh quả, ví như băng cướp không chế tài sản người khác, nên tài sản có được của chúng không do nhân sinh mà do lực cưỡng chế, vì vậy quả tài sản đó, không bền vững mà thật quả vẫn là hình phạt và lao tù. Nếu quả do từ chính nhân sinh thì đó là chính quả chân thật vững bền.

Thứ ba tiếp đến là nhận chân mọi thứ trên thế gian này đều huyễn hóa, mọi quả đạt được đều do tâm. Nếu tâm loạn động ắt quả loạn động, tâm thanh tịnh tất quả thanh tịnh. Tâm ác thì cảnh giới ác, tâm thiện thì cảnh giới thiện, mọi quả báo chỉ là ảnh tượng của tâm. Tâm địa ngục, tức thời chảo nóng dầu sôi tự hiện, tâm hồi đầu hướng thiện, cảnh giới lại biến đổi theo tâm, từ cảnh hành hình ở địa ngục thành cảnh hưởng lạc ở thiên đường. Tâm chúng sinh có đủ loại loạn động, nói chung là 6 cách nên thành sáu nẻo luân hồi. Nếu tâm tịnh thì sáu nẻo đều tịnh. Khi sáu nẻo đều tịnh thì chỉ có một cảnh duy nhất tổng hợp 6 nẻo tịnh, đó là tịnh cảnh, là tịnh độ của tâm, còn gọi là “duy tâm tịnh độ”, đúng với lời dậy của Như Lai “tùy kì tâm tịnh tức Phật độ tịnh”. Nếu tâm vẫn loạn động trong sáu nẻo, có cho ta lên tịnh độ, tâm ta vẫn biến tịnh độ thành luân hồi. Vì vậy đức Thế Tôn mới nhắc “nhất tâm bất loạn” là tâm của Thánh chúng ở cõi Phật. Do đó thay vì cầu xin được cứu khổ hay tranh giành hạnh phúc, thì chỉ cần chuyển tâm từ loạn động sang tịch tĩnh. Tâm loạn động mất thì cảnh giới của tâm này diệt theo, đồng với chẳng còn lục đạo để khổ, mà tịnh độ hiện tiền, do tâm tịch tĩnh.

Bàn về tâm lý của chúng sinh, thì thế nhân thường suy nhĩ và hành sử nhằm vào mục đích đạt cho được những nhu cầu do vọng tưởng đòi hỏi, đó chính là những quả báo xu hướng về sở hữu mọi thứ, mọi vật và mọi người quanh mình, rồi từ đó họ nhận vơ những đối tượng họ mong cầu sở hữu đó là “của tôi”, như chức vụ của tôi, vợ tôi, con tôi, tài sản tôi, danh vọng của tôi, tình cảm của tôi…kẻ nào đụng đến “của tôi” tôi sẽ tranh đấu sống chết với họ. Song kẻ nào cũng muốn sở hữu mọi thứ, nên mới có ngã sở, vì vậy những chúng sinh này thường đấu tranh sống chết giữa nhau, để đòi mọi thứ, mọi người hay vật thuộc về mình. Nếu hiểu rõ bản chất của từ sự vật đến chúng sinh đều là huyễn tưởng cũng như hư không, thì đâu đến nỗi mất thời gian muôn kiếp để đấu tranh không dứt, mà kết quả của trận chiến dai dẳng này chỉ có luân hồi sinh tử đắc lợi, còn thì tất cả đều thua. Ngã thì đầy nghiệp khổ lạc âu lo, lại thêm lão bệnh tử, “ngã sở” thì chỉ là hư vô trắng tay, như đàn và tiền thưởng công đều qua hư không.

Quả thật, bao nhiêu nỗ lực của thân tâm cầu tìm dục lạc quả báo, khác nào dạo đàn mong cầu tiền thưởng, chung cục cũng chỉ là hư không, khi tai ương, và nhất là bệnh tử đến, khi đó mới thấy tiền thưởng ngũ dục đó chỉ là hư không, chẳng làm chủ được hào xu nào. Những nỗ lực bất kể hiểm nguy, “nan hành” đến mấy đi nữa, để cầu quả báo ngũ dục, chúng sinh đều chẳng chút ngần ngại “bất tích thân mạng” chiến đấu đến cùng. giá mà họ quý trọng Phật pháp được như thế, giá mà họ hành Phật pháp “không tiếc thân mạng” như tranh đoạt ngũ dục thì họ đã được một phần thưởng chân thật – thoát khỏi mọi nhân hành và quả báo hư vô. Cái giá của quả báo hư vô này rất đau thương, sự đau thương cho cả 2 phía tranh chấp, tất cả đều chịu nghiệp khổ để giành nhau thứ “hạnh phúc lông rùa sừng thỏ”, chẳng phải là điên đảo lắm ư?

Việc làm hư vô này gọi là “chúng sinh sự”, phát sinh từ “chúng sinh tri kiến”, chúng ta vì “chúng sinh tri kiến” mà hành không biết bao “chúng sinh sự” qua vô lượng kiếp, thành một thói quen truyền thống đúc kết nên một “ngã” kiên cố chấp chặt vào “chúng sinh tri kiến”. Vì lý do này chư Phật thị hiện nơi đời, khai thị cho chúng sinh tri kiến của Phật.

Phật tri kiến bao quát 2 phương diện:

Thứ nhất: giúp chúng sinh hiểu rõ cái “tri kiến cố hữu” của ta và nhất thiết chúng sinh, đã hướng dẫn mọi “chúng sinh sự” chỉ đưa đến các kết quả hư vô, đồng nghĩa với chẳng được gì cả, ngoài sự luân hồi sinh tử, do nghiệp tức “chúng sinh sự” chiêu cảm. Nếu lãnh hội được sự khai thị này, cái “chúng sinh tri kiến” đó nhận chân ra 2 đế khổ tập, và liền ngay đó “chúng sinh tri kiến” chuyển thành “Phật tri kiến”

Thứ hai: Sau khi chúng sinh lãnh hội được “Phật tri kiến”, tri kiến này không còn chút tri kiến của chúng sinh, sẽ hướng dẫn thân tâm thoát ra khỏi các hành và quả báo hư vô, vĩnh viễn lìa bỏ mọi đấu tranh ngũ dục, kết thúc chuỗi thời gian vô tận muôn triệu kiếp đấu tranh tạo nghiệp vô gián đoạn, không có ngày nghỉ. Không những thế lại nhờ vào Phật tri kiến mà ngộ nhập được 2 đế diệt đạo, đó là “Phật sự”.

Thái độ và tầm nhìn nhận chân được “chúng sinh tri kiến” đã đưa đến những “chúng sinh sự” sai lầm chết người, trong bao kiếp từ vô thủy đến nay, chính là sự khai thị của Phật pháp. Từ “chúng sinh tri kiến” chuyển thành “Phật tri kiến” đã khiến “chúng sinh sự” trở thành “Phật sự”. “chúng sinh tri kiến” là tâm vọng tưởng, “chúng sinh sự” là thân vọng hành. Thân tâm vọng này là thảm họa của chủ nhân chúng, là mối đe dọa khủng bố của muôn loài trong phạm vi hoạt động của nó. Nay được khai thị “Phật tri kiến” lập tức chấm dứt mọi thảm họa nơi thân tâm, và mối đe dọa khủng bố đối với muôn loài, khiến ta và người đều an lạc, quả báo hư vô không còn môi trường phát sinh, nên huyễn diệt tận. Chân lý nhân đó hiển hiện, như mây tan thì ánh trăng tự lộ.

Cái quả báo do “chúng sinh tri kiến” vọng tưởng, đưa đến vọng hành “chúng sinh sự” chỉ là một thứ “quả ảo”, tựa hồ như có trong 1 thời gian ngắn, một không gian hạn hẹp, mà không hề thật có trong một thời không vô hạn, như mọi cái thật. Thứ “quả báo ảo” đó có cũng hoàn không, không thể sỡ hữu vĩnh hằng, thân tâm đã vô thường thì những cái thuộc về nó tất nhiên không thể vĩnh cửu được. Nay bỏ bao đời ra truy cầu, cầu được sung sướng cho là “chuyện lớn của đời ta” nhưng rồi chỉ trong phút giây chạm mặt thần chết, thì cái “thành công lớn của đời ta” lại thành hư không. Cứ đời này sang đời khác như chim vào lồng, như cá cắn câu, không có ngày ra, may nhờ chư Phật thị hiện nơi đời “khai thị Phật tri kiến” mới thoát ra được, như lũ trẻ thoát ra khỏi nhà lửa. Tất cả các mong cầu ở thế gian, chẳng qua chỉ tựa như vua nghe nhạc giải trí, như nhạc sư được thưởng qua hư không...