Home > Khai Thị Phật Học > Co-Chu-Lang-Nghiem-La-Co-Chanh-Phap
Có Chú Lăng Nghiêm Là Có Chánh Pháp
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Chú Lăng Nghiêm là vua trong các chú, cũng là chú dài nhất trong các chú, chú này có liên quan đến sự hưng suy của toàn bộ Phật Giáo.

Tên của Chú Lăng Nghiêm là “Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát La Vô Thượng Thần Chú”. “Ma ha” là tiếng Phạn, dịch nghĩa là lớn – thể, tướng và dụng đều lớn. “Thể, ” khắp mười phương, tận hư không khắp Pháp Giới là đại dụng của Chú. Nói đến “tướng, ” Chú này không có tướng, Chú thì có tướng gì chứ? Tuy nhiên, Chú này là “vô tướng” nhưng lại không “vô tướng.” Cũng có thể nói Chú không có “dụng” gì, nhưng không có gì là không “dụng, ” tận hư không khắp Pháp Giới không có gì là không “dụng.” “Dụng” này là đại dụng, “tướng” là đại tướng, “thể” là đại thể, đây chính là ý của “Ma Ha.”

“Tát Đát Đa” cũng là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “màu trắng” (bạch sắc), cũng có nghĩa là “thanh tịnh, ” tức là không bị nhiễm ô. Cho nên nói:

Tướng mà dứt tuyệt mọi ô nhiễm được gọi là “trắng.”

(Tướng tuyệt chư nhiễm viết “bạch.”)

Chú Lăng Nghiêm là pháp “bạch tịnh”—một thứ pháp thanh tịnh, không ô nhiễm.

“Bát Đát La” cũng là tiếng Phạn, dịch nghĩa là cái lọng (tản cái). Đây là một tỷ dụ, Chú Lăng Nghiêm ví như một cái lọng báu dùng để che mát cho vạn vật, che chở cho tất cả những người có đức; ai có đức hạnh thì người đó có thể gặp được pháp này, người không có đức hạnh thì không thể nào gặp được pháp này. Cho nên nói:

“Tam quang phổ chiếu thấu tam tài.”

Có một số người nhất định cho rằng “ba thứ ánh sáng (tam quang)” là ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao. Mặt trời, mặt trăng, ngôi sao là ba ánh sáng ở bên ngoài. Quý vị trì tụng Chú Lăng Nghiêm thì ba nghiệp thân khẩu ý đều phóng hào quang – trên thân có thân quang, trong miệng có khẩu quang, trong tâm có tâm quang. Quý vị đã từng nghe nói về điều này chưa? Đây là quý vị được nghe điều chưa từng nghe, thấy điều chưa từng thấy vậy.

Hào quang từ trên thân phóng ra là hoàng quang (ánh sáng màu vàng); khi quý vị tu thành công rồi thì nó biến thành kim quang (ánh sáng màu vàng kim). “Kim quang vạn đạo” tức là hàng vạn luồng ánh sáng màu vàng kim. Quý vị bắt đầu tu Chú Lăng Nghiêm thì trên thân có ánh sáng màu vàng nhạt, lâu ngày chày tháng, lại biến thành màu vàng kim. Cho nên nói muôn ánh sáng màu vàng tía đầy khắp Pháp Giới, đây đều là nhờ tu Chú Lăng Nghiêm mà thành tựu được.

Ánh sáng phóng ra từ miệng là ánh sáng màu đỏ (hồng quang), ánh sáng từ trong tâm phóng ra là màu trắng (bạch quang). Nhưng có lúc, trong miệng cũng phóng ra ánh sáng màu vàng (hoàng quang), có lúc lại phóng ra ánh sáng màu xanh (thanh quang), có lúc lại phóng ra ánh sáng màu đen (hắc quang). Có lúc thì lại phóng ra ánh sáng đủ các màu sắc – xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, nhưng đây đều phải tu thành mới được.

“Bát Đát La” ví như cái lọng lớn màu trắng che chở cho tất cả những chúng sanh có đức, những chúng sanh thọ trì Chú Lăng Nghiêm. Cho nên nói:

“Tam quang phổ chiếu thấu tam tài” (tam quang chiếu khắp tận tam tài.) “Tam tài” tức là trời, đất, và con người.

“Diêm phù thế giới thủ bất lai” (đi khắp cõi Diêm Phù mà không tìm thấy.) Ở cõi Diêm Phù quý vị tìm khắp mọi nơi mà tìm không ra; nhất định phải thọ trì Chú Lăng Nghiêm mới có thể có được loại hào quang này.

“Đại đức đại thiện năng ngộ đắc” (đại đức, đại thiện, mới được gặp.) Phải là người có đức hạnh lớn, có thiện tâm lớn, mới có thể gặp được pháp môn này.

“Vô đức vô thiện bất minh bạch” (vô đức, vô thiện, chẳng hiểu được.) Người không có đức hạnh, không hiền lương, không có thiện công đức, thì không thể nào hiểu được. Nếu quý vị không có đức hạnh, không có công đức thiện lành, thì cho dù quý vị có gặp được rồi, thì cũng sẽ để vuột qua ngay trước mắt, bị lỡ mất cơ hội mà thôi. Quý vị nhìn thấy vàng lại cho đó là đồng thau, nhìn thấy kim cương lại ngỡ là thủy tinh, nhìn thấy Chú Lăng Nghiêm lại cho rằng đó chẳng qua cũng là thứ rất tầm thường, không đáng gì cả, chẳng biết đó là quý báu, không biết được sự vi diệu của nó, không biết rằng công đức của Chú Lăng Nghiêm là không thể nghĩ bàn!

“Tâm quang” tức là ý niệm, là thức thứ sáu. Nhưng nếu quý vị không chịu tu hành, thì diệu dụng gì cũng không có được, nếu siêng năng tu hành thì sẽ phóng hào quang. Hào quang vừa nói đến, vẫn không phải chỉ ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh thì phóng ra ánh sáng thanh tịnh, mà còn có hồng quang chung quanh. Quý vị tụng Chú Lăng Nghiêm thì tự nhiên sẽ có hào quang màu đỏ bao quanh thân của quý vị, cho nên nói:

“Thiên đóa hồng liên hộ trụ thân” (ngàn đóa sen hồng che chở quanh thân). Hoa sen hồng phóng ra ánh sáng màu đỏ.

“Tọa câu kỵ trước mặc kỳ lân” (ngồi trên mình con kỳ lân đen).- Trong thời đại khoa học này mà nói như vậy e rằng sẽ bị người học khoa học chê cười đến rớt cả răng. Nhưng như vậy cũng tốt, nếu không cười rớt răng, ngày ngày cứ ở đó mà khoa học, khoa học mãi.

“Vạn yêu nhất kiến vãng viễn đóa” (hàng vạn yêu tinh trông thấy liền chạy trốn). Bất cứ yêu ma quỷ quái gì hễ trông thấy tướng oai đức của pháp thân được “thiên đóa hồng liên hộ trụ” này thì đều “chạy trốn ra xa.”

“Tế Công Pháp sư hữu diệu âm” (Pháp sư Tế Công có diệu âm). Lúc tụng Chú Lăng Nghiêm lại có ánh sáng màu tím đẹp đẽ, ánh sáng màu trắng xoay tròn. Vì sao hễ vừa tụng Chú Lăng Nghiêm, thì yêu ma quỷ quái không dám xuất hiện? Bởi vì Chú có năng lực lớn quá, khắp cả Pháp Giới hư không, nơi nào cũng chan hòa ánh sáng an lành, và có khí lành bao phủ. Cho nên, có người tụng Chú Lăng Nghiêm chính là bổ sung thêm chánh khí chưa đủ cho trời đất – một người tụng Chú Lăng Nghiêm thì có năng lượng của một người, trăm người tụng Chú Lăng Nghiêm thì có năng lượng của một trăm người, nhờ đó yêu ma quỷ quái trên đời đều sẽ trở nên hiền lành, ngoan ngoãn.

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các chú, cũng là chú dài nhất trong các chú. Chú này liên quan đến sự hưng suy của toàn Phật Giáo, trên đời nếu không còn một người nào biết niệm Chú Lăng Nghiêm, thì thế giới này sẽ nhanh chóng bị hủy diệt, vì trên đời không còn có Chánh Pháp nữa. Chỉ có Kinh Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm là bộ kinh và chú quan trọng nhất trong Chánh Pháp. Đức Phật tuyên thuyết Kinh Lăng Nghiêm là để nói ra Chú Lăng Nghiêm, là giải thích Chú Lăng Nghiêm, tán thán Chú Lăng Nghiêm. Trong Kinh Lăng Nghiêm có một đoạn kinh văn nói về phương pháp kết đàn rất tỉ mỉ, nếu quý vị muốn hiểu biết cho tường tận, có thể tìm xem đoạn kinh văn này.

Chú Lăng Nghiêm còn được gọi là “Phật Đảnh Quang Minh, ” là do hóa thân trên đảnh Phật tuyên thuyết, cho nên là pháp vi diệu không thể nghĩ bàn. Mỗi một câu có mỗi một công dụng riêng, mỗi chữ có mỗi sự áo diệu khác nhau, thảy đều không thể nghĩ bàn. “Phật đảnh quang minh” chính là biểu thị năng lực của chú có thể phá trừ tất cả tối tăm, hắc ám, đồng thời có thể thành tựu mọi công đức. Nếu quý vị có thể thọ trì Chú Lăng Nghiêm, tương lai nhất định sẽ được thành Phật, nhất định sẽ chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. (Không nhìn chú văn mà vẫn có thể đọc được thì gọi là “tụng”; nhìn vào chú văn mà đọc thì gọi là “đọc.”) Nếu quý vị có thể thường xuyên tụng niệm Chú Lăng Nghiêm, thì sẽ khiến cho nghiệp chướng đời trước được tiêu trừ. Đây là diệu dụng của Chú Lăng Nghiêm.

Thế nào gọi là “vô”? Vô cùng cao minh. “Cao minh vô cực, ” sáng đến cực điểm rồi, không có gì chiếu sáng hơn ánh sáng này nữa. “Thượng” là tôn quý, trên cao, không gì sánh bằng, không có gì tôn quý hơn, cao cả hơn điều này được. “Thần” chính là không thể nghĩ bàn, cũng chính là ý nghĩa uy linh khó lường. “Chú” chính là “cảm ứng đạo giao, ” nó có một loại năng lực, quý vị niệm chú liền có cảm ứng.