Home > Khai Thị Phật Học > Xung-Niem-Danh-Hieu-Chu-Phat-Va-Bo-Tat-Phan-1
Xưng Niệm Danh Hiệu Chư Phật Và Bồ Tát (Phần 1)
Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


Kinh Kim Cang nói: “Phàm đã có tướng, đều là hư vọng.” Cho nên, ứng thân của Phật, tuy là tướng tốt chói sáng, cũng thuộc trong vòng sinh diệt. Do đó, hễ Phật ra đời, đều phải nhập niết bàn. Chư Phật trong quá khứ, dù khi ở địa vị Bồ tát, hay ở địa vị Phật, đều cũng thường xuyên, trong thì chuyên tu phước tuệ, ngoài thì hóa độ chúng sinh. Oai thần của chư Phật không những phổ cập đến những người trong thời quí Ngài trụ thế, họ xưng niệm, cúng dường, lễ bái quí Ngài thì được vô lượng công đức; mà sau khi quí Ngài nhập niết bàn, dù tất cả kinh pháp đều tiêu hủy hết, chỉ còn có danh hiệu lưu truyền trong nhân gian, vẫn có thể rộng làm Phật sự, độ cho những người có cơ duyên. Đại nguyện của quí Ngài vẫn còn đó, phàm có người xưng niệm danh hiệu quí Ngài, cho đến chỉ cần khởi một niệm cung kính, đều được quả lành, phước không mất uổng.

Nay xin đem danh hiệu chư Phật và Bồ tát, và công đức của sự chiêm ngưỡng, lễ bái, xưng niệm, trình bày sau đây. Phàm là đệ tử nhà Phật, nếu thấy nghe được, xin hãy đứng dậy, chắp tay xưng niệm, hoặc lễ bái cúng dường, thì đời này và đời sau, đều được lợi ích vô cùng to lớn.

Hai chữ “nam mô” là tiếng Phạn, âm đọc là “na mô”, dịch nghĩa là “kính lễ, qui y, độ ngã” v.v..., tức là nói lên cái ý một lòng tin thuận. Phật tử đối với danh hiệu chư Phật và Bồ tát, cũng như con cái đối với tên cha mẹ, không dám kêu thẳng, cho nên ở trước danh hiệu, phải thêm hai chữ “nam mô”; nếu không thêm hai chữ này, thì cũng phải chắp tay để tỏ lòng cung kính.

Nam mô Vô Biên Thân Phật. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe tên đức Phật này, dù chỉ trong một thời gian ngắn sinh lòng cung kính, cũng vượt thoát được trọng tội sinh tử trong bốn mươi kiếp, huống chi lại còn đắp tượng vẽ hình, cúng dường khen ngợi, sẽ được phước vô lượng vô biên.

Nam mô Bảo Tánh Phật. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe tên đức Phật này, dù chỉ phát tâm qui y trong một thời gian ngắn như cái khảy móng tay, cũng chắc chắn sẽ tiến tới mãi trên con đường đến đạo quả vô thượng.

Nam mô Ba Đầu Ma Thắng Phật. Nếu có người nam hay người nữ nào, chỉ cần nghe qua tên đức phật này, sẽ được sinh tới sinh lui cả ngàn lần vào sáu tầng trời cõi Dục, huống chi lại còn chí thành xưng niệm.

Nam mô Sư Tử Hống Phật. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe tên đức phật này, chỉ cần phát khởi một niệm qui y, sẽ được gặp vô lượng chư Phật rờ đầu thọ kí.

Nam mô Câu Lưu Tôn Phật. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe tên đức Phật này, chí tâm chiêm ngưỡng, lễ bái, hoặc tán thán, thì trải suốt một ngàn đức Phật trong Hiền kiếp, làm thiên vương cõi trời Đại phạm, được thọ kí hàng đầu.

Nam mô Tì Bà Thi Phật. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe tên đức Phật này, sẽ vĩnh viễn không bị đọa vào các đường dữ, thường được sinh làm người hay trời, hưởng được niềm vui thắng diệu.

Nam mô Bảo Thắng Phật. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe tên đức Phật này, vĩnh viễn không bị đọa vào các đường dữ, thường ở cõi trời, hưởng thọ niềm vui thắng diệu.

Nam mô Bảo Tướng phật. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe tên đức phật này, sinh tâm cung kính, không lâu sau sẽ chứng được thánh quả A la hán.


CHÚ THÍCH

01. Kim Cang là tên vắn tắt của kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, do ngài Cưu Ma La Thập đời DiêuTần(1) dịch. Kinh này lấy “không tuệ” làm thể, chuyên nói lí vô ngã của tất cả các pháp; có tất cả sáu bản dịch(2), mà bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập được thịnh hành hơn cả.

02. “Đường quyên” nghĩa là bỏ uổng, không được gì cả.

03. “Ma đảnh” là đức Phật dùng tay rờ đầu mình. “Thọ kí” là đức Phật báo trước cho biết, trong tương lai sẽ thành Phật.

04. Thế giới Ta bà, từ lúc hình thành cho đến lúc hoại diệt, trải qua một đại kiếp, gọi là “Hiền kiếp”, hay “Thiện hiền kiếp”. Trong thời gian hai mươi tiểu kiếp của trung kiếp Trụ, thuộc Hiền kiếp, trước sau có cả thảy một ngàn đức Phật ra đời, bắt đầu là đức Phật Câu Lưu Tôn, sau cùng là đức Phật Lâu Chí; đó là “một ngàn đức Phật của Hiền kiếp”.

05. “Đại phạm” là tầng trời thứ ba của cõi trời Sơ thiền. “Đại Phạm vương” là vị vua trời của tầng trời Đại phạm.

PHỤ CHÚ

(01) Diêu Tần: Theo lịch sử Trung quốc, vào cuối đời Tây Tấn (265 316), năm dân tộc là Hung nô, Tiên ti, Yết, Chi, và Khương (sử gọi là “Ngũ Hồ”), lấn chiếm các vùng đất ở miền Giang bắc (phía Bắc sông Trường giang), diệt nhà Tây Tấn, thành lập nhiều nước nhỏ, trước sau có đến 16 tiểu quốc, sử gọi là thời đại “Ngũ Hồ Thập lục quốc”. Trong khi đó, sau khi nhà Tây Tấn bị diệt, một người trong dòng tộc nhà Tấn là Tư mã Duệ, lui xuống miền Giang nam, tự lập làm vua (317 322), đóng đô ở thành Kiếnkhang, lập ra nhà Đông Tấn (317 419), cho nên, thời kì này cũng được gọi là “Đông Tấn Thập lụcquốc”, hay “Đông Tấn Liệt quốc”. Trong thời kì này, phần nhiều các vua chúa của 16 nước ở Giangbắc, cũng như triều Đông Tấn ở Giang nam, đều nhiệt tâm ủng hộ Phật pháp, cho nên Phật giáo ở cả hai miền đều rất hưng thịnh. Trong 16 nước của các dân tộc “Ngũ Hồ” ở Giang bắc, năm 351, Phù Kiện (dân tộc Chi) xưng đế (351 355) ở Thiểm tây, lập quốc hiệu là Tần, đóng đô ở Trường an, sử gọi là “Tiền Tần”, hay “Phù Tần” (nghĩa là nước Tần của họ Phù), truyền được 6 đời vua, kéo dài 44 năm (351 394). Năm 384, tướng của vua Phù Kiên (357 385 – vua thứ ba của nhà Tiền Tần) là Diêu Trành (330 393), chiếm cứ đất Vị bắc, tự xưng là Tần vương, đem binh đánh Trường an, vua Phù Kiên bỏ chạy; qua năm sau (385) thì bị Diêu Trành bắt giết. Diêu Trành xưng đế ở Trường an, đổi quốc hiệu là ĐạiTần, sử gọi là “Hậu Tần” (384 417). Nhà Hậu Tần do Diêu Trành sáng lập, cho nên cũng được gọi là “Diêu Tần”. Các vua nhà Diêu Tần rất chân thành tín phụng Phật pháp, không những tin tưởng mà còn nhiệt tâm nghiên cứu, học hỏi, tu tập; cho nên Phật giáo rất thịnh hành. Trong thời này, rất nhiều vị cao tăng (người Ấn độ cũng như người Trung quốc), được tôn xưng là thánh tăng, từng làm rạng rỡ cho nền giáo học Trung quốc, mà đứng đầu là ngài Cưu Ma La Thập; tiếp đó là bốn vị từng được xưng là “tứ thánh” (gồm các ngài Tăng Triệu, Tăng Duệ, Đạo Sinh, Đạo Dung); và hàng trăm vị được xưng là “đạt nhân” (như các ngài Tuệ Quán, Đạo Hằng, Tăng Đạo, Đàm Ảnh, Pháp Khâm, v.v...).

(02) Kinh Kim Cang có sáu bản Hán dịch khác nhau; ngoài bản Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh của ngài Cưu Ma La Thập (344? 413?), đời Diêu Tần (hay Hậu Tần, 384 417), được thịnh hành hơn cả, còn năm bản dịch khác là: Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh của ngài Bồ Đề Lưu Chi (??), đời BắcNgụy (386 534); Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh của ngài Chân Đế (499 569), đời Trần (557 589); Kim Cang Năng Đoạn Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh (gọi tắt là Kim Cang Năng Đoạn Kinh) của ngài Đạt Ma Cấp Đa (? 619), đời Tùy (581 619); Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh (tức quyển 577, phần “Năng Đoạn Kim Cang”, trong bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh) của ngài Huyền Trang (602? 664), đời Đường (618 907); Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh (gọi tắt là Năng Đoạn Kim Cang Kinh) của ngài Nghĩa Tịnh (635 713), đời Đường.

BÀI TẬP

1) Phàm Phật ra đời, tất phải nhập niết bàn; vì sao?

2) a/ “Nam vô” nên đọc âm gì? b/ Hàm những nghĩa gì? c/ Tại sao trước danh hiệu của chư Phật và Bồ tát phải thêm hai chữ ấy? d/ Nếu không niệm hai chữ ấy thì phải làm sao để tỏ lòng tôn kính?

3) Phát tâm qui y đức Phật Bảo Tánh sẽ được công đức gì?

4) Một niệm qui y đức Phật Sư Tử Hống, trong tương lai sẽ có cơ hội gặp được gì?

5) Nghe tên đức Phật Câu Lưu Tôn, chí tâm chiêm ngưỡng, lễ bái, hoặc tán thán, trong tương lai sẽ được tốt đẹp như thế nào?

6) Nghe tên đức Phật Bảo Tướng, sinh tâm cung kính, đời sau sẽ đạt được kết quả gì?