Trong hàng Chư Thánh đệ tử của Đấng Điều Ngự có Ngài Mục Kiền Liên, vị đệ tử thần thông bậc nhất; Ngài có thể lên trời xuống đất đi đi lại lại dễ dàng. Ngài thi triển thần thông mà không sợ đấng Điều Ngự quở rầy, vì Ngài không lạm dụng do sự đòi hỏi hiếu kỳ của mọi người cũng như cho sự thỏa mãn chính Ngài. Tất cả những biến hóa đó đều vì Phật pháp, đều đưa mọi người đến gần đạo giải thoát. Sự thành tựu và khéo léo hiện hóa thần thông của Ngài, đã được đấng Điều Ngự hài lòng khen ngợi là vị đệ tử có một không hai về mặt thần thông hơn tất cả.
Khi được mọi người công nhận và tự thấy sự thật chính mình như vậy, Ngài không khỏi nghĩ về một sự kiện, mà trong đời Ngài không thể quên được. Điều này làm cho Ngài buộc phải triển hết thần thông bằng mọi cách, đó là tìm lại mẹ Ngài. Mẹ Ngài mất đi mang theo nghiệp ác, đến nỗi phải đọa địa ngục A Tỳ. Là người con chí hiếu, Ngài không thể không cứu mẹ dù Ngài dư biết rằng đó là do nghiệp quả; nhưng hiếu hạnh của một bậc Thánh, tưởng không giao động lại còn mãnh liệt hơn! Điều này khiến hàng phàm phu thế tục như chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta chắc rằng Ngài đã phương tiện thầm dạy chúng ta, vì trong cương vị là một bậc Thánh vẫn còn nhớ đến ân nghĩa mẹ cha; vẫn còn thấy chưa đáp đền hết công ơn phụ mẫu.
Thật vậy trong các pháp thế gian pháp hiếu hạnh là đệ nhất; Phật đã từng dạy, cha mẹ là hai vị Phật sống phải nên thờ kính.
Ngày nay xã hội văn minh, con người nặng lo kiến thức vật chất, người ta đã xem nhẹ tinh thần tâm linh, chỉ nghĩ làm sao lớn lên cho mau, để lãnh hội, tiếp thu cho nhiều kiến thức hầu làm cứu cánh mưu sinh. Kết quả là việc thành tựu tiền tài vật chất mang nặng trong đầu, để rồi đối xử với nhau qua sự hơn thua trao đổi. Từ đó tình thương đối với hai đấng sanh thành cũng chỉ là đền đáp bằng vật chất mà thôi.
Vấn đề thấy rõ, ngay tại xã hội văn minh giàu có này; ở đây cha mẹ con cái được nhiều phúc lạc an sinh xã hội cấp cho, nên quan niệm về chữ hiếu đối với người con lớn lên tại đây gần như lạ lùng. Việc này không nên trách cứ gì, vì theo luật duyên khởi nghiệp báo, hoàn cảnh và tâm cảnh con người đều hòa nhau tương xứng; nhưng dù thế nào đi nữa hai đấng sanh thành phải là cơ bản cho sự thánh thiện nội tâm của mình. Một người không thể gọi là tốt khi xem nhẹ vấn đề này; và thật có tốt đi thì cuối cùng họ cũng phải hoàn chỉnh điều tốt đó mà quay về tu chỉnh điều cơ bản kia.
Nếu nói về vai trò người Phật tử thì chữ Hiếu phải là hàng đầu; bởi cái nhìn thương tưởng đến các loài súc sanh thể hiện qua việc không giết hại bằng cách chay lạc, cũng chỉ vì quán sát được chúng ta đã tử tử sanh sanh trong luân hồi lục đạo. Do đó có khi ta đã là cha mẹ của chúng và chúng cũng có khi là cha mẹ ta; rồi nay nhìn cha mẹ hiện tại, nếu không thể biểu lộ được hành động hiếu hạnh, thì việc nhìn xa kia làm sao cảm hóa được.
Ngài Mục Kiền Liên đã hiện hóa thần thông để chúng ta nhìn về hiện tại và quá khứ; vì hiện thế của Ngài đã sống trọn vẹn hiếu hạnh đến cha mẹ bằng lối sống của bậc Thánh vô sanh không phân biệt. Ngài có thể nhìn các bà mẹ đau khổ khác như là mẹ Ngài, và chắc chắn như thế; vì lòng từ bi của bậc A La Hán; nhưng Ngài vẫn tìm xuống địa ngục cứu mẹ, như vậy có phải Ngài vì chúng ta mà hành động nhắc nhở chăng!
Ngài gặp lại mẹ đang chịu hình phạt đói khổ đau đớn nhất trong địa ngục; hình ảnh đó làm Ngài bật khóc, vội tìm thức ăn dâng cho mẹ; nhưng mẹ Ngài đã không thể thọ dụng, dù Ngài đã dùng thần thông dâng lên cho mẹ. Cuối cùng phải gạt lệ chia tay, đành nhìn mẹ đau buồn đói khổ. Ngài vội gặp đấng Điều Ngự cầu xin cứu giúp.
Đến đây là vấn đề mà chúng ta phải suy tư cho việc tu niệm của mình. Thần thông như Ngài Mục Kiền Liên vẫn vô phương cứu mẹ, khiến ta phải nghĩ về vấn đề tạo nhân chịu quả của một con người không thể mất đi, và quả báo tuy vô hình nhưng đeo đuổi theo ta đến muôn kiếp. Nặng thì đọa địa ngục, nhẹ thì sanh trở lại mà chịu khổ đau suốt đời. Rõ ràng là những hình ảnh ở thế gian này, như là: người thì quá giàu, kẻ quá nghèo, người quá sung sướng, kẻ quá đau khổ; người đã giàu còn xinh đẹp ai nhìn cũng thích, kẻ đã nghèo lại mang hình tướng xấu xa phải tránh né mọi người… Còn súc sanh cầm thú đâu phải là ngẫu nhiên nhất định là súc sinh; có những con vật (chó, mèo) được đối xử như con người, nếu không nói đôi khi còn hơn con người nữa; điều này ai cũng thấy tại các xứ giàu có văn minh. Chẳng hạn ở các siêu thị có bán riêng đồ ăn cho chúng, cả đến thuốc ăn khó tiêu, hay cảm lạnh sổ mũi. Còn có cả bác sĩ thú y chuyên khoa lo cho chúng. Nghe đâu ở Anh Quốc sắp chính thức cấp thẻ thông hành (passport) cho chó, mèo cùng chủ đi du lịch. Nhưng ngược lại có biết bao con vật sanh ra chỉ để làm món ăn cho con người, nói gì được thương tưởng đến, hay như chuyện không tưởng mà có thật vừa kể trên.
Ngài Mục Kiền Liên chỉ cứu được mẹ do nhờ thần lực của mười phương Tăng; điều này hẳn nhiên là vậy vì không sẽ trái luật nhân quả. Nhờ thần lực mười phương Tăng, chúng ta rõ hiểu là nhờ vào tha lực, và quan trọng hơn nữa là nhờ vào chính đương sự phải hồi tâm. Điều đó hẳn biết rằng Bà Thanh Đề đã hồi tâm sám hối, khi thấy lại được con mình là chuyện không bao giờ bà dám nghĩ; và con bà xuống tận địa ngục gặp bà, đã làm bà nhận ra lỗi của bà quá lớn, lại biết con bà là bậc Thánh Tăng khiến bà đã thanh tịnh sám hối. Do như thế mới chiêu cảm được tha lực và hòa vào làm một, bà mới tức khắc được thoát địa ngục sanh về cõi trời.
Phật tử chúng ta ngày nay cứ mỗi năm tổ chức Lễ Vu Lan, không chỉ thầm nhớ về gương hiếu hạnh của vị Đại Thánh Mục Kiền liên, mà còn có dịp suy tư đảnh lễ Đấng Thế Tôn đã từ bi thương dạy chúng ta, phương cách báo ân báo hiếu. Và với người con nào đã và đang còn cha mẹ tại thế, hãy nên vâng lời Phật dạy tu hạnh Hiếu đạo làm đầu.
Kính dưỡng cha mẹ bằng vật chất tiện nghi tuy là thiết yếu, nhưng về tâm linh hướng đến chánh pháp thật quan trọng vô cùng. Do vì thế gian vô thường, vạn pháp vô ngã, cha mẹ thế nào rồi cũng sẽ chia tay chúng ta mà đi, bấy giờ người con nào có thật hiếu đến đâu cũng vô phương cứu khổ cha mẹ; đó là sự thật muôn thuở đến nay, duy chỉ có Phật pháp mới có thể đưa cha mẹ ra đi trong niềm an tịnh.
Hướng dẫn cha mẹ hiểu về nhân quả, nghiệp báo, hiểu về cảnh giới an lạc yên vui của tinh thần tâm linh, đó là món ăn tinh thần mà người con thật hiếu không thể thờ ơ được. Cũng thế mà người xuất gia đã trọn lành trọn hiếu với cha mẹ, nhưng điều này lại không khỏi bị ngộ nhận! Nếu người xuất gia là bất hiếu thì Thái tử sĩ Đạt Ta đã không thành Phật, và vô số đệ tử của Ngài cũng không thể chứng đạo. Tuy nhiên được cha mẹ đồng ý cho xuất gia việc này là phương tiện tiến gần đạo hơn; và tất nhiên không thể bỏ cha mẹ đi tu, nếu trong hoàn cảnh mình là người duy nhất nuôi dưỡng cha mẹ.
Nhắc lại vấn đề tha lực của mười phương Tăng khiến Ngài Mục Kiền liên cứu được mẹ, làm chúng ta phải suy nghĩ pháp lực bất tư nghì của đạo giải thoát. Ngài Mục Kiền Liên đã là Thánh Tăng đắc quả Vô Sanh tự cứu được mình rồi, nhưng vô phương cứu mẹ; còn bản thân chúng ta tu hành ngày nay có được mấy người tự cứu được mình, có đâu dám nói cứu người khác. Ngay cả phương cách nhờ tha lực mười phương tăng, nếu Đức Thế Tôn không dạy thì Ngài Mục Kiền Liên cũng không biết được. Đến đây lại thấy pháp cầu tha lực thật mầu nhiệm khó biết khó tin; và con đường tu của chúng ta ngày nay nếu muốn hồi hướng công đức của mình mà chẳng nhờ tha lực chư Phật, thì công đức nhỏ nhoi kia có được những gì?
Nương nhờ vào tha lực, cụ thể cũng có nghĩa là sinh hoạt tu hành của chúng ta luôn được sự hỗ trợ mọi thứ từ bên ngoài; từ các bạn đồng tu sách tấn cho nhau, đến tất cả mọi người chung quanh cho ta đầy đủ phương tiện vật chất và tinh thần. Không có tha lực này ta khó thể thành đạo.
Ta có thể hiểu pháp tánh bình đẳng về Tha Lực là vô phân biệt, để hòa vào sự toàn nhất không thấy người và mình, như vị hành giả vừa bước vào quả vị Dự Lưu (Tu Đà Hoàn), không tự cho mình đã đạt đến mức độ nào đó, mà ngược lại thấy rằng những gì mình đạt được cũng chỉ là do có mặt người khác mà thôi. Nhưng điều đó nói lên lý tánh không hai (bất nhị) của bậc liễu đạo; với chúng ta thì rõ ràng có sự nương tựa và hướng về, chẳng hạn nếu chúng ta không cầu Phật đạo thì muôn kiếp sẽ không thành giải thoát.
Cầu Phật đạo nghĩa là thân tâm hướng về Phật pháp và thực hành mọi pháp môn nào, tâm niệm cũng phải hướng về quả giải thoát; mà hướng về quả giải thoát đó là hướng đến tha lực. Chúng ta chớ nghĩ rằng đạt đến trình độ không còn cầu gì nữa là không có tha lực trong đó. Không hẳn đúng như vậy. Vì kẻ đạt đến trình độ vô cầu, cũng đang cầu được cái vô cầu và cũng mục đích chung hướng về Phật quả, vậy thì cũng nhờ tha lực rồi. Cho nên đời nay những người đến với Phật pháp quá trễ như chúng ta, phải lấy pháp Phật làm thuyền tha lực hành đạo, và bất cứ hành đạo bằng con đường nào mà thiếu sự hướng về tha lực gia trì của chư Phật tất cả sẽ dễ biến thành ma đạo.
Tóm lại ba thời Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt pháp người tu theo Phật đều hướng nhờ vào tha lực để khoảng cách thành đạo được chắn chắn an toàn hơn.
Nhận rõ được lời dạy của Phật trong ngày Vu Lan, và việc làm đại hiếu của Ngài Mục Kiền Liên chúng ta sẽ không cô phụ lòng từ bi của đức Thế Tôn đã ban dạy cho ta giáo pháp nhiệm mầu, để trọn thành người con hiếu thảo. Cũng như trên bước đường tu, chúng sẽ luôn được dìu dắt vững vàng dưới ánh sáng đạo vàng giải thoát.
Nam Mô A Di Đà Phật
2000