I. Chánh Văn
Ðệ ngũ giác ngộ
Ngu si sinh tử
Bồ Tát thường niệm
Quảng học đa văn
Tăng trưởng trí tuệ
Thành tựu biện tài Giáo hóa nhất thiết Tất dĩ đại lạc.
II. Dịch Nghĩa
Ðiều thứ năm giác ngộ rằng: Do vô minh mà bị trôi dạt trong ba cõi sanh tử. Vì vậy các vị Bồ Tát thường nhớ rằng cần phải học rộng, nghe nhiều, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu khả năng biện tài để giáo hóa cho tất cả mọi người đều đạt được hạnh phúc chân thật.
III. Giải Thích Nội Dung
- Ðiều giác ngộ thứ năm nói đến sự quan trọng của trí tuệ trong vấn đề tu tập và trong công cuộc hóa độ chúng sanh. Trí tuệ cũng là khả năng quán chiếu để thấy rõ nguồn gốc của đau khổ phàm phu là do tham dục, mong cầu nhiều, để chấm dứt đau khổ ấy phải tu tập hạnh ít muốn, biết đủ và trí tuệ. Ý nghĩa này đã được đề cập ở điều một, hai, ba.
Trí tuệ trong điều năm này có phạm vi và tác dụng lớn hơn:
Trí tuệ là sự thấy rõ nguồn gốc của sinh tử, nguồn gốc của sinh tử là vô minh. Ðau khổ của cuộc đời có mặt là do tham lam, sân hận; tham lam, sân hận có mặt là do ngu si. Ngu si đồng nghĩa với vô minh, cho nên cần phải rõ nguồn gốc của mọi thứ trên dòng sanh tử luân hồi là do vô minh.
Vô minh là gì? Chính là sự không hiểu rõ cuộc đời là vô thường, vô ngã, duyên sinh, không hiểu rõ khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến khổ diệt; không hiểu rõ lậu hoặc, nguyên nhân của lậu hoặc, sự đoạn trừ lậu hoặc và con đường đưa đến sự đoạn trừ lậu hoặc....Ðó là định nghĩa về vô minh một cách căn bản và truyền thống. Vậy thì ta hiểu rõ các nguyên lý trên nhờ học tập, nhờ tu tập quán chiếu về đặc tính vô thường, vô ngã... Vô minh có chấm dứt hay không? Chưa thể chấm dứt vô minh hoàn toàn được. Bởi lẽ vô minh là một động lực tâm lý mù quáng thuộc bản năng, đó là tập khí được tích lũy qua nhiều kiếp sống. Vì vậy nó có cội nguồn rất sâu trong tạng thức của chúng sinh. Có khi ta biết rằng việc ấy là bất thiện, là không nên làm nhưng ta vẫn cứ làm, không đủ sức cưỡng lại.
Hình như nó có một sức mạnh tiềm ẩn nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Ðấy là vô minh.
Vô minh đã được tích lũy, nay nó chỉ biểu hiện ra những gì mà chúng vốn có.Tham dục, sân hận là biểu hiện của vô minh, càng phát triển tham sân thì lực lượng vô minh càng được củng cố vun bồi và nó tiếp tục có sức mạnh để biểu hiện trong tương lai. Vì vậy, để chặn đứng dòng chảy của vô minh, Ðức Phật dạy hãy khơi dậy, phát triển cái "minh", cái vô si có trong mỗi người. Vô tham, vô sân, vô si là những động lực tích cực có thể chặn đứng sự phát triển của vô minh. Ðể phát triển được "minh", con người cần phải được giáo dục để kiềm chế bản năng, để nâng cao nhận thức. Như vậy, giáo dục là con đường đưa đến "minh". Bồ Tát là người giác ngộ nên biết rất rõ quy luật đưa đến "minh", đó là "học rộng nghe nhiều". Trong kinh Kitagiri (Kinh Trung Bộ Quyển II ) Ðức Phật dạy 14 giai đoạn tu tập đưa đến minh như sau:
Có lòng tin vào bậc Ðạo sư: Bước đầu của lộ trình tu tập cần phải nương tựa vào một bậc Ðạo sư, bậc Ðạo sư ấy mình đã biết và tin tưởng rằng có khả năng giúp mình khai mở trí tuệ. Có lòng tin mình mới an tâm qui hướng về Ðạo sư ấy.
Ðến gần: Phải đến gần gũi với vị Ðạo sư ấy mình mới có cơ hội tiếp nhận những gì cần thiết.
Tôn kính: Tỏ lòng tôn kính Ðạo sư, phục vụ chăm sóc hầu hạ bậc Ðạo sư những gì cần thiết, bày tỏ thành tâm của mình trên con đường tu học.
Lắng nghe: Là thái độ thành khẩn thiết tha trong học tập, sẵn sàng lắng nghe bất cứ điều gì từ bậc Ðạo sư. Với thái độ sẵn sàng như vậy, bậc Ðạo sư sẽ sẵn sàng dạy.
Nghe pháp: Ðây là giai đoạn bước vào thế giới Phật pháp, những điều bậc Ðạo sư dạy luôn được nghe với sự phấn khởi cần mẫn.
Thọ trì pháp: Nhờụ nghe một cách phấn khởi thích thú ta sẽ nhớ những gì được nghe một cách đầy đủ.
Suy tư ý nghĩa: Là sự thọ trì một cách đầy đủ lời dạy của bậc Ðạo sư. Qua đó, ý nghĩa sâu sắc của lời dạy dần dần hiển lộ bởi sự suy tư của mình, càng suy tư ý nghĩa càng sáng.
Chấp nhận học pháp: Sau khi suy tư hiểu rõ nghĩa lý, tâm không còn thắc mắc chống đối, tâm thuận theo pháp, chấp nhận học pháp ấy. Ðến đây, tư tưởng đã thông suốt.
Ước muốn sanh khởi: Sau khi chấp nhận học pháp rồi, niềm hoan hỷ sẽ khởi lên trong tâm, tâm muốn dấn thân thực hiện các học pháp ấy, muốn thực hành.
Nỗ lực hành trì: Do ước muốn khởi lên nên tâm nỗ lực hành trì pháp mà Ðạo sư đã dạy để tự mình đạt được những gì đã thông suốt trong lý thuyết.
Cân nhắc: Nỗ lực nhưng không bị mù quáng, bởi sự xác quyết trong quá trình thực hành sẽ nảy sinh những mâu thuẫn, lệch lạc. Ta cần phải tỉnh táo để cân nhắc suy xét để tìm ra đường lối thích hợp nhất.
Tinh cần tu học: Sau khi vừa học, vừa làm, vừa cân nhắc đã đầy đủ, con đường đã ổn định, sự phát triển hướng đi bằng sự tinh tấn không gián đoạn sẽ có kết quả tốt.
Tự thân chứng sự thật: Với sự tinh cần trên, ta sẽ đạt được kinh nghiệm tự thân về thực tại vô ngã, cảm nhận được pháp vị giải thoát.
Trí tuệ thể nhập sự thật: Ðạt được trí tuệ viên mãn, thành tựu giải thoát hoàn toàn.Nghĩa là " minh" sanh, " tuệ" sanh, chấm dứt sanh tử luân hồi.
Thành tựu được trí tuệ tối thượng bằng " quảng học đa văn" qua 14 giai đoạn như trong kinh Kitagiri đề cập thì mới thật sự hữu hiệu. Có người học Phật vì nghĩ rằng cần "quảng học đa văn" nên lao đầu vào học tập, môn nào cũng học, trường nào cũng học, ai nói gì cũng nghe, thâm nhập rất nhiều tư liệu gọi là "kiến văn quảng bác" nhưng phiền não không vì vậy mà được đoạn trừ. Ðây là một sự hiểu lầm tai hại, cả cuộc đời phung phí cho kiến thức bao la của thế gian.
Tác dụng của trí tuệ đặc biệt ở chỗ giáo dục mọi người đạt được hạnh phúc trong cuộc sống mà kinh văn gọi là "Thành tựu được biện tài để giáo hoá tất cả đều được an lạc". Trí tuệ biện tài là một khả năng bén nhạy về mặt lý luận để nhiếp phục tha nhân. Con người cảm nhận, tiếp nhận thế giới qua âm thanh ngôn ngữ, do đó giáo dục chủ yếu vẫn là ngôn ngữ, khả năng thuyết phục của ngôn ngữ rất cao làm cho con người chấp nhận, hiểu biết và thực hành theo chánh đạo. Kinh tạng Nikàya đưa ra bốn pháp vô ngại giải. (Patisambhidà) là nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải, biện tài vô ngại giải. Kinh tạng Ðại thừa cũng có bốn pháp biện tài: Pháp vô ngại biện tài, nghĩa vô ngại biện tài, từ vô ngại biện tài và nhạo thuyết vô ngại biện tài.
Pháp vô ngại biện tài: Là thông suốt hệ thống tư tưởng Phật học, pháp môn nào cũng thông suốt, cũng hiểu nguyên tắc, đường lối của pháp môn ấy.
Nghĩa vô ngại biện tài: Ý nghĩa sâu xa của Kinh Luật luận đều hiểu thấu, dù lời lẽ cổ xưa, phương thức diễn đạt không hiện đại, thuật ngữ khó hiểu, nghĩa là hiểu được ý tứ của bất cứ pháp nào.
Từ vô ngại biện tài: Hiểu biết phong phú về từ ngữ để diễn đạt tư tưởng, từ ngữ chuyên môn của các lĩnh vực khác nhau và hiểu được các loại ngôn ngữ khác nhau.
Nhạo thuyết vô ngại biện tài: Khả năng diễn đạt hấp dẫn dễ thuyết phục, phù hợp với căn cơ, trình độ văn hoá, phong tục tập quán của con người và xã hội, làm cho người nghe vui vẻ và chấp nhận.
Một người có được khả năng trí tuệ biện tài như vậy là một ngôi sao sáng ngời giữa bầu trời Phật pháp. Họ sẽ đem đến lợi ích rất lớn cho nhiều người, cho nhiều quốc độ khác nhau, Phật pháp đuợc truyền rộng, và hạnh phúc mà
Phật pháp đem đến cho người tiếp nhận chính là niềm hạnh phúc chân thật nhất.
IV. Kết Luận
Vô minh là cội nguồn của sanh tử, của đau khổ. Chấm dứt vô minh là mục tiêu của đạo Phật và của người đệ tử Phật. Con đường để đoạn trừ được vô minh là con đường phát triển trí tuệ, tức là làm cho " minh" xuất hiện thì " vô minh diệt". Trí tuệ có được là qua quá trình học tập biết nhiều qua văn huệ, tư huệ, tu huệ. Nhờ học rộng biết nhiều mà thành tựu được khả năng trí tuệ biện tài tức là hiểu biết và lý luận sắc bén.Nhờ vậy mà giáo hóa được nhiều loại chúng sanh khác nhau, nhiều quốc độ khác nhau. Phật pháp được gieo rắc rộng rãi, sự hạnh phúc mọi loài chúng sanh được phổ cập.
Trí tuệ trong Bài giác ngộ thứ năm nầy là trí tuệ đi vào lĩnh vực chuyên môn, nghĩa là phát huy tác dụng độ sanh, tác dụng giáo dục để thành đạt mục đích phổ cập hóa Phật pháp vào đời sống con người và xã hội.