Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Thu-Tra-Loi-Phap-Su-Hang-Tam-Thu-Thu-Hai
Nhận được thư khôn ngăn cảm động, hổ thẹn. Văn của Quang sao lại có thể dùng để khai thị cho chỗ hoàn toàn không có Phật pháp ấy cho được? Câu nói ấy chính là lời ông khen ngợi quá lố, hoàn toàn chẳng phải là sự thật! Trước đây đã gởi sáu bộ sách, sợ còn phải gởi thêm nhưng không có sách để gởi. Hôm nay đã bảo chùa Thái Bình ở Thượng Hải gởi tới năm gói nữa, sẽ có đủ sách để tặng cho người hữu duyên. Những điều đã hỏi đều thuộc về chuyện đa sự, do tri kiến của người đời giống như sóng biển chẳng có lúc nào yên. Nếu cứ trả lời những câu cật vấn ấy thì đúng là chẳng rảnh rỗi để thù tiếp được. Nay tôi sẽ thuận theo lời ông hỏi mà giải thích từng điều. Đúng hay sai mong ông tự cân nhắc.

1) Hỏi: Lúc Phật còn tại thế, tuy chia ra hai chúng Bồ Tát và tỳ-kheo. Tỳ-kheo tuy hình dáng khác tục, một mực trì giới theo như đức Phật đã chế định. Khi kết hạ, dẫu lìa khỏi Phật ở một mình, cũng vẫn không có những tiêu chuẩn [để phán định] là trì giới hay phạm giới, bất quá mỗi vị giữ một tượng người bằng sáp[37] để làm chuẩn mà thôi! Nếu như vậy thì rõ ràng là “quy chế cầu giới cố nhiên chẳng phải bắt nguồn từ thời đức Phật”. Nay con người phần nhiều lấy chuyện có hay không có dấu sẹo thọ giới[38] để phân biệt Tăng - tục, như vậy thì dấu sẹo thọ giới có mối liên quan với Tăng chúng cũng khá nặng.

Hơn nữa, con số của [dấu sẹo thọ] giới ắt phải là mười hai, rốt cuộc biểu thị điều gì về mặt pháp? Đối với điều này, Tăng nhân đời nay trọn chẳng ai biết do đâu mà có? Nếu chẳng rõ xuất xứ và tác dụng của nó, làm sao đáp lời vấn nạn của người bên ngoài cho được? Hơn nữa, những tăng sĩ hèn kém vô tri làm sao biết giới quan trọng cho được?


Đáp: Lúc đức Phật mới thành đạo liền nói kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới. Còn đối với giới tỳ-kheo thì do có [tỳ-kheo phạm lỗi] mà chế giới, há nên nói chuyện cầu giới chẳng phải bắt nguồn từ thời đức Phật! Đối với pháp “tọa hạ” (an cư kết hạ), đặc biệt dùng tượng người bằng sáp để kiểm xem giới lực có toàn vẹn hay không thì chuyện này chẳng qua biểu thị ai nấy hãy nên nghiêm trì tịnh giới mà thôi! Giống như người trong cõi đời thực hành Công Quá Cách, khởi tâm động niệm, hành xử đều phải ghi hết là thiện hay ác, nhằm mục đích ngăn ngừa điều sai, dứt điều ác, tận lực làm điều lành, chứ không coi chuyện ghi chép là điều tất yếu của việc “làm lành, dứt ác”. Nếu mọi lúc thường luôn xem xét, phản tỉnh, không ghi cũng chẳng sao! Nếu chẳng phản tỉnh suy xét, dẫu ghi cũng vô ích!

Tự mình trì giới trọn vẹn hay thiếu sót, lẽ đâu chính mình chẳng biết? Dẫu chẳng dùng tượng sáp để kiểm nghiệm mà có thể tự dối mình được sao? Đã chẳng thể tự dối mình được thì Phật, Bồ Tát, thánh nhân có thần thông và thiên địa quỷ thần đều chẳng thể bịp được, chỉ có thể tạm thời bưng mắt con người mà thôi! Nhưng dù bịp được con người, giới đức có giữ nguyên vẹn hay không, con người cũng có thể biết được. Do vậy, cũng chẳng thể nào bịp con người được! Chỉ cốt sao dốc sức giữ giới, không nhất định phải giữ phương pháp kiểm nghiệm bằng tượng sáp.

Ông đã thọ giới rồi, [trong giới đàn, vị A Xà Lê] khai thị về khổ hạnh, dạy đốt thân hay thiêu cánh tay, đốt ngón tay để cúng Phật, nhưng vì phàm phu chẳng chịu đựng được [những khổ hạnh ấy] nên chỉ đốt hương [trên đỉnh đầu hay trên cánh tay] mà thôi! Cuối quyển sáu kinh Lăng Nghiêm, phần nói về bốn thứ giáo huấn rõ ràng thanh tịnh đã nói đến chuyện này. Kinh Phạm Võng lẫn kinh Pháp Hoa đều có nói. Ông chẳng xét đến đạo lý đốt hương cúng Phật mà lại xét đến đạo lý của dấu sẹo thọ giới, tức là đã trở thành bỏ gốc lấy ngọn! Nhưng chúng sanh đời Mạt mọi chuyện đều làm giả, do có những dấu sẹo thọ giới ấy mà phân biệt là có thọ giới hay không!

Hiện thời, theo cách xuống tóc thông thường, lấy dấu sẹo thọ giới để làm dấu hiệu phân biệt càng thêm quan trọng hơn. Con số [những dấu sẹo thọ giới] ấy tùy theo mỗi người phát tâm [đốt bao nhiêu viên hương], cần gì phải hỏi con số ấy biểu thị điều gì! Chỉ cần biết [những dấu sẹo ấy] biểu thị [người thọ giới] đốt hương cúng Phật, đấy là [thực hiện] chút phần khổ hạnh đốt thân, thiêu cánh tay, đốt ngón tay mà thôi! Truyền giới ở Bắc Kinh đốt hương trên cánh tay chứ không đốt hương trên đảnh đầu, có vị nào xuống miền Nam tham học thì đốt thêm hương trên đảnh đầu. Hiện thời chỉ đốt hương trên cánh tay thì hoàn toàn không thể được vì người ngoài đời đầu đều láng o[39]! Chưa nghe nói Bắc Kinh đã thay đổi quy cách đốt hương hay chưa!

2) Hỏi: Các chốn ở Thượng Hải thường có nam nữ tụ họp mười hay một trăm người, cung kính dâng tiền hương kính để quy y hoặc nói “bái sư phụ”. Chuyện ấy phát xuất từ kinh điển nào? Bắt đầu từ thời nào? Đức Phật ở chỗ nào? Nói ra kinh nào? Đối với chúng sanh nào mà mở ra phương tiện ấy? Nếu không có giáo huấn rõ ràng thì đương nhiên kẻ bái thỉnh đã mờ mịt không biết “hễ quy y rồi thì nên hộ trì trai giới như thế nào”, mà người được bái thỉnh cũng lại chẳng nghĩ đức mình có xứng hay không? Lạm nhận của tín thí, sợ rằng Phật pháp tốt đẹp lớn lao chưa khỏi bị coi ngang ngửa với những món hàng thông thường, dở tệ vậy, chẳng đáng đau buồn quá đỗi ư? Xin Sư hãy khai thị tường tận để người bái thỉnh lẫn kẻ được bái thỉnh biết đến những gì cần phải khuyên răn, nhắc nhở, để khỏi bị kẻ chẳng tin phỉ báng!

Đáp: Lúc đức Phật mới thành đạo, còn chưa khai hóa, muốn đến vườn Lộc Dã[40] độ năm người, trên đường đi gặp thương nhân Đề Vị[41], dâng bột lúa mạch rang và mật, bèn giảng Tam Quy, Ngũ Giới và Thập Thiện cho [anh em] ông ta. Phật chính là bản thân đức Phật, Pháp chính là Ngũ Giới, Thập Thiện đức Phật vừa giảng cho ông ta cùng với hết thảy pháp Đại, Tiểu Thừa đức Phật nói sau này. Lúc ấy vẫn chưa có vị Tăng nào. Vì thế, đối với điều khoản quy y Tăng, bèn nói “quy y vị lai tăng” do Tăng nhất định sẽ có. Đấy chính là người quy y Tam Bảo đầu tiên vậy. Từ đấy, phàm quốc vương, đại thần và thứ dân hễ tin Phật thì không ai chẳng quy y, sao lại nói là không có xuất xứ?

Đối với thuyết [cúng dường] tiền hương kính chính là mượn vật để biểu thị lòng thành kính mà thôi! Thời đức Phật, Tăng chẳng lập bếp nấu ăn, nên vàng bạc chẳng có chỗ để dùng, nhưng [đàn-na tín thí] dâng hiến thức ăn, y phục, đồ nằm, thuốc men và tặng của cải cố nhiên chẳng khác chút nào! Ở phương này, người có lòng tin ít ỏi, hễ làm chuyện gì đều phải cậy vào tiền tài. Vì thế, người ta đã tin tưởng ắt mong cúng dường [tiền bạc lên vị thầy mình đã quy y] để [vị ấy] trang trải những thứ cần dùng. Đấy là nguyên do của tiền hương kính vậy.

Thánh nhân phương này lập giáo, người đến học phải có miếng thúc tu[42] để làm học phí; tuy tên gọi khác với tiền hương kính nhưng ý nghĩa chẳng khác gì! Chẳng phải chỉ có vậy mà thôi, phàm là thiên tử và chư hầu tụ tập tiệc tùng ắt phải có món ăn ngon, lại còn phải có vật quý báu để làm quà tặng, cũng giống như đã đến bái yết lại còn cúng dường vậy! Đã quy y Tam Bảo, ắt phải trì Ngũ Giới, tu Thập Thiện. Nhưng hiện thời thói đời thường hay bày vẽ giả dối, đấy là lỗi chính mình chẳng tuân theo lời dạy, chứ Phật pháp đâu có lỗi! Tăng có giữ giới được hay không cũng thế.

Cố nhiên nên phân biệt thầy là thật hay giả và đồ đệ là thật hay giả, chẳng được nhất loạt chê quy y Tam Bảo là sai, rồi bài xích! Nếu không có ai quy y Tam Bảo, Phật pháp sẽ do vậy bị đoạn diệt, bởi lẽ dẫu có chân tăng cũng trọn không có ngoại hộ, ai chịu cung kính cúng dường ông là người đã vượt ngoài cõi đời đây? Huống chi Phật pháp đâu phải là chuyện của riêng mình Tăng chúng, mà thật sự là chuyện phải nên tu, nên hành của hết thảy mọi người. Nếu chẳng quy y tức là đoạn diệt dòng giống Phật vậy. Ý nghĩa “hết thảy mọi người nên tu nên hành” đã được Văn Sao nói đến nhiều lần rồi.

3) Hỏi: Xưa có vị cư sĩ X… hỏi “quy y Phật chẳng đọa địa ngục, [tức là] sau khi xả thân chẳng đọa hay vĩnh viễn chẳng đọa”? Lại hỏi gần đây những kẻ quy y ở các nơi như Thượng Hải chẳng hạn, quá nửa là hạng gái lầu xanh làm những nghề không đứng đắn. Lúc ấy, tuy hơi có ý niệm hổ thẹn, từ bỏ, nhưng sau đó vẫn giữ nghề cũ tạo tội. Nếu quy y rồi vĩnh viễn chẳng đọa địa ngục thì còn ai đành lòng keo tiếc hai đồng bốn cắc hương kính? Nếu hai đồng bốn cắc hương kính có thể bảo đảm dù tạo tội vẫn vĩnh viễn không đọa địa ngục, thì trong núi Thiết Vi đâu còn có địa ngục để nói nữa ư? Trong thiên hạ lẽ nào có sự tiện nghi như thế ư?

Thêm nữa, nói quy y thì quy y vị Phật nào? Quá khứ Phật? Hiện tại Phật? Hay là vị lai Phật? Nếu nói quá khứ thì đã qua rồi, hiện tại không có Phật, còn vị lai thì [Phật vị lai] chưa ra đời, có vị Phật nào để quy y nữa đây? Nếu nói quy y với tượng Phật Di Đà hoặc Phật Thích Ca thì chỉ cần đến trước các bức tượng lễ kính là đủ rồi, cần gì phải nhờ vào tiền hương kính nữa? Đệ tử cứng họng, chẳng thể đáp gãy gọn được, rốt cuộc là như thế nào, mong mỏi sâu đậm thầy chỉ dạy cho.

Đáp: Chuyện ấy hãy nên nói từ hạnh chân thật, chứ đừng luận trên việc quy y. Ba câu quy y Phật Pháp Tăng tuy chia ra nói là “chẳng đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh”, nhưng chớ nên chấp chặt là quy y Phật sẽ chỉ có thể không đọa địa ngục, vẫn chẳng tránh khỏi đọa vào ngạ quỷ, súc sanh. Nếu nói chấp chặt như thế chính là kẻ si nói mớ vậy! Lòng đại từ bi của đức Phật ông còn chưa biết, cứ nói bừa đạo lý. Hạng gái lầu xanh làm chuyện hạ tiện nếu thật sự tin tưởng, ngưỡng mộ đức Phật, thường sanh lòng hổ thẹn, thường niệm Phật hiệu cầu sanh Tây Phương thì vẫn được Phật tiếp dẫn lên thẳng chín phẩm, cùng ở một chỗ với các vị thượng thiện nhân.

Đức Phật dùng đủ mọi phương tiện tiếp dẫn, khuyên dụ chúng sanh gieo nhân xuất thế; vì thế, đối với Ngũ Giới, mặc cho những kẻ ấy chỉ thọ một, hai, ba, bốn giới cho đến thọ trọn năm giới. Vì sao cho phép người ta chẳng thọ đủ cả năm giới? Do những người ấy lâm vào tình thế chẳng thể giữ được! Như người đồ tể chẳng thể giữ giới Sát, nhưng vẫn có thể giữ bốn giới kia. Kỹ nữ chẳng thể giữ giới tà dâm, tửu bảo chẳng thể giữ giới không uống rượu v.v… Đức Phật lòng Từ sâu xa, đức sâu dày như trời che khắp, như đất chở đều, chẳng bỏ một kẻ nào sẵn có Phật tánh.

Những kẻ tự cao tự đại trong cõi đời thấy một khuyết điểm của người khác, dẫu người ấy có ngàn điều tốt đẹp cũng chẳng coi là đúng. Đức Phật không giống như thế. Trong bộ Long Thư Tịnh Độ Văn có một quyển mang tựa đề Phổ Khuyến Môn đã nói tường tận nguyên do. Trong quyển ấy đã kể tên hơn ba mươi loại, trong số ấy có kẻ đồ tể, ngư dân, người chế rượu, ngay cả hạng gái lầu xanh trong chốn phong trần, [sách ấy] đều nói nếu họ có thể đổi nghề thì tốt nhất. Nếu chẳng thể thay đổi nghề nghiệp được, nhưng thường sanh lòng hổ thẹn, niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương, nếu có thể tin chân thành, nguyện thiết tha thì cũng có thể cao đăng chín phẩm, nào phải chỉ chẳng đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh ư? Nếu chẳng sanh lòng hổ thẹn mà cũng chẳng tu trì, lấy chuyện quy y làm điều vênh vang, chỉ coi trọng chuyện bái sư thì có đọa địa ngục hay không, Quang chẳng dám quyết đoán!

Còn như nói quy y Tam Bảo thì Phật ấy là Phật nào, khi ông thọ giới [Cụ Túc, trong giới đàn] đã từng có những thứ khai thị ấy. Có Tam Bảo thuở Phật còn tại thế (đây chính là Trụ Trì Tam Bảo), có Tam Bảo sau khi Phật đã nhập diệt. Nhằm thời đức Phật còn tại thế thì Phật chính là Phật Thích Ca, pháp là những pháp như Tứ Đế v.v…, Tăng chính là những vị xuất gia theo Phật. Sau khi đức Phật nhập diệt, Phật chính là các hình tượng của Phật Thích Ca (tức là những tượng làm bằng vàng, bạc, đồng, sắt, đất, gỗ, vẽ vời, thêu thùa v.v... Những thứ ấy chính là hình tượng của Phật, phải nên coi hệt như đức Phật thật, nhưng những vị Phật Di Đà, Dược Sư v.v… cũng thuộc vào trong số ấy, do đức Thích Ca là giáo chủ trong hiện tại nên chuyên nói đến vậy), Pháp chính là những kinh điển quyển vàng trục đỏ[43], Tăng chính là những người cạo tóc mặc áo thâm.

Lại có Nhất Thể Tam Bảo, đây chính là những nghĩa Giác, Chánh, Tịnh trong tự tâm được gọi là Phật - Pháp - Tăng Tam Bảo. Nếu nói cặn kẽ quá tốn bút mực! Lúc đức Phật mới thành Phật còn chưa có Tăng, chỉ dạy trưởng giả Đề Vị quy y vị lai Tăng, do Tăng là người gánh vách [trách nhiệm] kế tục pháp đạo vậy. Nếu tự cao tự đại, chỉ biết Phật và Pháp đáng kính phục, ngưỡng mộ, coi rẻ Tăng nhân chẳng chịu quy y thì kẻ ấy dẫu được lợi ích trong Phật pháp, nhưng do cái tâm ngạo mạn sợ rằng khó thể được lợi ích chân thật.

4) Hỏi: Người đời đều coi Trí Giả đại sư là đức Thích Ca tái thế, giống như Kim Túc Như Lai hiện thân cư sĩ Duy Ma, Long Đồ Phật hiện thân làm tỳ-kheo Thân Tử[44]. Nay những kẻ tôn sùng tông Hiền Thủ thường hay bắt bẻ chuyện này đến nỗi Ngã Kiến nghiêm trọng, thị phi dấy lên rền rĩ, hoặc nói là Ngũ Giáo[45] hay hơn Tứ Giáo, hoặc nói Trí Giả không phải là Thích Ca tái thế, hoặc nói “Trí Giả phán định Tứ Giáo sớm hơn ngài Thanh Lương, sách tham khảo [thời ngài Trí Giả] chẳng được hoàn bị bằng thời Đường, cho nên phán định giáo nghĩa có chỗ thiếu sót”. Hoặc nói: “Nếu Trí Giả đã là hậu thân của Phật Thích Ca, sao lúc soạn bộ [Ma Ha] Chỉ Quán chẳng thể nói quyết đoán công đức của lục căn hơn kém, [lại còn] ở đài Bái Kinh lễ lạy kinh Lăng Nghiêm chưa được ngài Bát Lạt Mật Đế dịch ra, lấy kinh làm khuôn khổ cho đạo vậy? Kinh là do đức Phật nói ra, Trí Giả đã là Phật nói ra kinh thì sẽ hiểu thông suốt. Nếu nói Phật cũng bị mê muội khi nhập thai thì đâu đáng xưng là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác?”

Những thứ nghi vấn ấy ùa nhau nổi lên lung tung, nếu không được lão nhân rủ lòng thương xót tình kiến của mọi người mà mổ xẻ rạch ròi lời vấn nạn ấy để làm kim chỉ nam cho những người học Phật thì sợ rằng những kẻ học đạo trong tông Thiên Thai và Hiền Thủ sẽ bài báng lẫn nhau chẳng thể dứt. Ôi! Tự tấn công, bắt bẻ lẫn nhau thì Phật giáo chẳng bị suy sụp ư? Mong thay!

Đáp: Những vị khai sáng pháp Thiên Thai, Hiền Thủ hoặc là cổ Phật ứng thế, hoặc là Bồ Tát thị hiện giáng sanh, chớ nên vì vị này khinh vị kia, hoặc do vị kia khinh vị này. Dẫu lời dạy của các Ngài không hoàn toàn tương đồng, nhưng sở kiến của mỗi vị trọn chẳng phải là nói xằng! Những kẻ lầm lạc do môn đình mà tranh chấp đều là những đứa con ngỗ nghịch của đức Phật, là tội nhân đối với tổ sư các tông!

Tứ Giáo hay Ngũ Giáo vốn cùng là một Phật giáo. Ông đã từng đọc bài tựa cho cuốn Di Đà Yếu Giải của đại sư Ngẫu Ích hay chưa? (nguyên bản của sách Thập Yếu đã bị đại sư Thành Thời lược đi, đáng than thay). Trong ấy, có câu: “Chẳng dám cùng hai ông[46] đua tranh cho khác biệt, cũng chẳng nhất thiết phải ép cho giống với hai ông. Ví như nhìn ngang thành rặng, nhìn xiên thành ngọn. Dẫu đều chẳng thể trọn hết cảnh Lô Sơn thật sự, cốt sao chẳng đánh mất sự đích thân thấy biết Lô Sơn của mỗi người mà thôi”. Câu nói ấy đã dùng câu thơ tả cảnh đến chơi Lô Sơn của Tô Đông Pha: “Hoành kiến thành lãnh, trắc thành phong; viễn cận cao đê tổng bất đồng, bất thức Lô Sơn chân diện mục, chỉ duyên thân tại thử sơn trung” (nhìn ngang thành rặng, xiên thành ngọn. Xa gần cao thấp chẳng giống nhau, chẳng biết Lô sơn chân diện mục, miễn sao thân ở tại non này).

Lô Sơn là một trọn khối, tùy theo con người ở chỗ nào mà thành ra hình tướng khác biệt; huống hồ pháp do đức Như Lai đã thuyết giống như Ma Ni châu có màu sắc [khác nhau] tùy theo [đặt gần vật nào]. Những kẻ nói chắc chắn châu ấy có màu gì đều là những kẻ không biết gì về châu cả! Tùy theo [châu được đặt gần vật có màu] xanh, vàng, đỏ, trắng mà hiện màu xanh, vàng, đỏ, trắng, dù có nói châu ấy là xanh, vàng, đỏ hay trắng cũng chẳng phải là không được! Nhưng nếu nói nhất định là màu xanh, chứ không phải là vàng, đỏ, trắng, hoặc [nói châu nhất định] là màu trắng, không phải là đỏ, vàng, xanh thì lại không được! Hiểu toàn vẹn nghĩa của kinh thì chư Tổ đều là công thần của Như Lai. Một mực chấp chặt vào một câu thì hoằng pháp cũng thành bè đảng ma hoại pháp!

Ngài Trí Giả soạn bộ Chỉ Quán phù hợp ý nghĩa công đức của sáu căn trong kinh Lăng Nghiêm, lại nghe Phạn tăng khen ngợi sách ấy hợp với nghĩa lý kinh Lăng Nghiêm nên mới lạy kinh, mong [kinh Lăng Nghiêm] sớm được truyền đến để chứng tỏ những gì chính mình nói chẳng sai lầm! Sao ông lại nói Ngài chẳng thể quyết đoán công đức sáu căn hơn - kém? Vì tự lập đường lối bèn hạ thấp ngài Trí Giả, nói như vậy tức là chẳng biết cội nguồn! Lầm lạc nghe lời người ta nói rồi cũng nghĩ như vậy. Chuyện lạy kinh đương nhiên là có, nếu nói hằng ngày lễ bái trong nhiều năm thì chính là lời của người sau thêm thắt. Đừng nói ngài Trí Giả không phải là Phật hiện thân, dẫu thật sự là Phật hiện thân thì do đã biến hiện thân phận làm Tăng, càng phải ẩn Thật hiện Quyền. Do vậy, càng cần phải có kinh để làm chứng cứ thì mới là khuôn phép hoằng truyền! Nếu tự cho mình là Phật, tự nói ra kinh thuộc đời vị lai, đấy chính là bè lũ bị ma dựa trong đời sau đều nói “ta là vị Phật này hay vị Bồ Tát nọ” để mào đầu. Đấy chính là nguyên do khiến bậc Pháp Thân Đại Sĩ hoằng pháp chẳng hiển Bổn vậy. Ông đã biết nghĩa lý ngài Thân Tử “trong ẩn kín hạnh Bồ Tát, ngoài hiện tướng Thanh Văn” trong kinh Pháp Hoa, sao lại nghi mỗi mình ngài Trí Giả? Hơn nữa, đoạn văn luận về Lý Trưởng Giả trong Văn Sao (tức đoạn văn trong bài Tịnh Độ Quyết Nghi Luận) cũng đã nói rõ nghĩa này, sao chẳng mở rộng ra để suy luận mà hiểu, lại cứ muốn hỏi han lôi thôi vậy?

5) Tướng tông phán định giáo pháp trong cả một đời giáo hóa của đức Phật thành Tam Thời Giáo, đầu tiên là Hữu, kế đó là Không, sau cùng là Trung, chỉ có thời khác biệt, chứ không có thời thông suốt; Thiên Thai phán giáo thành Ngũ Thời, dùng cả thông lẫn biệt. Những kẻ học đạo thấy biết một chiều [do vậy] công kích lẫn nhau, chê nhau là sai. Người theo tông Thiên Thai hủy báng thuyết Tam Thời của Tướng Tông, cho là thấy biết một chiều, nghĩa hết sức chẳng trọn vẹn, không phải là ý chỉ vốn có của đức Phật. Người học theo Tướng tông chê bai Thiên Thai là mờ mịt, câu nệ, bày vẽ, sương mây mù mịt, hiếm có kẻ nào thấu suốt được! Rốt cuộc ai đúng, ai sai, mong thầy ban cho lời dạy lớn lao!

Đáp: Câu này nên từ đoạn thứ tư mà lãnh hội ý nghĩa, sẽ tự biết chư Phật thuyết pháp tùy theo căn cơ của chúng sanh. Nay những kẻ hoằng pháp phần nhiều nói pháp trái với căn cơ. Do vậy, đức Phật đã sớm thọ ký rằng thời Mạt Pháp chính là thời đấu tranh kiên cố, buồn thay!

6) Hỏi: Trước khi đức Phật hiển Bổn thì những vị Thanh Văn đều do tu mà thành, sau khi khai Quyền thì hết thảy tám bộ cũng đều là các vị đại Bồ Tát nương theo bổn nguyện [thị hiện giáng sanh trong Sa Bà] để phụ trợ [đức Thích Ca] giáo hóa, như vậy thì đệ tử Phật đã không có một ai do phàm phu tu thành thì đức Phật xuất thế có ích gì chúng sanh đâu?

Đáp: Ông chỉ biết nói lời chấp nhặt hẹp hòi, chẳng hiểu được nguyên do những vị ấy thị hiện! Những vị trong hội Pháp Hoa ấy đều là những bậc đã chứng A La Hán, thoạt đầu đều chẳng tin Phật pháp, đều do nghe đức Phật giáo hóa, chỉ dạy đủ mọi lẽ rồi mới gia nhập Phật pháp. Do vậy, trong suốt hơn bốn mươi năm dài luôn theo sát Như Lai. Tôi hỏi ông nhé! Những vị ấy trong mấy chục năm trọn chẳng có một ai hướng dẫn người khác khiến họ sanh khởi lòng tin, sửa ác tu thiện, quy y Phật pháp liễu sanh thoát tử hay sao? Ông hỏi câu này đúng là si mê đến cùng cực!

7) Hỏi: Kinh Pháp Hoa “giơ tay, cúi đầu, đều sẽ thành Phật”. Thêm nữa, kinh Pháp Hoa đã từng được nói trong vô lượng kiếp trước. Do vậy, thấy rằng trong vô lượng kiếp trước đã từng có đấng gọi là Phật độ chúng sanh trong cõi đời. Chúng sanh đã gieo thiện căn trong vô lượng kiếp trước thì những chúng sanh đã từng gieo thiện căn ấy đến nay lẽ ra đều đã thành Phật hoặc thành Bồ Tát rồi. Như vậy thì lẽ ra Phật, Bồ Tát nhiều, chúng sanh ít; cớ sao Phật, Bồ Tát thường ít thấy mà chúng sanh đông ùn ùn vậy? Chắc là chúng sanh trong vô lượng kiếp trước đều chưa có thiện căn giơ tay, cúi đầu? Hay là gieo [nhân] nhưng chưa chín muồi ư? Nếu nói gieo nhân nhưng chưa chín muồi thì rốt cuộc đến lúc nào mới chín muồi? Chúng sanh hiện tại gieo thiện căn giơ tay, cúi đầu, lại phải trải qua bao nhiêu vô lượng kiếp thì mới chín muồi được thiện căn ấy? Hay là vĩnh viễn chẳng thể chín muồi?

Đáp: Hai câu nói “Phật, Bồ Tát nhiều, chúng sanh ít” và “Phật, Bồ Tát ít, chúng sanh nhiều” phải nhìn từ cõi nước chư Phật, Bồ Tát đang ở. Ví như gã dân hèn ở làng quê nhỏ bé [chỉ] biết những kẻ thường dân trong làng là nhiều, trọn chẳng biết những bậc phù tá nhà vua trong nước nhà nhiều vô số, nhưng pháp thế gian chẳng đủ để làm thí dụ cho thích đáng. Sao ông chẳng thấy Hoa Tạng hải chúng đông nhiều, ngay cả số vi trần trong một cõi Phật cũng chẳng thể sánh ví [số lượng thánh chúng trong Hoa Tạng] được ư?

Phật có thể độ chúng sanh nhưng chẳng thể độ kẻ không có duyên [với Phật]. Vì thế, phải bao lượt thị hiện giáng sanh, thị hiện nhập diệt để cho chúng sanh bao phen gieo [thiện căn], bao phen chín muồi thiện căn, bao phen được độ thoát. Nhưng do chúng sanh giới vô tận nên thệ nguyện của Phật, Bồ Tát vô tận! Ông dùng tri kiến đoạn diệt để bàn luận cho nên có những câu hỏi ấy. Câu hỏi ấy tợ hồ có lý, chẳng biết đấy vẫn là tình kiến chúng sanh, chẳng mảy may biết được cảnh giới của Phật, Bồ Tát! Nếu ông có thể nhất tâm niệm Phật vãng sanh Tây Phương, ắt sẽ than thở: “Bồ Tát đông đảo, chúng sanh ít ỏi!” Vì vậy, tôi nói: Hãy nên nhìn từ chỗ Phật, Bồ Tát đang ở, đừng nhìn từ nơi chúng sanh đang ở.

8) Hỏi: Đệ tử bất luận ở chỗ nào, sáng sớm súc miệng, rửa ráy xong liền đắp y lễ bái Quán Âm Đại Sĩ đến khi tinh thần mỏi mệt liền ngồi xếp bằng trên mặt đất trì danh. Có lúc quá mệt nhọc, hễ ngồi liền hôn trầm hoặc suy tưởng loạn xạ. Cũng có lúc thân tâm thoải mái, ngồi độ nửa giờ mà cảm thấy ngắn như chỉ ngồi chừng mấy phút. Cũng có lúc tay lần xâu chuỗi mà bất ngờ xâu chuỗi từ đầu đến cuối hơn ba trăm hạt [bèn lần] xong trong khoảnh khắc, trong tâm cũng dường như xưng tụng rõ ràng, nhưng chẳng thật minh bạch lắm. Cũng có lúc trì chú, chợt quên bẵng bài chú đang trì, bất giác hồ đồ niệm tụng Phật hiệu. Những chuyện ấy rốt cuộc là cảnh giới như thế nào, rất mong thầy chỉ dạy.

Đáp: Ngồi lâu chẳng cảm thấy là lâu, niệm lâu chẳng biết là lâu, đấy chính là do tâm tịnh thần lặng mà ra. Nhưng chớ nên tưởng đó là chứng đắc, từ đấy phải nỗ lực công phu sẽ tự được tiến hơn. Nếu coi đó là chứng đắc thì do vậy cũng không thể chứng đắc được, huống chi là tiến hơn! Trì chú hôn trầm niệm Phật, niệm Phật hôn trầm trì chú, đấy chính là do ý thức thuận theo vọng tâm, chánh niệm bị chuyển biến mà ra. Những người tu sơ cơ phần nhiều gặp tình trạng này. Nếu nắm vững công phu sẽ khỏi đến nỗi điên đảo lầm loạn. Nhưng điên đảo lầm loạn như vậy vẫn là do công phu mà ra. Nếu không có công phu thì ngay cả niệm hồ đồ như vậy cũng chẳng có được, huống là rõ ràng chẳng sai lầm ư?

Ban Châu Tam Muội người đời nay không hành được. Ông nói lời ấy là do ham cao chuộng xa hay là thật vì sanh tử vậy? Nếu thật vì sanh tử thì hãy nên y theo những pháp phàm phu thường hành được. Nếu là phàm phu sát đất mà lầm lạc tính hành pháp của thánh nhân quá sức mình ắt sẽ đến nỗi bị ma dựa, ngã lòng tu tập. Xin hãy dứt trừ ý niệm ấy ngõ hầu được lợi ích!

Bộ Văn Sao của Quang về ý thì có thể chấp nhận được, nhưng văn từ chẳng đáng xem, được hai vị Khai Sĩ Viên Sơn và Cương Dã muốn lưu thông, thật hổ thẹn sâu xa! Nhưng Bồ Tát vì lợi chúng sanh, ngay cả đầu mắt còn bằng lòng xả được, huống là những lời lẽ hủ bại, nhơ bẩn của Quang được hai vị Đại Sĩ đề xướng ngõ hầu hết thảy những kẻ mới học tin tưởng, ngưỡng mộ Tịnh tông thì Quang cũng cậy vào công đức của hai vị Đại Sĩ ấy mà tiêu trừ tội nghiệp, tăng trưởng thiện căn, được vãng sanh Tây Phương, thật là may mắn không chi lớn hơn!

Phàm những sách vở nhằm hoằng dương Phật pháp đều chớ nên ghi bản quyền. Nếu ghi bản quyền thì công đức hoằng pháp chẳng cự lại tội lỗi ngăn trở lưu thông đâu! Quang bận bịu quá mức, chớ nên thường hỏi han như thế này! Chẳng những Quang học thức hữu hạn mà hiểu biết cũng chẳng được mấy, chẳng thể đáp lời. Dẫu có đáp được cũng không có tinh thần, công phu đâu!

Dụ Muội Am biên soạn Cao Tăng Truyện gồm bốn tập (ông ta làm khoa trưởng thuộc dinh tỉnh trưởng tỉnh Trực Lệ, thỉnh người khác thay ông ta biên chép, còn ông chỉ soạn đề cương đại lược, cho nên sai sót không thể kể xiết. Ngay cả phần do chính ông ta viết cũng sai lầm nhiều khôn xiết. Quang chỉ dựa theo phần ông ta viết để giảo chánh, sửa đổi, gọt giũa đại lược mà thôi! Cuốn sách [do Quang đã sửa chữa] ấy chỉ nên dùng làm bản gợi ý cho người sẽ tu chỉnh cuốn sách [của ông Muội Am] sau này mà thôi, chẳng đáng coi là bản hoàn chỉnh vậy) hoàn thành vào tháng Chín năm ngoái, đem gởi tới mong Quang hãy giảo chánh cho ông ta. Quang lấy cớ học thức nông cạn và không rảnh rỗi để từ chối, ông ta nói mong rằng trong ba năm sẽ được sửa chữa xong. Suốt cả một năm ngoái chẳng ngó tới, mùa Xuân năm nay mới nhìn đến, sách quá thiếu tinh tường, sai ngoa quá nhiều! Đọc một hai ngày, ngần ngừ hết mấy ngày! Đến ngày hôm qua mới đọc xong. Do vậy, thư ông gởi đến từ hôm Hai Mươi Ba mà mãi tới bữa nay mới trả lời. Cái chết của Hiển Ấm cũng chỉ là vì cầu được vượt trội, cầu danh, chẳng biết lắng lòng tịnh dưỡng. Nghe nói ông ta đang bệnh mà hằng ngày vẫn cứ thường bàn luận chẳng tịnh dưỡng nên mới bị kết quả ấy.

________________
[37] Ở Trung Hoa thuở xưa thường có truyền thuyết rằng: Tại Tây Vực, trước khi kết hạ an cư trong ba tháng, mỗi vị Tăng phải đúc một tượng người bằng sáp có phân lượng bằng chính mình để cất giữ. Sau ba tháng An Cư, Tăng đoàn sẽ cân người thật và tượng sáp để kiểm nghiệm xem vị ấy có giữ giới thanh tịnh không? Nếu người thật nhẹ hơn tượng sáp tức là đã không nghiêm trì giới luật trong ba tháng An Cư. Bách Trượng Thanh Quy chương tám đã biện định về vấn đề này như sau: “Tăng không tính theo tuổi mà tính theo Lạp vì khác thế tục. Trong ba thời, Tây Vực dùng một thời để an cư, cấm ngặt ra vào. Phàm Thiền, tụng, đi, ngồi đều phải thọ phải theo đúng thứ tự như giới đã thọ. [Phép an cư] được chế ra để thúc giục [Tăng chúng] siêng năng nơi đạo. Dùng ba tuần [trước khi an cư] để chuẩn bị những vật cần dùng để dưỡng cho thân tâm trong ngoài đều được yên ổn, định kỳ hạn tấn tu để khỏi bỏ lỡ thời gian, mến tiếc, bảo vệ sanh mạng loài vật cũng như thực hành lòng từ nhẫn… Do tùy theo thời tiết từng nơi mà an cư cho thích đáng nên gọi là “tọa hạ” hoặc “tọa lạp”, ý nghĩa của Giới Lạp bắt nguồn ở chỗ này. Còn như nói kiểm nghiệm người sáp (lạp nhân) xem có bị chảy hay không để xét định người an cư kiết hạ giới hạnh có còn trong sạch hay không, hoặc nói đem người sáp chôn xuống đất để kiểm nghiệm xem người an cư kiết hạ có giữ giới trọn vẹn hay không, đều là những lời quê kệch vu báng phàm tục, chẳng phải là ngoa truyền ư?” Như vậy, có lẽ do người Trung Hoa thời cổ đã lầm lẫn chữ Lạp (臘: tuổi) với chữ Lạp (蠟: sáp) nên mới có những lời ngoa truyền như vậy.

[38] Tức dấu sẹo tròn do đốt những viên hương trên đỉnh đầu khi thọ Cụ Túc Giới. Thông thường, người ta lấy hương nghiền nát trộn với bột giấy bản cho dễ cháy, hòa thành viên rồi tùy theo sự phát nguyện của người thọ giới mà đốt từ một đến mười hai viên, thông thường là ba viên, cũng có những vị không đốt.

[39] Sở dĩ Tổ nhấn mạnh chuyện đốt hương thọ giới vì thời ấy sau khi nhà Thanh bị lật đổ, nam giới Trung Hoa thôi gióc tóc đuôi sam, bắt đầu hớt tóc ngắn theo lối Âu Tây. Dân nghèo thường cạo trọc luôn cho tiện và đỡ tốn tiền hớt tóc. Do vậy, khó thể phân biệt được Tăng và Tục nếu không có dấu sẹo thọ giới.

[40] Lộc Dã (Mrgadāva) thuộc về thành phố Sārnāth hiện nay. Theo truyền thuyết đây là nơi các tiên nhân ở để tu khổ hạnh trong quá khứ nên loài nai được sống bình yên do đó có tên Lộc Dã Uyển, cũng do đây là nơi các tiên nhân thường ở nên còn gọi là Tiên Nhân Trụ Xứ. Đại Tỳ Bà Sa Luận cho biết trong đời quá khứ Phật là Tối Thắng tiên nhân, từng tu tập nơi ấy. Đây là nơi đức Phật cùng nhóm Kiều Trần Như năm người cùng tu khổ hạnh trước khi thành đạo.

[41] Đề Vị, gọi cho đủ là Đề Lý Phú Sa (Trapusa) và Ba Lợi (Bhallika) là hai vị thương nhân được phước báo cúng dường và quy y đức Phật đầu tiên sau khi Ngài mới đắc đạo. Theo Phương Quảng Đại Trang Nghiêm Kinh quyển 10, Đề Vị Ba Lợi Kinh, Thái Tử Thụy Ứng Bổn Khởi Kinh, Phổ Diệu Kinh và Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh, khi ấy, đức Phật đã thành đạo được bốn mươi chín ngày, tính đi đến Lộc Dã Uyển để độ nhóm Kiều Trần Như, giữa trưa Ngài đang tịnh tọa dưới cội cây trong rừng Đa Diễn thì thấy anh em ông Đề Vị đẩy năm trăm cỗ xe châu báu đi qua. Họ thấy Phật bèn ghé lại thưa hỏi, cúng dường lương khô lên Phật và được thọ pháp Ưu Bà Tắc đầu tiên. Hai vị này xin đức Phật ban cho vật kỷ niệm để đem về nước thờ phụng, đức Phật liền ban cho mấy sợi tóc và móng tay. Hai ông đem về nước dựng tháp cúng dường. Theo Đại Đường Tây Vực Ký quyển một, phần chép về nước Phược Yết nói: “Cách đại thành về phía Bắc hơn 50 dặm có thành Đề Vị, cách thành Đề Vị về phía Bắc 40 dặm lại có thành Ba Lợi, trong mỗi thành đều có tháp cao hơn ba trượng để thờ tóc và móng tay của Như Lai”. Người Miến Điện tin tưởng những sợi tóc này đã được đưa sang thờ tại chùa Shwedagon ở Ngưỡng Quang (Yangon, hoặc Rangoon), Miến Điện.

[42] Thúc Tu là thịt muối hay thịt khô được bó chặt lại, thường được dùng thay cho học phí thuở xưa.

[43] Hoàng Quyển Xích Trục: Đôi khi còn gọi là Hoàng Quyển Châu Trục hoặc Hoàng Chỉ Châu Trục. Do thời cổ nhằm tỏ ý trân trọng, kinh được chép trên một tờ giấy dài màu vàng, hai đầu có gắn trục sơn son để cuộn lại cho dễ bảo quản. Sơn son vừa nhằm mục đích trang trí cho đẹp, vừa cho dễ thấy, để chỉ nắm lấy hai đầu trục mà mở ra từ từ, không làm rách giấy. Phong tục này không biết bắt nguồn từ thời nào, có thuyết cho rằng từ thời Trinh Quán (627-649) nhà Đường, vua ban chiếu chép kinh lên giấy nhuộm nghệ vàng để khỏi bị mối mọt cắn. Từ đấy về sau, kinh thường được chép trên giấy có màu vàng. Cũng có truyền thuyết cho rằng năm Vĩnh Bình 14 (630) đời Hán Minh Đế, vua chấp thuận lời thỉnh cầu của bọn đạo sĩ cho phép dùng lửa thí nghiệm xem kinh Phật hay kinh Đạo giáo kinh nào cao quý hơn. Rốt cuộc kinh của Đạo giáo cháy tan thành tro, chỉ còn kinh Phật bị khói hun nên ngả sang màu vàng. Do đó, kinh Phật được gọi là “hoàng quyển” từ đó.
 
Trích từ: Ấn Quang pháp sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Những câu chuyện linh ứng về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát Tập 1, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
3 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 1, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Kinh Đại Bát Nhã - Tập 01, Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm Tải Về
5 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao (Tăng Quảng Chánh Biên), Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Pháp Uyển Châu Lâm Tập 1, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản Tải Về
9 Ấn Quang Đại Sư Khai Thị Tại Pháp Hội Hộ Quốc Tức Tai Ở Thượng Hải, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
10 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 Ấn Quang Pháp Sư Gia Đình Giáo Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Tiểu Sử Danh Tăng Tập 1, Hòa Thượng Thích Đồng Bổn Tải Về
13 Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
14 Khai Thị Của Hòa Thượng Diệu Liên Tập 1, Linh Nham Tùng Thư Tải Về
15 Đại Trí Độ Luận Tập 1, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu Tải Về

Sự Thọ Sanh Của Thân Trung Ấm Nơi Sáu Đường Ba Cõi
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang

Hàng Phụ Nhân Khi Sanh Sản Nên Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang

Phạm Vi Cõi Cực Lạc
Hòa Thượng Thích Trí Thủ