Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Hoang-Phap-Coi-Trong-Pham-Duc
(Buổi sáng 14-4-99)

Nói đến việc hoằng pháp, tuy kỹ xảo giảng kinh quan trọng nhưng tu dưỡng phẩm đức càng quan trọng hơn.  Nếu chẳng có đức hạnh, cho dù giảng đến mức ‘hoa trời rơi lả tả’ cũng chẳng có ích gì hết, vẫn dối mình dối người như cũ, tạo tác ác nghiệp, đến cuối cùng vẫn phải đọa lạc.  Do đó phải coi trọng phẩm đức tu dưỡng, thực sự buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ ngũ dục lục trần, trong cảnh duyên có thể làm được không khởi tâm, không động niệm, như vậy mới chân chánh là đệ tử của Như Lai, mới có thể gánh vác sứ mạng hoằng pháp, tự lợi lợi tha.

Trong việc bồi dưỡng đức hạnh cơ bản nhất là Tam Phước dạy trong Quán Kinh.  Ðiều đầu tiên trong Tam phước bao gồm ngũ giới thập thiện, đây là căn bản.  Có đức hạnh mới được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ.  Nếu phá giới, tâm niệm chẳng thiện, dù giảng kinh có giỏi đi nữa, pháp duyên có thù thắng hơn nữa thì xung quanh chỉ là yêu ma quỷ quái mà thôi, sau cùng chắc chắn sẽ thất bại.  Kinh Lăng Nghiêm nói tâm tà, hạnh tà thì Ma sẽ có cơ hội, chí đồng đạo hiệp cùng Ma thì Ma sẽ nhập vào người.  Bạn cũng có thể nói lời thiện, thậm chí cũng có chẳng ít thần thông, rất có thể dụ hoặc được người.  Cùng Ma hợp tác, vẫn như cũ chẳng thể thoát ly cảm tình, Ma chẳng phải thánh nhân, thời gian hợp tác dựa trên tình cảm lâu rồi sẽ chán chường; đến lúc chán chường thì Ma sẽ rời khỏi, khả năng của bạn sẽ hoàn toàn mất hết, chắc chắn sẽ gặp vương nạn.  Vương nạn tức là phạm pháp, phải chịu pháp luật trừng trị, phải chịu dư luận xét xử.

Kinh Lăng Nghiêm nói năm mươi thứ Ấm Ma (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là ngũ ấm, mỗi ấm có mười thức, cộng lại thành năm mươi Ấm Ma)  Mỗi loại đều vô lượng vô biên.  Trong xã hội hiện nay chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng, rất minh bạch.  Mở kinh Phật ra giống như nói về sự thật của chúng ta ngày nay.  Chúng ta tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài đều là ma cảnh, thế nên trong hoàn cảnh như vậy muốn đứng vững, tu hành chứng quả thì thật sự chẳng dễ.

Cho nên các đại đức thời xưa xây đạo tràng đều chọn những nơi núi cao, người ta ít đến, mục đích là để tránh sự quấy nhiễu của ngoại duyên.  Tâm người sơ học vẫn còn chưa định, định lực chẳng đủ, khi tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài chẳng tránh khỏi bị ảnh hưởng, thế nên đạo tràng cách thôn xóm rất xa, trong kinh gọi những nơi này là ‘A Lan Nhã’, nơi người tu hành cư trú.  Phàm phu chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, ‘tâm chuyển theo cảnh’ cho nên phải lựa chọn hoàn cảnh tốt đẹp; nếu tự mình có công phu, ‘cảnh chuyển theo tâm’ thì không sao cả.  Thế nên cổ đức bảo hộ những người sơ học rất chặt chẽ, dụng tâm vô cùng châu đáo.  Nhưng xã hội ngày nay, kỹ thuật thông tin phát đạt, giao thông thuận tiện nhanh chóng, muốn kiếm một đạo tràng chân chánh thanh tịnh để tu hành rất khó.

Chúng ta làm công tác giáo dục xã hội, nhất định phải hiểu rõ người xuất gia học Phật diễn vai trò gì trong xã hội.  Mặc y phục này, người ta xưng bạn bằng pháp sư, ‘sư’ là gương mẫu của quần chúng, mô phạm của nhân dân.  Chúng ta giảng kinh hoằng pháp, chủ đề là ‘Học vi nhân sư, Hành vi thế phạm’, tự mình phải thường suy nghĩ sự khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của mình có thể làm gương tốt, mô phạm hoàn hảo cho xã hội đại chúng hay chăng; nếu chẳng thể thì tuyệt đối đừng làm, không thể tưởng, không thể nói.  Tám chữ này là do các giáo sư trường Ðại Học Sư Phạm Bắc Kinh cùng chung phác thảo, định ra.  Tám chữ này chính là ‘Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh’; mỗi vị thiện tri thức trong kinh Hoa Nghiêm đều làm thầy, làm mô phạm cho chúng sanh.

Trong thời đại hiện nay chẳng có ai ràng buộc bạn, chỉ có mình tự ràng buộc mình.  Người hiện nay chẳng ai chịu bị ràng buộc nên cha mẹ không thể dạy dỗ con cái, thầy giáo chẳng thể răn dạy học trò.  Làm theo vọng tưởng, chấp trước của mình thì làm sao có chuyện chẳng tạo tội nghiệp cho được.  Ðã tạo tội nghiệp thì làm sao tránh được khổ nạn?  Mọi người ai cũng đều tạo tội nghiệp nên sẽ cảm lấy cộng nghiệp; tai nạn toàn thế giới là cộng nghiệp của nhiều người.  Người học Phật hiểu rõ trong cộng nghiệp có biệt nghiệp, trong biệt nghiệp có cộng nghiệp.  Chẳng phải chỉ có người học Phật phải suy tư về việc này, rất nhiều nhà tôn giáo đều có giác ngộ rất sâu đậm.  Tuy nhiên tín ngưỡng và hoằng dương tôn giáo khác nhau, chúng ta đều nhận thức như vậy, tự mình phải làm cách nào mới giảm nhẹ được một phần khổ nạn cho chúng sanh, đây là sự thật.  ‘Ðụng một sợi tóc liền động đến toàn thân’, hư không pháp giới là toàn thân, đụng một sợi tóc tức là khởi một tâm niệm, khoa học gia nói về hiện tượng làn sóng (ba động).  Khởi một tâm niệm tức là phát ra một làn sóng, làn sóng này trong một sát na liền lan rộng đến trọn khắp pháp giới.

Sự cảnh giác của một người chân chánh học tập kinh Vô Lượng Thọ đúng ra phải cao hơn phần đông những người khác.  Trong kinh nói nhân số của tây phương Cực Lạc thế giới chẳng có cách chi tính đếm nổi, mức độ rộng lớn của thế giới Cực Lạc cũng chẳng có cách chi đo lường được.  Người ở mười phương thế giới vãng sanh về thế giới Cực Lạc thì bản năng đều khôi phục trở lại, thiên nhãn nhìn thấu suốt, thiên nhĩ nghe trọn hết, tha tâm đều biết, khi chúng sanh ở tận hư không trọn khắp pháp giới khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác thì người ở Cực Lạc đều rõ ràng, minh bạch.  Thế nên chẳng phải chỉ có nhà Nho nói: ‘Mười con mắt đều thấy, mười tay đều chỉ’.  Ðừng tưởng là mình khởi một tâm niệm ác, làm một việc xấu thì chẳng có ai biết, có thể dấu người khác.  Thật ra thì chỉ có thể dấu những người ngu si, ngay cả người thế gian thông minh trí huệ cũng chẳng dấu nổi, huống chi là thiên địa quỷ thần, chư Phật, Bồ Tát!  Nếu có thể cảnh giác như vậy thì tự nhiên sẽ tự kềm chế mình, tâm hạnh mới chánh trực.  Tâm hạnh có chánh trực thì dù cho có kiếp nạn to lớn, có cộng nghiệp, tự mình chẳng thể tránh cũng không sao, chắc chắn sẽ có chỗ tốt dành sẵn cho mình trở về.  Chúng ta buông bỏ thế gian ô uế này, một số tôn giáo thường nói đến việc lên thiên đường, Phật giáo nói đến sự vãng sanh Cực Lạc thế giới còn thù thắng hơn nữa.  Thế nên tiền đồ vô cùng tươi sáng đều ở tại một niệm của mình.

Chúng ta có duyên gặp được cơ hội này, chỉ cần nắm chắc cơ hội thì đời sống của mình sẽ hạnh phúc, tự tại, không gian sinh hoạt ngày càng rộng lớn, đây chẳng phải là ảo tưởng mà là sự thật, chỉ cần tu học đúng như lý như pháp, ngay trong đời này nhất định sẽ đạt được, đầu mối đều ở nơi bản thân mình, chẳng do người khác.  Bởi vậy nên tự mình phải biết kiểm điểm, tự kềm chế, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác chẳng trái ngược với lời dạy của Phật, hết lòng nỗ lực học tập, như vậy mới chẳng cô phụ Phật, Bồ Tát, chẳng cô phụ chính mình.  Có được thân người, có thể gặp được Phật pháp, duyên phận này vô cùng hiếm có, tại sao chẳng học theo chuyện tốt?  Hai con đường ở trước mặt, một là thiên đường, hai là địa ngục, tại sao chẳng lên thiên đường, tại sao cứ xuống địa ngục?  Hy vọng chúng ta cùng nhau khích lệ.
 
Trích từ: Ý Nghĩa chân thật của Bổn Nguyện Niệm Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Học Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận Tải Về
2 Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
3 Phật Học Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Đức Trí Tải Về
4 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
5 Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, Hòa Thượng Thích Trung Quán Tải Về
6 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
7 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
8 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
9 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
10 Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
11 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
12 Phật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
14 Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật, Cư Sĩ Tịnh Mặc Tải Về
15 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về

Hoằng Pháp
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Hoằng Nguyện và Ðại Hạnh
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh