Tại sao Ấn Quang Đại Sư chẳng cho người khác coi nhiều kinh giáo? Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa | Xem: 207


Câu Hỏi

Trước kia, hậu học đọc Ấn Quang Văn Sao sanh lòng tin, cho nên đối với ngôn giáo của Ngài không gì chẳng coi như Pháp Bảo, nhưng tôi thấy Ngài chẳng cho người khác coi nhiều kinh giáo, có xem thì chỉ giới hạn trong kinh luận Tịnh Độ, đối với điều này chẳng thể không nghi ngờ. Bởi lẽ, đại sư Tông lẫn Giáo đều thông, cớ sao chẳng chấp thuận người khác cầu thông Tông thông Giáo, há có phải là bậc Bồ Tát hoằng dương Tịnh Độ nên làm như thế ư? Hay là vì thời Mạt Pháp căn tánh con người kém hèn, chỉ có trì danh mới khế cơ? (Chung Quán Tĩnh hỏi)

Trả Lời

“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” là thánh huấn, lẽ nào chẳng cho phép người khác xem nhiều kinh giáo? Còn như chỉ hạn cuộc trong kinh luận Tịnh Độ, cũng không phải là [Tổ bó buộc phải tuân thủ] như thế; nhưng trong khi hỏi đáp, nếu Tổ nói như vậy thì do nguyên cớ nào? Đều là tùy thuận căn cơ mà tiếp dẫn, Tổ sợ kẻ ấy đọc kinh sách tràn lan, hiểu sai be bét, không chỉ vô ích, mà còn có hại. Thử nêu thí dụ như: “Phiền não tức Bồ Đề, sanh tử tức Niết Bàn”, “Ma tới giết ma, Phật đến giết Phật”, “tâm chẳng dính dáng đến đạo”, “chẳng tu, chẳng chứng” v.v... Những ý chỉ ấy, kẻ sơ cơ làm sao liễu giải được! Đối với các thứ giáo nghĩa, đức Thế Tôn pháp vương còn chia thành năm thời để diễn giảng, nên biết là đức Phật đã thuận theo căn cơ mà phân chia thứ tự. Pháp là thuốc, ắt phải ứng theo căn bệnh mà cắt thuốc vậy!
 

Trích từ: Phật Học Vấn Đáp Loại Biên