Ðại: Ðại là gì? Ðại là trái với tiểu, nhưng ở đây "đại" mà "vô ngoại," nghĩa là chẳng có gì lớn hơn nữa. "Ðại" ở đây là thể của pháp, đồng thời cũng là Phật tánh của chúng sanh. Ðó là "đại nhi vô ngoại," "tiểu nhi vô nội," bao trùm tận thư không gồm hết pháp giới. Do đó nói rằng Ðại Thế Chí Bồ Tát làm một động tác như đưa tay lên hoặc bước tới một bước, thì thập phương thế giới đều rúng động. Uy lực của Ngài vô cùng lớn lao, cho nên gọi là "Ðại Thế Chí." Bởi vậy khi Ngài di động, cả mười phương thế giới đều rúng động. Có người thắc mắc: "Ngài thường đi đây đi đó hay không?"
Quý Phật tử chớ nên bận tâm về việc này, vì một khi Ngài Ðại Thế Chí di chuyển thì thập phương thế giới thường chấn động, do đó Ngài thường ở trong đại định. Tuy nhiên, mặc dù Ngài nhập định nhưng Ngài vẫn có mặt cùng khắp, hào quang của Ngài chiếu sáng cùng khắp, trí tuệ của Ngài cũng ở cùng khắp. Quý Phật tử cũng chẳng nên nghĩ rằng: "Oh!" "Ngài Ðại Thế Chí Bồ Tát nhất định là một vị rất quê mùa, thô lổ. Nếu không như thế thì bước chân của Ngài đâu có thể làm chấn động thập phương thế giới? Nhất định bước chân của Ngài rất nặng nề."
Chẳng phải như thế đâu. Không phải bước chân của Ngài nặng nề như quý vị suy đoán. Quý vị không nên lấy cái tri kiến của phàm phu mà suy đoán Thánh nhơn. Chẳng qua là oai đức của Ngài làm chấn động thập phương thế giới. Không những Ngài có oai đức to tát như vậy mà Ngài còn có thể dùng năng lực của mình để khiến cho thập phương thế giới được bình an vô sự, chẳng có mảy may chấn động. Cho nên mặc dù Ngài có năng lực như vậy nhưng chưa hẳn Ngài mang quyền lực này ra sử dụng, đó là Ðại Thế Chí Bồ Tát.
Vừa qua tôi đã giảng nghĩa ba chữ "Ðại Thế Chí." "Bồ-tát" là gì? "Bồ-tát" là "bồ dã, giác dã, tình dã." Tức là giác hữu tình. Nói đầy đủ là Bồ Ðề Tát Ðỏa, phạn ngữ là Bodhisattva. Bồ-tát là bậc giác ngộ trong số chúng sanh, cũng có thể nói rằng Bồ-tát là chúng sanh đã giác ngộ. Làm sao có thể nói Bồ-tát là bậc giác ngộ từ trong chúng sanh? Bồ-tát vốn cũng là chúng sanh như quý vị, như tôi. Chẳng qua là Bồ-tát nguyện phát bồ đề tâm, dũng mãnh tinh tấn, hành Bồ-tát đạo, - xả những gì mà người khác không thể xả bỏ được, nhẫn những gì mà người khác không thể nhẫn được, làm những gì mà người khác không thể làm được, và đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Vì Bồ-tát làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh cho nên mới được giác ngộ, và là một bậc giác ngộ trong số chúng sanh chúng ta.
Bồ-tát vốn chẳng khác gì chúng ta. Chẳng những Bồ-tát giống như chúng ta, mà ngay cả Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn sanh đi sanh lại nhiều kiếp ở nhân địa, thì Ngài cũng là chúng sanh như quý vị, như tôi. Hiện giờ tôi, quý vị và hết thảy chúng sanh đều là chư Phật trong vị lai, cho nên Phật xem hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, đều là chư Phật trong vị lai. Quán sát như vậy nên Ngài xem hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, do đó đối với mỗi chúng sanh Ngài đều có tâm hiếu thuận. Ngài xem mỗi chúng sanh đều là Phật trong vị lai, do đó Ngài có lòng cung kính đối với mỗi chúng sanh. Ðối với tất cả chúng sanh Ngài vừa có tâm cung kính vừa có tâm hiếu thuận.
Cho nên Ngài đối xử với hết thảy chúng sanh rất bình đẳng, nhìn chúng sanh với đôi mắt từ bi, và cũng trên phương diện này, Bồ-tát là bậc giác ngộ trong chúng sanh. Lại nữa, Ngài mang đạo lý mà Ngài giác ngộ được ra giáo hóa chúng sanh, khiến hết thảy chúng sanh cũng đều giác ngộ như Ngài để được lợi ích, cho nên gọi đó là "tự lợi, lợi tha." Vừa qua tôi đã giải thích đại khái về Bồ-tát.
"Niệm Phật." Tôi xin quý vị hãy nhận thức rõ ràng hai chữ "Niệm Phật" trong chương "Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông." Ý nghĩa của Kinh văn chẳng phải là Ngài Ðại Thế Chí Bồ Tát được thỉnh cầu niệm Phật, mà là Ðại Thế Chí Bồ Tát hiện thân thuyết pháp, dạy chúng ta và hết thảy chúng sanh rằng: "Tôi nhờ pháp môn Niệm Phật mà đắc viên thông. Nếu người nào y theo phương pháp này tu hành thì khả dĩ cũng đắc viên thông." Ngài đã đắc viên thông, Ngài muốn hết thảy chúng sanh đều đắc viên thông như Ngài.
Cho nên "Niệm Phật" ở đây chẳng phải chính Ngài Ðại Thế Chí niệm Phật, vì Ngài đã "Niệm vô sở niệm," - chẳng niệm mà niệm, niệm mà không niệm. Ngài đã đạt mức viên thông này và nhiều kinh nghiệm về pháp môn niệm Phật. Cho nên Ngài dạy chúng ta và hết thảy chúng sanh rằng: "Quý vị có biết chăng? Tôi từ con đường Niệm Phật mà đến. Phương pháp này giúp tôi đắc viên thông, nay tôi truyền cho quý vị, quý vị có thể dùng pháp môn Niệm Phật này mà đắc viên thông."
Trích từ: Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng