Phật Học Vấn Đáp

Tu hành ở đạo tràng thì phải nên như thế nào mới có thể vãng sanh Thế giới Cực Lạc nhanh nhất ?

8/14/2022 8:39:56 AM

Thật sự muốn nhanh nhất, Kinh Phật có lý luận này, lý luận này chính là buông xuống vạn duyên. Bạn thật sự buông được xuống, không những vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, mà bạn còn thành Phật, còn thù thắng hơn vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc! Bạn hãy xem Đại sư Lục Tổ Huệ Năng của thiền tông, chỉ sau một câu nói, Ngài đã có thể buông xả hết thảy vọng tưởng phân biệt chấp trước. Phàm phu thành Phật, theo lý luận mà nói chính là trong một niệm. Một niệm giác thì phàm phu thành Phật, tai nạn nào cũng không còn nữa. Vấn đề là bạn không giác, vọng tưởng phân biệt chấp trước của bạn chưa buông xuống, cầu nhanh chóng vãng sanh, có phải là đang bị vọng tưởng, phân biệt, chấp trước làm chủ hay không? Vậy thì bạn là tâm phàm phu, tâm luân hồi, không tương ưng với Thế giới Tây Phương Cực Lạc, việc này không phải là bạn muốn đi là đi được, muốn thành tựu là thành tựu được. Ai nấy đều muốn đi, vì sao không đi được? Bạn phải hiểu lý. Cách nghĩ của bạn phải như lý như pháp, vậy thì đúng rồi; cách nghĩ của bạn không như lý, không như pháp thì suy nghĩ này là vọng tưởng.

Người căn tánh trung hạ, không đoạn được phiền não tập khí, không đoạn được thì mới dạy bạn: “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Bạn thật chịu làm, đây là những trường hợp chúng ta nhìn thấy ở người xưa, chúng ta xem thấy ở trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục”, nhìn thấy trong “Vãng Sanh Truyện”, rất nhiều người niệm Phật đại khái là ba năm, họ thật sự vãng sanh, vãng sanh biết trước ngày giờ, đó là thật. Cho nên có rất nhiều đồng tu hỏi tôi, vậy thì thọ mạng của họ vừa đến ba năm thì đã hết rồi, điều này theo logic thì nói không thông, đâu có việc trùng hợp như vậy! Một người, hai người ngẫu nhiên thì còn có thể; nhiều người như vậy thì không thể nào. Vậy phải nên giải thích thế nào? Phải nên nói là ba năm, họ niệm đến công phu thành phiến, có thể niệm đến công phu thành phiến thì có thể tự tại vãng sanh. Tuy có tuổi thọ nhưng không cần nữa, tôi muốn đi sớm hơn, vậy mới có thể nói được thông. Giống như Oánh Kha thời nhà Tống, đúng là ông niệm Phật thành khẩn tinh tấn, không có tạp niệm, không có hoài nghi, không có tạp niệm, niệm niệm liên tục không ngừng, mặc dù chỉ niệm được ba ngày nhưng điều kiện niệm Phật ông có đủ, không hoài nghi, không xem tạp, không gián đoạn, ông niệm ba ngày thì A Di Đà Phật đến. A Di Đà Phật nói với ông: “Ông còn mười năm dương thọ, mười năm sau ta đến tiếp dẫn ông”. Nhưng Pháp sư Oánh Kha buông bỏ rồi, ông nói: “Con không cần mười năm dương thọ nữa, bây giờ con muốn đi với Ngài”. A Di Đà Phật cũng đồng ý, ba ngày sau đến tiếp dẫn ông. Ba ngày sau quả nhiên Phật đến tiếp dẫn ông đi, ông cũng không sanh bệnh. Đây là điều mà trên Kinh Phật nói, trong “Kinh A Di Đà” đã nói “hoặc một ngày đến bảy ngày”, ông là ba ngày. Cho nên chỉ cần bạn làm được không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn thì đây là tịnh niệm tương tục mà Bồ Tát Đại Thế Chí đã nói. Bạn có nghi hoặc thì tâm của bạn không thanh tịnh, bạn có vọng niệm xen tạp ở trong đó, công phu của bạn bị phá hoại rồi, cho nên không thể thành tựu.

Học Phật nếu muốn thành tựu thì không có gì khác, nhất định phải buông xuống! Trong Kinh đã nói được rõ ràng đến như vậy, buông xuống vọng tưởng phân biệt chấp trước thì bạn vốn dĩ là Phật, không cần phải đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn đã thành Phật rồi. Là bởi vì chúng ta nói thật ra là không buông xuống được, nơi này không buông xuống được, chúng ta đến Thế giới Cực Lạc mới buông, là thay đổi hoàn cảnh. Vậy bạn đến Thế giới Cực Lạc thì mức độ thấp nhất phải buông xuống được một phần chấp trước, chấp trước quá nhiều, không buông xuống được, bạn có thể buông xuống ít phần là được rồi, đây gọi là Đới nghiệp vãng sanh. Vẫn còn chấp trước kiên cố đến như vậy thì không có cách nào. Chấp trước tạo thành lục đạo luân hồi, chấp trước kiên cố thì tạo thành tam đồ địa ngục. Vậy có chỗ nào tốt chứ? Việc này nhất định phải là tôi làm, không phải tôi thì không được, đây là tâm địa ngục, đó là ý niệm địa ngục. Tâm Bồ Tát không phải là như vậy, hết thảy chúng sanh đều là Phật, hết thảy chúng sanh đều có trí huệ đức tướng. Ta làm được thì người khác cũng làm được, người khác có thể làm còn tốt hơn, họ tạo phước, ta hưởng phước, một người giác ngộ thì quá quý rồi. Cho nên hiểu rõ lý rồi thì vấn đề tự nhiên dễ giải quyết thôi; không hiểu rõ lý thì giải quyết vấn đề sẽ khó khăn.

Ở Đạo tràng, cố gắng phải nên vì Đạo tràng mà phục vụ, bởi vì trong “Kinh Di Đà” có câu nói: “Không thể lấy chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh nước đó”. Phục vụ ở Đạo tràng là tích lũy Công đức, Phước đức này làm tăng thượng duyên cho bạn. Đạo tràng không có những người tu phước này thì Phật pháp không thể tồn tại. Ví dụ nói các bạn đồng học hiện nay ở nơi đây đều muốn học Kinh giáo, nếu đạo tràng này không có người Hộ trì thì đạo tràng này sẽ giải tán, duyên này sẽ không còn nữa. Cho nên chúng ta phải xem trọng người Hộ trì đạo tràng, là vị thầy nương tựa của chúng ta, chúng ta nương vào họ, không có người nương tựa như vậy thì đúng là chúng ta không có cách gì thành tựu. Tôi là có Lão sư chỉ điểm, nhờ Lão sư chỉ đường, khi đi đường thì sự giúp đỡ chính là nương vào Hộ pháp. Cho nên tôi cảm tạ Quán trưởng Hàn Anh, bà hộ trì cho tôi ba mươi năm, tôi không phải lo lắng chút nào về hoàn cảnh sinh sống của tôi, vậy bạn mới có thể một lòng hướng đạo, mới có thành tựu. Không có hoàn cảnh này thì không có cách gì, bạn làm sao thành tựu được? Cho nên Đạo tràng này thật sự có người phát tâm đến hộ trì Đạo tràng này, cho dù chính họ không thành Phật được thì khi các bạn đều thành Phật rồi, bạn nói xem bạn có phải báo đáp ân của họ không? Bạn có phải giúp họ thành tựu không? Đây là đạo lý tất nhiên, đâu có Phật Bồ Tát nào là vong ân phụ nghĩa đâu! Cho nên họ nhất định cũng có thể thành tựu, người đồng tâm ấy, tâm đồng lý ấy, chúng ta hiểu được đạo lý này.

Phật pháp có thể trụ ở thế gian hay không, không phải là ở người giảng Kinh, mà là ở người Hộ pháp, cho nên công đức hộ pháp là lớn hàng đầu! Tự Viện Am Đường là trường học, Hộ pháp là Hiệu trưởng, là người chấp sự ở trong đó, người hoằng pháp chúng ta là học trò, từ học trò dần dần nâng lên đến thầy giáo, giáo viên. Giáo viên vẫn là cần nhà trường đến mời bạn thì bạn mới có cơ hội ở trong đây dạy học. Nếu nhà trường không mời bạn thì bạn là giáo viên giỏi cỡ nào cũng không có đất dụng võ. Bạn mới hiểu được, pháp trụ ở thế gian này thì công đức là của ai? Trước đây, Thích Ca Mâu Ni Phật giao công việc Hộ pháp cho Quốc vương Đại thần, họ có thế lực; giao cho cư sĩ trưởng giả đại đức, họ rõ lý. Cho nên bạn hãy xem Phật giáo, từ xưa đến nay ai hộ pháp? Quốc gia hộ pháp, Đế vương hộ pháp, cho nên pháp này mới có thể ở thế gian lâu dài. Không có những Hộ pháp này, Phật pháp đã diệt rồi. Cá nhân tu học đa phần đều biến thành học giả Phật học, Phật học gia, điều đó không liên quan gì đến liễu sanh tử, nó biến chất rồi, Phật pháp biến thành thế gian pháp rồi. Phải biết điều này.

Ngày nay Phật pháp ở thế gian này, đúng là đã đi đến bờ vực của sự sống còn, ai có thể cứu được thì Công đức này vô lượng vô biên, tuyệt đối không kém hơn Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa sáng lập ra Phật giáo. Người này chính là Phật Bồ Tát tái lai, không phải là người thông thường. Người thông thường không làm được, người thông thường có tự tư tự lợi, người thông thường có danh văn lợi dưỡng. Họ cái gì cũng là lấy tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng làm tiêu chuẩn để đo lường, vậy thì Phật pháp sẽ không hưng vượng. Phật Bồ Tát là vì chánh pháp trụ lâu dài, là vì kế thừa huệ mạng Phật, là vì cứu độ chúng sanh khổ nạn, dụng tâm đó hoàn toàn không giống nhau, không có một mảy may tư tâm, hơn nữa các Ngài có đại phước báo.

Bản thân tôi cả đời này, từ nhỏ khi chưa học Phật thì rất nhiều người xem tướng đoán mệnh đã nói với tôi, cả đời của tôi không có phước báo, đời trước không tu phước, trong ba loại bố thí thì không tu bố thí tài, không tu bố thí vô úy, không những không có phước báo, mà còn không có thọ mạng, là đoản mạng. May mà có một chút bố thí pháp, có một chút thông minh trí huệ, cho nên tiếp xúc với Phật pháp có thể lý giải, có thể tin, có thể giải. Lão sư dạy tôi bù đắp những thiếu sót trong quá khứ, dạy tôi phải nghiêm túc tu bố thí tài, tu bố thí vô úy, chính là tài, pháp, vô úy ba loại bố thí này phải nghiêm túc đi làm. Đúng vậy, chính mình cả đời này tu đến hơn bảy mươi tuổi, mới có được một đạo tràng, ở đây các vị biết là đạo tràng ở Úc Châu. Mặc dù Phật pháp không phải là khởi đầu ở Trung Quốc, nhưng Trung Quốc kế thừa, Ấn Độ không có kế thừa. Ngày nay ở trên toàn thế giới khi nói đến Phật pháp là Phật pháp ở Trung Quốc. Đạo tràng của chúng tôi là ở nước ngoài, chính mình tu hành thì không có vấn đề gì. Nếu muốn Phật pháp ở thế gian này phát dương quang đại, phổ độ chúng sanh, thì hoàn cảnh ở Trung Quốc thù thắng hơn nhiều so với hoàn cảnh ở nước ngoài, cho nên vẫn là nghĩ đến quay về Trung Quốc. Nếu duyên ở Trung Quốc không chín muồi thì chỉ nên ở Úc Châu, duyên ở Úc Châu là thật sự chín muồi rồi. Ở bên đó chính mình tu hành, dạy học đều không chướng ngại, chính phủ Úc hoan nghênh, quan hệ của chúng tôi vô cùng tốt. Ở Trung Quốc tôi biết mình không có phước, cho nên tôi không thể làm trụ trì, tôi không thể làm Hội trưởng hội Phật giáo, tôi quay về là thân phận bình dân, ở trong Chùa là thân phận thanh chúng. Cho nên phải nương vào đại chúng, phải nương vào Phương trượng, Trụ trì và những đại chúng chấp sự trong chùa hộ trì, họ không hộ trì thì tôi không có chỗ đứng, cả đời phiêu bạt, đến già vẫn là phiêu bạt. Tôi hiểu rất rõ về chính mình, cho nên những điều tôi nói, tôi biết bao nhiêu đều nói ra hết, vì sao vậy? Sợ sau này không có cơ hội. Đặc biệt là người tám mươi tuổi trở lên, các vị phải hiểu là lúc nào cũng có thể ra đi, đối với thế gian này không có một mảy may lưu luyến, lúc nào cũng có thể đi. Tôi tuyệt đối không nói tôi vẫn muốn sống bao nhiêu năm, không có sự việc này.

Tôi giảng “Kinh Hoa Nghiêm”, nếu các bạn là người biết nghe thì mỗi buổi giảng tôi đều giảng viên mãn “Kinh Hoa Nghiêm”, vì sao vậy? Nói hết lòng hết dạ vì lợi ích đại chúng. Người biết nghe đúng là có thể làm tăng thượng duyên để họ khai ngộ; người không biết nghe thì trồng thiện căn. Cho nên điều quan trọng nhất với các đồng học, người thành công trong thế xuất thế gian không có gì khác, là nhận ra cơ duyên, nắm bắt lấy cơ duyên thì thành tựu. Sau khi đánh mất cơ duyên rồi thì lần tới gặp lại cũng không dễ dàng, không biết đến đời nào kiếp nào nữa. May mà trong nước đúng là có đại thiện tri thức, có người nhận biết cơ duyên, có người nắm được cơ duyên, chúng tôi tin là người như vậy ở nước ta càng ngày càng nhiều, cho nên đất nước có tiền đồ, có hi vọng. Rõ ràng nhất là chúng tôi ở Sơn Đông nhìn thấy, chúng tôi ở Thang Trì Lô Giang, ở những nơi này lãnh đạo cũng vô cùng hiếm có, đạo tràng này phải nương vào các vị hộ trì, điều này quan trọng hơn bất cứ điều gì. Người lãnh đạo quan tâm chăm sóc bạn, chính bạn không nghiêm túc nỗ lực tu học, không như pháp, bạn không thể trách người khác.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Cực Lạc        Giới        Vãng Sanh        Tu Hành       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Trở Lại Trang Câu Hỏi